PHẦN 1 – ÔN TẬP
TIẾT 1 - 2
1. Dựa vào mỗi đoạn trích dưới đây, nói tên bài đọc.
Bạn có thấy lạ không
Mỗi đứa mình một khác
Cùng ngăn nga câu hát
Chẳng giọng nào giống nhau.
"Các em đã tạo dựng cho mình một phong cách độc đáo, không ai bắt chước ai."
Thằn lằn xanh trở về với cái cây của mình và thích thú đi kiếm ăn vào ban ngày. Tắc kè quay trở lại bức tường thân yêu và vui vẻ đi tìm thức ăn vào buổi tối.
"Thực ra ở bất cứ đâu cũng có những điều để chúng ta học hỏi. Như ở ngay bên sông này, anh được gặp rất nhiều thuyền từ khắp nơi đổ về."
"Tại sao mình không thể trở thành một tay trống nhỉ?" - Cô bé khẽ hỏi những con sóng xô bờ.
“Đúng rồi, mỗi loài hoa có một vẻ đẹp riêng con ạ. Con người cũng vậy."
2. Nêu ngắn gọn nội dung của 1 – 2 bài đọc dưới đây:
Tiếng nói của cỏ cây | Tập làm văn | Nhà phát minh 6 tuổi | Con vẹt xanh | Chân trời cuối phố | Trước ngày xa quê |
3. Đọc lại một bài đọc trong chủ điểm Mỗi người một vẻ hoặc Trải nghiệm và khám phá, nêu chi tiết hoặc nhân vật em nhớ nhất.
4. Tìm danh từ chung và danh từ riêng trong các câu ca dao dưới đây và xếp vào nhóm thích hợp.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai qua Nông Cống tỉnh Thanh
Dừng chân nhớ Triệu Thị Trinh anh hùng.
Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sầu
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Danh từ chung | Danh từ riêng | |||
Chỉ người | Chỉ vật | Chỉ hiện tượng | Tên người | Tên địa lí |
5. Nghe - viết
Đi máy bay Hà Nội – Điện Biên
Từ trên máy bay nhìn xuống, phố xá Hà Nội nhỏ xinh như mô hình triển lãm... Những ô ruộng, những gò đồng, bãi bờ với những mảng màu xanh, nâu, vàng, trắng và nhiều hình dạng khác nhau gợi ra những bức tranh giàu màu sắc. Núi Thầy, rồi núi Ba Vì, sông Đà, dãy núi Hoà Bình,... triền miên một dải miền tây ẩn hiện dưới làn mây lúc dày lúc mỏng.
(Theo Trần Lê Văn)
TIẾT 3 - 4
1. Dựa vào từng gợi ý dưới đây, nói tên bài thơ và tên tác giả. Đọc một đoạn thơ hoặc một bài thơ em thuộc.
(1)Bài thơ chia sẻ niềm vui và những khó khăn trong hành trình học chữ của các bạn nhỏ vùng cao.
(2)Bài thơ là câu chuyện của một chú gà con kể với các bạn về những trải nghiệm thú vị của mình.
2. Tìm câu chủ đề trong từng đoạn dưới đây:
a. Biển động. Gió thét trên những rừng dương. Sóng đập dữ dội vào mạn thuyền. Cây cột buồm rít lên, lá cờ đuôi nheo bay phần phật. Mưa cắt ngang mặt những tia nước lạnh. Bãi cát vật vã với nước, với sóng.
(Trần Nhật Thu)
b. Những ngày hè đi bên bờ Hạ Long, Bãi Cháy hoặc Tuần Châu,... ta có cảm giác như đi trước cửa gió. Ngọn gió lúc êm ả như ru, lúc phần phật như quạt, mang cái trong lành, cái tươi mát của đại dương vào đất liền. Trong tiếng gió thổi, ta nghe tiếng thông reo, tiếng sóng vỗ, tiếng ve ran và cả tiếng máy, tiếng xe, tiếng cần trục từ trên các tầng thang, bến cảng vọng lại.
(Theo Thi Sảnh)
c. Chuồn chuồn ngô mặc áo kẻ ca-rô đen vàng thích phơi mình ngoài nắng, trên ngọn chuối hoặc bờ ao. Chuồn chuồn ớt với bộ cánh đỏ rực hoặc vàng tươi, suốt ngày la cà hết chỗ này sang chỗ khác. Chuồn chuồn nước thích soi gương, ưa đứng im trên cọng khoai ngứa bên bờ ao ngắm bóng mình in dưới nước,... Ẻo lả và xinh xắn hơn cả là các bé chuồn kim, cả thân hình chỉ nhỉnh hơn chiếc kim khâu... Ngần ấy loại chuồn chuồn cũng đủ cho chúng tôi mê tơi trong suốt mùa hè.
(Theo Trần Đức Tiến)
3. Tìm các động từ trong một đoạn văn (a, b hoặc c) ở bài tập 2.
4. Tìm thêm 2 - 3 động từ thích hợp với mỗi sự vật dưới đây:
(học sinh) | (ong) |
(cá) |
(cây) |
(thuyền) |
chào | bay | bơi | mọc | trôi |
(...) | (...) | (...) | (...) | (...) |
5. Viết đoạn văn (4 – 5 câu) theo chủ đề tự chọn, có chứa động từ ở bài tập 4.
TIẾT 5
1. Đọc lời dưới tranh rối tóm tắt câu chuyện.
Nai con Bam-bi
(Theo Lưu Hồng Hà)
Bam-bi đã lớn, nai mẹ quyết định cho con sống tự lập, để mong con sớm trưởng thành.
Nai mẹ lặng lẽ bỏ đi tứ lúc nào không hay, Bam-bi hoảng hốt kêu khóc, gọi mẹ vang vọng cả rừng.
Bồng, nai bô xuất hiện với vẻ nghiêm nghị, khích lệ Bam-bi rồi quay người, bước đi.
Nhìn theo bóng bố xa dần, Bam-bi cảm thấy yên tâm. Nó thấy tương lai của mình qua bóng dáng của bố.
Kể từ đó, Bam-bi bắt đầu làm quen với cuộc sống tự lập. Bam-bị khắc ghi trong tim lời dặn của bố mẹ, khám phá thế giới, học cách suy nghĩ, dùng hiểu biết của mình để xử lí các tình huống.... Nhiều năm trôi qua, Bam-bi giờ đã trở thành chàng nai thông minh, dũng cảm.
2. Viết mở bài hoặc kết bài cho câu chuyện Nai con Bam-bi theo ý em.
PHẦN 2 – ĐÁNH GIÁ GIỮA HỌC KÌ I
(Đề tham khảo)
TIẾT 6 - 7
A. ĐỌC
I. Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi.
CON CHIM CHIỀN CHIỆN
(Trích)
Con chim chiền chiện
Bay vút, vút cao
Lòng đầy yêu mến
Khúc hát ngọt ngào.
Cánh đập trời xanh
Cao hoài, cao với
Tiếng hót long lanh
Như cành sương chói.
Tiếng ngọc trong veo
Chim gieo từng chuỗi
Lòng chim vui nhiều
Hát không biết mỏi.
Chim bay, chim sà
Lúa tròn bụng sữa
Đồng quê chan chứa
Những lời chim ca.
Bay cao, cao vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hót
Làm xanh da trời...
(Huy Cận)
1. Những từ ngữ nào cho thấy chim chiến chiện bay lượn giữa không gian cao rộng?
2. Tiếng hót của chim chiền chiện được miêu tả qua những câu thơ nào? Nêu cảm nghĩ của em về tiếng chim chiền chiện trong bài thơ.
II. Đọc hiểu.
TRAI NGỌC VÀ HẢI QUỲ
Cá mực tung tăng đi học trong làn nước biển xanh biếc, cái lọ mực kè kè một bên.
- Bé mực đi đâu đấy? – Cô trai he hé cái vỏ sần sùi ra hỏi.
- Thưa cô, cháu đi học ạ!
Cá mực lễ phép trả lời rồi vội và bơi đi, nó hơi sợ khi nhìn thấy vỏ ngoài của cô trai. Cá mực bơi nhanh đến một bông hoa nhiều màu sắc bên kia lối đi. Bông hoa có nhiều cánh hồng hồng, tím tím, mềm mại như gọi chào. Cá mực đến gần hơn, những cánh hoa mừng rỡ múa mãi lên. Chợt tiếng cô trai gọi giật lại:
- Bé mực, không được đến gần nó, nguy hiểm đấy!
Cá mực ngập ngừng, không biết nên tin ai. Vừa lúc đó, một chú cá cơm bé tí bơi đến đùa nghịch với những cánh hoa mềm mại đang toả ra quây lấy chủ. Cô trai lớn tiếng gọi cá cơm, nhưng không kịp, những ngón tay hoa đã khép lại. Cá mực định ném lọ mực vào bông hoa để mực loang ra, cá cơm có thể chạy trốn. Nhưng cá cơm đã bị những cánh hoa thít chặt lấy và kéo tuột vào lòng bông hoa. Thế là mất hút chú cá cơm.
Cá mực sợ hãi, chạy lại gần cô trai. Lúc này cô trai mở to miệng nhìn cảnh tượng vừa xảy ra. Cá mực kinh ngạc thấy trong lòng cô trai có một viên ngọc sáng đẹp lạ thường.
Cô trai căn dặn:
- Bông hoa đẹp đẽ thế kia nhưng rất dữ. Đó là hải quỳ. Cháu phải tránh xa.
Bé mực cảm động. Nó định nói với cô trai: "Còn cô, bên trong tấm áo xấu xí của cô là một tấm lòng bằng ngọc.".
Hoá ra, cái đẹp bên ngoài chưa hẳn là cái tốt, cái xấu bên ngoài chưa hẳn là cái xấu.
(Theo Vân Long)
1. Cá mực mang gì đi học? Chọn câu trả lời đúng.
A. Nước biển xanh biếc
B. Những bông hoa đẹp
C. Một cái lọ mực
D. Nhiều đồ dùng học tập
2. Khi gặp cô trai, vì sao cá mực lễ phép trả lời rồi vội và bơi đi? Chọn câu trả lời đúng.
A. Vì cá mực sợ muộn giờ học.
B. Vì cá mực hơi sợ khi nhìn thấy vỏ ngoài của cô trai.
C. Vì cá mực muốn đi ngắm bông hoa đẹp.
D. Vì cá mực muốn bơi đi gặp cá cơm.
3. Vì sao cá mực muốn đến gần hải quỳ? Chọn câu trả lời đúng.
A. Vì cá mực nghe thấy tiếng gọi của hải quỳ.
B. Vì hải quỳ đẹp, những cánh tay hoa mềm mại như gọi chào.
C. Vì cá mực muốn cùng cá cơm đùa nghịch với hải quỳ.
D. Vì cá mực muốn bơi đến gần hơn để cứu cá cơm.
4. Cô trai đã làm gì khi thấy cá mực và cá cơm bơi đến gần hải quỳ?
5. Cá mực đã hiểu ra điều gì về cô trai và hải quỳ?
6. Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện này?
7. Tìm từ có nghĩa giống với mỗi từ dưới đây và đặt câu với một từ tìm được.
vội vã (...)
mừng rỡ (...)
sợ hãi (...)
cảm động (...)
8. Tìm động từ trong mỗi câu dưới đây:
- Cá mực lễ phép trả lời rồi vội và bơi đi.
- Cá mực đến gần hơn, những cánh hoa mừng rỡ múa mãi lên.
- Cá mực sợ hãi, chạy lại gần cô trai.
- Bé mực cảm động.
B. VIẾT
Chọn 1 trong 2 đề bài dưới đây:
Đề 1: Viết bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em.
Đề 2: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người.