ĐỌC
Nếu có em có một khu vườn, em sẽ trồng những cây gì? Vì sao?
NẾU EM CÓ MỘT KHU VƯỜN
Nếu em có một khu vườn thật rộng, em sẽ trồng thật nhiều loại cây.
Em sẽ trồng cây mít, hái lá mít làm một bầy trâu chia cho các bạn. Mỗi chiều, chiếc lá mít sẽ thành chong chóng, em chạy ù ù để gió thổi lồng lộng cho chong chóng xoay tít. Em sẽ xâu những chiếc lá vàng, lá đỏ thành vòng lá, đội lên đầu, hoá thành công chúa.
Em sẽ trồng cây me. Gốc me mát rượi. Mẹ quét sạch bong đất cát, để mỗi xế trưa ngủ dậy, hai chị em dẫn nhau ra ngồi chơi. Lá me non mẹ nấu canh cá nục, vị chua thơm ăn quanh năm không ngắn.
Em sẽ trồng những cây anh đào làm hàng rào. Hoa sẽ nở rộ mỗi độ xuân về. Những chùm hoa phơn phớt hồng, phơn phớt tím, thoang thoảng hương, hoà lẫn với mùi rơm rạ trong buổi sáng đẫm sương.
Em cũng sẽ dành một khoảnh vườn để trồng hoa giấy, hoa hồng, hoa nhài và cả những khóm hoa dại bé xíu, trắng muốt. Từng đàn bướm vàng, bướm trắng,... sẽ cứ thế rủ nhau bay về...
Tiếng chim nhao nhác ngoài ban công khiến em sực tỉnh. Chắc là đàn chim sẻ đang nhảy nhót trong chậu cải mới nhú mầm li ti. Từ ngày cả nhà chuyển ra thành phố, mẹ dạy em trồng cây trong những chiếc chậu be bé xinh xinh.
Và ngày nào em cũng không thôi mơ ước, nếu em có một khu vườn như ở quê...
(Theo Trương Huỳnh Như Trân)
Từ ngữ
- Xế trưa: khoảng thời gian quá trưa, gần sang chiều.
- Phơn phớt: chỉ màu sắc rất nhạt.
- Sực tỉnh: bỗng nhiên tỉnh ra, chợt tỉnh ra.
1. Trong khu vườn mơ ước, bạn nhỏ muốn trồng cây mít để làm gì?
2. Ghép tên cây, hoa, lá trong khu vườn tưởng tượng với đặc điểm của nó.
lá me
cây anh đào
những khóm hoa dại
phơn phớt hồng, phơn phớt tím, thoang thoảng hương | bé xíu, trắng muốt | non, vị chua |
3. Em thích hình ảnh loài cây nào nhất trong khu vườn mơ ước của bạn nhỏ? Vì sao?
4. Vì sao khu vườn hiện ra rất sống động trong trí tưởng tượng của bạn nhỏ? Chọn câu trả lời dưới đây hoặc nêu ý kiến của em.
A. Vì bạn nhỏ có trí tưởng tượng rất phong phú.
B. Vì bạn nhỏ đã có trải nghiệm về một khu vườn ở quê.
C. Vì bạn nhỏ rất yêu cây cỏ.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
DẤU GẠCH NGANG
1. Nêu công dụng của dấu gạch ngang trong mỗi trường hợp sau.
a. Để trồng cây trong chậu, em hãy làm theo các bước sau:
- Chuẩn bị đất, cho một phần đất vào chậu.
- Dùng xẻng nhỏ xới đất cho đất tơi xốp.
- Đặt cây vào chậu, cho nốt phần đất còn lại, dùng tay ấn nhẹ đất cho chắc gốc cây.
- Tưới một chút nước vào gốc cây cho đất ẩm và gốc cây chắc hơn.
b. Chương trình học bổng “Vì mái trường xanh" đã đến với các em học sinh khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.
2. Chọn dấu câu thích hợp thay cho bông hoa và giải thích chức năng của chúng.
a. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã phổ nhạc cho bài thơ Hà Nội 🌸 Huế 🌸 Sài Gòn của nhà thơ Lê Nguyên.
b. Để làm một con diều giấy, chúng ta phải thực hiện 3 bước:
🌸 Làm khung diều.
🌸 Đo và cắt áo diều.
🌸 Ráp các bộ phận của diều.
3. Xác định công dụng của dấu gạch ngang được sử dụng trong mỗi đoạn dưới đây:
Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật
Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê
Nối các từ ngữ trong một liên danh
a. Dưới đây là một số loài động vật được cho là lớn nhất thế giới:
- Cá voi xanh - Voi Châu Phi
- Hươu cao cổ - Lạc đà một bướu
b. Thành phố Sài Gòn – Gia Định được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976.
c. Đốm và Mun im lặng, ngắm những bông hoa chiều tàn tím biếc. Đốm hỏi:
- Sao lại gọi là hoa chiều tàn?
- Là bởi vì trưa nở, chiều tàn.
- Đằng ấy giỏi thật! Gì cũng biết!
Mun được khen phổng mũi, cao hứng nói tiếp:
- Còn hoa mười giờ, thì cứ đúng mười giờ là nở bung.
(Theo Trần Đức Tiến)
Ghi nhớ
Có thể dùng dấu gạch ngang để đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê và nối các từ ngữ trong một liên danh.
VIẾT
LUYỆN VIẾT ĐOẠN VĂN MIÊU TẢ CON VẬT
1. Đọc các đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi.
Đoạn 1
Trời nắng gắt. Con ong xanh biếc, to bằng quả ớt nhỡ lướt nhanh những cặp chân dài và mảnh trên nền đất. Bụng nó tròn, thon, bóng loáng, mặt trời chiếu vào óng ánh xanh như hạt ngọc. Nó dừng lại, ngước đầu lên, mình nhún nhảy rung rinh, giơ hai chân trước vuốt râu rồi lại bay lên, đậu xuống, thoăn thoắt rà khắp mảnh vườn.
(Theo Vũ Tú Nam)
Đoạn 2
Rô ron bám theo vây rô mẹ, tung tăng len lỏi quanh các nhánh cây, rễ cỏ ngập nước. Nó thích thú nô nghịch. Khi thì nó ngậm một cái rễ cỏ kéo mạnh, làm ngọn cỏ chìm xuống nước rồi nó quẫy đuôi phóng vút qua. Lúc rô ron lại ngoi lên, đảo mắt nhìn theo bóng gã chuồn chuồn, tròn miệng thở, làm mặt nước nổi lên một cái bong bóng nhỏ tí xíu. Đôi khi, nó quạt nước đuổi theo chị cà niễng đen xì đang khoắng tám cẳng chân dài nghêu bơi mải miết.
(Theo Nguyễn Văn Chương)
Đoạn 3
Cái vòi của voi con thật kì lạ. Gần như không có việc gì mà chú không dùng đến vòi. Chú dùng vòi để thở, để nhận biết lá lành hay lá độc, để phun bụi đất phủ lên lưng vào những trưa nắng, để dò đường và rẽ lối đi trong rừng... Đặc biệt, vòi còn giúp voi con biểu lộ tâm tình: chú đập vòi chan chát xuống đất khi giận dữ, đu đưa vòi khi thoải mái, yên tâm. Nhưng vượt lên tất cả, cái vòi giúp voi con tồn tại: voi con dùng vòi để hít nước khi khát, để bẻ cành và vơ cỏ lên miệng khi ăn...
(Theo Vũ Hùng)
a. Mỗi đoạn văn tả con vật nào?
b. Nội dung chính của mỗi đoạn là gì?
Tả bao quát con vật
Tả một đặc điểm bên ngoài nổi bật của con vật
Tả hoạt động của con vật
c. Đoạn văn nào sử dụng biện pháp so sánh, nhân hoá để miêu tả con vật?
d. Những từ ngữ in đậm trong các đoạn văn có tác dụng gì đối với việc miêu tả con vật?
2. Viết đoạn văn tả hoạt động hoặc một đặc điểm bên ngoài của con vật mà em yêu thích.
Nói với người thân về khu vườn mơ ước của em.