ĐỌC
Nếu có một phép lạ, em muốn dùng phép lạ đó để làm gì? Vì sao?
NẾU CHÚNG MÌNH CÓ PHÉP LẠ
Nếu chúng mình có phép lạ
Bắt hạt giống nảy mầm nhanh
Chớp mắt thành cây đầy quả
Tha hồ hái chén ngọt lành.
Nếu chúng mình có phép lạ
Ngủ dậy thành người lớn ngay
Đứa thì lặn xuống đáy biển
Đứa thì ngồi lái máy bay.
Nếu chúng mình có phép lạ
Hái triệu vì sao xuống cùng
Đúc thành ông mặt trời mới
Mãi mãi không còn mùa đông.
Nếu chúng mình có phép lạ
Hoá trái bom thành trái ngon
Trong ruột không còn thuốc nổ
Chỉ toàn kẹo với bi tròn.
Nếu chúng mình có phép lạ!
Nếu chúng mình có phép lạ!
(Định Hải)
Từ ngữ
- Bom: vũ khí, vỏ bằng kim loại, chứa chất nổ, gây sát thương, thường do máy bay thả xuống.
- Thuốc nổ: chất có khả năng phá hoại và sát thương bằng sức ép của nó khi bị gây nổ.
1. Nếu có phép lạ, các bạn nhỏ ước những điều gì?
2. Theo em, hai điều ước “không còn mùa đông” và “hoá trái bom thành trái ngon" có ý nghĩa gì?
3. Em thích ước mơ nào trong bài thơ? Vì sao?
4. Việc lặp lại hai lần câu thơ “Nếu chúng mình có phép lạ" ở cuối bài thơ nói lên điều gì?
* Học thuộc lòng bài thơ.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
LUYỆN TẬP VỀ DANH TỪ, ĐỘNG TỪ, TÍNH TỪ
1. Mỗi nhóm từ dưới đây chứa 1 từ không cùng loại. Tìm các từ đó.
Danh từ hạt, mùa đông, biến, máy bay, biển, mầm | Động từ chớp (mắt), hái, đúc, lặn, lái, quả | Tính từ nhanh, mới, lớn, ngon, bom, lạ |
2. Xếp những từ in đậm trong đoạn thơ dưới đây vào nhóm thích hợp.
Em mơ làm nắng mai
Ánh dương hồng chiếu rọi
Mầm xanh từ đất mới
Mùa sinh sôi ngọt lành
Em mơ làm gió xanh
Gọi mưa về mùa hạn
Bác nông dân cày ruộng
Tiếng cười vang lưng đồi.
Danh từ
Động từ
Tính từ
3. Tìm 2 – 3 từ theo yêu cầu trong bảng dưới đây:
Danh từ | Động từ | Tính từ | |||
Danh từ riêng (...) | Danh từ chung (...) | Động từ chỉ hoạt động (...) | Động từ chỉ trạng thái (...) | Tính từ chỉ đặc điểm của sự vật (...) | Tính từ chỉ đặc điểm của hoạt động (...) |
4. Đặt 3 câu với 1 danh từ, 1 động từ, 1 tính từ mà em tìm được ở bài tập 3.
VIẾT
TÌM HIỂU CÁCH VIẾT THƯ
1. Đọc bức thư dưới đây và trả lời câu hỏi.
Địa điểm và thời gian viết thư
Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2022
Lời chào đầu thư
Việt Phương thân mến!
Nội dung chính
Cậu và gia đình vẫn khoẻ chứ? Nghỉ hè cậu có đi chơi đâu không? Hai chị em tớ được bố mẹ cho đi chơi ở công viên Thủ Lệ. Ở công viên Thủ Lệ, tớ thích nhất là được ngắm nhìn hồ, voi, hươu sao, trăn, chim công,... Chúng thật ngộ nghĩnh và đáng yêu.
Tớ ước mơ trở thành một người chăm sóc và chữa bệnh cho các con thú. Mẹ tớ bảo: “Nếu muốn thực hiện ước mơ đó con hãy trở thành một bác sĩ thú y. Đặc biệt, việc chăm sóc các con thú này cũng giống như chăm sóc các em bé vì chúng có những ngôn ngữ riêng. Phải gần gũi và quan tâm đến chúng hằng ngày thì mới hiểu được”.
Tớ tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành bác sĩ thú y, hằng ngày được chăm sóc các loài vật cậu ạ.
Thế cậu ước mơ sau này làm nghề gì? Viết thư kể cho tớ nghe nhé. Chúng mình sẽ cùng nhau cố gắng để biến ước mơ thành sự thật.
Cho tớ gửi lời chúc sức khoẻ tới cậu và gia đình. Rất mong được gặp cậu.
Chữ kí
Bạn của cậu
Phương Linh
Cuối thư: lời chúc, lời chào,...
a. Thư trên của ai gửi cho ai? Dựa vào đâu mà em biết?
b. Bức thư gồm mấy phần? Nêu nội dung của từng phần.
Ghi nhớ
Một bức thư thường gồm những nội dung sau đây:
- Phần đầu: Địa điểm và thời gian viết thư; lời thưa gửi, lời chào đầu thư.
- Phần chính: Thăm hỏi tình hình của người nhận thư; chia sẻ tin tức của người nhận thư.
- Phần cuối: Lời chúc, lời cảm ơn, hứa hẹn; chữ kí và tên hoặc họ, tên.
2. Trao đổi về những thông tin em muốn viết trong thư gửi cho bạn ở xa.
- Thăm hỏi bạn hoặc gia đình bạn (sức khoẻ, công việc, học tập,...).
- Chia sẻ thông tin về trường lớp, gia đình, ước mơ,... (những thay đổi, hoạt động, lí do,...).
Viết vào vở hoặc sổ tay những từ ngữ chỉ hoạt động, trạng thái cảm xúc mà em thường trải qua.
M: viết (bài), vui