Trang 51
MỞ ĐẦU
Đối tượng nghiên cứu của địa lí tự nhiên là vỏ địa lí. Vỏ địa lí là bộ phận phức tạp nhất của Trái Đất về thành phần vật chất và cấu trúc. Trong phạm vi giới hạn của vỏ địa lí, đã diễn ra rất nhiều quy luật của tất cả các thành phần địa lí. Đó là những quy luật gì? Các quy luật đó diễn ra và tác động lẫn nhau như thế nào?
HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI
1. Vỏ địa lí
a) Khái niệm
Vỏ Trái Đất ở đại dương
Vỏ địa lí ở đại dương
Vỏ Trái Đất ở lục địa
Vỏ địa lí ở lục địa
Lớp ô dôn
Tầng đối lưu
TẦNG BÌNH LƯU
Đất và vỏ phong hoá
Tầng trầm tích
Tầng granit
Tầng badan
Lớp manti
Đại dương
Hình 17.1. Sơ đồ lớp vỏ địa lí của Trái Đất
Vỏ địa lí là lớp vỏ của Trái Đất bao gồm các lớp vỏ thành phần (khí quyển, thạch quyển, thuỷ quyển và sinh quyển) xâm nhập và tác động lẫn nhau tạo nên thể tổng hợp tự nhiên thống nhất và hoàn chỉnh.
b) Giới hạn của vỏ địa lí
Vỏ địa lí bao gồm toàn bộ thuỷ quyển, sinh quyển và bộ phận phía trên của thạch quyển cùng với phần khí quyển bên dưới lớp ô-dôn. Chiều dày của vỏ địa lí khoảng 30 – 35 km.
Em có biết? Trong phạm vi giới hạn của vỏ địa lí diễn ra năm quy luật địa lí quan trọng nhất là: quy luật thống nhất và hoàn chỉnh, sự tuần hoàn vật chất và năng lượng, tính nhịp điệu, địa đới và phi địa đới. |
? Dựa vào thông tin và hình 17.1 trong mục 1, hãy:
- Cho biết vỏ địa lí bao gồm những bộ phận nào.
- Nêu giới hạn của vỏ địa lí. Phân biệt vỏ địa lí và vỏ Trái Đất.
Trang 52
Em có biết? A-ta-ca-ma là hoang mạc khô cằn nhất thế giới nằm dọc theo sườn tây của dãy An-đét do tác động của dòng biển lạnh Pê-ru. Vào mùa hạ của bán cầu Bắc, dòng biển này. chảy lên tới Xích đạo. Vào mùa đông, dòng biển này yếu đi, dòng biển nóng từ Xích đạo tiến xuống phía nam. Cứ khoảng 8 – 12 năm một lần, dòng biển nóng tiến sâu tới 12N – 13°N. Lúc đó những trận mưa rào đổ xuống A-ta-ca-ma, một phần hoang mạc xuất hiện vô vàn thực vật và sâu bọ, lòng cạn biến thành dòng sông,... Tình trạng này kéo dài khoảng 4 tháng, sau đó dòng biển nóng lại lủi trở về phía bắc, dòng biển lạnh Pê-ru trở lại vị trí bình thường của nó. A-ta-ca-ma lại trở thành hoang mạc, thực vật bị cháy khô, các dòng nước cạn kiệt, sâu bọ biến mất, ... |
2. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí
a) Khái niệm
Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí là quy luật về mối quan hệ quy định lẫn nhau giữa các thành phần và mỗi bộ phận lãnh thổ trong vỏ địa lí.
Nguyên nhân của quy luật này là do tất cả các thành phần của vỏ địa lí không tồn tại và phát triển độc lập mà luôn tác động, trao đổi vật chất và năng lượng với nhau tạo nên thể thống nhất và hoàn chỉnh.
b) Biểu hiện của quy luật
Trong vỏ địa lí, bất cứ lãnh thổ nào cũng bao gồm nhiều thành phần tác động và phụ thuộc lẫn nhau. Nếu một thành phần thay đổi sẽ dẫn tới sự thay đổi của các thành phần khác còn lại và toàn bộ lãnh thổ.
Hình 17.2. Thực vật xuất hiện ở một phần hoang mạc A-ta-ca-ma khi có mưa
c) Ý nghĩa thực tiễn của quy luật
Do vỏ địa lí mang tính thống nhất và hoàn chỉnh nên chúng ta có thể dự báo trước về sự thay đổi của các thành phần tự nhiên khi sử dụng chúng. Cần phải nghiên cứu tỉ mỉ, chính xác tất cả các đặc điểm địa lí của mọi lãnh thổ trước khi sử dụng, khai thác dưới hình thức này hay hình thức khác. Do đó, để cải tạo tự nhiên hợp lí không thể không tính đến quy luật về tính hoàn chỉnh của vỏ địa lí.
? Đọc thông tin và hình 17.2 trong mục 2, hãy trình bày khái niệm, biểu hiện, ý nghĩa thực tiễn của quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí.
LUYỆN TẬP
Lấy ví dụ về biểu hiện của quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí.
VẬN DỤNG
Tìm hiểu sự nóng lên toàn cầu có ảnh hưởng như thế nào đến các thành phần tự nhiên khác trên Trái Đất.