(Trang 84)
Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại)
Sự việc có tính thời sự trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại thường thu hút sự chú ý của mọi người, dễ nảy sinh những quan điểm khác nhau. Bản chất sự việc là như thế nào? Sự việc có tính tích cực hay tiêu cực? Sự việc có tác động như thế nào đến đời sống xã hội?... Những câu hỏi như vậy có được trả lời thuyết phục hay không là tuỳ ở quan điểm nhìn nhận về sự việc của mỗi người. Điều cần thiết khi trình bày ý kiến về một sự việc là phải trình bày rõ ràng, thể hiện được chủ kiến của bản thân, từ đó tác động tích cực đến nhận thức của người nghe, nhằm cùng nhau tìm phương án khả thi để giải quyết những hệ quả nảy sinh từ sự việc đó.
1. TRƯỚC KHI NÓI
– Để chuẩn bị nội dung bài nói, em cần chọn được đề tài mà mình am hiểu và có hứng thú. Sau đây là một số gợi ý để em tham khảo: + Việc xả chất thải chưa qua xử lí của một đơn vị sản xuất công nghiệp. + Sự xuất hiện các sản phẩm trí tuệ nhân tạo và tác động của chúng đối với đời sống con người. + Việc phát hiện ra những hang động mới ở Quảng Bình. | Mục đích nói Thuyết phục người nghe đồng tình với ý kiến của mình về một sự việc có tính thời sự trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại; từ đó giúp họ có thái độ và hành động phù hợp, góp phần giải quyết những hệ quả nảy sinh từ sự việc. Người nghe Những người quan tâm hoặc có liên quan đến sự việc, muốn tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh từ sự việc. |
+ Một dự án nhằm phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa.
+ Việc thay thế hình thức dạy học trực tiếp bằng hình thức trực tuyến trong những tình huống cần thiết.
– Từ đề tài đã chọn, em cần lập dàn ý cho bài nói, với đủ các phần mở đầu, triển khai, kết thúc. Trong từng ý, cần ghi thêm một số bằng chứng thực tế, số liệu, những đánh giá khách quan,... để sử dụng khi trình bày.
(Trang 85)
2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI
Người nói | Người nghe |
• Mở đầu: giới thiệu sự việc (có thể tạo sự lôi cuốn bằng cách thuật lại một mẩu tin, kể lại một câu chuyện, sử dụng tranh ảnh hay đoạn phim ngắn liên quan đến sự việc,...). • Triển khai: diễn giải để làm rõ bản chất của sự việc, đưa ra lí lẽ kết hợp với bằng chứng từ thực tế khách quan để thuyết phục người nghe đồng tinh với ý kiến của mình. • Kết thúc: khái quát ý nghĩa của sự việc được trình bày, nêu phương án giải quyết, liên hệ trách nhiệm của mỗi người. Lưu ý. Khi trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự, cần kết hợp lời nói với cử chỉ, nét mặt, ánh mắt,...; tăng cường sử dụng các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, đoạn phim ngắn, các tài liệu liên quan đến sự việc,... | • Theo dõi để nắm bắt nội dung và cách trình bày bài nói; nhận biết mức độ tin cậy của thông tin khách quan, tính thuyết phục của ý kiến do người nói nêu ra; chỉ ra những hạn chế (nếu có) như lập luận thiếu lô-gíc, bằng chứng chưa đầy đủ hay không liên quan đến sự việc. • Có thể yêu cầu người nói cung cấp thêm thông tin, giải thích những điểm còn chưa rõ; trao đổi lại những chỗ chưa tán thành với cách nhìn nhận, đánh giá của người nói về sự việc.
|
3. SAU KHI NÓI
Tổ chức trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động nói và nghe xoay quanh các khía cạnh sau:
– Sự việc được trình bày có tính thời sự không? Sự việc đó có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại?
– Người nói trình bày sự việc rõ ràng chưa? Đã thể hiện rõ ý kiến của cá nhân về sự việc chưa? Sử dụng lí lẽ và bằng chứng có phù hợp không?
– Cách người nói sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ và phương tiện hỗ trợ, tương tác với người nghe đã đạt yêu cầu chưa?
– Người nghe có thái độ như thế nào khi người nói trình bày? Có thể hiện được sự chủ động, tích cực khi tiếp nhận thông tin và tương tác với người nói không ? Nhận biết và đánh giá như thế nào về mức độ thuyết phục của bài nói?