Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 9 - Tập 2 - Ôn tập học kỳ II | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Ôn tập học kỳ II và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 9 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 131)

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

•  Hệ thống hoá được kiến thức về các loại, thể loại văn bản đọc, kiến thức tiếng Việt và kiến thức về các kiểu bài viết, bài nói đã được học, thực hành ở Ngữ văn 9, tập hai.

•  Vận dụng được kiến thức và kĩ năng đã học, rèn luyện trong cả năm học để giải quyết các bài tập tổng hợp.

A. ÔN TẬP KIẾN THỨC

1. Trong Ngữ văn 9, em đã được học các tác phẩm văn học Việt Nam gồm nhiều thể loại, được sáng tác trong các thời kì, bối cảnh khác nhau. Vận dụng tri thức văn học và hiểu biết về hoàn cảnh lịch sử, hãy lập bảng tóm tắt hoặc sơ đồ liệt kê các tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong mỗi thời kì. Tham khảo mẫu bảng sau:

Thời kì văn học\Đặc điểm Tác giả Tác phẩm Thể loại
Trung đại
(thế kỉ X – cuối thế kỉ XIX)
     
     
     
Hiện đại
(đầu thế kỉ XX - nay)
     
     
     

2. Truyện trinh thám có đặc điểm gì khác biệt so với truyện truyền kì và truyện thơ Nôm? Hãy lập bảng so sánh đặc điểm của các thể loại này. Tham khảo mẫu bảng sau:

Thể loại \Đặc điểm Nguồn gốc thể loại  Kiểu nhân vật Cốt truyện
Truyện truyền kì      
Truyện thơ Nôm      
Truyện trinh thám      

3. Lập danh mục và tóm tắt đặc điểm nghệ thuật, nội dung của các bài thơ đã học ở lớp 9. Tham khảo mẫu danh mục sau:

Tên tác phẩm – Tác giả\
Nghệ thuật – Nội dung
Thể thơ Đề tài, cảm hứng chủ đạo Nét độc đáo về nghệ thuật và nội dung
       
       

(Trang 132)

4. Nêu ngắn gọn đặc điểm của các văn bản thông tin và văn bản nghị luận trong các bài học của Ngữ văn 9, tập hai.

5. Tóm tắt các kiến thức tiếng Việt mới mà em đã được học trong các bài học của Ngữ văn 9, tập hai.

6. Nêu các kiểu bài viết, yêu cầu của từng kiểu bài mà em đã thực hành ở Ngữ văn 9, tập hai. Hãy lập một sơ đồ phù hợp để tóm tắt những nội dung đó.

7. Nêu những đề tài nói và nghe mà em đã thực hiện trong học kì II. Em thực hiện thành công nhất với đề tài nào? Do đâu em thành công với bài nói đó?

B. LUYỆN TẬP TỔNG HỢP

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1

1. ĐỌC

a. Đọc văn bản

Bến đò trưa hè
-------------
ANH THƠ
-------------

Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi,

Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi.

Đa ngâm rễ buông mình chờ uể oải

Ngọn gió về, không một chút tăm hơi.


Trong quán nước ẩn hàng bên giậu duối

Dăm ba người về chợ ghé vào qua;

Buồn vắng lặng họ ngồi nghe vòi vọi

Mấy tiếng gà trưa gáy xóm xa xa...


Ngoài đê nắng một ông già xuống huyện,

Dắt ngựa chờ rong tiếng nhạc đồng mong.

Nhưng trưa vắng không một thuyền ghé bến,

Không một chèo khua nắng đọng trên sông.

(Tuyển tập Anh Thơ (thơ – văn xuôi), NXB Văn học, Hà Nội, 1987, tr. 40-41)

-------------------------------------------------
Anh Thơ (1921 – 2005) quê ở Bắc Giang, tác giả tập thơ Bức tranh quê (1941) gồm những bài thơ đậm chất tả thực, thể hiện tình cảm thiết tha yêu mến vẻ đẹp của thiên nhiên, phong cảnh làng quê Việt Nam.

(Trang 133)

b Thực hiện các yêu cầu

• Chọn phương án đúng (làm vào vở)

Câu 1. Bài thơ Bến đò trưa hè thuộc thể thơ nào?

A. Thơ sáu chữ                               B. Thơ bảy chữ

C. Thơ tám chữ                              D. Thơ tự do

Câu 2. Những yếu tố nào giúp em nhận biết thể thơ của bài thơ Bến đò trưa hè?

A. Số chữ trong các dòng thơ       C. Cách ngắt nhịp của dòng thơ

B. Số khổ trong bài thơ                 D. Cách gieo vần trong bài thơ

Câu 3. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi.

A. Đảo ngữ                                     B. So sánh

C. Nói giảm nói tránh                    D. Nhân hoá

Câu 4. Dòng nào liệt kê các từ láy đã được dùng trong bài thơ?

A. Rộng rãi, uể oải, vắng lặng, tăm hơi

B. Rộng rãi, vắng lặng, vòi voị, uể oải

C. Rộng rãi, uể oải, vòi vọi, tăm hơi

D. Rộng rãi, uể oải, vòi vọi, xa xa

Câu 5. Dòng nào nêu đúng nội dung cảm xúc của bài thơ?

A. Cảm xúc phấn chấn trước cảnh thiên nhiên và cuộc sống

B. Cảm xúc đượm buồn trước cảnh sắc nơi thôn dã

C. Cảm xúc bi thiết trước thiên nhiên và đời sống con người

D. Cảm xúc buồn thương trước cảnh sắc nơi thôn dã

Trả lời câu hỏi

Câu 1. Bài thơ có bố cục như thế nào?

Câu 2. Bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam một thời được khắc hoạ rõ nét nhất qua những hình ảnh nào trong bài thơ?

Câu 3. Cảnh thiên nhiên nơi bến đò trưa hè gợi cho em ấn tượng gì?

Câu 4. Em có nhận xét gì về mối quan hệ giữa đặc điểm của bức tranh thiên nhiên và nhịp điệu đời sống của con người trong bài thơ?

Câu 5. Tình cảm của nhà thơ đối với thiên nhiên và đời sống con người được thể như thế nào trong bài thơ?

(Trang 134)

2. VIẾT

   Viết đoạn văn (khoảng 10 – 15 câu) trình bày cảm nghĩ của em về bài thơ Bến đò trưa hè ở phần Đọc.

3. NÓI VÀ NGHE

   Tiến hành một cuộc phỏng vấn ngắn về một trong những vấn đề sau:

   – Khi xa quê hương, điều gì sẽ trở thành hành trang không thể thiếu trong tâm hồn mỗi con người?

   – Trở thành công dân toàn cầu trong một thế giới hội nhập và đầy biến động có làm chúng ta lãng quên truyền thống và phai nhạt bản sắc dân tộc?

   – Thơ có còn sức thu hút với bạn đọc trong thời đại của công nghệ số và các phương tiện nghe - nhìn?

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2

1. ĐỌC

a. Đọc văn bản

Quyền được học tập và bảo vệ của phụ nữ
và trẻ em trong hoà bình
----------------------------------------------------------
MA-LA-LA Y-U-XA-PHƠ-DÂY (MALALA YOUSAFZAI)
-----------------------------------------------------------

(1) Có hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền và xã hội không chỉ lên tiếng về quyền con người, mà còn đang đấu tranh để đạt được những mục tiêu về hoà bình, bình đẳng và giáo dục. Hàng nghìn người đã bị chết, hàng triệu người bị thương bởi những kẻ khủng bố. Tôi chính là một người trong số đó.

   Vì thế tôi đứng đây... một cô gái, giữa mọi người. Tôi không chỉ nói cho riêng mình mà còn cho cả những người không được lên tiếng. Họ cần được lắng nghe. Những con người ấy đã đấu tranh vì quyền được sống trong hoà bình, quyền được đối xử một cách tôn trọng, quyền được bình đẳng về cơ hội. Và đặc biệt là quyền được học tập của mình.

-----------------------------------------
Nhan đề do người biên soạn đặt. Văn bản là những phần chính được trích từ bài Phát biểu tại Hội nghị về thanh niên của Liên hợp quốc, ngày 12 tháng 7 năm 2013.
Ma-la-la Y-u-xa-phơ-dây sinh năm 1997, là nhà hoạt động nhân quyền người Pa-ki-xtan (Pakistan), từng được trao giải Nô-ben Hoà bình vì hoạt động đấu tranh chống áp bức trẻ em và giới trẻ và vì quyền được học tập của mọi trẻ em.

(Trang 135)

(2) Các bạn thân mến, vào ngày 9 tháng 10 năm 2012, những kẻ khủng bố đã bắn vào bên trái trán tôi. Họ cũng bắn vào các bạn của tôi. Họ nghĩ rằng súng đạn sẽ làm cho chúng tôi im lặng, nhưng họ đã thất bại. Từ sự im lặng đó đã vang lên hàng ngàn tiếng nói. Những kẻ khủng bố tưởng rằng họ sẽ thay đổi được mục đích của tôi và ngăn chặn khát vọng của tôi. Nhưng không có gì thay đổi trong cuộc sống của tôi, ngoại trừ một điều: sự yếu đuối, sợ hãi và tuyệt vọng đã không còn tồn tại trong tôi. [...]

   (3) Anh chị em thân mến! Khi nhìn thấy bóng tối, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng. Khi phải câm lặng, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của tiếng nói. Tương tự, khi chúng tôi ở Xơ-oát (Swat), miền Bắc Pa-ki-xtan, chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của cây bút và quyển sách khi nhìn thấy súng đạn. Câu ngạn ngữ “Ngòi bút mạnh hơn gươm giáo” là rất đúng. Những kẻ cực đoan sợ sách bút. Sức mạnh của giáo dục khiến họ run sợ. Họ sợ tiếng nói của phụ nữ. Sức mạnh của tiếng nói phụ nữ khiến họ sợ hãi. Đây chính là lí do họ đã giết 14 sinh viên trường y vô tội trong cuộc tấn công mới đây ở Que-ta (Quetta). Đây cũng chính là lí do họ giết hại nhiều nữ giáo viên và các nhân viên tiêm vắc-xin sởi ở Khi-bơ Pa-khun-khơ-ta-va (Khyber Pakhunkhtawa) và FAT. Và cũng là lí do họ đánh bom trường học mỗi ngày. Bởi vì họ đã và đang sợ sự thay đổi, sợ sự bình đẳng mà chúng tôi sẽ đem đến cho xã hội của mình. [...]

   (4) Giáo dục cần hoà bình. Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), nạn khủng bố, chiến tranh và xung đột khiến trẻ em không thể đến trường. Chúng tôi thực sự mệt mỏi với những cuộc chiến này. Phụ nữ và trẻ em đang phải chịu đau khổ về nhiều mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Ấn Độ, trẻ em nghèo vô tội là nạn nhân của lao động trẻ em. Nhiều trường học bị phá huỷ ở Ni-giê-ri-a (Nigeria). Người dân ở Áp-ga-ni-xtan bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan suốt nhiều thập kỉ. Các bé gái phải làm việc của các bà nội trợ và bị buộc phải lấy chồng từ sớm. Nghèo đói, thiếu tri thức, bị đối xử bất công và bị tước đoạt các quyền con người cơ bản là những vấn nạn chính mà cả nam giới và phụ nữ phải đối mặt. [...]

   (5) Anh chị em thân mến! Đây chính là lúc chúng ta cần lên tiếng. Vì vậy hôm nay, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thay đổi các chính sách chiến lược vì lợi ích của hoà bình và phồn vinh.

   Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới rằng mọi thoả thuận cần phải bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Một thoả thuận đi ngược lại các quyền của phụ nữ là không thể chấp nhận. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ đấu tranh chống nạn khủng bố và bạo lực, để bảo vệ trẻ em khỏi sự tàn bạo và xâm hại.

(Ma-la-la Y-u-xa-phơ-dây, Phát biểu tại Hội nghị về thanh niên của Liên hợp quốc, https://awpc.cattcenter.iastate.edu/2018/03/05/un-speech-on-youth-education-july-12-2013/, Ngân Hà – Vương Anh lược dịch)

------------------------------------------------------
Một khu vực tự trị thuộc Pa-ki-xtan, năm 2018 được sáp nhập vào tỉnh Khi-bơ.  

   (Trang 136)

b Thực hiện các yêu cầu

• Chọn phương án đúng (làm vào vở)

Câu 1. Xác định loại văn bản của đoạn trích.

A. Văn bản thông tin

B. Văn bản nghị luận

C. Văn bản văn học

Câu 2. Vấn đề chính mà bài phát biểu đề cập là gì?

A. Quyền con người của cả nam và nữ nói chung

B. Quyền bình đẳng về cơ hội của phụ nữ trong các lĩnh vực

C. Quyền được sống trong hoà bình của mọi người

D. Quyền được học tập và bảo vệ của phụ nữ và trẻ em trong hoà bình

Câu 3. Người trình bày vấn đề xác định tư cách, vị thế nào để nêu ý kiến?

A. Một cá nhân bị xâm phạm nhân quyền cần cất lên tiếng nói của mình.

B. Một người đại diện cho tất cả những người cần được bảo vệ nhân quyền.

C. Một người phụ nữ bị áp bức, bị tước đoạt quyền học tập cần bảo vệ chính mình.

D. Một người dân Pa-ki-xtan bị xâm phạm nhân quyền, cần đấu tranh.

Câu 4. Mục đích chính của người nói được thể hiện trong đoạn trích trên là gì?

A. Nêu rõ trước Liên hợp quốc vấn đề vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em và sự cần thiết phải hành động để bảo vệ những quyền đó

B. Trình bày rõ vấn đề quyền được học tập của phụ nữ và trẻ em đang bị xâm phạm, kêu gọi hành động để bảo vệ quyền đó

C. Kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và Liên hợp quốc hành động, thay đổi chính sách vì quyền được học tập và bảo vệ của phụ nữ và trẻ em

D. Tố cáo thực trạng xâm phạm quyền học tập và quyền sống của phụ nữ và trẻ em ở các nước chậm phát triển trên thế giới

Câu 5. Xác định biện pháp tu từ thể hiện ở các từ in đậm trong câu: "Khi nhìn thấy bóng tối, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng”.

A. So sánh                                          B. Hoán dụ

C. Nhân hóa                                       D. Ẩn dụ

• Trả lời câu hỏi

Câu 1. Đối tượng hướng tới để tác động của văn bản là những người hoặc tổ chức nào?

(Trang 137)

Câu 2. Người trình bày đã dùng những yếu tố nào để nêu thông tin khách quan, bày tỏ ý kiến và tác động tới đối tượng cần thuyết phục?

Câu 3. Vấn đề cần trình bày được triển khai trong các phần của văn bản như thế nào? Nêu rõ mục đích và ý chính của từng phần.

Câu 4. Trong phần 3 của văn bản, tác giả cho rằng: "Khi nhìn thấy bóng tối, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng”. Theo em, vấn đề được nêu như vậy là đúng hay sai? Vì sao?

2. VIẾT

   Lựa chọn một trong những vấn đề sau để viết bài văn nghị luận xã hội:

   – Việc học tập có thực sự cần thiết và có thể đem lại những lợi ích nào cho cuộc sống của mỗi trẻ em trên thế giới?

   – Vì sao mọi trẻ em trên thế giới cần được bảo vệ và học tập trong hoà bình?

3. NÓI VÀ NGHE

Thảo luận với các bạn trong nhóm học tập về một trong những vấn đề sau:

   – Vì sao mọi trẻ em trên thế giới cần được bảo vệ và học tập trong hoà bình?

   – Giáo dục có thực sự làm thay đổi cuộc sống của mỗi con người?

(Trang 138)

PHỤ LỤC 1

BẢNG GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ
STT Thuật ngữ Giải thích Trang
1 bài phỏng vấn loại văn bản thông tin thường sử dụng trong hoạt động truyền thông, ở đó người được phỏng vấn trả lời các câu hỏi do người phỏng vấn nêu ra, nhằm trao đổi, cung cấp thông tin về một hiện tượng, vấn đề đang được quan tâm hay trình bày quan điểm, cách thức giải quyết một sự việc 113, 115, 116, 120
2 bài quảng cáo loại văn bản thông tin thường được sử dụng trong hoạt động truyền thông, thương mại, nhằm mục đích giới thiệu quảng bá cho một đối tượng nào đó (sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ,...) 125, 126, 127, 128
3 câu ghép câu do hai hoặc nhiều cụm chủ ngữ – vị ngữ nòng cốt tạo thành, mỗi cụm chủ – vị ngữ này được gọi là một vế câu 4, 6, 15, 16, 28, ...
4 câu ghép
chính phụ
loại câu ghép mà giữa các vế câu có mối quan hệ phụ thuộc về nghĩa: nguyên nhân – kết quả, sự kiện – mục đích, điều kiện hệ quả, nhượng bộ – tăng tiến,... 6, 15
5 câu ghép đẳng lập loại câu ghép mà giữa các vế câu có mối quan hệ bình đẳng về nghĩa: quan hệ thời gian, quan hệ tăng cấp, quan hệ bổ sung,... 6, 15, 28
6 chuỗi sự kiện  hệ thống sự kiện được sắp xếp, tổ chức theo những mối quan hệ nhất định, gắn kết chặt chẽ với nhau trong kết cấu tác phẩm truyện, tạo nên cốt truyện, có vai trò quan trọng trong việc thể hiện hình tượng, ý nghĩa của tác phẩm 5, 14, 30, 31, 33
7 kết cấu (tác phẩm văn học) toàn bộ cách tổ chức, sắp xếp, liên kết các yếu tố tạo nên tác phẩm nghệ thuật; trong thơ, đó là cách tổ chức, sắp xếp, liên kết mạch cảm xúc, thế giới hình tượng và các phương tiện ngôn ngữ được dùng để biểu đạt

44, 45, 49, 53, 57, ...
8 kết từ từ có vai trò nối các từ trong cụm từ, các vế trong câu, các câu trong đoạn văn, các đoạn văn trong văn bản, có thể dùng độc lập hoặc dùng theo cặp 4, 6, 15, 16, 76,...
9 không gian hiện trường không gian nghệ thuật đặc trưng trong truyện trinh thám, nơi xảy ra vụ án và cũng là nơi người điều tra nghiên cứu để tìm ra thủ phạm, phá án 5, 33, 37
10 lịch sử văn học quá trình phát triển của một nền văn học được nhận diện dựa trên những đặc điểm về nguồn gốc, hình thức nghệ thuật và nội dung của các thể loại, tác phẩm văn học xét trong mối quan hệ chặt chẽ với các yếu tố của đời sống văn hoá, lịch sử, xã hội 113, 114, 115, 116, 117, ...
11 luận đề vấn đề chính, có tính khái quát, được nêu ra để bàn luận trong văn bản nghị luận 46, 55, 56, 57, 66, ...

(Trang 139)


12  luận điểm ý chính được triển khai từ luận đề, cụ thể hoá và trực tiếp làm rõ cho các khía cạnh của luận đề trong văn bản nghị luận 55, 57, 66, 70, 73
13 thơ bảy chữ thể thơ hiện đại, mỗi dòng có bảy chữ (tiếng), không giới hạn về số dòng thơ trong khổ, số khổ thơ trong bài 45, 133
14 thơ sáu chữ thể thơ hiện đại, mỗi dòng có sáu chữ (tiếng), không giới hạn về số dòng thơ trong khổ, số khổ thơ trong bài 45, 133
15 thơ tám chữ thể thơ hiện đại, mỗi dòng có tám chữ (tiếng), không giới hạn về số dòng thơ trong khổ, số khổ thơ trong bài 44, 45, 49, 58, 59,...
16 thời kì văn học

khoảng thời gian nhất định trong quá trình phát triển của một nền văn học, được phân định theo quan điểm của người nghiên cứu, dựa trên những đặc điểm chung về lịch sử, xã hội, hình thức nghệ thuật và nội dung của các tác phẩm tiêu biểu

114, 131
17 truyện trinh thám

thể loại truyện khai thác đề tài điều tra vụ án, nhân vật chính thường là các thám tử, cảnh sát, thanh tra,...; cốt truyện tập trung vào chuỗi sự việc liên quan đến quá trình phá án của nhân vật chính: làm sáng tỏ những bí mật được che giấu liên quan đến vụ án, nạn nhân, nghi phạm và thủ phạm

4, 5, 14, 16, 23, ...
18 từ vựng vốn từ ngữ của một ngôn ngữ, bao gồm từ và cụm từ cố định (đặc biệt là thành ngữ), vừa có tính ổn định vừa có sự phát triển cùng với quá trình vận động của đời sống xã hội 45, 53
19 văn học dân gian một bộ phận trong nền văn học dân tộc, bao gồm các sáng tác truyền miệng của nhân dân, ra đời trước khi có văn học viết và được lưu truyền, tồn tại song song với văn học viết 114 , 115, 117
20 văn học viết một bộ phận trong nền văn học dân tộc, bao gồm sáng tác của các tác giả cụ thể, ra đời cùng với sự xuất hiện và phát triển của chữ viết 114, 115, 117, 118, 120


PHỤ LỤC 2

BẢNG TRA CỨU YẾU TỐ HÁN VIỆT
STT Yếu tố Hán Việt Nghĩa: từ Hán Việt (bài)
1 ân – ơn: ân đức, ân huệ, ân nghĩa, ân nhân (1), ân oán, ân thưởng, ân xá, đặc ân, tạ ân (1), tri ân, vong ân bội nghĩa
– yêu thương: ân ái, ái ân
2 ân – chu đáo; quan tâm đến: ân cần
- băn khoăn, day dứt: ân hận (4)
3 ấn – cái dấu, triện: ấn phong hầu (1, 4), ấn triện
– in; có tính chất in lại, để dấu lại: ấn định (4), ấn phẩm, ấn tượng (2, 4)
4 bào áo dài và rộng: áo bào, cẩm bào, chiến bào (2), hoàng bào, hồng bào, ngự bào, trường bào

(Trang 140)

5 cam – ngọt: cam lộ, cam thảo, cam tuyền
– sung sướng: đồng cam cộng khổ, khổ tận cam lai
– cảm thấy bằng lòng; chấp nhận, chịu: cam kết (8), cam phận, cam tâm
6 chấp – cầm; nắm: chấp bút, chấp chính, chấp pháp
– thực hiện: chấp hành, chấp nhận (4, 8), chấp thuận
kiên trì giữ vững; một mực theo: chấp nhất, bất chấp, cố chấp, tranh chấp
7 chi – ủng hộ: chi viện
– điều khiển: chi phối (7, 8)
– tiêu dùng: chi phí (8), chi tiền, chi tiêu (10), bội chi, dự chi, thu chi
– bộ phận nhỏ (trong toàn thể hoặc hệ thống): chi đoàn, chi đội, chi hội, chi li (8)
8 chiến – đánh nhau; xung đột; dùng cho đánh trận: chiến bào (2), chiến dịch (8), chiến đấu (10), chiến khu (6), chiến lược (8), chiến sĩ, chiến thắng (5, 6, 7), chiến thuật (4), chiến thuyền, chiến tranh (6, 9, 10), chiến xa, hiếu chiến, kháng chiến (6), trực chiến, tuyên chiến
9 chuẩn – cái được chọn làm mẫu; cái được chọn làm căn cứ đối chiếu; đúng theo quy định: chuẩn tắc, chuẩn xác (4, 6), hợp chuẩn (4), quy chuẩn (4), tiêu chuẩn (4)
– đồng ý, cho phép: chuẩn y, phê chuẩn
– sắp sẵn: chuẩn bị (6, 8, 9)
10 chuyên gian nan, khó đi, khó tiến lên được: truân chuyên (2)
11 cố – bền, chắc; kiên định: cố chấp, cố cùng, cố định (2), cố kết, cố thủ, cố ý, ngoan cố (1)
– vốn là, nguyên là: cổ hữu, cố nhiên (2)
12 nhọc nhằn: cù lao, cần cù (8)
13 cung – nhà của vua ở; thuộc về nơi vua ở: cung cấm, cung điện, cung đình (4), cung khuyết (1), cung nữ, cung tần (3), cấm cung, hoàng cung, thâm cung
– nhà để thờ thần; nơi ở của thần linh: thần cung, thiên cung, thuỷ cung, tiên cung
– nhà (thường là được xây cất rộng rãi, to đẹp): cung quế (2), cung thể thao, cung văn hoá
– một trong năm âm của âm nhạc cổ xưa (gồm cung, thương, giốc, chuỷ, vũ); bậc trong âm nhạc: cung đàn (1), cung thương lầu bậc ngũ âm (Truyện Kiều)
– khoản mục trong lá số tử vi: cung nô bộc, cung phu thê
– ô vuông trên bàn cờ tướng, giới hạn không gian di chuyển của con tướng và con sĩ: tốt nhập cung
14 doanh – nơi đóng quân: doanh trại, đại bản doanh, quân doanh
– làm; quản lí: doanh nghiệp (8), doanh số, hợp doanh, kinh doanh (8, 9), quốc doanh
15 dự danh tiếng; tên tuổi đáng tự hào: danh dự (5), vinh dự (5)
16 đãi – đối xử: đãi ngộ, bạc đãi, biệt đãi, đối đãi, hậu đãi, ngược đãi, trọng đãi
– đợi: đãi nguyệt (2), đãi phượng lâu (1)
– đối xử tốt bằng cách mời ăn uống: đãi khách, đãi ngộ, đãi tiệc, chiêu đãi, khoản đãi, tiếp đãi
17 đồ bùn : đồ thán, hồ đồ (3)

(Trang 141)

18 đồ – bản vẽ: bản đồ (6), địa đồ, lược đồ, sơ đồ
– phỏng đoán; tính toán; mưu tính: mưu đồ, ý đồ (4)
19 đố ghen; ghen ghét: đố kị (8), tài mệnh tương đố
20 độ

– đơn vị đo; mức đo được; khoảng chừng: biên độ, bình độ, cao độ, cực độ, cường độ (8), hạn độ, mật độ (2), nhiệt độ, nồng độ, thái độ (4, 6, 8), toạ độ, tốc độ (8), trình độ (6), vĩ độ
– sức chứa: độ lượng
– chuẩn tắc phải tuân theo: chế độ, đức độ, pháp độ, vô độ
 – qua; giúp vượt qua: độ thể, độ trì

21 đoan –ngay thẳng: đoan chính, đoan trang (1)
– đầu mối của vật thể: cực đoan (8), dị đoan, đa đoan
– hứa nhận trách nhiệm: cam đoan
22 giả

– không thật nhưng làm ra vẻ giống như thật; làm như thật để người khác tưởng là thật: giả danh, giả dạng, giả hiệu, giả ma giả quỷ, giả tạo, đạo đức giả
– nêu điều kiện để suy đoán: giả định (7), giả thiết, hoặc giả (4)

23 giả tiếng kết hợp ở sau một động từ để cấu tạo từ ngữ chỉ người: diễn giả, độc giả (10), khán giả (10), kí giả (6), sứ giả (1, 5), tác giả (4, 7), thính giả 
24 giám – theo dõi để kiểm tra, đôn đốc: giám binh, giám đốc (6), giám học, giám mã, giám mục, giám sát, giám thị
– tên gọi tổ chức thời phong kiến; người quản lí tổ chức thời phong kiến: giám quan, giám sinh, khâm thiên giám, Quốc Tử Giám, trường giám
– hoạn quan: nội giám, thái giám
25 giám  – cái gương: bảo giám
– soi xét: giám định, chứng giám (1), minh giám, niên giám
26 giáp – kí hiệu thứ nhất trong 10 thiên can (gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm, Quý); 12 năm: Giáp Tý, Giáp Tuất, hoa giáp (60 năm), lục thập hoa giáp (60 năm)
– ở vị trí đầu, đứng đầu: giáp bảng, hoàng giáp, khoa giáp (1)
– trang bị bọc lấy phần thân để giảm thiểu sức gây hại do tác động vật lí của vũ khí: giáp sĩ, giáp trụ, áo giáp, thiết giáp
– vỏ cứng của một số loài động vật: giáp cốt, giáp xác
– đơn vị dân cư thời xưa: giáp nhất, giáp nhị
27 hại – cái gây tổn thất, tổn thương: độc hại, lợi hại, nguy hại, tai hại (5), tệ hại
– làm tổn thất, tổn thương; giết: ám hại, bị hại, bức hại, hãm hại, hư hại, nguy hại (8), phá hại, sát hại, tàn hại, thương hại
– bị tổn thất, tổn thương: thảm hại, thiệt hại, tổn hại (8)
28 hồ – cháo nấu loãng; chất dính làm bằng bột và nước dùng để dán
– vôi vữa dùng để xây
– cho quần áo, vải sợi vào nước có pha bột để cho cứng: hồ quần áo – không rõ, lờ mờ: hồ đồ (3), hàm hồ (4)
29 hôn bố vợ (nghĩa cổ); vợ chồng lấy nhau: hôn lễ, hôn nhân (1), hôn phu, cầu hôn, chủ hôn, đính hôn, hứa hôn, kết hôn, li hôn, tảo hôn, tân hôn, thành hôn

(Trang 142)

30 hôn – lúc mặt trời vừa lặn: hoàng hôn (7)
– tối tăm; mê muội, không còn tỉnh táo: hôn ám, hôn mê, hôn quân
31 hứng  – nhận một điều gì đó mà có cảm xúc: cảm hứng (4, 10), ngẫu hứng, thi hứng
– vui, thích: hứng khởi (6), hứng thú (10), cao hứng, hào hứng
32 hưởng vang; tiếng vang, tiếng vọng: ảnh hưởng (8, 10), âm hưởng (2, 10), cộng hưởng, giao hưởng
33 hưởng nhận lấy; được sử dụng: hưởng thọ, hưởng thụ, an hưởng, chung hưởng, tận hưởng (7), thụ hưởng, thừa hưởng
34 huỷ – phá bỏ; phân rã: huỷ diệt, huỷ hoại (8), huỷ phá, phá huỷ (8), phân huỷ. tiêu huỷ
- mỉa mai, chê bai: huỷ báng
35 huyễn ảo; không có căn cứ hiện thực: huyễn ảo, huyễn tưởng (4), huyễn tương, biến huyễn (1), hư huyễn
36 huyệt – hang, động: sào huyệt
– hố sâu dưới đất để chôn cất người chết: kết huyệt
– các vị trí quy tụ thần khí trên cơ thể; chỗ hiểm trên cơ thể: huyệt đạo, điểm huyệt, yếu huyệt
37 kế – tính toán: kế hoạch, kế hoạch hoá, kế toán, thiết kế
– dụng cụ đo lường hoặc tính toán: ẩm kế, nhiệt kế, quang phổ kế, vôn kế 
– cách thức, mưu mẹo: kể sách, bách kế, diệu kế, độc kế, mưu kế, phương bách kế, phương kế, quốc kế, quốc kế dân sinh, tam thập lục kế, tương kế tựu kế
38 khắc – dùng vật sắc mà rạch, khoét lên một bề mặt; ghi lại, giữ lại: khắc hoạ (4), điêu khắc
– một phần tư giờ; một phần sáu ngày (không kể đêm); một khoảng thời gia ngắn: khoảnh khắc (1), thời khắc (8), tức khắc (1, 6)
– khắt khe: khắc khổ, khắc nghiệt, hà khắc, nghiêm khắc (2)
39 khắc – vượt qua, thắng được: khắc chế, khắc phục
– đối chọi nhau: khắc khẩu, tương khắc, xung khắc
40 khốc khóc, khóc to: quỷ khốc thần sầu (1)
41 khốc tàn ác, bạo ngược: khốc liệt, tàn khốc (8), thảm khốc
42 kị – giỗ; đám giỗ trong gia đình: kị nhật
– kiêng; tránh: kị huỷ, kị phong, kị tính, tối kị
– ghen ghét: đố kị (8), nghi kị
43 liễu xong; kết thúc: kết liễu (5)
44 lự suy nghĩ; lo; đắn đo, cân nhắc: lưỡng lự (6), tư lự, vô tư lự
45 nạn nguy hại; hiện tượng gây hại, gây khó khăn: nạn dân, nạn nhân, cứu nạn (5), hoạn nạn, khổ nạn, khốn nạn, lâm nạn, tai nạn, thoát nạn (10)
46 ngâm đọc hoặc hát bằng cách kéo dài giọng, diễn cảm: ngâm khúc (2), ngâm nga, ngâm vịnh

(Trang 143)

47 nghiêm – chặt chẽ, không cho phép có sự vi phạm; có sự uy nghi khiến người khác phải kiêng sợ: nghiêm khắc, nghiêm lâu (2), nghiêm lệnh, nghiêm túc (8), giới nghiêm, oai nghiêm (6), thâm nghiêm, tôn nghiêm (1)
– (đứng) thẳng, ngay ngắn
– bố: nghiêm huấn, gia nghiêm
–  ở mức độ cao: nghiêm trọng (4, 6)
48 nguy cao lớn: nguy nga (1)
49 nguy có thể gây hoạ, gây hại; tình trạng cấp bách: nguy cơ (8), nguy hại (8), nguy hiểm (5), nguy tai, nguy vong, chỉ nguy, cứu nguy, gian nguy, hiểm nguy (6), lâm nguy (3)
50 ngưỡng ngẩng lên; kính phục: ngưỡng mộ (4), ngưỡng vọng, chiêm ngưỡng (1, 5), tín ngưỡng (8)
51 nhân bố chồng (nghĩa cổ); vợ chồng lấy nhau: nhân duyên (1), hôn nhân (1)
52 nhiệm – gánh vác, đảm đương (công việc, chức vụ); chức vụ, công việc được giao: nhiệm kì, nhiệm sở (4), nhiệm vụ (5, 6, 8), chủ nhiệm, đảm nhiệm, đặc nhiệm, đương nhiệm, kiêm nhiệm, miễn nhiệm, trách nhiệm (8)
−tin dùng, giao việc: bổ nhiệm, tín nhiệm, uỷ nhiệm
53 nhục – xấu hổ; nhơ nhuốc: cực nhục, khổ nhục, nhẫn nhục, ô nhục (4)
làm cho xấu hổ: nhục mạ, lăng nhục, sỉ nhục (5)
54 nữ con gái; nữ giới: nữ nhi (3), mĩ nữ (3), ngọc nữ (1), phụ nữ (4, 5, 8), thiếu nữ, thôn nữ, tố nữ (2)
55 oán – căm giận; điều căm giận bởi người khác gây hại cho mình: oán hận (3), oán thù, ân oán, báo oán, thù oán
– có ý không hài lòng, trách móc: oán thán, oán trách (5), ai oán, sầu oán (2)
56 sầu buồn rầu: sầu bi, sầu muộn (5), sầu não, sầu oán (2), sầu tư, âu sầu, đa sầu, giải sầu, oán sầu, tiêu sầu, u sầu (2)
57 sỉ – xấu hổ: liêm sỉ, quốc sỉ, vô liêm sỉ, vô sỉ
– làm cho xấu hổ: sỉ nhục (5)
58 song đôi (đối lập với đơn): song ca, song hành, song hỉ, song mã, song ngữ, song phi, song song (1, 4), song thân, song thất lục bát (2), song toàn, vô song
59 sơn núi; thuộc về núi: sơn cước, sơn hà, sơn hào (1), sơn lâm, sơn nữ, sơn thần (1), sơn thuỷ, giang sơn (1, 8)
60 sưu tìm kiếm: sưu tầm (10), sưu tập
61 tạ – tỏ lòng biết ơn hoặc xin lỗi một cách trân trọng: tạ ân (1), tạ tội, cảm tạ, đa tạ (1), hậu tạ
−(cỏ cây) héo rụng: tàn tạ
– từ chối; cáo lui: tạ thế, tạ từ
62 tần có số lần lặp đi lặp lại trong một thời gian, phạm vi nhất định: tần số, tần suất (7), cao tần

(Trang 144)

63 tần cung nữ: cung tần, phi tần
64 thần – bề tôi; lời quan tự xưng với vua: cận thần, công thần, cựu thần, danh thần, đại thần, đạo quân thần, gian thần, hạ thần, văn thần (1)
– chịu dưới sự thống trị của người khác: thần phục, thần thiếp (1)
65 thần – lực lượng siêu nhiên (thường được con người tôn thờ, kính sợ): thần linh, thần nhân (1), thần phật (1), thần thánh, quỷ khốc thần sầu (1), quỷ thần (1), sơn thần (1), thánh thần (8), thiên thần, thuỷ thần (1), tiểu thần (1), tử thần (5)
– hơn hẳn mức bình thường; siêu việt: thần bút, thần diệu (1), thần dược, thần đồng, thần hiệu, thần y, xuất thần
– phần linh hồn; những thứ thuộc về tinh thần: thần trí, an thần, định thẩn, tâm thần, tinh thần (1, 8, 10)
– vẻ biểu hiện ra bên ngoài: thần sắc, thần thái, thất thần, truyền thần
66 thoát – cởi (trang phục): thoát y
– ra khỏi một tình trạng nào đó; tách rời khỏi: thoát hiểm, thoát li, thoát nạn (10), thoát thai, thoát thân, thoát tục, thoát vị, thoát xác, giải thoát, siêu thoát, tẩu thoát
– không bị gò bó; không bị rối; không bị bí: thoát ý, thanh thoát
67 thú vui, thích; điều cảm thấy vui: thú vị (2, 5, 7), chỉ thú, hứng thú (10), kì thú (10), lạc thú (7), lí thú (6), thích thú
68 thuộc – bà con, họ hàng: gia thuộc, thân thuộc
– ở trong một phạm vi quản lí, chi phối nào đó: thuộc địa, thuộc tính, Bắc thuộc (10), lệ thuộc (10), nội thuộc, phụ thuộc (8, 10), tuỳ thuộc (6)
69 thừa – vâng; chịu; tuân theo: thừa hành, thừa nhận (4, 8)
– nối tiếp, kế tục: thừa hưởng, thừa kế, thừa tự, giao thừa
70 thừa – nhân, nhân lên: thừa số, luỹ thừa
– nhân cơ hội: thừa cơ (1), thừa thế
71 tiềm –  chìm (dưới nước): kính tiềm vọng
–  ẩn chứa: tiềm ẩn, tiềm lực, tiềm năng, tiềm tàng (8), tiềm thức
72 tộc – họ; người cùng một họ, người có cùng quan hệ huyết thống; dòng dõi:) tộc trưởng, danh gia vọng tộc, gia tộc, hoàng tộc, quý tộc (6, 9
– cộng đồng người có chung nguồn gốc, hoặc chung đặc điểm (di truyền, văn hoá, ngôn ngữ,...): bộ tộc, chủng tộc, dân tộc (2, 6, 7, 8, 9, 10), thị tộc
– loài: ngư tộc, thuỷ tộc (1)
73 tốn nhường, khiêm cung: khiêm tốn (8), từ tốn
74 trang – khu vực có hoạt động của con người ở ngoài thành thị: trang viên, điền trang, gia trang, nghĩa trang, nông trang
– nghiêm chỉnh: trang nghiêm, trang trọng, đoan trang (1), nghiêm trang
– đồ dùng; quần áo: trang phục, hành trang (8), khẩu trang, nữ trang, phục trang, quân trang, thời trang, tư trang, vũ trang (6, 8)
– lắp đặt, bố trí; tô điểm: trang bị, trang hoàng, trang trí, nguy trang, tân trang
– đóng giả: giả trang, hoá trang

(Trang 145)

75 trạng – hình dáng, dáng vẻ; hình dung; tình hình biểu hiện ra: trạng thái, hành trạng, hình trạng (1), sự trạng, tâm trạng (2, 4), thể trạng, tình trạng
– bày tỏ; bày tỏ sự thực: trạng sư, cáo trạng
– người có tài năng nổi trội về mặt nào đó: trạng nguyên
76 truân khó; khó khăn: truân chuyên (2), gian truân
77 trúng – đúng, hợp cách: trúng cách, trúng đích, trúng ý
-mắc phải: trúng bệnh, trúng đạn, trúng độc, trúng kế, trúng thương
– đoạt được: trúng cử, trúng giải, trúng số, trúng thưởng, trúng tuyển (1)
78 vụ – việc: chức vụ, công vụ, đặc vụ, mật vụ, nghĩa vụ (4, 5), nhiệm vụ (6, 8), nội vụ, phục vụ, sự vụ, tài vụ, thương vụ
– mùa: chính vụ, quá vụ, thời vụ
dốc sức vào việc gì đó; mưu cầu: vụ lợi
– cơ quan chuyên môn quản lí theo ngành dọc: vụ phó, vụ tổ chức, vụ trưởng

PHỤ LỤC 3

BẢNG TRA CỨU TÊN RIÊNG NƯỚC NGOÀI
STT Tên riêng nước ngoài Phiên âm Trang
1  Afghanistan Áp-ga-ni-xtan 135
2 Agatha Christie A-ga-tho Crít-xti 6, 16, 23
3 Aleksandr Solzhenitsyn A-lếch-xan-đơ Xôn-gie-nít-xưn 113
4 António Guterres An-tô-ni-ô Gu-tê-rét 67, 72, 75
5 Argentina Ác-hen-ti-na 68
6 Athur Conan Doyle A-thơ Cô-nan Đoi-lo 6, 7, 13, 14
7 Azusa A-du-xa 30, 31, 32, 33, 34
8 Bannister Be-ni-xto 7, 9, 10, 11, 12
9 Ben Ben 22
10 Brasil Bra-xin 110
11 California Ca-li-phoóc-ni-a 25
12 Canada Ca-na-da 7, 8
13 Carlo Batà Ca-lô Ba-la 75
14 Champa Chăm-pa 110
15 Colombia Cô-lôm-bi-a 25, 68
16 Damocles Đa-mô-clét 68, 70, 76
17 Dan Brown Dan Bo-rao 4
18     7

(Trang 146)

19 Edgar Allan Poe Ét-ga A-len Pậu 5
20 Edogawa Conan E-do-ga-oa Cô-nan 30
21 Edward Ét-uốt 16, 17, 18, 19, 20, 80
22 Eiffel Ép-phen 80
23 Emily Ê-mi-ly 16, 17
24 Frank McCulloch Phranh Mắc Cơ-lóc 5
25 Gabriel García Márquez Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két 67, 68
26 Genève Gio-ne-vơ 25
27 Gilchrist Ghi-crít 7, 8, 10, 11, 12,...
28 Gosho Aoyama Go-so Ao-da-ma 30
29 Graham Greene Gra-ham Gờ- rin 27
30 Greenland Grin-lan 73, 77
31 Hilton Hin-tơn 7
32 Ibn Battuta l-bơ-nơ Bát-tu-ta 89
33 Jabez Gilchrist Gia-bớt Ghi-crít 13
34 Joanna Southcott Giôn-nơ Xao-cót 20
35  Khyber Pakhunkhtawa Khi-bơ Pa-khun-khơ-la-va 135
36 Kudo Shinichi Ku-đôn Si-ni-chi 30
37 Lily Crabtree Li-ly Cráp-tri 16
38 Listerdale Lít-tơ-đeo 23
39 Lucy Lắc-xi 20
40 Magdelen Vaughan Méc-đơ-lân Va-an 16
41 Malala Yousafzai Ma-la-la Y-u-xa-phơ-dây 134, 135
42 Martha Ma-thơ 16, 17, 18, 19, 20, ...
43 Masuko Ma-xu-cô 31, 32, 33, 34
44 Matthew

Mét-thiu 16, 17, 18, 21, 22
45 Mexico

Mê-hi-cô 68
46 Morgue Mo-gi 5
47 Mori Mo-ri 30
48 Morley Safer Mo-li Xây-phơ 25, 26, 27
49 Mushi Mu-xi 31, 32
50 New York Niu Oóc 27
51 Nigeria Ni-giê-ri-a 135
52 Nile Nin 23

(Trang 147)

53 NimitZ Ni-mít 69
54 Nobel Nô-ben 68
55 Osawa Ô-xa-oa 31, 32, 34
56 Pakistan Pa-ki-xtan 134, 135, 136
57 Peter Ross Range Poirot Pi-tơ Rót-xơ Rên giơ 24, 25, 26, 27
58 Poirot Poa-rô 30
59 Quetta Que-ta 135
60 Random House Ren-đầm Hao-xơ 26
61 Richard Clurman Ri-chát Clơ-men 27
62 Samburu Kenya Sam-bu-ru Ke-ni-a 126
63 Samuel Johnson Xa-mu-en Giôn-xơn 66
64 Scotland Xcốt-len 14
65 Sherlock Holmes Sơ-lốc Hôm 7, 9, 10, 11, 14
66 Shinagawa Xi-na-ga-oa 31, 32, 34
67 Soseki Xô-xê-ki 31, 32, 33
68 St. Luke Xanh Lúc 7, 9
69 Swat Xơ-oát 135
70 Tanzania Tan-da-ni-a 68
71 Vauban Vô-băng 111
72 Watson Oát-xơn 7, 9, 10, 14
73 William Crabtree Uy-li-am Cráp-tri 16

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 9 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Công Dân 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Toán 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Toán 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Vật Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Hóa Học 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tiếng Anh 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tiếng Anh 9 - Tập 2

NXB Giáo Dục Việt Nam - Tiếng Anh 9 - Tập 2

Sinh Học 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

mi-thuat-4-1089

Mĩ Thuật 4

Sách Lớp 4 NXB Giáo Dục Việt Nam

tu-nhien-va-xa-hoi-2-1025

Tự Nhiên và Xã Hội 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

hoat-dong-trai-nghiem-huong-nghiep-1170

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp 11

tap-viet-1-tap-hai-24

TẬP VIẾT 1 - Tập Hai

Sách Lớp 1 Chân Trời Sáng Tạo

sinh-hoc-816

Sinh Học

Sách Sinh Học cơ bản. Tổng 3 phần, 33 bài

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.