Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 9 - Tập 2 - Bài 1 : Đọc | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Bài 1 : Đọc và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 9 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 66)

Lương tri là một ngọn đuốc mà người ta phải cố gắng

duy trì trong tình trạng cháy sáng.

Xa-mu-en Giôn-xơn (Samuel Johnson}

GIỚI THIỆU BÀI HỌC

• Trước nhiều tình huống trong cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, chúng ta rất cần sự dẫn dắt của tiếng nói lương tri. Đó là tiếng nói của lí trí sáng suốt, tình cảm chân thành; tiếng nói của lẽ phải và công chính, của tinh thần trách nhiệm cao. Tiếng nói đó có khả năng đánh thức phần tốt đẹp nhất trong mỗi người, hướng con người đến hành động đúng đắn.

• Hai văn bản nghị luận trong bài là những tiếng nói mạnh mẽ, đề cập vấn đề nóng hổi, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của nhân loại. Với thái độ trân trọng sự sống của con người, các tác giả đã nêu lên vấn đề hết sức thiết yếu, dùng lí lẽ sắc bén và bằng chứng xác thực để viết nên những văn bản giàu sức thuyết phục. Kết nối về chủ đề là bài thơ của một chiến sĩ cách mạng, thể hiện sự kì vọng về vai trò của tuổi trẻ đối với vận mệnh đất nước.

YÊU CẦU CẦN ĐẠT 

• Nhận biết và phân tích được luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản; mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề.

• Biết nhận xét, đánh giá tính chất đúng và sai của vấn đề đặt ra trong văn bản; liên hệ được ý tưởng, thông điệp trong văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội.

• Phân biệt được cách trình bày vấn đề khách quan (chỉ đưa thông tin) và cách trình bày chủ quan (thể hiện tình cảm, quan điểm của người viết).

• Hiểu được nghĩa và cách dùng tên viết tắt các tổ chức quốc tế quan trọng (như: UN, UNESCO, UNICEF, WHO, WB, IMF, ASEAN, WTO,...).

• Viết được một bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.

(Trang 66)

• Trình bày được ý kiến về một sự việc có tính thời sự, nghe và nhận biết được tính thuyết phục của một ý kiến; chỉ ra được những hạn chế (nếu có) như lập luận thiếu lô-gíc, bằng chứng chưa đủ hay không liên quan.

• Có tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước và nhân loại; sẵn sàng lên tiếng trước những vấn đề quan trọng, gay cấn.

Đọc

TRI THỨC NGỮ VĂN

Thông tin khách quan và ý kiến chủ quan

   Phân biệt thông tin khách quan và ý kiến chủ quan của người viết là yêu cầu quan trọng đối với việc đọc hiểu văn bản nghị luận. Nó giúp người đọc kiểm tra, đánh giá được độ tin cậy, thuyết phục của lập luận và từng bước phát triển tư duy phản biện.

   Thông tin khách quan thường được thể hiện ở dạng bản tin, số liệu thống kê, phát hiện của các nhà nghiên cứu, kết quả thí nghiệm,...

   Ý kiến chủ quan thường được đánh dấu bằng những cách diễn đạt như: tôi nghĩ, tôi tin, tôi cảm thấy, theo quan điểm của tôi, chúng tôi cần,...; hoặc các từ ngữ thể hiện cảm xúc, tình cảm, nhận xét như: thích, ghét, thú vị, rất đáng ghi nhận, thật sự có giá trị,...

Nghĩa và cách dùng tên viết tắt của các tổ chức quốc tế quan trọng

Trong các loại văn bản, ta có thể gặp tên một số tổ chức quốc tế được viết tắt bằng cách dùng các chữ cái đầu tiên của các từ trong cụm từ tiếng Anh gọi tên tổ chức đó. Ví dụ: ASEAN là tên viết tắt của Association of South East Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á); WTO là tên viết tắt của World Trade Organization (Tổ chức Thương mại Thế giới);... Trong tạo lập văn bản, việc sử dụng tên viết tắt của các tổ chức quốc tế như vậy cần tuân theo một số quy định.

VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két (Gabriel García Márquez)

VĂN BẢN 2. Biến đổi khí hậu – mối đe doạ sự tồn vong của hành tinh chúng ta, (trích Phát biểu của Tổng Thư kí Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), An-tô-ni-ô Gu-tê-rét (António Guterres)

VĂN BẢN 3. Bài ca chúc Tết thanh niên, Phan Bội Châu

(Trang 68)

VĂN BẢN 1

TRƯỚC KHI ĐỌC

   Em hãy cho biết đất nước nào đã phải hứng chịu những quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Vì sao hằng năm ở đất nước đó, người ta vẫn tổ chức tưởng niệm ngày bị ném bom nguyên tử?

ĐỌC VĂN BẢN

Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

--------------------------------------------
Trích, GA-BRI-EN GÁC-XI-A MÁC-KÉT
--------------------------------------------

Theo dõi
Nhân loại đang đối mặt với nguy cơ gì?

 

Theo dõi
Cách sử dụng lí lẽ để tác động đến tình cảm và nhận thức của người nghe, người đọc.

   [...] Chúng ta đang ở đâu? Hôm nay ngày 8 – 8 – 1986, hơn 50 000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh. Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ. Tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải là một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên Trái Đất. Nguy cơ ghê gớm đó đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-mô-clét, về lí thuyết có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt Trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa, và phá huỷ thế thăng bằng của Hệ Mặt Trời. Không có một ngành khoa học hay công nghiệp nào có được những tiến bộ nhanh ghê gớm như ngành công nghiệp hạt nhân kể từ khi nó ra đời cách đây 41 năm, không có một đứa con nào của tài năng con người lại có một tầm quan trọng quyết định đến như vậy đối với vận mệnh thế giới.

   Niềm an ủi duy nhất trước tất cả những suy diễn kinh khủng đó là nhận thức được rằng việc bảo tồn sự sống trên Trái Đất ít tốn kém hơn là “dịch hạch” hạt nhân.
-------------------------------------------------------

Nhan đề của văn bản được dịch là Thanh gươm Đa-mô-dét (Damocles). Đấu tranh cho một thế giới hoà bình là nhan đề do nhóm tác giả biên soạn Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2008 đặt lại. Văn bản trích tham luận do Ga-bri-en Gác-xi-a Mac-két, với tư cách là khách mời, đọc tại một hội nghị quốc tế họp tại Mê-hi-cô (Mexico) tháng 8 năm 1986 – thời điểm cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ đã lên đến đỉnh điểm. Đây là hội nghị lần thứ hai chống chạy đua vũ trang, đòi thủ tiêu vũ khí hạt nhân do nguyên thủ sáu nước: Ấn Độ, Mê-hi-cô, Thụy Điển, Ác-hen-ti-na (Argentina), Hy Lạp, Tan-da-ni-a (Tanzania) tổ chức.
Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-kết (1928 –2014) là nhà văn nổi tiếng người Cô-lôm-bi-a (Columbia). Ông là tác giả của một số cuốn tiểu thuyết như Trăm năm cô đơn (1967), Tướng quân giữa mê hồn trận (1989),... Ngoài ra, ông còn viết một số bài luận đề cập đến những vấn đề thời sự của thế giới. Năm 1982, Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két đã được trao giải Nô-ben (Nobel) Văn học nhờ những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực văn học, đặc biệt là các tiểu thuyết và truyện ngắn có sự kết hợp giữa hiện thực và huyền ảo nhằm phản ảnh những vấn đề của cuộc sống ở vùng Mỹ Latinh.
Thanh gươm Đa-mô-clét: điển tích lấy từ một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp cổ đại. (Tên nịnh thần Ea-mô-chét được nhà vua cho ngôi vào ngai vàng và hưởng thụ sự sung sướng. Nhưng sau đó y mới biết có một thanh gươm sắc được nhà vua cho treo lơ lửng ngay phía trên đầu y chỉ bằng một sợi lông đuôi ngựa; từ câu chuyện đó, điển tích này được dùng với nghĩa: sự nguy hiểm, tai hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.)
Dịch hạch: bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, do một loại vi khuẩn từ bọ chét của chuột đã mắc bệnh truyền sang người, khi thành dịch lây lan rất nhanh, đe doạ tính mạng nhiều người; ở đây ý nói vũ khí hạt nhân đe doạ loài người như bệnh dịch hạch.

(Trang 69)

Đánh giá
Cách nêu bằng chứng kèm phân tích, so sánh có tác dụng gì?

Chỉ do sự tồn tại của nó không thôi, cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết cũng đã làm tất cả chúng ta mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn.

   Năm 1981, UNICEF đã định ra một chương trình để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất trên thế giới. Chương trình này dự kiến cứu trợ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh, và tiếp tế thực phẩm, nước uống. Nhưng tất cả đã tỏ ra là một giấc mơ không thể thực hiện được, vì tốn kém 100 tỉ đô la. Tuy nhiên số tiền này cũng chỉ gần bằng những chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mỹ và cho dưới 7 000 tên lửa vượt đại châu.

   Và đây là một ví dụ khác trong lĩnh vực y tế: Giá của 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân kiểu tàu Ni-mit (Nimitz), trong số 15 chiếc mà Hoa Kỳ dự định đóng từ nay đến năm 2000, cũng đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong cũng 14 năm đó và sẽ bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em, riêng cho châu Phi mà thôi.

   Một ví dụ trong lĩnh vực tiếp tế thực phẩm: Theo tính toán của FAO, năm 1985, người ta thấy trên thế giới có gần 575 triệu người thiếu dinh dưỡng. Số lượng ca-lo trung bình cần thiết cho những người đó chỉ tốn kém không bằng 149 tên lửa MX... Chỉ cần 27 tên lửa MX là đủ trả tiền nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong bốn năm tới.

   Một ví dụ trong lĩnh vực giáo dục: Chỉ hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xoá nạn mù chữ cho toàn thế giới.

   [...] Một nhà tiểu thuyết lớn của thời đại chúng ta đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng Trái Đất chúng ta chính là địa ngục của các hành tinh khác? Có lẽ sự việc giản đơn hơn nhiều: Nó chỉ là một cái làng nhỏ mà thánh thần đã bỏ quên ở ngoại vi vũ trụ.

Theo dõi
Cách bình luận của tác giả về vấn đề.

   Tuy nhiên, ý nghĩ dai dẳng cho rằng Trái Đất là nơi độc nhất có phép màu của sự sống trong Hệ Mặt Trời, ý nghĩ đó đã đẩy chúng ta tới kết luận này, không thể khác được: Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí.

   Không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa. [...] Từ khi mới nhen nhúm sự sống trên Trái Đất, đã phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi. Cũng đã phải trải qua bốn kỉ địa chất, con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu. Trong thời đại hoàng kim này của khoa học, trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp, chỉ cần bấm nút một cái là đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của hàng bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó.

---------------------------------------------------------

UNICEF (viết tắt của United Nations International Children’s Emergency Fund): Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.
Tàu sân bay: tàu chiến loại lớn chuyên dùng để chở máy bay, có sân bay để cho máy bay cất cánh, hạ cánh.
FAO (viết tắt của Food and Agriculture Organization): Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc.
Kì địa chất: đơn vị thời gian địa chất, bậc dưới của đại địa chất, dài từ hàng triệu đến hàng chục triệu năm.

 (Trang 70)

   Chúng ta đến đây để cố gắng chống lại việc đó, đem tiếng nói của chúng ta tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hoà bình, công bằng. Nhưng dù cho tai hoạ có xảy ra thì sự có mặt của chúng ta ở đây cũng không phải là vô ích.

Đánh giá
Cách kết thúc văn bản có gì độc đáo?

   [...] Tôi rất khiêm tốn nhưng cũng rất kiên quyết đề nghị mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại được sau thảm hoạ hạt nhân. Để cho nhân loại tương lai biết rằng sự sống đã từng tồn tại ở đây, bị chi phối bởi đau khổ và bất công nhưng cũng đã từng biết đến tình yêu và biết hình dung ra hạnh phúc. Để cho nhân loại tương lai hiểu điều đó và làm sao cho ở mọi thời đại, người ta đều biết đến tên những thủ phạm đã gây ra những lo sợ, đau khổ cho chúng ta, đã giả điếc làm ngơ trước những lời khẩn cầu hoà bình, những lời kêu gọi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, để mọi người biết rằng bằng những phát minh dã man nào, nhân danh những lợi ích ti tiện nào, cuộc sống đó đã bị xoá bỏ khỏi vũ trụ này.

(G.G Mác-két, Thanh gươm Đa-mô-clét,
N.V dịch, báo Văn ngh
ệ, ngày 27-9–1986)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nêu luận đề của bài nghị luận. Từ luận đề đó, tác giả triển khai thành những luận điểm nào?

2. Chọn một luận điểm em cho là tiêu biểu, phân tích cách dùng lí lẽ, bằng chứng và nói rõ vai trò của lí lẽ, bằng chứng trong việc làm nổi bật luận điểm đó.

3. Dựa vào nội dung văn bản và các thông tin giới thiệu, chú thích, cho biết văn bản được viết ra trong bối cảnh nào của thế giới. Từ đó, nêu tầm quan trọng của vấn đề được bàn luận.

4. Chiến tranh hạt nhân "không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa” là ý kiến chủ quan hay thông tin khách quan? Để thuyết phục người đọc tin vào điều đó, tác giả đã chọn cách triển khai đoạn văn như thế nào?

5. Khi bàn về vấn đề được nêu, Mác-két bộc lộ thái độ gì? Chỉ ra cách thể hiện thái độ của tác giả.

6. Qua văn bản này, tác giả muốn truyền đi thông điệp gì? Trong tình hình hiện nay của thế giới, thông điệp đó còn có ý nghĩa nữa không? Vì sao?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

   Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) với chủ đề: Vũ khí hạt nhân đang là hiểm hoạ đe doạ sự tồn vong của nhân loại.

(Trang 71)

Thực hành tiếng Việt

NGHĨA VÀ CÁCH DÙNG TÊN VIẾT TẮT CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ QUAN TRỌNG

1. Đọc văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, gặp tên viết tắt của tổ chức quốc tế như các trường hợp dưới đây, em cần làm gì? Vì sao phải làm như vậy?

– Theo tính toán của FAO năm 1985, người ta thấy trên thế giới có gần 575 triệu người thiếu dinh dưỡng.

– Năm 1981, UNICEF đã định ra một chương trình để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất trên thế giới.

2.  Nhận xét việc sử dụng tên viết tắt các tổ chức quốc tế trong đoạn văn sau:

   Việt Nam là một thành viên của UN, luôn cam kết hoàn thành nghĩa vụ với tổ chức này. Các cơ quan của UN như UNICEF, UNESCO, UNDP,... luôn đồng hành cùng Việt Nam trong việc thực hiện những chương trình quan trọng nhằm cải thiện đời sống của con người.

3. Đặt 4 câu, mỗi câu có sử dụng tên viết tắt của một tổ chức quốc tế sau đây:

–  WTO

– WB

– ASEAN

– WHO

 

 

 

Nhận biết tên viết tắt các tổ chức quốc tế, nghĩa của tên viết tắt và cách sử dụng

• Trên sách báo, ta có thể gặp những tổ hợp chữ cái viết hoa, ví dụ: UNESCO, EU, ILO,... Đó chính là tên viết tắt của các tổ chức quốc tế. Khi viết tắt, người ta chỉ lấy chữ cái đầu của từ trong cụm từ tiếng Anh chỉ tên tổ chức. Ví dụ, UNESCO viết đầy đủ là United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization; EU viết đầy đủ là Euronean Union,... Việc viết tắt tên các tổ chức như vậy xuất phát từ những lí do:

– Tiết kiệm thời gian khi tạo lập văn bản. Tên tổ chức quốc tế viết đầy đủ sẽ dài, nhưng khi viết tắt, chỉ cần rất ít chữ cái.

– Thuận tiện và thể hiện tính chuyên nghiệp trong trao đổi thông tin. Những người hoạt động trong các lĩnh vực như ngoại giao, thương mại, báo chí, nghiên cứu quốc tế,... sử dụng thường xuyên cách viết này.

– Tăng khả năng tìm kiếm thông tin liên quan đến tổ chức quốc tế trên in-tơ-nét.

• Nghĩa của tên viết tắt tổ chức quốc tế là nghĩa của từng từ trong cụm từ đầy đủ tạo nên tên của tổ chức đó. Ví dụ: UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) nghĩa là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc; EU (European Union) nghĩa là Liên minh châu Âu,... Nếu gặp tên viết tắt các tổ chức quốc tế như vậy trong văn bản nhưng không có chú thích, em cần tìm hiểu, tra cứu thông tin trên in-tơ-nét hoặc hỏi những người hiểu biết để nắm được nghĩa của nó.

• Trong tạo lập văn bản, khi sử dụng tên viết tắt các tổ chức quốc tế, cần lưu ý:

– Tất cả các chữ cái trong tên viết tắt phải được viết in hoa.

– Viết đúng trật tự các chữ cái trong tên viết tắt của tổ chức quốc tế.

– Tên viết tắt của tổ chức quốc tế xuất hiện lần đầu trong văn bản cần phải được chú thích (ghi đầy đủ tên của tổ chức đó bằng tiếng Anh và tiếng Việt).

– Chỉ sử dụng tên viết tắt của tổ chức quốc tế khi cần thiết, không nên dùng quá nhiều trong văn bản.

(Trang 72)

VĂN BẢN 2

TRƯỚC KHI ĐỌC

   Biến đổi khí hậu đã gây tác hại như thế nào đến lao động sản xuất và sinh hoạt của cư dân ở địa phương em? Vấn đề có nghiêm trọng không? Căn cứ vào đâu mà em kết luận như vậy?

ĐỌC VĂN BẢN

Biến đổi khí hậu –mối đe doạ sự tồn vong
của hành tinh chúng ta

--------------------------------------------------
Trích Phát biểu của Tổng Thư kí Liên hợp quốc
về biến đổi khí hậu, AN-TÔ-NI-Ô GU-TÊ-RÉT
--------------------------------------------------

Theo dõi
Cách nêu vấn đề và xác định tầm quan trọng của vấn đề.


   Các bạn thân mến của hành tinh Trái Đất,

   Cảm ơn các bạn đã đến trụ sở Liên hợp quốc ngày hôm nay. Tôi đã đề nghị các bạn đến đây để nghe tiếng chuông báo động. Biến đổi khí hậu là vấn đề hạn định thời đại chúng ta – và chúng ta đang ở vào một thời điểm có tính hạn định. Chúng ta phải đối mặt với một mối đe doạ trực tiếp đến sự tồn vong. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn tốc độ của chúng ta – và điều đó đã gây nên một quả bom âm thanh SOS qua thế giới chúng ta. Nếu chúng ta không thay đổi tiến trình đến năm 2020, chúng ta có nguy cơ làm mất đi thời điểm mà chúng ta có thể tránh được một sự biến đổi khí hậu phi mã, với những hậu quả tàn khốc đối với con người và toàn bộ hệ thống tự nhiên vẫn dung dưỡng chúng ta. Đó là lí do vì sao, hôm nay, tôi kêu gọi các bạn về vai trò lãnh đạo – từ các nhà chính trị, từ các doanh nghiệp và các nhà khoa học và từ công chúng ở mọi nơi. Chúng ta có các công cụ để tiến hành các hành động của mình một cách hiệu quả. Cái chúng ta còn thiếu – thậm chí là cả sau Thoả thuận Pa-ri là vai trò lãnh đạo và mong muốn làm điều cần thiết. [...]

   Cái khiến cho tất cả những chuyện này còn gây bối rối hơn đó là chúng ta đã được cảnh báo. Các nhà khoa học đã nói cho chúng ta từ nhiều thập kỉ trước. Nói đi và nói lại. Quá nhiều nhà lãnh đạo đã từ chối lắng nghe. Quá ít người đã hành động với tầm nhìn mà khoa học đòi hỏi. Chúng ta nhìn thấy kết quả. Trong một số trường hợp,

-------------------------------------------

Nhan đề do người biên soạn đặt. Văn bản này là bài phát biểu của An-tô-ni-ô Gu-tê-rét, Tổng Thư kí Liên hợp quốc tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ở Niu Oóc, Hoa Kỳ) năm 2018. Bài phát biểu gióng lên hồi chuông báo động chính phủ các quốc gia vì họ đã làm ngơ quá lâu trước những lời kêu gọi khẩn thiết của các nhà khoa học về tình trạng khí thải nhà kính tăng vọt, đẩy hành tinh của chúng ta tới bờ vực thẳm.
An-tô-ni-ôn Gu-tê-rét sinh năm 1949, là nhà chính trị và ngoại giao người Bồ Đào Nha, từng giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến năm 2002. Năm 2017, ông được bầu làm Tổng Thư kí Liên hợp quốc.
Hạn định: mức giới hạn cần định trước.
SOS: tín hiệu cấp cứu quốc tế, được chấp nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn cầu; trong văn bản này có nghĩa là cấp cứu, khẩn cấp.
Phi mã: ngựa chạy, ý nói là rất nhanh (nghĩa trong văn bản).

(Trang 73)

Theo dõi
Các bằng chứng được sử dụng.

chúng rất gần với các kịch bản “trường hợp xấu nhất” của các nhà khoa học. Băng ở vùng biển Bắc Cực đang biến đi nhanh hơn là chúng ta có thể hình dung. Năm nay, lần đầu tiên, lớp băng dày quanh năm ở bắc Grin-lan (Greenland) bắt đầu vỡ. Sự nóng lên đột ngột này ở Bắc Cực tác động đến mô hình khí hậu của phần bắc bán cầu. Nạn cháy rừng kéo dài hơn và lan đi xa hơn. Một số đám cháy lớn đến mức chúng thổi muội và tro khắp thế giới, nhuộm đen các khối băng trôi và các chỏm băng, khiến cho chúng tan chảy càng nhanh hơn. Các đại dương bị nhiễm acid nặng hơn, đe doạ nền tảng của chuỗi thức ăn duy trì sự sống. San hô chết trên diện rộng, làm suy giảm thêm hoạt động đánh bắt cá có tính sống còn. Và trên đất liền, mức cacbon đi-ô-xít cao trong khí quyển làm cho các vụ trồng lúa ít dưỡng chất hơn, đe doạ sự thịnh vượng và an ninh lương thực đối với hàng tỉ người. Sự biến đổi khí hậu càng trầm trọng, chúng ta sẽ thấy việc nuôi sống mình càng khó khăn hơn. Tốc độ diệt chủng sẽ tăng vọt khi môi trường sống bị thu hẹp lại. Ngày càng nhiều người buộc phải di cư khỏi quê nhà khi mà đất đai – nguồn sống chủ yếu của họ – không còn sản sinh hoa lợi. Điều này thực sự đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột địa phương vì các nguồn tài nguyên đang dần teo tóp lại. [...]

Theo dõi
Cách chuyển luận điểm và nội dung được bàn ở luận điểm.

   Ngọn núi phía trước chúng ta rất cao. Nhưng nó không phải là không thể vượt qua. Chúng ta biết cách để trèo qua nó. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần lắp phanh lên thứ khí nhà kinh phát thải gây nguy hại và lèo lái các tác động khí hậu. Chúng ta cần nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hoá thạch. Chúng ta cần thay thế chúng với năng lượng sạch từ nước, gió và mặt trời. Chúng ta phải ngăn chặn nạn phá rừng, phục hồi các cánh rừng bị xuống cấp và thay đổi phương thức canh tác. Chúng ta cần gắn kết kinh tế tuần hoàn với việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. [...]

Theo dõi
Giải pháp cho vấn đề và trách nhiệm của các đối tượng.

   Giờ đây chúng ta đang đứng ở ngã tư của sự sinh tồn. Nếu chúng ta chọn được đúng đường con đường hợp lẽ duy nhất – chúng ta sẽ phải tập trung toàn bộ sức mạnh của kĩ năng con người. Nhưng kĩ năng đã có rồi và đang cho ta các giải pháp. Và vì vậy, các bạn thân mến, một thông điệp trung tâm khác – công nghệ ở về phía chúng ta trong cuộc chiến nhằm vào biến đổi khí hậu. Sự gia tăng năng lượng tái tạo là rất lớn. Ngày nay, nó đang đua tranh với – thậm chí còn rẻ hơn — than đá và dầu mỏ, đặc biệt nếu như người ta tính đến cái giá phải trả của sự ô nhiễm. [...]

--------------------------------------------------
Chuỗi thức ăn: mô hình mô tả mối quan hệ giữa các loài sinh vật trong một hệ sinh thái, ở đó, sinh vật này sẽ ăn sinh vật khác để có được nguồn dinh dưỡng nuôi sống cơ thể.
Nhiên liệu hóa thạch: các nguồn năng lượng được sản xuất từ tàn dư hữu cơ của các sinh vật đã chết và phân huỷ trong hàng triệu năm trước như dầu mỏ, than đá, khi đốt,...
Kinh tế tuần hoàn: mô hình kinh tế dựa trên chu trình khép kín, các chất thải được tái sử dụng, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm được tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người.

(Trang 74)

   Đó đều là những bước tiến vô cùng quan trọng. Nhưng không đủ. Việc chuyển đổi sang một tương lai sạch hơn, xanh hơn đòi hỏi phải tăng tốc. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm “bỏ lỡ là mất luôn” thực sự. [...] Đó là một lí do khác để hành động bổn phận về đạo đức. Các quốc gia giàu nhất chịu trách nhiệm nhiều nhất về khủng hoảng khí hậu, nhưng các quốc gia nghèo nhất và các dân tộc và cộng đồng binh thường nhất lại phải nhận những tác động trước nhất và tồi tệ nhất. Chúng ta đã thấy sự bất công này trong chu kì hạn hán cực đoan và bão lụt, thậm chí còn dữ dội hơn diễn ra không ngừng và ngày càng gia tăng. Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng đặc biệt phải trả giá – không chỉ vì cuộc sống của họ sẽ trở nên khó khăn hơn mà bởi vì, khi thảm hoạ xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái luôn phải gánh chịu nặng nề hơn. Các quốc gia giàu có do đó không chỉ cần cắt giảm lượng khí phát thải mà còn phải làm nhiều hơn để đảm bảo rằng những người bình thường nhất có thể phát triển khả năng phục hồi cần thiết để sống qua được những tổn hại mà các khí phát thải đó gây ra.[...]

Theo dõi
Kêu gọi và nêu kế hoạch hành động.

   Đã đến lúc các nhà lãnh đạo của chúng ta thể hiện rằng họ quan tâm đến những người mà họ nắm số phận trong tay. Chúng ta cần họ thể hiện rằng họ quan tâm đến tương lai – và ngay cả hiện tại. Đó là lí do vì sao tôi xin phép được nhấn mạnh tới sự đại diện của giới trẻ trong những người nghe hôm nay. Điều cần thiết là xã hội dân sự – thanh niên, các nhóm phụ nữ, khu vực tư nhân, các cộng đồng tín ngưỡng, các nhà khoa học và các phong trào của những người dân thường trên khắp thế giới – đòi các nhà lãnh đạo của họ phải vào cuộc. Như tôi đã được Đặc phái viên về Thanh niên của tôi nhắc nhở. Đặc biệt, tôi kêu gọi vai trò lãnh đạo của  phụ nữ. Khi phụ nữ được trao quyền lãnh đạo. họ là những người biết hướng tới giải pháp. Không gì quan trọng bằng tương lai của chúng ta, và số phận của nhân loại tuỳ thuộc vào cách chúng ta ứng phó với sự thách thức của khí hậu. [...]

   Tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tới hội nghị thượng đỉnh đang được chuẩn bị vào năm tới để báo cáo không chỉ về những gì họ đang làm, mà còn là những gì họ dự tính sẽ làm khi họ họp lại vào năm 2020 tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc, ở đó các thoả thuận sẽ được thay đổi và chắc chắn được tăng cường một cách đầy tham vọng. Và đó là lí do vì sao tôi kêu gọi xã hội dân sự, đặc biệt những người trẻ tuổi, tham gia vào chiến dịch vì tác động khí hậu. Chúng ta hãy sử dụng năm tới cho các quyết định có tính chuyển đổi trong các phòng họp, phòng VIP và các nghị viện trên khắp thế giới. Chúng ta hãy nêu các tầm nhìn của mình, thiết lập các liên minh và làm cho các nhà lãnh đạo của chúng ta phải lắng nghe. Tôi cam kết cá nhân mình

----------------------------------------------
 Hội nghị thượng đỉnh: cuộc họp tập trung những nhà lãnh đạo quan trọng từ các quốc gia để thảo luận về các vấn đề chính trị, kinh tế, an ninh hay các vấn đề toàn cầu khác.
VIP: viết tắt của cụm từ Very important Person, có nghĩa là người rất quan trọng; VIP thường được sử dụng để chỉ những người có địa vị, quyền lực, hoặc có vai trò quan trọng trong một cộng đồng hoặc sự kiện nào đó, về sau mở rộng để chỉ những gì sang trọng phục vụ cho người hoặc sự kiện quan trọng, như phòng VIP, và VIP,...
Nghị viện: tổ chức lập pháp trong hệ thống chính trị của một số quốc gia (còn được gọi là quốc hội, đại hội đại biểu hoặc hội đồng lập pháp) có nhiệm vụ thực hiện chức năng lập pháp và giảm sát các hoạt động của chính phủ.

(Trang 75)

và toàn thể Liên hợp quốc sẽ tham gia vào nỗ lực này. Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các nhà lãnh đạo nào chấp nhận thách thức mà tôi đã vạch ra hôm nay. Các bạn thân mến, không có thời gian để lãng phí nữa.

   Như những vụ cháy rừng và các đợt nóng dữ dội trong mùa hè này đã cho thấy, thế giới đang thay đổi trước mắt chúng ta. Chúng ta đang tiến đến bên bờ vực thẳm. Không quá muộn để thay đổi chiều hướng này, nhưng mỗi ngày qua đi có nghĩa là thế giới lại nóng lên một chút và cái giả chúng ta phải trả cho sự thụ động của mình lại tăng thêm. Mỗi ngày chúng ta bỏ lỡ không hành động là một ngày chúng ta bước một chút gần hơn tới cái số phận mà không ai trong chúng ta mong muốn – một số phận mà qua các thế hệ sẽ cộng hưởng thành sự huỷ hoại đối với nhân loại và sự sống trên Trái Đất. Số phận của chúng ta ở trong tay chúng ta. Thế giới trông chờ mỗi chúng ta chấp nhận sự thách thức trước khi quá muộn. Tôi trông chờ vào tất cả các bạn.

   Xin cảm ơn.

      (An-tô-ni-ô Gu-tê-rét, Phát biểu của Tổng Thư kí Liên hợp quốc về biến đổi khi hậu, Huy Toàn dịch, in trong Những bài diễn văn làm thay đổi thế giới từ 1945 đến nay, Ca-lô Ba-tà (Carlo Bata) (Chủ biên), NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2022, tr. 199 – 202)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Luận đề của văn bản là gì? Những luận điểm nào đã được triển khai nhằm làm nổi bật luận đề? Chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm đó.

2.  Phân tích một số ví dụ để thấy được cách tác giả sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm.

3. Trong phần đầu của văn bản, tác giả cho rằng: "Chúng ta phải đối mặt với một mối đe doạ trực tiếp đến sự tồn vong”. Theo em, vấn đề được nêu như vậy là đúng hay sai? Vì sao?

4. Xác định vị thế xã hội của người viết khi trình bày ý kiến về vấn đề. Vị thế đó cho phép tác giả thể hiện thái độ gì khi đối thoại?

5. Trong văn bản, những thông tin khách quan nào được tác giả nêu ra? Dựa vào đâu em nhân biết điều đó?

6. Tác giả đã nêu những giải pháp gi cho vấn đề chống biến đổi khí hậu hiện nay? Ai là người có trách nhiệm thực thi các giải pháp đó?

7. Đối tượng tác động của văn bản này và văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình của Mác-két giống nhau như thế nào? Nêu ý nghĩa của sự giống nhau đó.

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

   Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trả lời câu hỏi: Phải chăng nhân loại không còn cách gì để đối phó với tình trạng Trái Đất ngày càng nóng lên?

Thực hành tiếng Việt

LỰA CHỌN CÂU ĐƠN – CÂU GHÉP, CÁC KIỂU CÂU GHÉP

1. Xác định câu đơn và câu ghép trong đoạn văn sau:

   Chúng ta đang ở đâu? Hôm nay ngày 8 – 8 – 1986, hơn 50 000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh. Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ: tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải là một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên Trái Đất. Nguy cơ ghê gớm đó đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-mô-clét, về lí thuyết có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt Trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa, và phá huỷ thế thăng bằng của Hệ Mặt Trời.

(G.G Mác-két, Đấu tranh cho một thế giới hoà bình)

2. Các câu sau thuộc kiểu câu ghép nào? Phương tiện nào được dùng để nối các vế của từng câu ghép?

a. Đứa trẻ thì ngây thơ, chỉ kể lại những điều mà đêm đêm mẹ thường dạy khi cha vắng nhà; nó không thể phân biệt được giữa đùa với thật vì mới có ba tuổi đầu và tin lời mẹ.

(Nguyễn Đăng Na, Người con gái Nam Xương – một bị kịch của con người)

b. Những chiếc chân bàn lung lay trong lớp đã được đóng lại nhưng không ai đánh giá đúng ý nghĩa đôi bàn tay khéo léo của Quỳnh.

(Trần Văn Toàn, Từ “Thằng quỷ nhỏ” của Nguyễn Nhật Ánh
nghĩ về những phẩm chất của một tác phẩm viết cho thiếu nhi
)

c. Các quốc gia giàu nhất chịu trách nhiệm nhiều nhất về khủng hoảng khí hậu, nhưng các quốc gia nghèo nhất và các dân tộc và cộng đồng bình thường nhất lại phải nhận những tác động trước nhất và tồi tệ nhất.

(A. Gu-tê-rét, Biển đổi khí hậu - 
mối đe doạ sự tồn vong của hành tinh chúng ta
)

d. Không gì quan trọng bằng tương lai của chúng ta, và số phận của nhân loại tuỳ thuộc vào cách chúng ta ứng phó với sự thách thức của khí hậu.

(A. Gu-tê-rét, Biến đổi khí hậu -
mối đe doạ sự tồn vong của hành tinh chúng ta)

3.  Đọc đoạn văn sau và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới:

   Cái khiến cho tất cả những chuyện này còn gây bối rối hơn đó là chúng ta đã được cảnh báo. Các nhà khoa học đã nói cho chúng ta từ nhiều thập kỉ trước. Nói đi và nói lại. Quá nhiều nhà lãnh đạo đã từ chối lắng nghe. Quá ít người đã hành động với tầm nhìn mà khoa học đòi hỏi. Chúng ta nhìn thấy kết quả. Trong một số trường hợp, chúng rất gần với các kịch bản “trường hợp xấu nhất” của  các nhà khoa học. Băng ở vùng biển Bắc Cực đang biến đi nhanh hơn là chúng ta có thể hình dung.

(Trang 77)

Năm nay, lần đầu tiên, lớp băng dày quanh năm ở bắc Grin-lan bắt đầu tan vỡ. Sự nóng lên đột ngột này ở Bắc Cực tác động đến mô hình khí hậu của phần bắc bán cầu. Nạn cháy rừng kéo dài hơn và lan đi xa hơn. Một số đám cháy lớn đến mức chúng thổi muội và tro khắp thế giới, nhuộm đen các khối băng trôi và các chỏm băng, khiến cho chúng tan chảy càng nhanh hơn.

(A. Gu-tê-rét, Biến đổi khí hậu – mối đe doạ sự tồn vong của hành tinh chúng ta)

a. Chỉ ra các câu đơn và câu ghép trong đoạn văn.

b. So sánh khả năng biểu đạt nội dung của các câu ghép và các câu đơn trong đoạn văn trên.

VĂN BẢN 3

ĐỌC VĂN BẢN

Bài ca chúc Tết thanh niên

--------------------
PHAN BỘI CHÂU
--------------------

Dậy! Dậy! Dậy!

Bên án một tiếng gà vừa gáy,

Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng.

Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?

Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng.

Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót.

Trời đất may còn thân sống sót;

Tháng ngày khuây khoả lũ đầu xanh.

Thưa các cô, các chị, lại các anh:

Đời đã mới, người càng nên đổi mới.

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội,

Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn.

Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan.

Dây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại,

Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi:

---------------------------
Án: bàn cao có mặt bàn hẹp.
Hai mươi năm lẻ: số năm Phan Bội Châu bôn ba hoạt động ở nước ngoài.
Đầu xanh: tóc xanh (chỉ thanh thiếu niên, người trẻ tuổi); trong thời gian bị giam lỏng ở Huế, mặc dù sống kham khổ, thiếu thốn, Phan Bội Châu vẫn nuôi dạy con của một số đồng chí đã hi sinh.
Cựu giang sơn: non nước cũ; các chiến sĩ cách mạng đầu thế kỉ XX thường dùng cụm từ này để chỉ đất nước khi còn có chủ quyền, đối lập với tình trạng đất nước bị thực dân Pháp đô hộ.
Ghe phe: có lúc.

(Trang 78)

Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần.

Đừng ham chơi, đừng ham mặc, đừng ham ăn,

Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa

Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ,

Mới thế này là mới hỡi chư quân

Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân...

(Phan Bội Châu – Tác phẩm chọn lọc,
Trần Hải Yến giới thiệu và tuyển chọn, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 64 –65)

SAU KHI ĐỌC

•  Phan Bội Châu (1867 – 1940) quê ở Nghệ An, là một nhà cách mạng lớn – người luôn sục sôi tinh thần yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc. Ông kết giao với nhiều nhà cách mạng, từng bôn ba nhiều năm ở nước ngoài, thành lập các tổ chức yêu nước, chống thực dân Pháp. Di sản văn học của Phan Bội Châu rất phong phú, với nhiều thể loại, nội dung chính là kêu gọi tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc. Một số tác phẩm chính: Hải ngoại huyết thư (1906), Ngục trung thư (1913), Trùng Quang tâm sử (khoảng 1905 – 1914),...

•  Bài ca chúc Tết thanh niên được viết theo thể hát nói, nằm trong lời đáp từ của Phan Bội Châu, khi học sinh Trường Quốc học và Trường dòng ở Huế tổ chức chúc thọ ông, ngày 29 tháng 01 năm 1927.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Cho biết bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào của đất nước và tình cảnh nào của tác giả. Dựa vào đâu em biết được những điều đó?

2. Nêu bố cục của bài thơ. Mạch cảm xúc của bài thơ được thể hiện như thế nào qua bố cục?

3. Phân tích tâm trạng của tác giả thể hiện trong bài thơ và nêu những đặc điểm của lời thơ biểu đạt tâm trạng đó.

4. Bài thơ đã thể hiện kì vọng gì của tác giả đối với thế hệ trẻ lúc bấy giờ?

5. Đặt trong bối cảnh cuộc sống hôm nay, lời kêu gọi tuổi trẻ thể hiện trong bài thơ có ý nghĩa như thế nào?

-------------------------------------------
Chư quân: các người.
Nhật nhật tân, hựu nhật tân: theo sách Đại học (một trong những cuốn sách kinh điển của Trung Quốc thời xưa), bài minh đề ở thùng tắm của vua Thành Thang có câu: Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân, nghĩa là "ngày một mới, ngày một mới, lại ngày một mới”.
Hát nói: thể thơ được dùng để sáng tác phần lời cho bài hát ca trù; số câu trong bài, số chữ trong các câu, cách gieo vần,... của bài hát nói tương đối tự do.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 9 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Công Dân 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Toán 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Toán 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Vật Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Hóa Học 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tiếng Anh 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tiếng Anh 9 - Tập 2

NXB Giáo Dục Việt Nam - Tiếng Anh 9 - Tập 2

Sinh Học 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

bai-tap-toan-5-1092

Bài tập Toán 5

Sách Lớp 5 NXB Giáo Dục Việt Nam

vo-bai-tap-toan-2-tap-hai-1011

Vở bài tập TOÁN 2 - Tập Hai

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

tieng-anh-11-explore-english-3040

Tiếng Anh 11 (Explore English)

Tiếng Anh 11 (Explore English)

dao-duc-3-300

Đạo Đức 3

Sách Lớp 3 Cánh Diều

tu-nhien-va-xa-hoi-3-1064

Tự Nhiên và Xã Hội 3

Sách Lớp 3 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.