(Trang 108)
Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử
Trong cuộc sống, không ít lần mỗi chúng ta được đặt “vào vai” một người giới thiệu nhiệt thành cho bạn bè hay khách phương xa về những điểm đáng tự hào của quê hương mình, trong đó có những danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử. Làm sao để nội dung giới thiệu luôn đưa lại được niềm hứng thú khám phá cho người nghe, đó là điều em cần đặc biệt quan tâm. Ở bài học này, tập thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cần được xem là một hoạt động bổ ích, giúp em có được những
kĩ năng cơ bản để sau này có thể thực hiện thành công việc quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước đến bè bạn gần xa.
1. TRƯỚC KHI NÓI
– Đọc lại bài viết đã hoàn thành theo yêu cầu ở phần Viết để nhớ lại và nắm chắc các nội dung cần thuyết minh. – Đánh dấu những ý cơ bản không thể bỏ qua và những ý có thể triển khai thêm khi thuyết minh (dưới hình thức nói). – Có thể soạn một bản trình chiếu để xác định dễ dàng hơn các điểm nhấn của bài nói và để chuyển tải các tranh, ảnh, sơ đồ, bản đồ, đoạn phim ngắn,... một cách thuận lợi. | Mục đích nói Cung cấp thông tin, giúp người nghe hiểu rõ sức hấp dẫn và giá trị của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử được nói tới. Người nghe Những người quan tâm đến việc khám phá, tìm hiểu danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử được thuyết minh. |
2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI
– Dựa vào cấu trúc của bài viết đã có để triển khai nội dung nói. Có thể thực hiện một số điều chỉnh cần thiết, tuỳ vào diễn biến thực tế của hoạt động tương tác giữa nói và nghe.
+ Mở đầu: Nêu tên đối tượng sẽ được thuyết minh (có thể đưa ra một bức ảnh hay đoạn nhạc dạo của một ca khúc và cho người nghe nhận diện danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử nào được thể hiện trong bức ảnh, ca khúc đó).
+ Triển khai: Lần lượt nêu các đặc điểm, giá trị của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử dưới hình thức vừa miêu tả, cung cấp các thông tin cụ thể, vừa phân tích, đánh giá. (Lưu ý: sự phân tích, đánh giá ở đây mang một tính chất riêng, nhằm “cố định hoá” hình ảnh của một đối tượng cụ thể, trước khi chuyển sang nói tới các đối tượng cụ thể khác trong danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử.)
(Trang 109)
+ Kết thúc: Khẳng định lại giá trị nổi bật của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử.
– Trong khi nói, cần thể hiện thái độ yêu quý, trân trọng đối tượng được thuyết minh, tôn trọng người nghe thuyết minh. Mỗi khi chuyển ý, có thể nêu một số câu hỏi gợi vấn đề nhằm thu hút sự theo dõi của người nghe. Cần chú ý thay đổi ngữ điệu một cách linh hoạt, sử dụng các phương tiện hỗ trợ và động tác hình thể phù hợp.
3. SAU KHI NÓI
Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:
Người nghe | Người nói |
• Nêu ấn tượng chung về bài nói, nhận xét ưu điểm, nhược điểm của nội dung bài nói và cách người nói thể hiện nội dung đó. • Chỉ ra những sai sót về thông tin trong bài nói (nếu có) và bổ sung một số ý cần thiết. • Có thể đề nghị người nói làm rõ thêm một số thông tin đáng quan tâm nhưng chưa được trình bày nổi bật hay tường tận | • Lắng nghe các trao đổi, góp ý với thái độ tiếp thu nghiêm túc, chân thành. • Giải thích hay trình bày thêm về những điều mà người nghe muốn có thông tin đầy đủ hơn.
|