(Trang 79)
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội)
Trong thực tế, nhiều khi chúng ta phải đối mặt với những vấn đề của đời sống xã hội. Việc quan tâm, bàn luận về những vấn đề như vậy là hết sức cần thiết, không chỉ có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân, mà còn có khả năng tác động đến nhận thức của nhiều người. Từ đó, mọi người có thể chung tay hành động, góp phần giải quyết vấn đề bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng của mình.
Yêu cầu:
• Nêu được vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội (liên quan đến sự phát triển đất nước, đời sống của cộng đồng, quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân,...) để bàn luận.
• Trình bày được bản chất, phạm vi tác động của vấn đề đối với đời sống xã hội (theo hướng tích cực hoặc tiêu cực), tổ chức thành hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực và tiêu biểu.
• Nêu được ý kiến trái chiều về vấn đề đời sống được bàn luận để phản bác một cách có cơ sở.
• Đề xuất được các giải pháp khả thi để giải quyết những bất cập trong phạm vi vấn đề.
Phân tích bài viết tham khảo
Bảo tồn và phát huy
Đã bao giờ bạn đến với non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), ngắm những di tích cổ kính gắn với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông từ thế kỉ XIII? Đã bao giờ bạn đến với Hoa Lư (Ninh Bình), tận mắt nhìn thấy những ngôi đền, ngôi nhà hết sức giản dị – dấu tích kinh đô của nước ta thời nhà Đinh từ hơn 1.000 năm trước? Hay đã có khi nào bạn về Bắc Ninh dự hội Lim (tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm), hoà nhập vào không khí lễ hội dân gian, được nghe những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, tình tứ? Cần hiểu rằng, đó là những di sản đã được bảo tồn qua hàng trăm, hàng ngàn năm. Và hôm nay, chúng ta có trách nhiệm tiếp tục công việc hệ trọng đó.
Di sản văn hoá của đất nước gồm những gì? Đó là toàn bộ giá trị văn hoá ẩn chứa trong những di sản vật thể và phi vật thể, gắn bó với cuộc sống của cộng đồng trong suốt |
(Trang 80)
chiều dài lịch sử. Chúng được tạo tác bởi bàn tay, khối óc của con người, nhằm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của con người. Các công trình kiến trúc như Chùa Một Cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội); Thành nhà Hồ (Thanh Hoa); Cố đô Huế, Chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế); Nhà thờ Đức Bà (Thành phố Hồ Chí Minh),... và bao nhiêu chùa chiền, đền đài, cầu, tháp,... được xây dựng cách đây hàng thế kỉ chính là các di sản văn hoá. Những pho sách cổ viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, đúc kết trí tuệ của các thế hệ đi trước cũng là di sản văn hoá. Từ các loại hình sân khấu dân gian như chèo, tuồng, ca kịch, múa rối,... cho đến những làn điệu dân ca của 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước,... đều là di sản văn hoá. Như vậy, ở bất cứ không gian sống nào, chứng tích của quá khứ thể hiện qua di sản văn hoá cũng đang hiện diện trong đời sống của con người hôm nay.
Khó mà đo đếm được sự quý giá của di sản văn hoá. Trước hết, di sản văn hoá đại diện cho những giá trị tinh thần, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc của quốc gia. Có những di sản đã gắn với danh xưng của quốc gia, chẳng hạn. “đất nước Kim Tự Tháp” (Ai Cập), “đất nước Chùa Tháp” Cam-pu-chia, “đất nước của tháp Ép-phen (Eiffel)” (Pháp),... Vì đã trường tồn qua hàng trăm, hàng ngàn năm, cho nên di sản văn hoá giúp con người hiểu rõ hơn về lịch sử, về truyền thống lao động và đấu tranh, về bề dày kinh nghiệm thẩm mĩ, về quan niệm đạo đức của một cộng đồng, có tác dụng lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Di sản văn hoá đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển ngành du lịch. Nhiều người nước ngoài hết sức thích thú, phấn khích khi xem múa rối nước của Việt Nam, lặng lẽ đắm mình vào không gian trầm mặc của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi khám phá địa đạo Củ Chi,... Cũng cần nói thêm, Cũng cần nói thêm, những di sản độc đáo, có giá trị cao không chỉ là báu vật của quốc gia, mà còn trở thành vốn quý của cả nhân loại khi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Mặc dù di sản văn hóa quý giá như vậy, nhưng hiện nay nhiều công trình không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hại, mất mát do đạn bom trong chiến tranh, do thời tiết khắc nghiệt, do cách bảo tồn sơ sài bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc trình độ quản lí còn hạn chế,... Có những nơi quá chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt nên đã không ngần ngại xâm hại di sản. Không ít người lại cho rằng, di sản phải được tôn tạo, phải được làm mới để “vĩnh cửu hoá”. Thật là một quan niệm sai lầm! Xuất phát từ sự thiếu hiểu biết đó mà họ đã huy động nhiều tiền của để “tôn tạo" di sản theo hướng " hiện đại hoá", khiến bao nhiêu công trình trở nên lai căng, biến dạng, mất hết vẻ đẹp tinh xảo nguyên sơ vốn có. Thật xót xa khi những cuốn sách quý trong kho tư liệu cha ông để lại bị mục nát, hư hỏng hoặc thất lạc. Nếu cứ như thể, sẽ đến lúc có những bảo vật hoàn toàn biến mất khỏi vốn di sản của quốc gia. Thực trạng đó cho thấy việc bảo tồn di sản văn hoá truyền thống vẫn luôn là vấn đề có tính thời sự.
|
(Trang 81)
Làm sao để giữ gìn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ mai sau giá trị tinh thần, vật chất vô giá do cha ông để lại? Câu hỏi này không dành cho riêng ai. Có nhiệm vụ thuộc về nhà nước và các cơ quan chuyên trách như việc ban hành văn bản pháp luật, ban hành chính sách nhằm tăng cường năng lực điều hành, quản lí và phát huy giá trị của di sản văn hoá. Có việc thuộc về các nhà khoa học – những chuyên gia có kiến thức sâu rộng về chuyên môn, có khả năng đưa ra những phương pháp bảo tồn hợp lí nhất. Có việc thuộc chức năng của những đơn vị trực tiếp quản lí di sản cụ thể. Và dĩ nhiên, cả cộng đồng cũng như mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm với di sản văn hoá của đất nước, nhất là những gì có liên quan, gần gũi với đời sống hằng ngày của mọi người. Là những con người thuộc thế hệ trẻ của đất nước, mỗi học sinh chúng ta cần phải ý thức rõ về trách nhiệm đó. Trong việc thụ hưởng di sản văn hoá như tổ chức hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm,... chúng ta cần luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định; tuyệt đối tránh những việc làm có thể gây tổn hại đối với di sản; ngăn cản hoặc tố giác những kẻ cố tình phá hoại; biết giữ gìn di sản bằng sự hiểu biết và thái độ trân quý. Có như vậy, di sản văn hoá mới có thể tiếp tục tồn tại bền lâu với tương lai của đất nước. (Nhóm biên soạn) |
Thực hành viết theo các bước
1. TRƯỚC KHI VIẾT a. Lựa chọn đề tài Muốn chọn được đề tài phù hợp để viết bài, em cần chú ý phạm vi nội dung mà phần viết giới hạn (vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội). Em chú ý thu thập tư liệu từ các nguồn khác nhau (sách báo, các phương tiện truyền thông,...) làm cơ sở cho việc tìm đề tài. Có thể tham khảo một số vấn đề sau: | Mục đích viết Thuyết phục người đọc đồng tình với ý kiến người viết về một vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội hiện nay để mỗi cá nhân thấy được trách nhiệm của mình. Người đọc Những người quan tâm đến các vấn đề thiết yếu của đời sống xã hội, thấy được sự tác động của những vấn đề đó đối với cá nhân, cộng đồng, đất nước. |
– Bảo vệ, khôi phục rừng và trồng cây phủ xanh đồi trọc.
– Công cuộc chuyển đổi số và vai trò của mỗi người.
– Giữ gìn nguồn nước cho hôm nay và mai sau.
– Văn hoá giao thông và trách nhiệm của mỗi người.
– Vai trò của thực phẩm sạch trong cuộc sống hằng ngày.
(Trang 82)
b. Tìm ý
Khi đã xác định được đề tài bài viết, cần tiến hành việc tìm ý. Phải tìm hiểu kĩ vấn đề để nắm được bản chất và các khía cạnh của nó. Từ kinh nghiệm viết bài nghị luận khi thực hiện ở phần Viết của Bài 1. Thế giới kì ảo và Bài 3. Hồn nước nằm trong tiếng mẹ cha, em có thể đặt ra các câu hỏi để tìm ý theo cách tương tự, chẳng hạn:
– Vấn đề cần được giải quyết là gì? (Luận điểm 1 của bài viết tham khảo nêu vấn đề di sản văn hoá và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn các di sản đó.
– Ý kiến của em về vấn đề như thế nào? Trong bài viết tham khảo, người viết trình bày quan điểm của mình về sự quý giá của di sản văn hoá, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy những di sản văn hoá truyền thống đối với quốc gia và nhân loại. Người viết cũng báo động và phân tích tình trạng xuống cấp, hư hại, mất mát của di sản văn hoá do nhiều nguyên nhân khác nhau.
– Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với quan điểm của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác? Có thể có nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, vì vậy, ý kiến trái chiều khá đa dạng. Bài viết đã nêu và phản bác ý kiến cho rằng di sản văn hoá cần được tôn tạo, làm mới theo hướng “hiện đại hoá”, “vĩnh cửu hoá”.
– Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề? Luận điểm 4 của bài viết tham khảo nêu một số giải pháp cần thực hiện để giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản văn hoá; đề cao trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giải quyết vấn đề; liên hệ với bản thân (ở phần Kết bài).
c. Lập dàn ý
Các ý đã tìm được chỉ mới tồn tại dưới dạng liệt kê. Em cần lập sắp xếp những ý đó vào các phần theo trật tự hợp lí.
Dàn ý
– Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội, nêu sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề.
– Thân bài:
+ Trình bày ý kiến của bản thân về vấn đề, triển khai thành hệ thống luận điểm.
• Luận điểm 1: Bản chất của vấn đề đời sống được bàn luận, biểu hiện của vấn đề trong thực tế xã hội (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).
• Luận điểm 2: Sự tác động của vấn đề đối với cá nhân, cộng đồng, đất nước theo hướng tích cực hoặc tiêu cực (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ)
• Luận điểm 3: Trách nhiệm của mỗi người trước vấn đề (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).
• ...
(Trang 83)
+ Nêu ý kiến trái chiều về vấn đề để phản bác.
+ Đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề đời sống được bàn luận.
– Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng đắn và giải quyết thoả đáng vấn đề nêu ra.
2. VIẾT BÀI
Khi viết bài, em cần chú ý những điểm sau đây:
– Bám sát yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để triển khai các phần của bài viết.
– Rút kinh nghiệm từ việc viết bài văn nghị luận xã hội (ở các bài trước), từ việc đọc văn bản nghị luận ở bài học này cũng như qua tìm hiểu bài viết tham khảo, em cần vận dụng linh hoạt kĩ thuật viết các phần của bài văn.
– Có thể mở bài bằng lối trực tiếp (giới thiệu nhanh vấn đề nghị luận) hoặc gián tiếp (dùng một mẩu chuyện, một thông tin, một câu nói nổi tiếng hoặc nêu ý tương phản... để dẫn đến vấn đề bàn luận).
– Khi triển khai các luận điểm của phần Thân bài, cần đặc biệt chú ý việc sử dụng lí lẽ và bằng chứng để tăng sức thuyết phục của bài văn nghị luận (quan sát cách trình bày lí lẽ và nêu bằng chứng ở các văn bản đọc và bài viết tham khảo để học tập cách viết).
– Kết bài nên liên hệ tới trách nhiệm của mỗi người trong việc giải quyết vấn đề.
3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
– Đọc bài viết thật kĩ, đặt câu hỏi để tự kiểm tra lại từng phần, từng khía cạnh và thao tác được sử dụng:
+ Vấn đề bàn luận có được nêu rõ ràng không?
+ Bản chất và từng khía cạnh của vấn đề đã được làm rõ chưa? Bản thân có ý kiến như thế nào về vấn đề? Tầm quan trọng của vấn đề đối với đời sống xã hội có được làm nổi bật không?
+ Thực trạng của vấn đề đã được nêu cụ thể chưa? Giải pháp đề xuất có tính khả thi không? Trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia giải quyết vấn đề được nêu như thế nào?
+ Có nêu được ý kiến trái chiều để phản bác không? Nếu có, việc phản bác đã đủ cơ sở chưa?
+ Ở từng luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được sử dụng như thế nào? Có đảm bảo sức thuyết phục không?
+ Bài viết có những lỗi nào về chính tả, diễn đạt (dùng từ, đặt câu, liên kết đoạn)?
– Sau khi rà soát, nếu phát hiện thấy chỗ nào chưa đạt yêu cầu thì cần bổ sung, chỉnh sửa hoặc thay thế.