(Trang 30)
Viết truyện ngắn sáng tạo (truyện có yếu tố trinh thám)
Một cốt truyện trinh thám hay bao giờ cũng khiến người đọc tò mò, hồi hộp. Và mặc dù câu chuyện có nhiều chi tiết phức tạp, bí ẩn, li kì nhưng cũng cần để lộ manh mối của những việc sắp xảy ra. Ở phần Viết của bài học này, em sẽ được thử sức viết một truyện ngắn có yếu tố trinh thám với cốt truyện hoàn toàn do em sáng tạo hoặc chuyển thể từ một truyện tranh trinh thám mà em đã đọc. Em hãy mở rộng trí tưởng tượng của mình, vận dụng những hiểu biết về đặc điểm của truyện trinh thám để trải nghiệm sáng tác một truyện ngắn và... biết đâu em có thể trở thành một nhà văn viết truyện trinh thám trong tương lai.
Yêu cầu:
• Giới thiệu được bối cảnh (thời gian, không gian), nhân vật và câu chuyện.
• Sắp xếp chuỗi sự kiện theo trật tự lô-gíc.
• Xây dựng nhân vật với một số yếu tố như lai lịch, ngoại hình, hành động, lời nói, suy nghĩ.
• Trình bày được cách thức để đi đến kết luận của nhà điều tra. Sử dụng ngôi kể phù hợp (ngôi thứ nhất hoặc thứ ba).
• Sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm ở những chỗ cần thiết.
Phân tích bài viết tham khảo
Con mèo Đại Uý (Dựa theo chương 865 – 866, tập 82, truyện tranh Thám tử lừng danh Cô-nan của Gô-sô Ao-da-ma (Gosho Aoyama).
Buổi sáng cuối tuần, tiệm cà phê Poa-rô (Poirot) bỗng xuất hiện những vị khách kì lạ khiến cô chủ A-du-xa (Azusa) vô cùng bối rối.
Cách đây hai tuần, có một chú mèo đi lạc tới tiệm cà phê của chị A-du-xa. Chủ mèo thông minh này đã giúp chị tìm được chiếc ví của một vị khách nên chị đặt tên nó là Đại Uý. Vì trên con mèo có vết mổ triệt sản nên chị đoán |
(Trang 31)
chắc rằng nó từng có chủ. Mãi không thấy ai tới nhận, chị A-du-xa đăng bức ảnh chú mèo lên mạng để tìm chủ của nó. Nhưng không ngờ sự việc lại rắc rối như vậy: có tới ba người đến nhận là chủ của con mèo. Người đầu tiên là bà Xi-na-ga-oa (Shinagawa). Bà trông nom con mèo Mu-xi (Mushi) hộ cháu gái nhưng vô tình để con mèo sổng mất. Bà mang theo bằng chứng là bức ảnh cháu gái bà chụp cùng con mèo trông giống hệt Đại Uý. Khi bà Xi-na-ga-oa đang nói chuyện thì một cậu thanh niên bước vào, lớn tiếng phủ nhận lời bà. Cậu ta tên là Ô-xa-oa (Osawa). Ngày hôm qua, khi thấy bức ảnh chị A-du-xa đăng lên, cậu ta đã nhận ra con mèo, lập tức để lại bình luận: “Đại Uý là một con mèo đực, đúng không? Của tôi đó!”. Và hôm nay, cậu ta đến để đón con mèo đã thất lạc nửa năm về. Người cuối cùng tìm đến để xin nhận thú cưng là ông Ma-xu-cô (Masuko), người vừa mới mất vợ tháng trước và mất luôn con mèo của vợ trong lúc ông chuyển nhà. Ông ta vẫn giữ bức ảnh vợ mình chụp cùng chú mèo cưng Xô-xê-ki (Soseki) - và đó lại là một con mèo giống hệt Đại Uý. Vậy là, ai cũng có thể là chủ nhân của con mèo! Chợt nhớ ra vết mổ của con mèo, A-du-xa liền hỏi ba vị khách rằng mèo của họ đã triệt sản chưa. Bà Xi-na-ga-oa kể lại cháu bà từng nói nó đã đưa mèo đi triệt sản và sau đó con mèo phải đeo dải băng y tế trên bụng suốt một tuần liền. Ông Ma-xu-cô cũng nhớ rõ Xô-xê-ki từng phải đeo một cái đại trên đầu trông như cái loa sau khi đi triệt sản về. Còn Ô-xa-oa thì không quan tâm nó triệt sản hay chưa, anh chỉ nuôi kiểu thả rông. – Tốt nhất là cô hãy nhanh nhanh mang con mèo ra đây – Ô-xa-oa lớn tiếng – nếu con mèo chạy đến với ai thì hẳn là mèo của người đó!
Không có cách nào khác, chị A-du-xa liền bế Đại Uý ra chỗ ba người đến nhận mèo. Bất ngờ, Đại Uý nhảy ngay vào lòng Ô-xa-oa rồi kêu “Meo! Meo!” âu yếm khiến anh ta vô cùng đắc chí, toan bế luôn con mèo về. – Khoan đã! – Chị A-du-xa lúng túng. Phía sau, ông Ma-xu-cô và bà Xi-na-ga-oa điều bất giác kêu lên : – Không thể nào! Cậu ta không có bằng chứng gì cả! Chợt ngoài cửa có một giọng nói trẻ con lanh lảnh cất lên: – Chào chị A-du-xa! Hôm nay chị đông khách quá nhỉ? Chị A-du-xa mừng như vớ được vàng: – Ồ, ra là Cô-nan! Thật may quá, vừa lúc chị đang cần sự giúp đỡ từ một bộ óc thiên tài đây! Rồi A-du-xa thuật lại cho Cô-nan toàn bộ sự việc. Cô-nan vừa nghe vừa đăm chiêu suy nghĩ. Trong hình hài của một học sinh lớp 1, Cô-nan là một thám tử tài ba với sự quan sát tinh nhạy, vốn kiến thức phong phú và khả năng giải đoán những mê cung suy luận. Đoạn, cậu mỉm cười – nụ cười quen thuộc khi cậu nắm được thể thắng trong cuộc chơi lô-gic. Cậu bình thản: |
(Trang 32)
– Muốn biết ai là chủ của Đại Uý thì chị hãy cứ hỏi nó, nó sẽ cho chị câu trả lời. Đại Uý! – Cô-nan huýt sáo. – Ra đây với ta nào! Rồi cậu quay sang nói với ba vị khách: – Tôi có một cách để kiểm tra xem Đại Uý thực sự là mèo của ai. Các vị hãy đứng đợi sau cánh cửa, còn tôi sẽ mang Đại Uý ra ngoài. Khi tôi gọi đến vị nào, người đó hãy đi ra cửa để nhận mèo nhé!
– Được thôi, làm gì thì làm nhanh lên nhóc. Nó lại chọn ta thôi! – Ô-xa-oa nói rồi cười thầm. Bà Xi-na-ga-oa bước đến đầu tiên, nhưng con mèo quay lưng lại phía bà và chỉ hứng thú với đĩa hạt. Bà thở dài: “Nó không phải là Mu-xi ư?”. – Đại Uý là mèo đực, còn Mu-xi của bà là mèo cái. Chỉ có mèo cái sau khi triệt sản mới phải quấn băng dưới bụng, còn mèo đực sẽ đeo đai bảo vệ quanh cổ để tránh liếm vết mổ. Cháu đoán là Mu-xi ít gặp bà nên bà còn không biết nó là đực hay cái. Cháu rất tiếc! – Cô-nan nói. Người tiếp theo là Ô-xa-oa. Anh ta tưng tửng huýt sáo, tiến lại chỗ con mèo. Sau cái liếc mắt, Đại Uý... quay lại với đĩa hạt của nó, không thèm đếm xỉa anh chàng. – Này, này! Lại đây với ta! Meo, meo... Ta bảo lại đây mà, con mèo kia! – Ô-xa-oa gào lên. – Sao lại thế? Nghe anh ta hét lớn, Đại Uý sợ co rúm lại, lông dựng lên. Cô-nan bật cười: – Anh đã dùng bột nho bạc để thu hút mèo đúng không? Rất tiếc, thứ đó chỉ có tác dụng trong năm tới mười phút thôi! Thế nên anh cứ liên tục giục chị A-du-xa và tôi phải nhanh chóng đưa con mèo đến chỗ anh. Khi bột nho hết tác dụng thì anh chỉ là một kẻ đáng sợ với nó thôi! – Ra là thế! – Chị A-du-xa thốt lên. – Nhưng, tại sao hắn phải lừa dối chị để có được Đại Uý? Chỉ vì thích con mèo thôi sao? – Ô không. Nếu Đại Uý là mèo cái, nó sẽ chỉ là con mèo bình thường. Nhưng nó lại là mèo tam thể đực quý hiếm, thường được bán với giá hàng trăm triệu. Một con mèo quý như thế mà lại nuôi thả rông ư? Nói dối! Khi thấy ảnh Đại Uý trên mạng, anh ta đã thăm dò chị xem nó là đực hay cái nhưng không được trả lời, vì thế anh tới tận đây để tìm hiểu và định mang nó đi . Nhưng những gì không thuộc về anh, dù anh có cố gắng nguỵ tạo tinh vi tới mấy, thì cũng vô ích mà thôi! Ô-xa-oa sững sờ khi bị Cô-nan vạch mặt. Hắn liền bỏ chạy.
Lúc này chỉ còn ông Ma-xu-cô. Kì lạ thay, ông Ma-xu-cô chưa bước tới cửa thì Đại Uý đã ngồi khoanh chân, vẫy đuôi mừng. Cánh cửa mở ra, ông quỳ xuống: “Xô-xê-ki! Mi vẫn nhớ ta phải không?" |
(Trang 33)
Chị A-du-xa kinh ngạc không hiểu nổi tại sao con mèo lại biết trước rằng chủ của mình đang tới để chờ sẵn. Cô-nan nhẹ nhàng giải thích: – Là âm thanh. Tại mèo rất thính, nó có thể nghe và ghi nhớ tiếng bước chân của chủ. – Ra là thế. – Chị A-du-xa gật gù. – Tôi vừa nhớ ra một chuyện. Ông Ma-xu-cô, ông đã mất con mèo khi chuyển nhà nhỉ? Hôm trước, Đại Uý đã chạy theo một chiếc xe tải chuyển nhà. Có lẽ nó nghĩ rằng nếu đi theo chiếc xe thì sẽ tìm được đường về với chủ nhân chăng? Ông Ma-xu-cô xúc động: – Cảm ơn cô, cảm ơn cậu bé đã giúp tôi tìm lại được Xô-xê-ki. Vợ tôi luôn mong Xô-xê-ki sẽ bầu bạn với tôi sau này. Loài vật thực sự là những người bạn rất thông minh và tình cảm. Lúc nào rảnh, hai người hãy qua thăm Xô-xê-ki nhé!
Bóng ông Ma-xu-cô và con Đại Uý khuất dần sau dòng người giữa con phố. Chị A-du-xa mỉm cười. Chẳng mấy khi được chứng kiến những chuyện thú vị như thế này. Chị cúi xuống, xoa đầu Cô-nan: – Chà! Cậu bé, em làm chị ngạc nhiên đấy. Cô-nan nháy mắt: – Vì em là thám tử nhí lừng danh Cô-nan mà! (Bài làm của học sinh, có chỉnh sửa) |
Thực hành viết theo các bước
TRƯỚC KHI VIẾT
Mục đích viết Sáng tác một truyện ngắn có yếu tố trinh thám để giải trí và mang đến cho người đọc một thông điệp nào đó. Người đọc Những người yêu thích trinh thám. |
a. Tìm ý tưởng cho truyện kể
– Em có thể tự sáng tác một truyện ngắn có yếu tố trinh thám theo gợi ý sau:
+ Dựa vào hiểu biết của em về những câu chuyện có yếu tố trinh thám để sáng tác (như một chuyện mất cắp ở siêu thị, một vụ án trong rừng hay góc phố,...).
+ Ý tưởng có thể gắn với những địa điểm quen thuộc với em và có thể là không gian hiện trường thú vị như lớp học, sân vận động, rạp chiếu phim, một ngôi nhà bỏ hoang,... Tưởng tượng câu chuyện có thể diễn ra ở mỗi nơi.
(Trang 34)
+ Đọc thông tin trên báo về những vụ án mà em nghĩ rằng mình có thể dựa vào đó một phần để phát triển thành câu chuyện hấp dẫn.
– Em cũng có thể dựa vào toàn bộ hay một phần của truyện tranh trinh thám đã đọc để chuyển thể (mô phỏng) thành một truyện ngắn. Ví dụ, trong bài viết tham khảo, người viết đã dựa vào hai chương của truyện tranh Thám tử lừng danh Cô-nan để chuyển thể thành một truyện ngắn.
b. Xây dựng khung truyện
Để xây dựng nội dung cho truyện ngắn, em cần xem xét các yếu tố của truyện trinh thám như nhân vật, bối cảnh, cốt truyện, người kể chuyện bằng cách tự đặt ra và trả lời các câu hỏi sau:
– Hệ thống nhân vật (nhà điều tra, nghi phạm, thủ phạm,...) gồm những ai?
Em hãy ghi lại vai trò của các nhân vật trong tác phẩm, đặc điểm về ngoại hình, tính cách, lời nói, hành động,... Có thể sử dụng bảng sau để phác thảo chân dung mỗi nhân vật dự kiến xuất hiện trong truyện:
Nhân vật | Vai trò | Ngoại hình | Tính cách | Lời nói | Hành động |
Ví dụ, hệ thống nhân vật trong truyện Con mèo Đại Uý là thám tử Cô-nan, chị A-du-xa – chủ quán cà phê và ba người đến nhận mèo: bà Xi-na-ga-oa, cậu thanh niên Ô-xa-oa và người đàn ông trung niên Ma-xu-cô.
– Câu chuyện diễn ra ở đâu? Vào lúc nào?
Không gian và thời gian diễn ra câu chuyện trong truyện trinh thám thường đem đến cho người đọc nhiều thông tin. Đó cũng là nơi để lộ các manh mối của vụ việc.
– Diễn biến cốt truyện như thế nào?
Mọi cốt truyện đều trải qua tiến trình vận động, có trình bày phát triển và kết thúc. Cốt truyện của truyện ngắn có yếu tố trinh thám không thể thiếu sự kiện công bố sự thật của người điều tra. Em nên chia sẻ ý tưởng xây dựng cốt truyện với các bạn trong nhóm và ghi lại những đề xuất hoặc phản hồi của các bạn để điều chỉnh, bổ sung.
– Ai sẽ kể lại câu chuyện?
Câu chuyện có thể được kể từ ngôi thứ nhất (theo lời một nhân vật) hoặc được kể từ ngôi thứ ba.
c. Lập dàn ý
Sắp xếp các ý tưởng ở trên thành một dàn ý. Dàn ý có thể được xây dựng theo diễn biến cốt truyện gồm phần mở đầu, phần phát triển, phần kết thúc.
(Trang 35)
2. VIẾT
Khi viết một truyện kể sáng tạo có yếu tố trinh thám, em cần lưu ý:
– Truyện cần có những chi tiết là dấu hiệu báo trước hoặc gợi ý cho điều sẽ xảy ra để tạo nên tính lô-gíc của cốt truyện và sự tò mò, hồi hộp cho người đọc.
– Sử dụng các chi tiết miêu tả thời gian, không gian, nhân vật để câu chuyện sinh động.
– Xây dựng hội thoại để khắc hoạ nhân vật và phát triển mạch sự kiện.
– Xây dựng lập luận của nhà điều tra sao cho lô-gíc, thuyết phục.
– Nếu chuyển thể từ một truyện tranh trinh thám đã đọc, em cần sáng tạo dựa trên cốt truyện hoặc một phần cốt truyện đã có; tránh việc chỉ tóm tắt lại truyện một cách đơn giản. Chú ý ghi rõ truyện được chuyển thể từ truyện tranh nào để đảm bảo vấn đề sở hữu trí tuệ.
3. CHỈNH SỬA
Đọc lại truyện đã viết, đối chiếu với yêu cầu để thực hiện việc chỉnh sửa, hoàn thiện. Lưu ý:
– Kiểm tra bối cảnh của câu chuyện; bổ sung chi tiết miêu tả thời gian, không gian trong câu chuyện (nếu cần).
– Đánh số vào các sự kiện. Nếu trình tự các sự kiện chưa hợp lí, hãy sắp xếp lại. Có thể bổ sung từ ngữ để liên kết các sự kiện.
– Bổ sung các chi tiết về ngoại hình, hành động, cảm xúc, suy nghĩ, lời thoại của nhân vật được khắc hoạ còn mờ nhạt.
– Kiểm tra lại cách thức đi đến kết luận của nhà điều tra; chỉnh sửa, bổ sung nếu chưa hợp lí hoặc chưa thuyết phục.