(Trang 58)
A. Tập làm một bài thơ tám chữ
Các nhà thơ là những nghệ sĩ dạo lên muôn vàn thanh âm diễn tả mọi rung động tâm hồn của họ trước thế giới, để thiên nhiên, con người trở nên đẹp hơn. Trong phần Đọc, em đã được học tri thức ngữ văn về thể thơ tám chữ. Hãy vận dụng những kiến thức đã học ấy để thể hiện cảm xúc của mình qua việc tập làm một bài thơ tám chữ.
1. TRƯỚC KHI VIẾT
a. Lựa chọn đề tài
Cuộc sống quanh ta muôn màu muôn sắc, gợi cho ta rất nhiều thi hứng. Em có thể chọn một đề tài đem lại cho mình nhiều cảm xúc nhất. Những đề tài gợi ý để em lựa chọn: thiên nhiên, quê hương, đất nước, thầy cô, bạn bè, mái trường,...
b. Lựa chọn hình ảnh biểu đạt cảm xúc
– Từ đề tài đã chọn, tìm chi tiết, hình ảnh để lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất, gợi lên trong em nhiều rung động nhất, phù hợp với đề tài để gửi gắm tình cảm của mình. Ví dụ: em có thể chọn hình ảnh cánh rừng, dòng sông, bầu trời, ngọn núi,... nếu muốn viết về đề tài thiên nhiên; chọn hình ảnh lớp học, thầy cô, bạn bè,... nếu muốn viết về đề tài mái trường;...
– Sau khi tìm được chi tiết, hình ảnh đặc sắc, hãy xác định tình cảm, cảm xúc của mình: yêu mến, nhớ thương, hạnh phúc, tự hào hay buồn, tiếc nuối, bâng khuâng,... Chẳng hạn: nỗi buồn khi phải chia xa mái trường để nghỉ hè; những niềm vui bên thầy cô, bạn bè...
– Diễn tả dòng cảm xúc của em theo sự vận động của chi tiết, hình ảnh trong bài thơ. Sử dụng những từ ngữ chọn lọc để biểu đạt chính xác nhất cảm xúc của em.
c. Gieo vần, ngắt nhịp
– Ngắt nhịp linh hoạt theo mạch cảm xúc và nội dung biểu đạt, vì vậy nhịp có thể tuân theo đặc điểm của thể thơ hoặc phá cách.
– Sử dụng vần chân; vần liền hoặc vần cách. Ví dụ:
Tôi hôm nay/ sống trong lòng/ miền Bắc
Sờ lên ngực/ nghe trái tim/ thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng/ hai tiếng miền Nam
Tôi nhớ không nguôi/ ánh sáng màu vàng
Tôi quên sao được/ sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả/ những người/ không quen biết.
(Tế Hanh, Nhớ con sông quê hương)
(Trang 59)
Em hãy chọn tiếng thích hợp với chỗ trống trong những dòng thơ sau để tập gieo vần:
Gió nhẹ nhẹ, hương cỏ cây nhẹ nhẹ
Thoảng bay lên, hương mạ dưới đồng xa
Tự đâu đó, hương muôn hoa mới hé
Như khói trầm từ đỉnh rộng bao ...
Hơi xuân ấm trả cho trời đất lặng
Tiếng reo ca nhí nhảnh và ngây thơ
Của đàn sáo say phơi mình dưới ...
Chim nghệ vàng rỉa cánh trên nhành ...
(Theo Tố Hữu, Xuân lòng)
2. VIẾT
– Viết câu thơ đầu tiên: Có thể nêu ấn tượng của em về chi tiết, hình ảnh gợi cho em nhiều cảm xúc hay giới thiệu, miêu tả đặc điểm của đối tượng được thể hiện trong bài thơ. Chú ý tiếng cuối cùng của dòng thơ để gieo vần trong những dòng tiếp theo. Tuỳ thuộc vào cảm xúc của em và nội dung biểu đạt trong câu thơ mà ngắt nhịp phù hợp.
– Sau đó, hãy phát triển cảm xúc dựa trên câu thơ đầu tiên bằng cách diễn tả cảm xúc về những chi tiết miêu tả cụ thể đối tượng, về những sự việc diễn ra với đối tượng,...
– Sử dụng từ tượng thanh, tượng hình, từ láy; biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, điệp ngữ,... để tăng tính gợi hình, gợi cảm cho câu thơ.
– Phần kết bài thơ, em có thể nêu những suy tư, chiêm nghiệm, thông điệp muốn chuyển tải tới người đọc.
3. CHỈNH SỬA
Em cần chỉnh sửa để hoàn thiện bài thơ. Dựa trên những đặc trưng của thể thơ tám chữ, rà soát xem bài thơ đã đảm bảo được các yêu cầu đó hay chưa. Nếu chưa thì điều chỉnh . Em hãy xem xét bài thơ vừa làm trên những yêu cầu sau:
– Hình thức nghệ thuật:
+ Đảm bảo đúng số lượng tiếng trong mỗi dòng thơ.
+ Gieo vần đúng quy định.
+ Nhịp thơ phù hợp với cảm xúc.
+ Có hình ảnh.
+ Sử dụng biện pháp tu từ.
– Nội dung:
+ Cảm xúc tự nhiên, dung dị.
+ Có chủ đề, thông điệp.
(Trang 60)
B. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ
Ở các lớp 7, 8, em đã được học cách viết đoạn văn nêu cảm xúc về bài thơ bốn chữ, năm chữ và đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ tự do. Trong bài học này, em sẽ được tìm hiểu cách viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ.
Yêu cầu:
• Giới thiệu được bài thơ (nhan đề, tác giả); nêu ấn tượng chung về bài thơ.
• Nêu được cảm nghĩ về một số nét nổi bật trong nội dung và nghệ thuật của bài thơ; chỉ ra tác dụng của thể thơ tám chữ trong việc tạo nên nét độc đáo của bài thơ.
• Khái quát được cảm nghĩ về bài thơ.
Phân tích bài viết tham khảo
Tình yêu đất nước trong bài thơ Tiếng Việt của
Bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ để lại trong tôi niềm xúc động sâu xa về tình yêu quê hương, đất nước. Tình yêu ấy biểu hiện dung dị qua tình yêu tiếng Việt và ngân lên thành những lời ngợi ca ngôn ngữ dân tộc. Cảm xúc của bài thơ khởi nguồn từ cảm nhận về sự hoà quyện của tiếng Việt trong muôn vàn âm thanh, hình ảnh của cuộc sống bình dị; thể hiện thành niềm tự hào về vẻ đẹp, niềm tin vào sức mạnh trường tồn và lắng đọng trong ba khổ thơ cuối với những băn khoăn, khắc khoải về tương lai của tiếng nói dân tộc. Tiếng Việt biểu đạt tình cảm, suy tư của những người lao động, vang lên trong những khung cảnh thân thương, gợi cảm xúc bâng khuâng đến nao lòng đối với mỗi người Việt: tiếng mẹ gọi trên “Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về”, “Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa/ Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi”; tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, câu hát lời ru “rung rinh nhịp đập trái tim người”... Đó là tất cả những gì gần gũi, thân thiết, máu thịt nhất đối với mỗi chúng ta. Tiếng Việt kết tinh từ bao giọt mồ hôi mặn chát, những gừng cay muối mặn mà vẫn chan chứa những tâm tình ngọt ngào, say đắm của nhân dân. Biện pháp tu từ so sánh: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”, “Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát” thể hiện sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc của nhà thơ về bản sắc dân tộc kết tinh trong tiếng nói: vừa mộc mạc, chân chất, vừa tinh tế, uyển chuyển, giàu nhạc tính. Biện pháp tu từ ẩn dụ:
|
(Trang 61)
“Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối” diễn tả một cách hình ảnh, nhấn mạnh khả năng gợi liên tưởng của ngôn ngữ dân tộc. Những câu thơ rất dung dị nhưng càng ngẫm càng thấy thấm thía, xúc động, khiến người đọc tự hào về vẻ đẹp của tiếng Việt. Không những đẹp, tiếng Việt còn có sức mạnh kì diệu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tiếng Việt vẫn như dòng sông chảy muôn đời lưu giữ truyền thống yêu nước, nhân ái, hoà hợp dân tộc của người Việt Nam; là sợi dây kết nối tâm hồn, tư tưởng của mọi cá nhân trong cộng đồng cũng như những người con lưu lạc, xa xứ. Trong ba khổ thơ cuối, nhà thơ bày tỏ mối băn khoăn, dự cảm về tương lai của tiếng Việt bằng câu hỏi: “Ai người sau nói tiếp những lời yêu?”. Từ tình cảm yêu mến, tự hào về tiếng nói dân tộc, nhà thơ bày tỏ tình yêu và sự kính trọng nhân dân bởi chính họ – những người lao động kéo gỗ, chèo đò, dệt lụa, ăn cầu ngủ quán... – đã sáng tạo, đổ mồ hôi, công sức vun đắp cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn và chịu đựng gian khổ, hi sinh, đổ máu để cho tiếng Việt mãi mãi là tiếng nói của một dân tộc có chủ quyền. Vẻ đẹp, sự kì diệu của tiếng Việt cũng là vẻ đẹp, sự kì diệu của tâm hồn nhân dân, dân tộc Việt Nam. Thể thơ tám chữ với lối gieo vần và cách ngắt nhịp tương đối linh hoạt khiến cho bài thơ trở thành một bản nhạc nhiều âm điệu... Bài thơ, với nội dung tư tưởng lớn lao, sâu sắc được thể hiện trong một hình thức dung dị mà tài hoa đã làm rung động trái tim biết bao thế hệ người đọc. (Nhóm biên soạn) |
Thực hành viết theo các bước
1. TRƯỚC KHI VIẾT a. Lựa chọn bài thơ Hãy chọn trong số những bài thơ em đã học, đã đọc một bài thơ tám chữ mà em có ấn tượng sâu sắc và cảm nhận được giá trị nội dung và nghệ thuật của nó. b. Tìm ý |
|
Căn cứ vào yêu cầu của đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ, em hãy tiến hành những công việc sau:
– Đọc kĩ bài thơ và ghi lại đặc điểm của tác phẩm trên các phương diện:
+ Vần thơ, nhịp thơ; chú ý những nét đặc sắc trong cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ so với cách gieo vần, ngắt nhịp đặc trưng của thể thơ tám chữ.
+ Nội dung và mạch cảm xúc của bài thơ với những trạng thái, cung bậc cụ thể.
(Trang 62)
+ Những hình ảnh độc đáo, từ ngữ đặc sắc, biện pháp tu từ sáng tạo,... mà tác giả sử dụng để biểu đạt các cung bậc cảm xúc.
+ Chủ đề, thông điệp của bài thơ.
– Ghi lại cảm nghĩ chung của em về bài thơ.
c. Lập dàn ý
Em hãy lập dàn ý theo gợi ý dưới đây:
Dàn ý
– Mở đoạn:
+ Giới thiệu bài thơ (nhan đề, tác giả).
+ Nêu ấn tượng chung về bài thơ.
– Thân đoạn:
+ Trình bày cảm nghĩ về nội dung (mạch cảm xúc, chủ đề, thông điệp, ...) của bài thơ.
+ Nêu cảm nghĩ về những yếu tố nghệ thuật và tác dụng của chúng trong việc biểu đạt nội dung; nêu tác dụng của thể thơ tám chữ trong việc tạo nên nét đặc sắc của bài thơ.
– Kết đoạn: Khái quát cảm nghĩ về bài thơ.
2. VIẾT BÀI
– Viết các câu văn phù hợp để triển khai những nội dung đã xác định trong dàn ý. Các câu cần hướng về chủ đề chung của đoạn để tạo sự mạch lạc cho đoạn văn.
– Sử dụng các từ ngữ diễn tả chân thực, chính xác cảm nghĩ về bài thơ; lưu ý sử dụng từ ngữ liên kết để đoạn văn được chặt chẽ về hình thức.
3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Sau khi hoàn thành bài viết, em hãy rà soát và chỉnh sửa theo những gợi ý dưới đây:
– Phần Mở đoạn đã giới thiệu được tên bài thơ, tác giả và nêu ấn tượng chung của em về bài thơ chưa? Bổ sung nếu còn thiếu.
– Phần Thân đoạn đã sử dụng những từ ngữ biểu đạt cảm nghĩ về mạch cảm xúc, chủ đề, thông điệp và những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của bài thơ hay chưa? Các câu có cùng hướng về một chủ đề và có các từ ngữ liên kết phù hợp hay không? Bổ sung hoặc điều chỉnh nếu chưa đáp ứng được yêu cầu.
– Phần Kết đoạn đã nêu khái quát cảm nghĩ về bài thơ chưa? Nếu chưa đáp ứng được yêu cầu thì cần chỉnh sửa hoặc viết lại.