(Trang 64)
Củng cố, mở rộng
1. Lập bảng ghi lại những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của hai bài thơ Tiếng Việt (Lưu Quang Vũ), Mưa xuân (Nguyễn Bính).
2. Tìm đọc một số bài thơ của Lưu Quang Vũ và Nguyễn Bính. Trao đổi với các bạn về những nét đặc sắc trong sáng tác của mỗi nhà thơ.
3. Tìm đọc một số bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tám chữ. Ghi vào nhật kí đọc sách cảm nhận của em về những bài thơ đó.
4. Chia sẻ quan niệm về thơ ca, Thế Lữ viết:
Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu;
Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu.
(Cây đàn muôn điệu)
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về quan niệm đó.
Thực hành đọc
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau: • Số tiếng trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi khổ thơ, vần và nhịp thơ. • Bố cục, kết cấu, mạch cảm xúc của bài thơ. • Những hình ảnh nổi bật, biện pháp tu từ đặc sắc trong bài thơ. • Chủ đề của bài thơ và căn cứ để xác định chủ đề. |
(Trang 65)
Miền quê
---------------------------
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
---------------------------
Lại về mảnh trăng đầu tháng
Mông lung mặt đồng bóng chiều,
Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
Lúa mềm như vai thân yêu
Mùa xuân, là mùa xuân đấy
Thả chim, cỏ nội hương đồng
Đàn trâu bụng tròn qua ngõ
Gõ sừng lên mảnh trăng cong
Có gì xôn xao đằm thắm
Bao nhiêu trông đợi chóng chầy
Đàn em tóc dài mười tám
Thương người ra lính hôm mai
Để rồi bao nhiêu gió thổi
Bên giếng làng, ngoài bến sông
Có tiếng hát như con gái
Cao cao như vầng trăng trong...
(Thơ Nguyễn Khoa Điềm, Tuyển tập 40 năm do tác giả chọn,
NXB Văn học, Hà Nội, 2011, tr. 72)
ĐỌC MỞ RỘNG
1. Tìm đọc một số truyện trinh thám và một số bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tám chữ. Ghi vào nhật kí đọc sách những thông tin quan trọng mà em thu nhận được từ văn bản.
2. Trao đổi với các bạn về:
– Chủ đề, không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật chính, lời người kể chuyện trong một truyện trinh thám em đã đọc; những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, lối sống và cách thưởng thức, đánh giá của em sau khi đọc truyện.
– Chủ đề và căn cứ để xác định chủ đề; cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết; những nét độc đáo về hình thức của bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tám chữ em đã đọc thể hiện qua bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ.
3. Học thuộc lòng một số đoạn thơ, bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tám chữ mà em yêu thích.