(Trang 109)
Nói và nghe
Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (tổ chức hợp lí nề nếp sinh hoạt của bản thân)
Để trưởng thành, mỗi người chúng ta cần rất nhiều điều kiện, trong đó có những điều kiện do chính mình tạo nên. Đề cập vấn đề này, không thể không nói tới việc làm chủ bản thân, bắt đầu từ việc tổ chức hợp lí nề nếp sinh hoạt hằng ngày. Cùng các bạn chọn thảo luận về một nội dung cụ thể liên quan đến điều đó, hẳn em sẽ có được những thu hoạch bổ ích trong việc tự xây dựng cho mình một điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu phù hợp và tốt đẹp.
1 TRƯỚC KHI THẢO LUẬN
- Chọn thời điểm thích hợp để trao đổi về việc xác định vấn đề thảo luận. Cuộc thảo luận chỉ có kết quả tốt nếu tất cả mọi người đều có thời gian chuẩn bị. Nên tiến hành trao đổi vào cuối một buổi học trước ngày diễn ra tiết thảo luận này.
Mục đích thảo luận Giúp mỗi người xây dựng lộ trình làm chủ bản thân, tự hoàn thiện bản thân, bắt đầu từ những việc đơn giản thường ngày. Người nghe Những người quan tâm đến vấn đề được thảo luận, muốn học hỏi cách đóng góp ý kiến trong một cuộc thảo luận. |
- Một số vấn đề có thể thảo luận (gợi ý): Việc xây dựng nề nếp sinh hoạt cá nhân có mối quan hệ như thế nào đối với bước đường trưởng thành, phát triển của chúng ta? Có nên lập thời gian biểu cho sinh hoạt hằng ngày của bản thân không? Có thể tham gia làm việc nhà như thế nào để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian dành cho việc học tập? Thói quen nào cần từ bỏ, thói quen nào cần hình thành, gây dựng để cuộc sống trở nên lành mạnh, có ý nghĩa? Chơi có cần thiết không, chơi những gì và thời gian chơi được bố trí thế nào là hợp lí? Nên xây dựng kế hoạch giao tiếp xã hội như thế nào ngay từ hôm nay?...
- Khi đã thống nhất được vấn đề thảo luận, từng cá nhân cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề và phác thảo ý kiến sẽ phát biểu xuất phát từ trải nghiệm riêng và từ việc quan sát các “mô hình” tích cực hoặc tiêu cực trong đời sống quanh mình. Có thể chuẩn bị sẵn một số tư liệu minh hoạ (truyện kể, tranh ảnh, đoạn phim,...) để sử dụng khi cần thiết.
- Để có được ý kiến hay, em có thể tìm đọc thêm các tài liệu viết về những người thành đạt biết thu xếp việc nhà và xây dựng được nề nếp sinh hoạt cá nhân hợp lí.
- Do yêu cầu mang tính đặc thù của hoạt động thảo luận, ý kiến em sẽ trình bày không cần có đầy đủ các phần hay các ý như: giới thiệu vấn đề thảo luận, điểm qua những ý kiến đã có về vấn đề,... Điều quan trọng là phải xác lập được một góc nhìn riêng khiến nhiều ý tưởng mới về vấn đề liên tục nảy sinh (có thể ý kiến em đã chuẩn bị lại trùng về nội dung với ý kiến của bạn phát biểu trước, vì vậy, em phải nhanh chóng hình thành ý kiến mới, đảm bảo cho cuộc thảo luận có bước tiến triển rõ rệt, không rơi vào tình trạng luẩn quẩn).
(Trang 110)
2 THẢO LUẬN
Người nói | Người nghe |
|
|
3 ĐÁNH GIÁ, RÚT KINH NGHIỆM
Việc đánh giá, rút kinh nghiệm hướng về hai nội dung chính: mức độ thành công của cuộc thảo luận và chất lượng của các ý kiến phát biểu. Mặc dù có liên quan với nhau nhưng hai nội dung này vẫn có điểm phân biệt: một bên đánh giá về cách tổ chức hoạt động tập thể, một bên đánh giá về sự tham gia cụ thể của từng thành viên.
Khi đánh giá về cuộc thảo luận, cần dựa vào các tiêu chí chính:
- Chọn được vấn đề thảo luận phù hợp, hấp dẫn, tạo được động lực rèn luyện, phấn đấu cho mỗi cá nhân.
- Đảm bảo được sự tập trung, không chệch khỏi vấn đề đã xác định.
- Tạo được điểm nhấn với những ý kiến đề xuất được mô hình tổ chức nề nếp sinh hoạt cá nhân đáng nhân rộng.
- Tìm được sự đồng thuận ở một số mặt cơ bản.
- Xây dựng được không khí dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, không bài bác những cách tổ chức nề nếp sinh hoạt có tính khác biệt ở một cá nhân nào đó.
- Khi đánh giá về sự tham gia cụ thể của từng thành viên, có thể dựa vào các tiêu chí đã được nêu ở bảng Người nói – Người nghe trong phần Thảo luận.