(Trang 115)
Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách:
qua những người ta gặp và những cuốn sách ta đọc.
Ha-vây Mắc-cay (Harvay MacKay)
GIỚI THIỆU BÀI HỌC
- Qua những bài học Ngữ văn với các chủ để phong phú về lịch sử, văn hoá, đời sống của dân tộc và nhân loại, em đã được đọc các văn bản thuộc nhiều loại, thể loại: văn bản văn học (truyện ngắn, truyện lịch sử, thơ Đường luật (thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt), hài kịch và truyện cười, thơ tự do), văn bản nghị luận (nghị luận xã hội, nghị luận văn học), văn bản thông tin (giải thích một hiện tượng tự nhiên, giới thiệu một bộ phim). Việc đọc các văn bản thuộc những loại, thể loại khác nhau nhưng có mối liên hệ về đề tài, chủ đề giúp em nhận diện và hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa văn bản và các vấn đề của đời sống xã hội.
- Sách luôn là người bạn đồng hành của mỗi chúng ta trên hành trình khám phá và vận dụng tri thức vào đời sống. Trong bài học này, cùng với việc lựa chọn và tìm hiểu những cuốn sách mới, em hãy trải nghiệm việc đọc như một sự đón đợi những điều bất ngờ, một cuộc thám hiểm đời sống để có thể thay đổi chính mình qua trang sách.
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
- Nhận biết và phân tích được đặc điểm của văn bản giới thiệu một cuốn sách.
- Nhận biết và phân tích được vai trò của tưởng tượng trong tiếp nhận văn bản văn học.
- Nhận xét được nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả trong văn bản văn học.
- Viết được văn bản thuyết minh giới thiệu một cuốn sách; nêu được những thông tin quan trọng, trình bày mạch lạc, thuyết phục.
- Biết trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn sách: cung cấp cho người đọc những thông tin quan trọng nhất; nêu được đề tài hay chủ đề của cuốn sách và một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
- Yêu thích và chủ động chia sẻ những tác dụng tích cực của việc đọc sách tới cộng đồng.
(Trang 116)
Đọc
TRI THỨC NGỮ VĂN
Đặc điểm của văn bản thông tin giới thiệu một cuốn sách
Văn bản giới thiệu một cuốn sách thuộc loại văn bản thông tin trình bày khách quan những đặc điểm chung của cuốn sách: nhan đề; tác giả; loại, thể loại văn bản; đề tài; chủ đề; bố cục; nội dung chính (tóm tắt). Đồng thời, loại văn bản này cũng nêu cách nhìn (quan điểm, thái độ) của tác giả cuốn sách về đời sống; những giá trị, đóng góp nổi bật hoặc điểm mới, thú vị của cuốn sách. Có thể nêu ngắn gọn quan điểm và đánh giá của người viết nhưng không cần bàn luận sâu, không yêu cầu mở rộng và triển khai các lí lẽ, bằng chứng như văn bản nghị luận. Với những cuốn sách đã phổ biến rộng rãi, có thể giới thiệu thông tin về nhà xuất bản, năm xuất bản.
Vai trò của tưởng tượng trong sáng tạo và tiếp nhận văn học
Trong quá trình sáng tạo, tác giả cần quan sát, tìm hiểu đời sống, con người, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá,... Không có vốn sống, tác giả không thể xây dựng được các hình tượng nghệ thuật sống động. Mỗi tác giả có cách quan sát, cảm nhận và lí giải riêng về đời sống. Đồng thời, nhà văn từ tái hiện hiện thực mà tưởng tượng, hư cấu nên hình tượng văn học. Tưởng tượng giúp tác giả có thể hình dung rõ rệt hơn về con người với những đặc điểm ngoại hình, hành động, nội tâm,... Tưởng tượng khiến tác giả có thể nhập thân vào đời sống để hiểu hơn những điều còn tiềm ẩn, chưa bộc lộ rõ ràng, dự đoán về diễn biến của sự việc, số phận nhân vật. Tưởng tượng là cách để tác giả hồi tưởng và tái hiện những điều đã chìm vào quá khứ, hiểu bản chất của những cảnh tượng chợt xuất hiện và nhìn thấy trước tương lai của những gì đang diễn ra... Tưởng tượng cũng là cách để tác giả kết nối những cuộc đời, những khoảng không gian, thời gian tưởng chừng rất xa nhau trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Hiện thực và tưởng tượng luôn gắn kết với nhau, hoà trộn vào nhau ở từng chi tiết, ở chuỗi sự việc, ở hình tượng nhân vật,... được biểu hiện trong tác phẩm. Do đó, khi tiếp nhận tác phẩm văn học, người đọc cũng cần huy động trí tưởng tượng để có thể cảm nhận, hình dung cụ thể, sống động về thế giới đời sống: không gian, thời gian, nhân vật, cảm xúc,... đã được tác giả sáng tạo nên. Tưởng tượng giúp cho người đọc đồng cảm với tác giả và hiểu các chi tiết, sự việc, nhân vật,... một cách sâu sắc hơn.
Nhan đề và cách đặt nhan đề văn bản văn học
Trong cấu tạo của văn bản, nhan đề là thành phần được đặt ở vị trí đầu tiên để gọi tên, đánh dấu sự bắt đầu của một văn bản và thu hút sự chú ý của người đọc. Nhan đề của văn bản văn học cũng có những đặc điểm chung đó. Tuy nhiên, khác với nhan đề của văn bản nghị luận, văn bản thông tin (thường mang nghĩa tường minh, khái quát), nhan đề của văn bản văn học lại thường mang nghĩa hàm ẩn, gợi hình tượng. Trong một số trường hợp, nhan đề của văn bản văn học cũng có thể gợi ra đặc điểm loại hay thể loại văn bản, đề tài, chủ đề, nhân vật,...
(Trang 117)
THÁCH THỨC ĐẦU TIÊN
Đọc như một hành trình
Trước khi đọc
1. Xây dựng mục tiêu đọc sách của cá nhân em hoặc nhóm học tập trước khi thực hiện dự án đọc sách.
2. Lập danh mục sách theo chủ đề và thể loại phù hợp với mục tiêu đọc sách đã xây dựng và lên kế hoạch cụ thể để thực hiện hoạt động đọc sách hiệu quả.
Cùng đọc và trải nghiệm
Đọc như sự đón đợi
Để tìm và chọn cuốn sách phù hợp với sở thích và mục tiêu của mình, em có thể đọc từ phần mở đầu (nhan đề, để từ hoặc lời tựa và khám phá từng phần của cuốn sách). Tuy nhiên, trước khi chính thức chọn đọc một cuốn sách, có thể tìm hiểu qua các văn bản giới thiệu sách.
Để thu hút sự chú ý, tạo tâm lí đón đợi của độc giả, trước khi công bố tác phẩm, nhà xuất bản hoặc đơn vị phát hành thường sử dụng các văn bản giới thiệu sách. Ở đầu cuốn sách thường có lời giới thiệu cung cấp những thông tin đáng chú ý về hoàn cảnh ra đời, tác giả, đề tài, chủ đề, ý nghĩa, mục đích của người viết, đồng thời nêu bật những điểm riêng, thú vị nhằm gợi sự hứng thú, khiến độc giả muốn tìm hiểu tác phẩm.
Em hãy đọc văn bản dưới đây để hiểu rõ về văn bản thông tin giới thiệu một cuốn sách.
(Trang 118)
Đọc văn bản
Lời giới thiệu cuốn sách Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể
AN-NO GÔ-XI-NHI(1) (ANNE GOSCINNY)
Sau lần xuất bản Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể vào tháng 10 năm 2004, bốn mươi lăm mẫu chuyện khác, cũng chưa được kể, đã được chuẩn bị giới thiệu với công chúng.
Theo dõi Nhan đề, thể loại, hoàn cảnh ra đời của cuốn sách. |
Đã đến thời điểm những mẩu chuyện từng xuất hiện trên tờ Tây Nam Chủ nhật và Hoa tiêu vào khoảng thời gian từ 1959 đến 1965 từ trong bóng tối của những tập tài liệu lưu trữ của cha tôi, bước ra ánh sáng trước niềm vui thích của độc giả, những người sẽ được khám phá các mẩu chuyện ấy.
Tập 3 của Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể lần này sẽ mang đến cho chúng ta những câu pha trò mới tinh của cậu học trò nổi tiếng nhất trong số những cậu nhóc tiểu học. Một lần nữa, các tác giả lại khiến ta ngạc nhiên khi dẫn dắt nhân vật của họ đến những tình huống chẳng ai ngờ tới [...].
Theo dõi Đề tài và đặc điểm nổi bật về nội dung, nghệ thuật của cuốn sách. |
Nhờ vào thủ thuật kết hợp tuyệt vời giữa thứ ngôn ngữ trẻ thơ của Gô-xi-nhi với nét vẽ thi vị, vui nhộn và đẩy khác biệt của Xăng-pê, phép màu đã hiện ra! Mỗi câu chuyện, khi thì tươi mới, dịu dàng, lúc lại hài hước và đôi chỗ xúc động, gọi lên niềm vui thích vô tư lự khi được là một đứa trẻ hay được nhớ lại kỉ niệm thơ ấu. Và nếu ở vào địa vị của một người đang hồi tưởng, ta sẽ thấy mình chẳng bao giờ bị buồn chán.
Ra đời cách đây năm mươi năm, Nhóc Ni-cô-la đã lôi cuốn mọi thế hệ. Nhưng làm sao lại không có một số phận đặc biệt cho được khi người ta là thành quả sinh ra từ tình bạn của hai nhà sáng như Gô-xi-nhi và Xăng-pê? Khi mà những kỉ niệm thơ ấu của hai nhà kịch nghệ nổi tiếng ấy chính là khởi nguồn cho sự sáng tạo này?
Theo dõi Những điểm đáng chú ý về tác giả và giá trị độc đáo của cuốn sách. |
Mọi thế hệ đều bị tác phẩm không thể xếp hạng và vô cùng lí thú này quyến rũ. Là người lớn hay con trẻ, là ông bố hay cậu con trai, là người bà hay cô cháu gái, ai là người đã cất lời trước với người kia mà rằng: “Đọc đi, nó thật tuyệt vời!". [...]
Nếu nhóc Ni-cô-la xuất hiện trước công chúng trong một thế giới mang vẻ ngoài đầy chất hiện thực thì thực ra cha tôi và Giăng-giắc Xăng-pê đã miêu tả một thế giới
(1) An-nơ Gô-xi-nhi sinh năm 1968, người Pháp, là con gái nhà văn Rơ-nê Gô-xi nhi, tác giả bộ truyện về nhân vật nhóc Ni-cô-la. Nhan đề lời giới thiệu do người biên soạn đặt.
(Trang 119)
kì diệu nơi con trẻ nhìn các bậc phụ huynh bằng con mắt tỉnh táo, châm biếm nhưng vẫn luôn trìu mến và nơi ấy người lớn về phần mình, giải quyết một cách non nớt các vấn đề cứ như là thực!
Theo dõi Cách thu hút sự chú ý và khích lệ người đọc tìm hiểu cuốn sách. |
[...] Phải chăng giờ đây khi những mẩu chuyện mới chưa bao giờ được kể này đến tay các bạn thì bức màn sân khấu đã mãi mãi khép lại những cuộc phiêu lưu của nhóc Ni-cô-la? Phải chăng buổi trình diễn đã thực sự kết thúc? Có lẽ là không... Và chúng ta phó thác cho trí tưởng tượng không giới hạn của những nhà sáng tạo!
Nếu nhóc Ni-cô-la được đưa lên sân khấu, khán giả sẽ vỗ tay tán thưởng nhiều đến mức cậu nhóc hẳn phải bước ra sân khẩu lần nữa.
Và đây là lần bước ra sân khấu ấy!
(Ro-nê Gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê, Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể, tập 3,
NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr. 7-9)
Sau khi đọc
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Có điều gì đáng lưu ý về mối quan hệ giữa nhan đề, hoàn cảnh ra đời và sức hấp dẫn của cuốn sách trong lời giới thiệu của người viết?
2. Theo lời giới thiệu, đề tài và đặc điểm nội dung, nghệ thuật của cuốn sách có gì đặc biệt?
3. Người giới thiệu nhấn mạnh điều gì về mối quan hệ đặc biệt giữa các tác giả và sự độc đáo của cuốn sách?
4. Cách thu hút và khích lệ người đọc tìm hiểu cuốn sách trong lời giới thiệu có điểm gì đáng chú ý?
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Tìm đọc một cuốn sách có liên quan đến một chủ đề hoặc thuộc một thể loại trong bài học của Ngữ văn 8 và viết lời giới thiệu cuốn sách đó (khoảng 8 – 10 câu).
Đọc như một cuộc thám hiểm
Mỗi tác phẩm văn học là một thế giới đời sống phong phú, sinh động. Tác giả đã tưởng tượng và tái hiện bằng ngôn từ hoàn cảnh, không gian, thời gian, con người với những đặc điểm riêng về tính cách biểu hiện cụ thể qua ngoại hình, hành động, lời nói, suy nghĩ,... Qua trang sách, những vùng đất, những miền quê với phong tục, tập quán khác nhau hiện lên rõ nét. Cũng qua trang sách, những thời đại, giai đoạn hoặc khoảnh khắc của lịch sử, của cuộc đời con người được khắc hoạ. Đọc, vì thế, cũng có thể coi như một hành trình, một cuộc thám hiểm và sách là bạn dẫn đường, là người đồng hành nhưng cũng là một thế giới mới trong chuyến phiêu lưu thú vị này.
(Trang 120)
Sau khi chọn cuốn sách yêu thích, em hãy lập nhật kí đọc sách như là nhật kí hành trình. Thử vẽ một sơ đồ về hành trình đọc (giống như sơ đồ của một cuộc thám hiểm) với những biển chỉ đường là các câu hỏi sau đây:
1. Nhan đề của cuốn sách có gì đáng chú ý? Chỉ ra mối quan hệ giữa nhan đề với một số yếu tố trong tác phẩm (thể loại, đề tài, nhân vật,...).
2. Đề tài gì được tác giả khai thác ở cuốn sách? Cách chọn đề tài cho thấy tác giả quan tâm đến những vấn đề nào của đời sống?
3. Những sự việc, chi tiết nào thể hiện dấu ấn của trí tưởng tượng trong tác phẩm?
4. Vì sao tác phẩm trở nên hấp dẫn đối với người đọc?
5. Những chi tiết, sự việc hoặc nhân vật nào để lại cho em ấn tượng sâu đậm nhất?
6. Nếu được nhà văn cho phép thay đổi một số chi tiết, sự việc trong tác phẩm, em sẽ chọn thay đổi điều gì? Vì sao?
7. Chủ đề của tác phẩm là gì? Chủ đề này có liên quan như thế nào với những vấn đề của đời sống hiện tại?
Em có thể tự đặt thêm các câu hỏi trong quá trình đọc và khám phá thế giới qua trang sách. Việc tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời trong quá trình đọc sẽ giúp em không chỉ tiếp nhận mà còn sáng tạo cùng tác giả, hiểu sâu hơn đặc điểm nội dung, nghệ thuật và những vấn đề của đời sống được phản ánh trong tác phẩm.
Đọc để đồng hành và chia sẻ
Để có thể viết nên được những tác phẩm có giá trị, tác giả phải thực sự đắm mình vào đời sống. Không chỉ bắt nguồn từ xúc cảm mãnh liệt, một tác phẩm còn là kết tinh bao trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, con người và cả về chính mình. Chính vì thế, đọc tác phẩm cũng là đồng hành với tác giả để có thể hiểu tác phẩm, chia sẻ và đồng cảm với thế giới tinh thần của nhà văn, nhà thơ.
Đôi khi, chúng ta may mắn được nghe chính tác giả nói về tác phẩm của mình trong một cuộc trò chuyện tâm tình, một cuộc gặp gỡ, phỏng vấn. Đó cũng là dịp tác giả chia sẻ về mối quan hệ giữa trang sách và cuộc sống, giữa tác phẩm và hoàn cảnh ra đời của nó, hoặc những điều đã gợi lên cảm hứng, ý tưởng để tác giả viết nên tác phẩm.
1. Đọc những lời tâm tình của nhà thơ Y Phương về bài thơ Nói với con và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:
Nhà thơ Y Phương: “Nói với con” cũng chính là nói với lòng mình! Đến gặp nhà thơ Y Phương, tác giả của bài thơ Nói với con [...] tại nhà riêng của ông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với nhà thơ người dân tộc Tày này. Cánh cửa nhà mở toang, vọng ra tiếng ông đang ngâm một bài thơ tiếng Tày đầy sảng khoái. Khi chúng tôi tới, ông vừa gò lưng lau nhà vừa hát thơ. Ngẩng đầu lên, ông tươi cười, thay cho lời chào đáp lại, ông nói: “Nghề chính của tôi là tạp vụ, có nghề phụ làm thơ." |
(Trang 121)
Đó là lúc tôi dường như không biết lấy gì để vịn!
Vợ chồng chúng tôi sinh cô con gái đầu lòng vào giữa năm 1979. Bài thơ Nói với con tôi viết năm 1980. Đó là thời điểm đất nước ta gặp vô vàn khó khăn. Thời kì cả nước mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ lâu dài và gian khổ. Giống như một người mới ốm dậy, xã hội khi ấy bắt đầu xuất hiện người tốt, kẻ xấu để tranh giành sự sống. Thực ra, theo tôi không có con người xấu, mà chỉ có những tính xấu như trộm cắp, tham nhũng, lừa đảo, sự dối trá,... Ta phải biến những cái xấu ấy thành "phân", để “bón" cho cây cối và làm giàu cho đất cát.
Bài thơ với nhan đề là Nói với con, đó là lời tâm sự của tôi với đứa con gái đầu lòng. Tâm sự với con còn là tâm sự với chính mình. Nguyên do thì nhiều, nhưng lí do lớn nhất để bài thơ ra đời chính là lúc tôi dường như không biết lấy gì để vịn, để tin. Cả xã hội lúc bấy giờ đang hối hả gấp gáp kiếm tìm tiền bạc. Muốn sống đàng hoàng như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hoá. Phải tin vào những giá trị tích cực vĩnh cửu của văn hoá. Chính vì thế, qua bài thơ ấy, tôi muốn nói rằng chúng ta phải vượt qua sự ngặt nghèo, đói khổ bằng văn hoá.
Bài thơ 28 câu này được xem như là viết riêng cho đứa con đầu lòng. Ở phạm vi hẹp, bài thơ chủ yếu để cập đến văn hoá dân tộc, nhằm tôn vinh nét đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc Tày.
Tôi rất bất ngờ khi biết Nói với con được đưa vào sách giáo khoa. Tuy nhiên tôi không biết đích xác đưa vào năm nào. Quan trọng là tác phẩm của tôi đã được đông đảo các em học sinh đón nhận [...].
Nhiều giáo viên và học sinh đã đến nhà nhờ giảng về bài thơ
Bài thơ Nói với con, dù thấy chẳng có gì đặc biệt hay, nhưng cũng khiến nhiều người băn khoăn. Chẳng hạn trong bài thơ có hai câu:
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Đấy là hai câu chốt của bài thơ Nói với con [...]. Nó cao và sâu hơn câu chuyện về tình phụ tử. Chúng ta đừng viện cớ thiếu thốn khó khăn mà đánh mất đạo đức, văn hoá. Tôi thấy, dường như giờ đây, nhiều con em các dân tộc không mấy mặn mà với văn hoá truyền thống. Và họ đang tự nguyện nhập ngoại, lai căng một cách dễ dãi. Tôi ủng hộ hoà nhập nhưng không thể hoà tan. Văn hoá dân tộc là tài sản lớn. Giữ cho mình và giữ cho con cháu mình. Tôi là người dân tộc Tày. Chúng tôi sinh hoạt như những người Tày ngay giữa lòng Thủ đô. Không phải do tôi sợ đánh mất bản sắc mà là niềm tự hào chính đáng về văn hoá dân tộc của mình. Tôi tự hào vì tôi là người Tày.
Có lần, một cậu bé ở tận trong Huế lặn lội ra Hà Nội, tìm đến nhà và hỏi chuyện tôi về bài thơ. Hình như cậu bé chuẩn bị thi vào Trường Quốc học Huế. Đúng vậy. Cậu học trò ấy đã chọn bài thơ Nói với con để làm bài thi môn Ngữ văn. Và cậu ấy đã đỗ thủ khoa. Một số giáo viên ở trường chuyên ở các tỉnh cũng đích thân tới tận nhà gặp và hỏi trực tiếp tôi về bài thơ Nói với con.
(Trang 122)
Trong bài thơ, người đọc có thể băn khoăn, thắc mắc về hai câu: Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ. Tôi bật cười, cái đó thì quá đơn giản. Có gì đâu, đứa con sinh ra thì phải có cha có mẹ. Đó là khởi điểm của một con người. Một điều nữa, "vách nhà ken câu hát" là yếu tố văn hoá phi vật thể. Người con trai ngồi ngoài vách. Người con gái ở bên trong vách. Họ hát cho nhau nghe. Hát tràn đêm đến sáng bạch. Bởi thế, bức vách ở đây không chỉ là một bức vách cụ thể bằng đất bằng đá nữa. Nó đã trở thành một chủ thể văn hoá [...]. (Theo Y Khương, báo điện tử Thể thao và văn hoá, ngày 15/6/2008) |
TRẢ LỜI CÂU HỎI
a. Lời tâm tình của nhà thơ Y Phương cho biết điều gì về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nói với con? Hoàn cảnh ấy có tác động như thế nào đến sự biểu đạt cảm xúc và hình tượng trong bài thơ?
b. Không chỉ nói về tình phụ tử, tình cảm gia đình, câu thơ “Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con" còn thể hiện ý nghĩa gì? Vì sao nhà thơ thực sự trăn trở, tâm huyết với điều đó?
c. Qua lời giải thích của nhà thơ Y Phương, những hình ảnh trong các dòng thơ: “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ” và “Vách nhà ken câu hát” là hình ảnh thực hay tưởng tượng? Vì sao?
d. Theo em, điều gì làm nhà thơ xúc động, trăn trở nhất khi viết bài thơ Nói với con?
2. Chọn một tác phẩm của tác giả mà em đã biết và mong muốn tiếp tục tìm hiểu, khám phá. Đọc, cảm nhận về tác phẩm và trả lời những câu hỏi sau:
a. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm có điều gì đáng chú ý? Hoàn cảnh ấy có tác động như thế nào đến việc lựa chọn đề tài, thể hiện nội dung của tác phẩm?
b. Việc chọn đề tài, thể hiện nội dung, chủ đề của tác phẩm cho thấy tác giả quan tâm, xúc động, trăn trở nhất về điều gì?
c. Tưởng tượng nếu em là tác giả, điều gì sẽ làm em hứng thú nhất và đâu là điều em cảm thấy khó khăn nhất khi viết tác phẩm này?
d. Sau khi đã tìm hiểu kĩ tác phẩm, em nhận thấy nhan để có mối liên quan như thế nào với đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tác phẩm?