(Trang 109)
Sau khi học xong bài này, em sẽ: - Trình bày được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. - Có ý thức bảo vệ môi trường, vận dụng vào thực tiễn chăn nuôi ở gia đình và địa phương. |
Mở đầu
Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi do những nguyên nhân nào gây ra? Chúng có ảnh hưởng như thế nào đối với vật nuôi và con người? Cần phải làm gì để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi?
I - MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN NUÔI
1. Chất thải chăn nuôi
Chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải của vật nuôi (phân, nước tiểu, khí thải,...), thức ăn thừa, bao bì đựng thức ăn chăn nuôi, chất thải thú y (vỏ đựng thuốc thú y, kim tiêm....). độn lót chuồng nuôi,... Các loại chất thải này nếu không được thu gom, xử lí đúng quy định sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước (nước sông, hồ, nước ngầm....) (Hình 21.1) và môi trường không khí.
Hình 21.1. Môi trường nước bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi
2. Xác vật nuôi
Trong chăn nuôi, khi vật nuôi bị chết (do nhiều nguyên nhân khác nhau), xác vật nuôi cần được xử lí và tiêu huỷ đúng quy định. Việc xác vật nuôi không được thu gom, xử lí đúng quy định là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đồng thời là nguồn lây lan, phát tán dịch bệnh.
(Trang 110)
Khám phá
Nêu một số nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Liên hệ với thực tiển chăn nuôi ở gia đình và địa phương em. |
II - ẢNH HƯỞNG CỦA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN NUÔI
Các chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con người và vật nuôi.
Khám phá
Vì sao cần phải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi? |
Trong chất thải chăn nuôi và xác vật nuôi có chứa các vi sinh vật gây hại làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tăng tỉ lệ mắc bệnh và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, làm tăng các chi phí phòng, trị bệnh và giảm hiệu quả kinh tế chăn nuôi.
Trong chất thải chăn nuôi có chứa các ion kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí, ảnh hưởng đến hệ sinh vật đất và nước, làm mất cân bằng sinh thái.
III - MỘT SỐ BIỆN PHÁP HẠN CHẾ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI
Khám phá
Nêu một số biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, ý nghĩa của từng biện pháp. |
1. Quy hoạch khu chăn nuôi và xây dựng hệ thống chuồng trại tốt
Cần quy hoạch khu vực chăn nuôi xa khu dân cư và đường giao thông chính, xung quanh trang trại cần có tường bao, hàng rào ngăn cách nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khoẻ cộng đồng. Đối với chăn nuôi nông hộ, chuồng nuôi phải xây cách xa nhà ở của con người.
Chuồng trại cần xây dựng đảm bảo các yêu cầu chung, phù hợp với việc áp dụng các giải pháp chăn nuôi tiên tiến đề giảm phát thải và tái sử dụng tối đa chất thải ngay trong trang trại. Phải có hệ thống thu gom, xử lí chất thải đạt tiêu chuẩn kĩ thuật. Khu vực xử lí chất thải nên cách biệt với chuồng nuôi để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ của vật nuôi.
2. Mật độ và diện tích chuồng nuôi phù hợp
Mật độ chăn nuôi trong mỗi trang trại cũng như cho từng vùng chăn nuôi cần được quy hoạch để tránh quá tải cho hệ sinh thái. Mật độ chăn nuôi càng giảm thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ càng thấp.
Việc tính toán số lượng gia súc, gia cầm cho trang trại tuỳ thuộc từng loài, giống vật nuôi, hệ thống chăn nuôi và diện tích, cơ sở hạ tầng trang trại, đặc biệt là hệ thống thu gom, xửli chất thải.
(Trang 111)
Thông tin bổ sung
Bảng 21.1. Tiêu chuẩn diện tích chuồng nuôi và noi vận động cho các loại vật nuôi trong chăn nuôi hữu cơ (m³/con)
Loại vật nuôi | Chuồng nuôi | Nơi vận động |
Bò dưới 100 kg | 1,5 | 1,1 |
Bò từ 100 kg đến 200 kg | 2,5 | 1,9 |
Bò từ 200 kg đến 350 kg | 4,0 | 3,0 |
Bò trên 350 kg | 5,0 | 3,7 |
Bò sữa | 6,0 | 4,5 |
Bò đực giống | 10,0 | 30,0 |
Lợn nái | 2,5 | 1,9 |
Lợn thịt | 1,3 | 1,0 |
Gà đẻ | 0,17 | 4,0 |
3. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi
Chú trọng việc áp dụng các mô hình chăn nuôi tiên tiến. Mỗi trang trại đều có hệ thống thu gom, phân loại, xử li,... chất thải riêng biệt, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường chăn nuôi theo quy định (Hình 21.2).
Hình 21.2. Bố trí mặt bằng trong trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp
4. Công tác vệ sinh, khử trùng chuồng trại
Vệ sinh chuồng nuôi có vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm do chăn nuôi. Một môi trường sạch sẽ hạn chế tối đa sự phát triển của các mầm bệnh, tạo được tiều khi hậu tốt cho sức khoẻ của vật nuôi và giảm thiểu ảnh hưởng của chất thải ra môi trường. Vì vậy, cần thu gom và vận chuyển chất thải chăn nuôi ra khỏi chuồng trại thường xuyên.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Định kỉ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tẩy uế tổng thể chuồng trại bằng các loại hoá chất thích hợp.
(Trang 112)
5. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi
Áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ: Vật nuôi được sống trong môi trường tự nhiên với quá trình nuôi dưỡng dựa trên nguồn thức ăn hữu cơ, chất thải chăn nuôi được xử lí và sửdụng để bón cho cây trồng.
Áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, chăn nuôi thông minh: Áp dụng đồng bộ công nghệ cao trong chăn nuôi (thức ăn, con giống, chuồng trại, thú y, quản lí chất thải, quản lí sản xuất) nhằm tối ưu hoá năng suất, tối đa hoá lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường và tăng việc đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Áp dụng chăn nuôi có đệm lót sinh học: Các loại vi sinh vật có lợi trong đệm lót sinh học sẽ phân giải các chất thải chăn nuôi, hạn chế sự phát thải các chất thải và khí thải gây ô nhiễm môi trường (Hình 21.3).
Hình 21.3. Mô hình chuồng nuôi lợn có đệm lót sinh học
Kết nối năng lực
Sử dụng internet, sách, báo,... để tìm hiểu và đề xuất những việc nên làm, không nên làm nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. |
Luyện tập
1. Nêu một số nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
2. Nêu các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và ý nghĩa của từng biện pháp.
Vận dụng
Đề xuất biện pháp phù hợp để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại gia đình và địa phương em.