(Trang 7)
Sau khi học xong bài này, em sẽ: - Trình bày được vai trò và triển vọng của chăn nuôi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. - Nêu được một số thành tựu nổi bật của việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. - Trình bày được những yêu cầu cơ bản với người lao động của một số ngành nghề phổ biến trong chăn nuôi. |
Mở đầu
Chăn nuôi có vai trò như thế nào đối với đời sống con người và nền kinh tế? Có những công nghệ cao nào đang được ứng dụng trong chăn nuôi? Chăn nuôi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có triển vọng như thế nào?
I - VAI TRÒ CỦA CHĂN NUÔI
Chăn nuôi là một ngành sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với đời sống con người và nền kinh tế. Chăn nuôi cung cấp cho con người nguồn thực phẩm giàu protein, cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, cung cấp sức kéo, phân bón cho trồng trọt....
Khám phá
1. Quan sát Hình 1.1 và phân tích vai trò của chăn nuôi tương ứng với mỗi ảnh trong hình. 2. Nêu các vai trò của chăn nuôi đối với gia đình và địa phương em. |
Hình 1.1. Vai trò của chăn nuôi
(Trang 8)
II - MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA VIỆC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG CHĂN NUÔI
1. Thành tựu trong công tác giống vật nuôi
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học, công tác giống vật nuôi đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật
- Công nghệ cấy truyền phôi cho phép cấy phôi từ bỏ mẹ cao sản sang những con bỏ cái khác (nhờ những con bò này mang thai hộ). Nhờ phương pháp này, từ một bỏ mẹ cao sản, mỗi năm có thể cho hàng chục đến hàng trăm bê con, giúp tăng nhanh đàn bò sữa hoặc bò thịt chất lượng cao (Hình 1.2).
- Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho vật nuôi bằng tinh trùng bảo quản trong môi trường nhân tạo giúp giảm được số lượng vật nuôi đực giống, nâng cao chất lượng giống vật nuôi.
- Nhờ ứng dụng công nghệ gene, các nhà chọn giống có thể phát hiện sớm giới tính của phôi, nhờ đó chủ động lựa chọn giới tính của phôi theo nhu cầu của sản xuất. Ví dụ: người chăn nuôi bò sữa lựa chọn các phôi cái, người chăn nuôi bò thịt lựa chọn phôi đực.
- Ứng dụng công nghệ gene giúp rút ngắn thời gian chọn tạo giống, chọn lọc chính xác, nâng cao chất lượng giống.
Hình 1.2. Bỏ mẹ cho phôi và các bê con được tạo ra nhờ công nghệ cấy truyền phôi
Kết nối năng lực
Sử dụng internet, sách, báo,... để tìm hiểu thêm về thành tựu của ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo và nhân giống vật nuôi.
2. Thành tựu trong nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều công nghệ cao như công nghệ cảm biến, công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT – Internet of Things), công nghệ thông tin và truyền thông (ICT - Information & Communication Technology), cơ giới hoá, tự động hoá được ứng dụng trong nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi (tự động cho ăn, tắm rửa, vệ sinh
(Trang 9)
chuồng trại, vắt sữa, thu gom trứng....), nhờ đó giúp quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi được chính xác và khoa học hơn, mang lại hiệu quả cao, giúp giải phóng sức lao động cho người chăn nuôi (Hình 1.3). Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là nền tảng để phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi thông minh.
Hình 1.3. Một số ứng dụng công nghệ cao trong nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi
Khám phá
1. Quan sát Hình 1.3 và nêu tên các công nghệ áp dụng trong nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi tương ứng với từng ảnh trong hình theo các gợi ý sau: công nghệ cho ăn thông minh, công nghệ vắt sữa bò tự động, công nghệ tắm chải tự động cho bò, công nghệ thu gom trứng gà tự động. 2. Em hãy nêu một số thành tựu ứng dụng công nghệ cao trong nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi đang được áp dụng ở địa phương em hoặc em biết. |
Thông tin bổ sung
Trang trại kĩ thuật số Ở Australia, các nhà nghiên cứu đã phát triển các trang trại gia súc kĩ thuật số bằng cách gắn các thẻ chip điện tử. Khi gia súc vào khu uống nước, chúng sẽ đi qua một cánh cổng thông minh có sử dụng các thuật toán để ghi lại cân nặng cũng như mã số nhận dạng của từng con. Những thẻ chip cũng truyền tín hiệu về máy chủ, giúp người nuôi giám sát và theo dõi vị trí cũng như sự di chuyền của gia súc trong trang trại. |
(Trang 10)
3. Thành tựu trong xử lí chất thải và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Chất thải chăn nuôi nếu không được thu gom, xử lí tốt sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ vi sinh như công nghệ biogas, đệm lót sinh học, các chế phẩm vi sinh xử lí chuồng trại,... đã giúp cho việc xử lí chất thải chăn nuôi đạt hiệu quả, nhờ đó giảm thiều đáng kẻ ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Hình 1.4. Xử lí chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas
Máy phát điện biogas
Khí thải CO₂
Bồn khi trung gian
Phân thải
Hệ thống lọc tạp chất
Hầm biogas
Khám phá
1. Quan sát Hình 1.4 và nêu ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ biogas trong xử líchất thải chăn nuôi. 2. Nêu một số ứng dụng công nghệ cao trong xử lí chất thải chăn nuôi đang được áp dụng ở địa phương em. Nêu ý nghĩa của chúng đối với chăn nuôi. |
III - TRIỂN VỌNG CỦA CHĂN NUÔI TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0
1. Phát triển để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của con người
Mức tiêu thụ thịt, trứng, sữa bình quân đầu người của nước ta hiện đang còn thấp so với thế giới và khu vực, ngành chăn nuôi có triển vọng phát triển để đáp ứng cho sự gia tăng dân số và nhu cầu ngày càng tăng trong thời gian tới.
Theo quyết định số 1520/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045", mục tiêu sản lượng thịt, trứng, sữa bình quân đầu người của Việt Nam đến năm 2030 được trình bày trong Bảng 1.1.
(Trang 11)
Bảng 1.1. Mục tiêu sản lượng thịt, trứng, sữa bình quân đến năm 2030 (kg/người/năm)
Sản phẩm chăn nuôi | Năm 2025 | Năm 2030 |
Thịt xẻ (kg) | 50-55 | 58-62 |
Trứng (quả) | 180-190 | 220-225 |
Sữa tươi (kg) | 16-18 | 24-26 |
2. Phát triển để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu
Trong thời gian tới, do quá trình đô thị hoá nhanh trên phạm vi toàn cầu, diện tích đất đai giảm mạnh, dân số tăng lên, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao.... dẫn đến nhu cầu về thực phẩm động vật như thịt, trứng, sữa.... sẽ tăng hơn 70% trong khoảng 3 – 5 thập kỉ tới, do đó các nước sẽ phải nhập khẩu nhiều thực phẩm có nguồn gốc động vật hơn.
Nước ta rất giàu tiềm năng để phát triển chăn nuôi. Trong tương lai, việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chăn nuôi thông minh.... không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn có thể mở rộng xuất khẩu.
3. Phát triển nhờ ứng dụng khoa học công nghệ
Trong thời đại công nghiệp 4.0, có hơn một nửa dân số đã kết nối và sử dụng internet, tốc độ phát triển công nghệ diễn ra rất nhanh chóng, hàng triệu nông dân dễ dàng tiếp cận với internet tốc độ cao. Các công nghệ như máy tính, cảm biến, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo,... sẽ ngày càng được ứng dụng nhiều trong sản xuất, trong đó ngành chăn nuôi sẽ được công nghiệp hoá ở hầu hết các khâu, từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
4. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ
Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển mạnh ngành chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một số nội dung cụ thể:
- Phát triển công nghệ sản xuất giống vật nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi và công nghệ chuồng trại, xử lí chất thải chăn nuôi nhằm bảo vệ sức khoẻ vật nuôi và cộng đồng, đảm bảo đối xử nhân đạo với vật nuôi, giảm phát thải khí nhà kính.
- Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến.... theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn.
- Tích cực đào tạo để cung cấp đủ lao động chất lượng cao cho ngành chăn nuôi, thú y, chế biến thực phẩm.
- Ban hành các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế, vốn vay.... để ngành chăn nuôi phát triển mạnh và vững chắc.
Khám phá
Nêu vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của chăn nuôi. Liên hệ thực tiễn chăn nuôi ở địa phương em. |
(Trang 12)
Kết nối năng lực
Sử dụng internet, sách, báo,... để tìm hiều về triển vọng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. |
IV- YÊU CẦU CƠ BẢN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG CỦA MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ PHỔ BIẾN TRONG CHĂN NUÔI
Người lao động làm việc trong các ngành nghề chăn nuôi cần có một số yêu cầu cơ bản sau:
- Có sức khoẻ tốt, chăm chỉ, chịu khó và có trách nhiệm cao trong công việc.
- Có kiến thức, kĩ năng cơ bản về chăn nuôi; có khả năng sử dụng, vận hành các thiết bị, máy móc trong chăn nuôi.
- Tuân thủ an toàn lao động, có ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, những người làm trong các ngành nghề này cần có niềm đam mê và yêu thích vật nuôi, yêu thích công việc chăm sóc vật nuôi; say mê công việc khám phá quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi; có khả năng nhớ tên và phân loại vật nuôi; yêu thích các chương trình, thông tin về thế giới vật nuôi nói riêng và thế giới động vật nói chung; yêu thích các môn học như Công nghệ, Sinh học, Địa li,...
Kết nối nghề nghiệp
Liên hệ với bản thân và cho biết em có phù hợp với các ngành nghề trong chăn nuôi không. Vì sao? |
Luyện tập
1. Trình bày vai trò của chăn nuôi đối với đời sống con người và nền kinh tế. Liên hệ với thực tiễn của gia đình và địa phương em.
2. Hãy trình bày triển vọng của chăn nuôi ở Việt Nam và trên thế giới.
3. Nội dung nào sau đây không phải vai trò của chăn nuôi?
A. Cung cấp nguồn thực phẩm giàu protein (thịt, trứng, sữa) cho con người.
B. Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
C. Cung cấp lương thực cho xuất khẩu.
D. Cung cấp sức kéo cho trồng trọt.
Vận dụng
Phân tích thực trạng chăn nuôi ở địa phương em và đề xuất một số giải pháp để phát triển chăn nuôi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.