Trong vòng 20 năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, chủ nghĩa tư bản đã trải qua những bước thăng trầm và biến động. Nếu như trong hơn 10 năm đầu (1918 – 1929), các nước tư bản từng bước ổn định và đạt được mức tăng trưởng cao về kinh tế, thì trong 10 năm sau (1929 – 1939) đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, dẫn tới chiến tranh thế giới.
I – CÁC NƯỚC TƯ BẢN CHỦ NGHĨA TRONG NHỮNG NĂM 1918 – 1929
1. Những nét chung
Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước tư bản đã tổ chức Hội nghị hoà bình ở Véc-xai (1919 – 1920) và Oa-sinh-tơn (1921 – 1922) để kí kết hoà ước và các hiệp ước phân chia quyền lợi. Một trật tự thế giới mới được thiết lập thông qua các văn kiện được kí kết tại Véc-xai và Oa-sinh-tơn, thường được gọi là hệ thống Vécxai Oasinhtơn.
Với hệ thống Vécxai – Oasinhtơn, trật tự thế giới mới được thiết lập, phản ánh so sánh lực lượng mới giữa các nước tư bản. Các nước thắng trận, trước hết là Anh, Pháp, Mĩ, I-ta-li-a, Nhật Bản, giành được nhiều quyền lợi về kinh tế và xác lập sự áp đặt, nô dịch đối với các nước bại trận, đặc biệt là các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Đồng thời, ngay giữa các nước tư bản thắng lợi cũng nảy sinh những bất đồng do mâu thuẫn về quyền lợi. Chính vì thế, quan hệ hoà bình giữa các nước tư bản trong thời gian này chỉ là tạm thời và mỏng manh.
Nhằm duy trì trật tự thế giới mới, Hội Quốc liên - một tổ chức chính trị mang tính quốc tế đầu tiên - được thành lập với sự tham gia của 44 nước thành viên.
Hình 71. Sự thay đổi bản đồ chính trị châu u theo hệ thống Vécxai _ Oasinhtơn
Trong 10 năm đầu sau chiến tranh, các nước tư bản đều trải qua 2 giai đoạn phát triển : giai đoạn 1918 – 1923 và giai đoạn 1924 – 1929.
Trong những năm 1918 – 1923, phần lớn các nước tư bản (trừ Mĩ) đều lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, biểu hiện ở sự suy sụp về kinh tế và cao trào cách mạng bùng lên mạnh mẽ ở châu u cũng như ở nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc.
Trong những năm 1924 – 1929, các nước tư bản bước vào thời kì ổn định về chính trị và đạt mức tăng trưởng cao về kinh tế. Nhiều ngành công nghiệp vượt xa mức trước chiến tranh, như khai thác nhiên liệu, luyện kim... Một số ngành công nghiệp mới, như điện lực, sản xuất ô tô, máy bay, hoá chất..., phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các nước tư bản.
Bảng thống kê sản lượng than và thép của một số nước tổ bản châu Âu (1920_1939)
(Đơn vị : triệu tấn)
Nước | Than | Thép | ||||||
1920 | 1929 | 1933 | 1939 | 1920 | 1929 | 1933 | 1939 | |
Anh | 233,0 | 262,0 | 210,0 | 235,0 | 9,2 | 9,8 | 7,1 | 13,4 |
Pháp | 25,3 | 55,0 | 48,0 | 50,2 | 2,7 | 9,7 | 6,5 | 8,0 |
Đức | 22,0 | 337,0 | 237,0 | 400,0 | 7,8 | 16,2 | 7,6 | 23,7 |
– Dựa vào lược đồ, hãy so sánh sự thay đổi lãnh thổ các nước châu Âu năm 1923 so với năm 1914.
– Nêu nhận xét về sự phát triển sản xuất công nghiệp của một số tư bản châu Âu qua số liệu của các năm 1920 và 1929.
2. Phong trào cách mạng 1918 – 1929 ở các nước tư bản
Do hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất và tác động của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, một cao trào cách mạng đã bùng nổ ở hầu khắp các nước tư bản châu Âu trong những năm 1918 – 1923.
Phong trào đấu tranh không chỉ dừng lại ở những yêu sách kinh tế mà còn nhằm ủng hộ nước Nga Xô viết. Đỉnh cao của phong trào là sự thành lập các nước Cộng hoà Xô viết ở Hung-ga-ri (3 – 1919), ở Ba-vi-e (Đức, 4 – 1919), thể hiện khát vọng của quần chúng lao động về một xã hội công bằng, dân chủ. Tuy không giành được thắng lợi, nhưng phong trào đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.
Sau cao trào cách mạng 1918 – 1923, từ năm 1924, các nước tư bản bước vào thời kì ổn định, phong trào công nhân tạm thời lắng xuống. Tuy thế các cuộc bãi công đòi cải thiện điều kiện làm việc, chế độ tiền lương, đòi tự do, dân chủ vẫn tiếp diễn. Cuộc tổng bãi công của công nhân Anh tháng 5 – 1926 với sự tham gia của 5 triệu người, làm tê liệt các khu công nghiệp lớn của nước Anh là một sự kiện điển hình.
Hình 72. Cuộc tổng bãi công của công nhân đường sắt ở Pa-ri ngày 1 _5_1920
Nêu những nét nổi bật của cao trào cách mạng 1918 – 1923 ở các nước tư bản châu Âu.
3. Quốc tế Cộng sản
Trong cao trào cách mạng 1918 – 1923, các đảng cộng sản đã được thành lập ở nhiều nước như Đức, Áo, Hung-ga-ri, Ba Lan, Phần Lan, Ác-hen-ti-na... Sự phát triển của cách mạng thế giới đòi hỏi phải có một tổ chức quốc tế để tập hợp lực lượng và chỉ đạo phong trào theo một đường lối đúng đắn. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự tồn tại của Nhà nước Xô viết là điều kiện thuận lợi để thực hiện yêu cầu đó.
Với những nỗ lực của V.I. Lê-nin và một số nhà hoạt động cách mạng quốc tế, Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản (còn gọi là Quốc tế thứ ba) được tiến hành tại Mát-xcơ-va tháng 3 – 1919. Trong thời gian tồn tại từ năm 1919 đến năm 1943, Quốc tế Cộng sản đã tiến hành 7 lần đại hội, đề ra đường lối cách mạng phù hợp với từng thời kì phát triển của cách mạng thế giới.
Đại hội II (1920) giữ một vị trí nổi bật trong lịch sử hoạt động của Quốc tế Cộng sản với việc thông qua Luận cương về vai trò của Đảng Cộng sản, Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, do Lê-nin khởi thảo.
Tại Đại hội VII (1935), Quốc tế cộng sản đã chỉ rõ nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và kêu gọi các đảng Cộng sản tích cực đấu tranh thành lập các mặt trận thống nhất công nhân và các lực lượng tiến bộ nhằm mục tiêu chống phát xít, chống chiến tranh.
Năm 1943, trước những thay đổi của tình hình thế giới, Quốc tế Cộng sản tuyên bố tự giải tán, sau khi đã có những đóng góp to lớn trong phong trào cách mạng thế giới.
Qua các nội dung hoạt động của Đại hội II và Đại hội VII, hãy nhận xét về vai trò của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cách mạng thế giới.
II – CÁC NƯỚC TƯ BẢN CHỦ NGHĨA TRONG NHỮNG NĂM 1929 – 1939
1. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 và hậu quả của nó
Trong những năm 1924 – 1929, các nước tư bản bước vào thời kì ổn định về chính trị và đạt mức tăng trưởng cao về kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các nước tư bản. Hơn nữa, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng thiếu kế hoạch, không tương xứng với sự cải thiện đời sống của đa số nhân dân, đã dẫn tới khủng hoảng kinh tế.
Tháng 10 – 1929, khủng hoảng kinh tế bùng nổ ở Mĩ, sau đó lan ra toàn bộ thế giới tư bản, chấm dứt thời kì ổn định và tăng trưởng của chủ nghĩa tư bản. Cuộc khủng hoảng kéo dài gần 4 năm, trầm trọng nhất là năm 1932.
Cuộc khủng hoảng chẳng những tàn phá nền kinh tế mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về chính trị, xã hội. Hàng chục triệu công nhân thất nghiệp, nông dân mất ruộng đất, sống trong cảnh nghèo đói, túng quẫn. Những cuộc đấu tranh, biểu tình, tuần hành của những người thất nghiệp diễn ra ở khắp các nước.
Hình 73. Một cuộc đi bộ của công nhân Anh từ Gia-râu đến Luân Đôn đòi việc làm
Khủng hoảng kinh tế đã đe doạ nghiêm trọng sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Để cứu vãn tình thế, các nước tư bản phải xem xét lại con đường phát triển của mình. Trong khi các nước Mĩ, Anh, Pháp tiến hành những cải cách kinh tế – xã hội để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng và đổi mới quá trình quản lí, tổ chức sản xuất thì các nước Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản lại tìm kiếm lối thoát bằng những hình thức thống trị mới. Đó là việc thiết lập các chế độ độc tài phát xít – nền chuyên chính khủng bố công khai của những thế lực phản động nhất, hiếu chiến nhất.
Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản là những nước có ít thuộc địa, ngày càng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và thị trường, đã đi theo con đường phát xít hoá chế độ chính trị để cứu vãn tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng của mình. Quan hệ giữa các cường quốc tư bản chuyển biến ngày càng phức tạp. Sự hình thành hai khối đế quốc đối lập : một bên là Mĩ, Anh, Pháp với một bên là Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản và cuộc chạy đua vũ trang diễn ra ráo riết đã báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới xuất hiện như thế nào ?
2. Phong trào Mặt trận Nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh
Ngay từ đầu những năm 30 của thế kỉ XX, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản, phong trào chống phát xít, chống nguy cơ chiến tranh lan rộng ở nhiều nước. Những người cộng sản đã thiết lập được sự thống nhất hành động với các đảng xã hội dân chủ, các lực lượng yêu nước, thành lập Mặt trận Nhân dân chống chủ nghĩa phát xít ở Pháp, I-ta-li-a, Tiệp Khắc, Hi Lạp, Tây Ban Nha và nhiều nước khác.
Hình 74. Lê-ông Bơ-lum (phải) _ người đứng đầu Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp năm 1936
Thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp trong những năm 1936 – 1939 là sự kiện nổi bật trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 – 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp giành được thắng lợi và thành lập chính phủ do Lê-ông Bơ-lum đứng đầu. Phong trào Mặt trận Nhân dân đã bảo vệ được nền dân chủ, đưa nước Pháp vượt qua hiểm hoạ của chủ nghĩa phát xít.
Ở Tây Ban Nha, Mặt trận Nhân dân cũng giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và Chính phủ Mặt trận Nhân dân được thành lập vào tháng 2 – 1936. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng ngày càng lớn của những người cộng sản trong Chính phủ và các biện pháp cải cách tiến bộ, các nước đế quốc đã tăng cường giúp đỡ thế lực phát xít do Phran-cô cầm đầu gây nội chiến, nhằm thủ tiêu nền cộng hoà.
Cuộc chiến tranh chống phát xít của nhân dân Tây Ban Nha (1936 – 1939) nhận được sự ủng hộ to lớn của phong trào cách mạng thế giới. 35 000 chiến sĩ từ 53 quốc gia trên thế giới đã tình nguyện chiến đấu bảo vệ nước Cộng hoà Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng quá chênh lệch, do sự can thiệp của phát xít Đức, I-ta-li-a và sự nhượng bộ của các nước tư bản, cuộc chiến tranh chống phát xít của nhân dân Tây Ban Nha cuối cùng bị thất bại.
Mặt trận Nhân dân Pháp đã giành được thắng lợi như thế nào ?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Trình bày các giai đoạn phát triển chính của chủ nghĩa tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 – 1939).
2. Nêu những hậu quả về chính trị, xã hội của cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933) đối với các nước tư bản.
3. Phong trào Mặt trận Nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh diễn ra như thế nào ?
PHẦN ĐỌC THÊM
Về chủ nghĩa phát xít
Chủ nghĩa phát xít là nền chuyên chính khủng bố công khai của những phần tử phản động nhất, sôvanh nhất, đế quốc chủ nghĩa nhất của tư bản tài chính...
Việc chủ nghĩa phát xít lên nắm quyền không phải là một sự thay thế thường lệ của một chính phủ tư sản này cho một chính phủ tư sản khác, mà đó là sự thay thế một hình thức nhà nước thống trị giai cấp của giai cấp tư sản – chế độ dân chủ tư sản, bằng một hình thức khác của sự thống trị ấy, là chế độ chuyên chính khủng bố công khai.
Về Mặt trận Nhân dân chống phát xít
Điều chủ yếu, điều quyết định để thiết lập Mặt trận Nhân dân chống phát xít, chính là hành động kiên quyết của giai cấp vô sản cách mạng để bảo vệ những yêu sách của các tầng lớp xã hội và đặc biệt là của giai cấp nông dân lao động, những yêu sách ấy phù hợp với những lợi ích cơ bản của giai cấp vô sản và cần phải được kết hợp với những yêu sách của giai cấp công nhân trong quá trình đấu tranh.
(Theo : G. Đi-mi-tơ-rốp, Tuyển tập, NXB Sự thật, H., 1962)