I – THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG TƯ SẢN VÀ SỰ XÁC LẬP CHỦ NGHĨA TƯ BẢN
1. Chế độ phong kiến đã ngăn cản sự phát triển của sức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến các cuộc cách mạng tư sản.
Nêu những sự kiện cơ bản chứng tỏ sự cản trở của chế độ phong kiến đối với sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Hà Lan, Anh, Bắc Mĩ, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nga, Nhật Bản.
2. Do điều kiện cụ thể và tương quan lực lượng ở mỗi nước mà cách mạng tư sản nổ ra dưới các hình thức khác nhau, nhưng về bản chất đều là những cuộc cách mạng tư sản.
Trình bày hình thức, diễn biến của các cuộc cách mạng tư sản đã học.
3. Cách mạng tư sản ở các mức độ khác nhau đã lật đổ nền thống trị của giai cấp phong kiến, thiết lập hệ thống nhà nôớc tổ sản hoặc cải tổ nhà nước phong kiến theo thiết chế tư bản. Chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn độc quyền – chủ nghĩa đế quốc.
– Trình bày những kết quả của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu.
– Sự phát triển kinh tế diễn ra như thế nào ở các nước tư bản Anh, Pháp, Đức, Mĩ ?
4. Việc củng cố và phát triển của chủ nghĩa tư bản đòi hỏi phải xây dựng nền kinh tế vững mạnh, dựa trên sự phát minh và ứng dụng các thành tựu của khoa học – kĩ thuật.
Những kết quả nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn, cũng như các sáng tạo trong văn học – nghệ thuật đã góp phần tạo nên những chuyển biến lớn trong đời sống tinh thần và vật chất của con người.
– Hãy nêu một thành tựu của khoa học – kĩ thuật có tác dụng thúc đẩy sản xuất xã hội.
– Tìm hiểu một thành tựu của khoa học xã hội và nhân văn góp phần thúc đẩy sự phát triển lịch sử loài người.
II – NHỮNG MÂU THUẪN CƠ BẢN CỦA CHẾ ĐỘ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA. PHONG TRÀO CÔNG NHÂN. PHONG TRÀO CHỐNG THỰC DÂN XÂM LƯỢC
1. Một trong những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản, biểu hiện bằng các cuộc đấu tranh của vô sản chống tư sản. Tuy nhiên, hình thức, mục tiêu của cuộc đấu tranh này cũng phát triển qua các giai đoạn khác nhau. Hình thức đấu tranh lúc đầu là những cuộc tranh chấp giữa chủ và thợ, từ việc “đập phá máy móc” đến các phong trào đình công, bãi công ; từ những cuộc khởi nghĩa trong từng vùng, phát triển thành những cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị, cuối cùng là tổng khởi nghĩa cướp chính quyền. Mục tiêu đấu tranh của công nhân cũng từ những đòi hỏi về tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc và điều kiện sống, phát triển lên thành những cuộc đấu tranh đòi quyền chính trị và thiết lập nền chuyên chính vô sản.
Sự kiện đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân là sự nhận thức sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình trong việc lật đổ hoàn toàn chế độ tư bản và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trình bày các hình thức đấu tranh của vô sản chống tư sản trước năm 1848.
2. Trên cơ sở phong trào công nhân ngày một phát triển mạnh mẽ, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời mà Mác và Ăng-ghen là người sáng lập. Chủ nghĩa xã hội khoa học tác động trở lại với phong trào công nhân và dẫn dắt phong trào từng bước giành thắng lợi. Chủ nghĩa xã hội khoa học cũng đấu tranh chống những quan điểm sai trái, phản động của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại... nhằm đưa phong trào công nhân đi chệch mục tiêu của mình.
Vào những năm cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, phong trào công nhân thế giới phát triển với các cuộc đấu tranh mạnh mẽ diễn ra ở nhiều nước tư bản, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức quần chúng và chính đảng của giai cấp công nhân, việc thành lập và hoạt động của Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai... Tuy trải qua những thất bại không nhỏ, song phong trào công nhân thế giới thời cận đại cũng giành được những thắng lợi lớn như : Công xã Pa-ri, cuộc đấu tranh của công nhân Si-ca-gô ngày 1 – 5 – 1886, Cách mạng Nga 1905 – 1907 v.v...
– Lập bảng thống kê các sự kiện chính trong phong trào đấu tranh của công nhân thế giới nửa sau thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
– Lập bảng so sánh những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại về cuộc đấu tranh của công nhân.
3. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản gắn liền với việc xâm chiếm và thống trị thuộc địa. Vì vậy, cùng với phong trào công nhân, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc cũng diễn ra sôi nổi.
Ngay từ khi thực dân, đế quốc đến xâm lược, nhân dân các nước bị xâm lược đã chiến đấu ngoan cường chống lại chúng. Phong trào giải phóng dân tộc diễn ra liên tục, rầm rộ ở các nước. Tuy nhiên, do thiếu đường lối đấu tranh đúng đắn, không có giai cấp tiên tiến lãnh đạo nên phong trào cứu nước lần lượt thất bại. Công cuộc cải cách, duy tân đất nước theo con đường tư bản phương Tây đã thành công ở Nhật Bản, đạt được một số thành tựu ở Xiêm, nhưng lại thất bại ở nhiều nước khác do các thế lực bảo thủ, phản động cản trở.
Từ đầu thế kỉ XX, do sự phát triển của tình hình trong nước và ảnh hưởng tư tưởng tư sản từ ngoài tràn vào, phong trào yêu nước ở nhiều nước phương Đông đã có sự chuyển biến, đánh dấu bằng sự thức tỉnh của châu Á trong phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông vào đầu thế kỉ XX. Chính điều đó đã tạo nên những tiền đề cho các nhà yêu nước đương thời bước vào giai đoạn đấu tranh mới sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc.
Những nguyên nhân nào làm cho phong trào chống xâm lược và giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX không thành công ?
4. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dẫn tới tình trạng phát triển không đều giữa các nước đế quốc. Điều này làm nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ chủ nghĩa tư bản thế giới, mà điểm nổi bật là các cuộc chiến tranh để giành giật thuộc địa, phân chia lại thế giới. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ nhất, gây ra những tổn thất to lớn cho loài người.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 bùng nổ và thắng lợi. Lịch sử thế giới bước sang thời kì mới – thời hiện đại.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Lập niên biểu về một số sự kiện cơ bản của lịch sử thế giới cận đại.
2. Cách mạng tư sản có tác dụng tích cực và hạn chế như thế nào đối với sự phát triển lich sú ?
3. Nêu những nét chủ yếu trong phong trào công nhân thời cận đại.
4. Vẽ lược đồ thế giới và xác định khu vực thuộc địa của các nước tư bản đế quốc.