Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 11 (Nâng Cao) - Bài 36: Phong Trào Chống Pháp Của Nhân Dân Việt Nam Trong Những Năm Cuối Thế Kỉ XIX | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 36: Phong Trào Chống Pháp Của Nhân Dân Việt Nam Trong Những Năm Cuối Thế Kỉ XIX và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Sau khi buộc triều đình Huế kí Hiệp ước Patơnốt (1884), thực dân Pháp về cơ bản đã đặt được ách thống trị trên toàn bộ Việt Nam. Nhưng chúng còn phải mất thêm hơn 10 năm liên tục, hao người, tốn của để tiến hành cuộc “bình định” bằng quân sự, nhằm đối phó với cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta.

Phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX diễn ra trong bối cảnh phức tạp, nhưng cuối cùng đều thất bại. Tuy nhiên, phong trào đã chứng tỏ truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất chống xâm lược của nhân dân ta, đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho giai đoạn lịch sử sau.

I – CUỘC PHẢN CÔNG CỦA PHÁI CHỦ CHIẾN Ở KINH THÀNH HUẾ. PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG BÙNG NỔ VÀ PHÁT TRIỂN

1. Tình hình Việt Nam sau Hiệp ước Hácmăng (1883) và Hiệp ước Patonốt (1884)

Hai hiệp ước Hácmăng (1883) và Patonốt (1884), mà thực dân Pháp buộc triều đình Huế kí kết, đã chấm dứt sự tồn tại của nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập. Tuy vậy, phái chủ chiến, đại diện là Tôn Thất Thuyết, vẫn nuôi hi vọng khôi phục lại chủ quyền nếu có thời cơ.

Dựa vào sự ủng hộ của các quan lại chủ chiến và của đông đảo quần chúng nhân dân các địa phương, Tôn Thất Thuyết (lúc đó là Thượng thư Bộ Binh) đã ra sức xây dựng, tăng cường lực lượng kháng chiến trong triều đình. Ông bí mật cho xây dựng căn cứ Tân Sở trên miền rừng núi tỉnh Quảng Trị, cho chuyên chở lương thực, tiền bạc, vũ khí từ kinh đô và các tỉnh về đây để phòng khi có biến sẽ dùng đến. Một số đồn sơn phòng được xây dựng. Hai đội quân tinh nhuệ là “Phấn nghĩa” và “Đoàn kiệt” được lập ra, ngày đêm luyện tập, sẵn sàng chiến đấu. Cuộc xung đột giữa phái chủ chiến của Tôn Thất Thuyết và phái chủ hoà ngày càng gay gắt. Một số người có tư tưởng thân Pháp đã bị thủ tiêu. Cuối cùng, phái chủ chiến đưa Ưng Lịch còn nhỏ tuổi lên ngôi, lấy hiệu là Hàm Nghi.

Hành động của phái chủ chiến khiến cho thực dân Pháp hết sức lo lắng. Chúng biết rằng sẽ không thể thiết lập được nền bảo hộ ở Huế nếu không trừ khử được Tôn Thất Thuyết và phe cánh của ông. Từ tháng 10 – 1884, quân Pháp bắt đầu khiêu khích, cho quân chiếm đồn Mang Cá ở góc Đông Nam thành Huế và tìm cách buộc Hội đồng Phụ chính do Tôn Thất Thuyết đứng đầu phải giải tán.

Tháng 6 – 1885, Tướng Đờ Cuốc-xi kéo binh thuyền từ Bắc Kì vào Huế, định dùng áp lực quân sự loại bỏ phái chủ chiến, giải tán quân đội triều đình, lập mưu bắt Tôn Thất Thuyết.

Trước sự uy hiếp ngày càng trắng trợn của kẻ thù, Tôn Thất Thuyết và những cộng sự của ông đã quyết định nổ súng để giành thế chủ động.

Nội bộ triều đình Huế sau các hiệp ước 1883 và 1884 ra sao ?

2. Cuộc phản công của phái chủ chiến tại Kinh thành Huế (7 –1885). Phong trào Cần vương bùng nổ

Đêm mồng 4 rạng sáng 5 – 7 – 1885 (tức ngày 22 – 5 năm Ất Dậu), trong khi Đờ Cuốc-xi và các sĩ quan Pháp đang say sưa yến tiệc tại toà Khâm sứ, Tôn Thất Lệ (em ruột Tôn Thất Thuyết) chỉ huy đạo quân thứ nhất lặng lẽ vượt sông Hương, phối hợp với lực lượng thuỷ quân của triều đình đóng tại trại Thuỷ sư, tấn công vào toà Khâm sứ.

Hình 112. Lược đồ Kinh thành Huế

Cánh quân thứ hai do đích thân Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn chỉ huy, bao vây đồn Mang Cá, nơi tập trung nhiều binh lính và vũ khí của Pháp. Một toán quân khác phục kích ở cầu Thanh Long.

Bị đánh bất ngờ, quân Pháp hoảng hốt đối phó, đội hình rối loạn. Sau đó, chúng củng cố lại lực lượng và rạng sáng 5 – 7 – 1885 thì tổ chức phản công, đánh thẳng vào thành nội. Trên đường tiến quân, binh lính Pháp trắng trợn cướp bóc của cải và tàn sát vô cùng man rợ nhiều người dân vô tội.

Trong lúc hỗn loạn, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tuỳ tùng rời Kinh đô Huế, chạy lên sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Ngày 13 – 7 – 1885, ông đã nhân danh nhà vua xuống chiếu Cần vương, kêu gọi văn thân cùng nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước.

Ở Quảng Trị một thời gian, để tránh sự truy lùng ráo riết của quân Pháp, Tôn Thất Thuyết lại đưa Hàm Nghi ra sơn phòng Ấu Sơn (Hương Khê, Hà Tĩnh). Tại đây, ngày 20 – 9 – 1885, chiếu Cần vương lần thứ hai được phát ra.

Hình 113. Vua Hàm Nghi (1872_1943)

Hình 114. Tôn Thất Thuyết (1835_1913)

Chiếu Cần vương tố cáo âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, sự phản bội của một số quan lại, tính bất hợp pháp của triều đình Đồng Khánh do Pháp mới dựng lên và khích lệ sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước quyết tâm kháng chiến đến cùng.

Chiếu Cần vương đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước, vốn đang âm ỉ cháy trong quần chúng nhân dân và nhanh chóng biến thành một phong trào lớn, kéo dài hơn 10 năm, tới cuối thế kỉ XIX mới bị dập tắt.

– Nêu diễn biến cuộc phản công của phái chủ chiến ở Kinh thành Huế (7 – 1885).

– Trình bày nội dung cơ bản và ý nghĩa của chiếu Cần vương.

3. Các giai đoạn phát triển của phong trào Cần vương

Phong trào chống Pháp nổ ra từ giữa năm 1885 kéo dài đến năm 1896, tuy với danh nghĩa Cần vương, nhưng thực chất là một phong trào đấu tranh yêu nước, chống xâm lược của nhân dân ta.

Lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa Cần vương là các văn thân, sĩ phu có chung nỗi đau mất nước với quần chúng lao động, tự nguyện đứng về phía nhân dân chống Pháp.

Phong trào chia làm 2 giai đoạn : Giai đoạn 1 – từ giữa năm 1885 đến tháng 11 – 1888 và giai đoạn 2 – từ cuối năm 1888 đến năm 1896.

a) Giai đoạn 1 : từ giữa năm 1885 đến tháng 11 - 1888

Ngay sau khi chiếu Cần vương được phát ra, nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước đã sôi nổi hưởng ứng. Họ tập hợp nghĩa binh, xây dựng căn cứ, đấu tranh quyết liệt với thực dân Pháp và tay sai, trên một địa bàn rộng lớn, tập trung ở các tỉnh Bắc Kì và Trung Kì.

Thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa lớn, ở khu vực Trung Kì có : Mai Xuân Thưởng (Bình Định) ; Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân (Quảng Ngãi) ; Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dự, Phan Thanh Phiến (Quảng Nam) ; Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như (Quảng Trị) ; Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân (Quảng Bình) ; Lê Ninh, Phan Đình Phùng, Cao Thắng (Hà Tĩnh) ; Nguyễn Xuân Ôn (Nghệ An) ; Phạm Bành, Đinh Công Tráng (Thanh Hoá) ; ở Bắc Kì có : Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Đức Ngữ (Đốc Ngữ), Hoàng Văn Thuý (Đề Kiều), Đèo Văn Thanh, Cầm Văn Toa, Nguyễn Văn Giáp, Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Đình Kinh...

Đặc điểm nổi bật của phong trào giai đoạn này là trong chừng mực nhất định phong trào còn đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của một triều đình kháng chiến, đứng đầu là Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.

Trước những khó khăn ngày càng lớn, tháng 12 – 1886 Tôn Thất Thuyết đã sang Trung Quốc cầu viện. Cuối năm 1888, do sự chỉ điểm của Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi rơi vào tay giặc. Nhà vua đã hiên ngang cự tuyệt mọi sự dụ dỗ của Pháp, chấp nhận đi đày ở An-giê-ri, một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi.

b) Giai đoạn 2 : từ cuối năm 1888 đến năm 1896

Sự kiện vua Hàm Nghi bị bắt đã ít nhiều gây tâm lí hoang mang trong một bộ phận sĩ phu, văn thân yêu nước.

Hình 115. Lược đồ những địa điểm diễn ra các cuộc khởi nghĩa Cần vương

Trong điều kiện chiến đấu mới, nghĩa quân phải chuyển địa bàn hoạt động từ vùng đồng bằng lên vùng trung du và rừng núi, quy tụ lại thành những cuộc khởi nghĩa lớn, có trình độ tổ chức cao hơn và duy trì cuộc chiến đấu dẻo dai trong nhiều năm cuối thế kỉ XIX.

Tiêu biểu ở giai đoạn này phải kể đến khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên), khởi nghĩa Ba Đình và Hùng Lĩnh (Thanh Hoá), khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh).

Cho dù đã có những bước phát triển mới, phong trào ở giai đoạn này vẫn không khắc phục được tình trạng lẻ tẻ, địa phương, thiếu sự liên kết và chỉ đạo thống nhất. Thêm vào đó, việc thực dân Pháp ổn định được nền thống trị của chúng và triều đình nhà Nguyễn bị biến thành tay sai... đã khiến các cuộc khởi nghĩa lần lượt thất bại.

Cuối năm 1895 – đầu năm 1896, với việc chấm dứt tiếng súng chống Pháp trên núi Vụ Quang trong khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần vương coi như kết thúc.

Tóm lược các giai đoạn phát triển của phong trào Cần vương.

II – CÁC CUỘC KHỞI NGHĨA LỚN TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG

1. Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 – 1892)

Bãi Sậy là một trong những trung tâm kháng Pháp lớn ở Bắc Kì cuối thế kỉ XIX. Phong trào ở đây hình thành từ năm 1883, kéo dài tới năm 1892 mới chấm dứt.

Trong những năm từ 1883 đến 1885, một vùng địa bàn lau sậy rậm rạp thuộc các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mĩ (Hưng Yên) là căn cứ hoạt động của nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đinh Gia Quế. Từ năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật được Hàm Nghi giao trọng trách tổ chức cuộc kháng chiến ở vùng châu thổ sông Hồng và trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào.

Nguyễn Thiện Thuật sinh năm 1844, quê ở làng Xuân Dục, Mĩ Hào, Hưng Yên. Ông đỗ Cử nhân năm 1876, sau đó được phong chức Tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương. Tháng 8 – 1883, Pháp chiếm Hải Dương, Nguyễn Thiện Thuật đã mộ quân mưu chiếm lại tỉnh lị. Việc không thành, ông kéo quân lên Sơn Tây phối hợp với Hoàng Tá Viêm chống Pháp. Khi triều đình kí Hiệp ước Hácmăng (1883), ông bỏ sang Trung Quốc. Tháng 7 – 1885, được tin Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương, ông lập tức trở về, tổ chức phong trào kháng chiến ở Hưng Yên.

Hình 116. Nguyễn Thiện Thuật (1844_1926)

Dựa vào địa hình các tỉnh đồng bằng, nơi có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua, nghĩa quân đã triệt để áp dụng chiến thuật du kích, thường đánh úp đồn trại giặc trên đường Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Bắc Ninh hoặc trên các con sông lớn như sông Thái Bình, sông Hồng, sông Đuống.

Nghĩa quân chia thành từng toán nhỏ, khoảng 20 – 25 người, trà trộn vào dân để hoạt động và tiến hành đánh du kích bằng cách tập kích chớp nhoáng hoặc phục kích chặn đường giao thông tiếp tế và vận tải của địch.

Ngoài căn cứ chính ở Bãi Sậy, nghĩa quân còn xây dựng căn cứ Hai Sông, thuộc vùng núi huyện Kinh Môn (Hải Dương), do Đốc Tít (Nguyễn Đức Hiệu) phụ trách.

Hình 117. Lược đồ địa bàn hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy

Từ năm 1885 đến cuối năm 1887, nghĩa quân đẩy lui nhiều cuộc càn quét của Pháp ở các vùng Văn Giang, Khoái Châu và vùng căn cứ Hai Sông. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Yên, có trận quân ta tiêu diệt tới 40 tên địch, bắt sống chỉ huy.

Sang năm 1888, địch tập trung lực lượng quyết tiêu diệt nghĩa quân Bãi Sậy bằng cách thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc để kiểm soát và lùng sục, hòng làm mất chỗ dựa của nghĩa quân. Ngoài ra, chúng còn cho Hoàng Cao Khải cầm đầu lính nguỵ, mở nhiều cuộc tấn công vào Bãi Sậy rồi bao vây chặt căn cứ này.

Đến tháng 7 – 1889, cuộc khởi nghĩa đã suy yếu rõ rệt. Hầu hết những người chỉ huy nghĩa quân đã hi sinh. Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Trung Quốc và mất ở đó năm 1926.

Cuối tháng 7 – 1889, căn cứ Hai Sông bị quân Pháp tấn công. Trong thế cùng, Đốc Tít phải ra hàng giặc (12 – 8 – 1889), rồi bị Pháp đày sang An-giê-ri. Phong trào ở Hưng Yên và Hải Dương đi vào giai đoạn kết thúc. Tuy vậy, các lực lượng kháng chiến vẫn tiếp tục duy trì hoạt động thêm một thời gian. Đến năm 1892, khi thủ lĩnh cuối cùng của khởi nghĩa Bãi Sậy là Đốc Vinh bị giết hại, phong trào mới tan rã hẳn.

Khởi nghĩa Bãi Sậy là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nhân dân vùng châu thổ sông Hồng cuối thế kỉ XIX. Cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là kinh nghiệm về phương thức tổ chức hoạt động và tác chiến trên địa hình đồng bằng, đất hẹp, người đông.

Nêu những đặc điểm về tổ chức và hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy.

2. Khởi nghĩa Ba Đình và khởi nghĩa Hùng Lĩnh

a) Khởi nghĩa Ba Đình (1886 _ 1887)

Ba Đình là một căn cứ kháng chiến được xây dựng trên vùng đất thuộc ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mĩ Khê (Nga Sơn), cách tỉnh lị Thanh Hoá 40 km về phía bắc, án ngữ con đường chạy từ Bắc vào Nam. Đứng đầu căn cứ là Phạm Bành và Đinh Công Tráng.

Phạm Bành đỗ Cử nhân, làm Án sát tỉnh Nghệ An, quê ở làng Tương Xá, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, là một viên quan chủ chiến, đã treo ấn từ quan, về quê vận động nhân dân chống giặc.

Đinh Công Tráng quê ở làng Tràng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, là một cựu Chánh tổng. Ông đã từng tham gia đánh Pháp với Hoàng Tá Viêm và phối hợp chiến đấu với Lưu Vĩnh Phúc khi Pháp đánh Bắc Kì lần thứ hai (1882).

Lợi dụng địa hình, địa vật ở đây tương đối thuận lợi, năm 1886 Phạm Bành và Đinh Công Tráng đã cho xây dựng một pháo đài chống Pháp kiên cố, nằm ngay giữa vùng đồng chiêm trũng nước ngập mênh mông, bùn đất lầy thụt.

Hình 118. Lược đồ căn cứ Ba Đình

Bao bọc xung quanh căn cứ là luỹ tre dày đặc và một hệ thống hào rộng, rồi đến một lớp thành đất cao đến 3 mét, chân rộng từ 8 đến 10 mét, mặt thành có thể đi lại được. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào dùng để vận động và tiếp tế khi chiến đấu. Ở những nơi xung yếu đều có công sự vững chắc. Các hầm chiến đấu được đào theo kiểu chữ “chỉ”. Các ngôi đình của 3 làng được biến thành các chốt đóng quân, nối với nhau bằng chiến hào, có thể hỗ trợ cho nhau.

Từ Ba Đình, nghĩa quân có thể toả đi các nơi, kiểm soát các tuyến giao thông quan trọng trong vùng, tổ chức phục kích, tiêu diệt các đoàn xe vận tải của địch đi lại trên con đường Bắc – Nam, đồng thời có thể tiếp tế lương thực, vũ khí từ biển vào bằng thuyền mành.

Ngoài Ba Đình, còn có một số căn cứ hỗ trợ khác ở xung quanh như : căn cứ Phi Lai (Hà Trung) của Cao Điển, căn cứ Quảng Hoá (Vĩnh Lộc) của Trần Xuân Soạn, đáng chú ý nhất là căn cứ Mã Cao (Yên Định) do Hà Văn Mao chỉ huy.

Lực lượng nghĩa quân Ba Đình được tuyển lựa từ các làng xung quanh, với khoảng 300 người. Trong hàng ngũ nghĩa quân, có cả người Mường, người Thái tham gia.

Trang bị vũ khí của nghĩa quân chủ yếu là súng hoả mai, gươm, giáo mác, cung nỏ. Ngoài ra, còn có một số đại bác cỡ nhỏ, đúc bằng gang. Đông đảo nhân dân hỗ trợ cho cuộc chiến đấu ở Ba Đình bằng cách tham gia phục vụ, vận chuyển lương thực, xây đắp công sự, tải thương hay động viên, cổ vũ binh sĩ.

Tháng 12 – 1886, thực dân Pháp tập trung lực lượng đánh vào Ba Đình, nhưng bị đẩy lui, để lại nhiều xác chết và vũ khí. Tuy vậy, chúng vẫn quyết định công phá Ba Đình bằng mọi giá.

Ngày 6 – 1 – 1887, dưới sự chỉ huy của Đại tá Brít-xô, khoảng 2 500 quân Pháp thuộc nhiều binh chủng khác nhau, có pháo binh yểm trợ, tấn công vào Ba Đình. Hàng trăm lính Pháp đã bị tiêu diệt, những tên còn sống sót hoang mang, dao động.

Brít-xô chuyển sang chiến thuật vây hãm, cắt đường tiếp tế của nghĩa quân, phun dầu đốt cháy các luỹ tre để mở đường tiến, cùng lúc tập trung đại bác bắn dồn dập vào căn cứ, biến Ba Đình thành một biển lửa. Cuối cùng, nghĩa quân phải mở đường máu rút lui lên Mã Cao trong đêm 20 – 1 – 1887.

Sáng 21 – 1 – 1887, quân Pháp chiếm được cứ điểm Ba Đình, chúng điên cuồng đốt phá, rồi bắt triều đình nhà Nguyễn xoá tên ba làng trên bản đồ hành chính.

Nghĩa quân vừa mới rút lên Mã Cao, chưa kịp củng cố lực lượng đã bị Pháp đuổi theo truy kích. Sau 10 ngày giao tranh ác liệt, căn cứ này cũng bị phá vỡ. Nghĩa quân tiếp tục bị đẩy lên miền Tây Thanh Hoá, sau đó sáp nhập vào đội quân của Cầm Bá Thước.

Lúc này, các thủ lĩnh Nguyễn Khế, Hoàng Bật Đạt đã hi sinh ; Phạm Bành, Hà Văn Mao, tự sát ; Trần Xuân Soạn tìm đường sang Trung Quốc. Đinh Công Tráng thoát khỏi tay giặc, dự định gây dựng lại phong trào, nhưng đến mùa hè năm 1887, ông bị Pháp bắt và giết hại. Đến đây, khởi nghĩa Ba Đình kết thúc.

Thất bại của khởi nghĩa Ba Đình do nhiều nguyên nhân, mà trực tiếp là chiến thuật phòng ngự bị động với việc lập chiến tuyến cố thủ tại một vùng đồng chiêm trũng, địa bàn chật hẹp.

Dựa vào lược đồ, hãy miêu tả công sự phòng thủ ở căn cứ Ba Đình. So sánh chiến thuật của nghĩa quân Ba Đình với chiến thuật của nghĩa quân Bãi Sậy.

b) Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1887 _ 1892)

Sau khi căn cứ Ba Đình bị thất thủ, ở Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc – Thanh Hoá) lại hình thành một trung tâm kháng chiến thứ hai, mở rộng từ vùng đồng bằng lên miền rừng núi phía tây, sát biên giới Việt – Lào. Lãnh đạo chính của cuộc khởi nghĩa là Tống Duy Tân và một thủ lĩnh người Thái là Cầm Bá Thước.

Tống Duy Tân người làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), đỗ Tiến sĩ năm 39 tuổi, từng làm Tri huyện, rồi Đốc học Thanh Hoá. Ông từng có nhiều đóng góp cho khởi nghĩa Ba Đình. Những năm 1886 – 1887, ông được phân công cùng với Cao Điển xây dựng căn cứ Phi Lai (Hà Trung).

Đầu năm 1887, Tống Duy Tân ra Bắc, gặp gỡ các sĩ phu yêu nước. Trở lại Thanh Hoá, ông liên lạc với các thủ lĩnh yêu nước còn lại như Cao Điển, Tôn Thất Hàn, Cầm Bá Thước và trở thành người chỉ huy chính của phong trào kháng Pháp ở Thanh Hoá.

Ngoài căn cứ chính, nghĩa quân còn mở rộng địa bàn hoạt động, phối hợp chiến đấu với Đề Kiều, Đốc Ngữ ở vùng hạ lưu sông Đà và với nghĩa quân Phan Đình Phùng ở vùng rừng núi Nghệ An Hà Tĩnh. Tổ chức của nghĩa quân khá quy củ. Mỗi huyện có một cơ binh, lấy tên huyện đặt tên cho đơn vị, ví dụ như Nông Thanh cơ (Nông Cống – Thanh Hoá).

Trong vòng 2 năm (1889 – 1890), nghĩa quân đã chiến đấu anh dũng, gây cho Pháp nhiều thiệt hại, nổi tiếng nhất là trận Vân Đồn (Nông Cống) đầu năm 1889 và trận Yên Lãng (Xuân Yên – Thọ Xuân) tháng 3 – 1890.

Thực dân Pháp tập trung lực lượng truy quét, nghĩa quân phải vừa chống đỡ, vừa rút dần lên miền Tây Thanh Hoá. Lực lượng suy yếu dần.

Do có kẻ chỉ điểm, tháng 10 – 1892 Tống Duy Tân bị Pháp bắt, Cao Điển phải trốn ra Bắc. Khởi nghĩa đến đây coi như đã thất bại.

Ở miền Tây Thanh Hoá, Cầm Bá Thước còn tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu thêm một thời gian. Đến khi ông bị bắt, phong trào mới hoàn toàn tan rã.

Cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh diễn ra như thế nào ?

3. Khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896)

Hương Khê là một huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Hà Tĩnh, là đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa lớn nhất trong phong trào Cần vương. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân bao gồm bốn tỉnh : Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Phan Đình Phùng.

Phan Đình Phùng sinh năm 1847, quê ở làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1877, ông đỗ Đình nguyên Tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau được gọi vào Kinh đô Huế, sung vào Viện Đô sát, giữ chức Ngự sử. Năm 1883, với tính cương trực, ông đã phản đối việc phế truất Dục Đức, đưa Hiệp Hoà lên ngôi của phái chủ chiến trong triều, vì thế đã bị cách chức và thải hồi về quê. Nhưng khi triều đình kháng chiến chạy ra Hà Tĩnh, ông vẫn đến yết kiến Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết (10 – 1885) và được giao trọng trách tổ chức phong trào kháng chiến ở Hà Tĩnh.

Trợ thủ đắc lực cho Phan Đình Phùng là Cao Thắng. Ông sinh năm 1864, trong một gia đình nông dân, quê ở Hàm Lại (Sơn Lễ – Hương Sơn – Hà Tĩnh). Năm 20 tuổi, ông đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Đội Lựu (Trần Quang Cán), từng bị bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Sau khi thoát tù, ông đã tự nguyện đứng dưới cờ của Phan Đình Phùng khởi nghĩa.

Dựa vào địa thế núi rừng hiểm yếu, nghĩa quân xây dựng lực lượng và cơ sở chiến đấu ở hai huyện Hương Sơn và Hương Khê (Hà Tĩnh).

Khởi nghĩa Hương Khê có thể chia làm 2 giai đoạn chính :

Từ năm 1885 đến năm 1888 là giai đoạn chuẩn bị, xây dựng lực lượng và cơ sở chiến đấu.

Sau một vài trận tập kích địch không có hiệu quả, thấy thực lực còn quá yếu, đầu năm 1887, Phan Đình Phùng giao quyền chỉ huy cho Cao Thắng để ra Bắc liên kết lực lượng. Cao Thắng ở lại lo tuyển lựa, huấn luyện nghĩa quân, sắm sửa khí giới và xây đắp công sự. Ông chú trọng phối hợp với các toán nghĩa quân khác và vận động nhân dân tham gia kháng chiến ; chế tạo thành công súng trường theo mẫu của Pháp. Cao Thắng được coi là ông tổ của ngành quân giới nước ta.

Hình 119. Lược đồ khởi nghĩa Hương Khê

Từ năm 1889 đến năm 1896 là thời kì chiến đấu quyết liệt của nghĩa quân.

Cuối tháng 9 – 1889, Phan Đình Phùng từ Bắc trở về Hà Tĩnh, cùng với Cao Thắng trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp 4 tỉnh : Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lực lượng nghĩa quân được chia thành 15 quân thứ(1), mỗi quân thứ đặt dưới sự chỉ huy của những tướng lĩnh có năng lực và uy tín. Đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa đặt ở núi Vụ Quang, thuộc huyện Hương Khê, tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Từ đây, nghĩa quân có thể theo đường núi vào Quảng Bình, Quảng Trị, ra Nghệ An, Thanh Hoá hay theo đường sông đi xuống các vùng đồng bằng hoặc khi cần thiết có thể lánh sang Lào.

(1) Xây dựng trên cơ sở các đơn vị hành chính huyện hoặc xã và lấy tên nơi đó để gọi.

Hình 120. Phan Đình Phùng (1847 – 1895)

Trong những năm từ 1889 đến 1892, nghĩa quân đánh thắng nhiều trận càn và tấn công một số đồn trại của Pháp.

Sau những trận thua đau, đầu năm 1892 thực dân Pháp mở cuộc càn quét lớn vào khu Ngàn Trươi. Để đối phó với quân Pháp, nghĩa quân bố trí một lực lượng chống trả tại chỗ, còn một lực lượng khác luồn về hoạt động ở vùng sau lưng địch, buộc chúng phải rút quân về. Chính trong thời gian này, nghĩa quân đã táo bạo tập kích vào thị xã Hà Tĩnh, phá nhà lao, giải phóng tù chính trị.

Quân Pháp một mặt tăng cường càn quét, thu hẹp phạm vi hoạt động của nghĩa quân, mặt khác tìm cách cắt đứt liên lạc giữa các quân thứ và giữa nghĩa quân với nhân dân.

Để phá thế bị bao vây và mở rộng địa bàn hoạt động, được Phan Đình Phùng đồng ý, tháng 11 – 1893 Cao Thắng đưa khoảng 1 000 quân mở trận tấn công lớn vào tỉnh lị Nghệ An. Trên đường hành quân, nhiều đồn địch đã bị phá bỏ. Nhưng trong trận tấn công đồn Nu (Thanh Chương), Cao Thắng bị thương nặng, rồi hi sinh. Đây là một tổn thất to lớn của nghĩa quân.

Lợi dụng cơ hội đó, địch tăng thêm binh lực rồi siết chặt vòng vây. Nghĩa quân cố gắng đánh trả những cuộc vây quét. Cuối tháng 3 – 1894, họ lại tập kích vào thị xã Hà Tĩnh, nhưng sau đó phải rút lui, về cố thủ tại núi Quạt và núi Vụ Quang (Hương Khê). Cuối năm 1894, mặc dù bị uy hiếp mạnh, nghĩa quân vẫn giành được thắng lợi lớn trong trận Vụ Quang ngày 17 – 10 – 1894, tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Lúc này, Nguyễn Thân được triều đình Huế cử đem gần 3 000 quân bao vây căn cứ Vụ Quang. Trong một trận giao chiến ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương nặng. Ông hi sinh ngày 28 – 12 – 1895.

Mười hai ngày sau khi Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thân mới tới được căn cứ nghĩa quân. Y đã sai lính đào mộ Phan Đình Phùng, lấy thi hài đốt thành tro, rồi nhồi với thuốc súng bắn xuống sông La. Sang đầu năm 1896, những thủ lĩnh cuối cùng của cuộc khởi nghĩa đã bị Pháp bắt. Đến đây, cuộc khởi nghĩa Hương Khê tan rã. Một số nghĩa quân trốn được sang Thái Lan, sau này trở thành cơ sở của Việt Nam Quang phục hội và phong trào cách mạng Việt Nam những năm đầu thế ki XX.

Khởi nghĩa Hương Khê, đỉnh cao nhất của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX, kéo dài suốt 10 năm, có quy mô rộng lớn, có tổ chức tương đối chặt chẽ, lập được nhiều chiến công và gây cho địch tổn thất nặng nề.

Cuộc khởi nghĩa đã huy động đến mức cao độ sự ủng hộ và tiềm năng to lớn của nhân dân. Về quân sự, nghĩa quân đã biết sử dụng những phương thức tác chiến linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong quá trình chuẩn bị lực lượng cũng như khi giao chiến với quân địch.

Khởi nghĩa Hương Khê thất bại do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do bộ phận lãnh đạo nghĩa quân chưa biết liên kết, tập hợp lực lượng, phát triển thành phong trào toàn quốc. Đó cũng chính là những hạn chế của thời đại, của phong trào Cần vương nói chung.

– Trình bày những hoạt động chủ yếu của nghĩa quân Hương Khê qua 2 giai đoạn của cuộc khởi nghĩa.

– Hãy so sánh khởi nghĩa Hương Khê với các cuộc khởi nghĩa Cần vương khác.

III – KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA ĐỒNG BÀO MIỀN NÚI

Trong những năm cuối thế kỉ XIX, song song với các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần vương còn có các cuộc đấu tranh tự phát của nhân dân các địa phương ở trung du và miền núi, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

1. Khởi nghĩa Yên Thế (1884 _ 1913)

Yên Thế nằm ở phía tây bắc tỉnh Bắc Giang, có diện tích khoảng 40 – 50 km, với đất đồi là chủ yếu. Phía bắc Yên Thế có những cánh rừng rậm rạp. Từ đây có thể đi thông sang Thái Nguyên, Lạng Sơn hay Tam Đảo, xuống Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hà Nội.

Tình trạng sa sút về nông nghiệp Việt Nam thời nhà Nguyễn đã khiến cho rất nhiều nông dân vùng đồng bằng Bắc Kì phải bỏ làng mạc đi nơi khác kiếm sống, trong đó có một bộ phận kéo lên Yên Thế. Từ giữa thế kỉ XIX, họ quy tụ thành làng xóm, tổ chức khai hoang và đấu tranh chống các thế lực từ bên ngoài đe doạ.

Khi thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng Bắc Kì, Yên Thế trở thành đối tượng bình định của chúng. Để bảo vệ cuộc sống của mình, nông dân ở đây đã đứng lên tự vệ.

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ năm 1884, kéo dài đến năm 1913. Những người lãnh đạo khởi nghĩa gồm phần lớn là nông dân. Người có công và đóng vai trò to lớn hơn cả là Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và tiếp đó là Hoàng Hoa Thám (Đề Thám).

Hình 121. Hoàng Hoa Thám (1858 – 1913)

Hoàng Hoa Thám tên thật là Trương Văn Thám, quê ở Tiên Lữ (Hưng Yên), lên Sơn Tây kiếm sống, sau lại lên Yên Thế. Lớn lên, ông tham gia toán nghĩa quân của Đề Nắm và nổi tiếng là người trung thực, kiên nghị.

Hoạt động của nghĩa quân Yên Thế có thể chia làm 4 giai đoạn :

Giai đoạn 1 : từ năm 1884 đến năm 1892, nghĩa quân còn hoạt động lẻ tẻ, chưa có sự lãnh đạo và chỉ huy thống nhất. Hàng chục toán nghĩa quân tung hoành khắp khu vực Yên Thế, đẩy lui nhiều trận càn của Pháp. Sau khi Đề Nắm bị giết (4 – 1892), Đề Thám đã đứng ra tổ chức lại phong trào và trở thành thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân. Thực dân Pháp cho tay chân mua chuộc, dụ dỗ, tìm cách ám sát Hoàng Hoa Thám, nhưng trước sau chúng đều thất bại.

Giai đoạn 2 : từ năm 1893 đến năm 1897, nghĩa quân mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều vùng thuộc Bắc Giang, Bắc Ninh và xây dựng lại căn cứ Hố Chuối.

Lúc này, thực dân Pháp đã đàn áp xong các cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Ba Đình và phong trào ở Tây Bắc và hạ lưu sông Đà, chúng tập trung lực lượng đánh lên Yên Thế. Để có điều kiện củng cố lực lượng, Đề Thám lập mưu bắt cóc một số tên thực dân, trong đó có Sét-nay, một chủ thầu khoán kiêm chủ bút tờ báo Tương lai Bắc Kì, gây xôn xao trong giới địa chủ, tư sản Pháp.

Chính quyền thực dân phải chủ động giảng hoà với Đề Thám, chuộc Sét-nay bằng một khoản tiền lớn đồng thời rút quân khỏi Yên Thế và để cho Đề Thám cai quản 4 tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng. Thời gian giảng hoà bắt đầu từ tháng 10 – 1894. Tranh thủ thời gian hoà hoãn, nghĩa quân vừa lo sản xuất, vừa ra sức chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu mới.

Hình 122. Lược đồ khởi nghĩa Yên Thế

Đến tháng 11 – 1895, Pháp tấn công trở lại. Nghĩa quân đã phục kích, tiêu hao nhiều sinh lực của địch, nhưng cũng bị hi sinh, tổn thất nhiều. Họ phải di chuyển khắp bốn tỉnh : Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Yên .

Tháng 12 – 1897, sau 2 năm hành quân liên miên và bị thiệt hại nặng nề, giặc Pháp phải đồng ý theo đề nghị của Đề Thám giảng hoà lần thứ hai. Đề Thám bề ngoài tỏ ra phục tùng, tuân thủ các điều kiện ràng buộc ngặt nghèo do Pháp đưa ra, phải nộp vũ khí và bãi binh, nhưng bên trong vẫn ngầm củng cố lực lượng.

Giai đoạn 3 : từ năm 1898 đến năm 1908, trong một thời gian đình chiến kéo dài, nghĩa quân Yên Thế vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Tại Phồn Xương, nghĩa quân tổ chức sản xuất, sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự. Nhiều nhà yêu nước từ các nơi trong nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Cẩm (Kì Đồng) đã tìm lên Yên Thế giao tiếp với Đề Thám. Trong thời gian này, thực dân Pháp ráo riết lập đồn bốt, mở đường giao thông, chuẩn bị đánh đòn quyết định để dập tắt cuộc khởi nghĩa.

Giai đoạn 4 : từ năm 1909 đến năm 1913, thực dân Pháp tấn công trở lại, quyết tiêu diệt bằng được nghĩa quân Yên Thế, tạo điều kiện cho việc khai thác vùng trung du và thượng du Bắc Kì. Từ đây, phong trào suy yếu dần, rồi tan rã ít lâu sau đó.

Nêu những nét chính về các giai đoạn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

2. Phong trào đấu tranh của đồng bào miền núi và các dân tộc thiểu số

Vùng trung du và miền núi là nơi thực dân Pháp bình định muộn hơn. Phong trào đấu tranh ở đây nổ ra sau vùng đồng bằng, nhưng tồn tại lâu dài, bền bỉ hơn.

Từ giữa thế kỉ XIX, đồng bào Khơ-me, Xtiêng ... đã tham gia chống Pháp trong cuộc khởi nghĩa Trương Định.

Tại vùng Thanh Hoá, những nghĩa quân người Mường do Hà Văn Mao chỉ huy đã có mặt trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Khi Ba Đình thất thủ, họ rút lên Mã Cao tiếp tục chiến đấu. Từ tháng 4 - 1887, khi Hà Văn Mao bị giết, lực lượng nghĩa quân miền núi Thanh Hoá lại tập hợp xung quanh Cầm Bá Thước (Tù trưởng người Thái), phối hợp chiến đấu với nghĩa quân Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân và nghĩa quân Hương Khê.

Tại Tây Nguyên, các tù trưởng người dân tộc thiểu số như N’Trang Gưh, Ama Wah, Ama Kol, Ama Jhao ... đã kêu gọi nhân dân rào làng đánh Pháp. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt từ năm 1889 đến năm 1905.

Tại vùng Tây Bắc, các dân tộc Thái, Mường, Mông đã tập hợp xung quanh Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp. Họ xây dựng căn cứ ở Phú Thọ và hoạt động mạnh trên vùng hạ lưu sông Đà.

Vào những năm 1884 - 1890, xuất hiện nhiều thủ lĩnh người Thái như Đèo Văn Trì(1), Nông Văn Quang, Cầm Văn Thanh. Những nghĩa quân người dân tộc thiểu số đã chiến đấu dũng cảm trong các đội quân của Đèo Chính Lục, Đặng Phúc Thành, Bàn Văn Siêu, Hà Quốc Trượng... ở Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.

Ở vùng Đông Bắc, có các toán quân người Dao, người Hoa, tiêu biểu là toán quân của Lưu Kì. Đến đầu năm 1892, khi Lưu Kì bị giết hại, phong trào ở đây tạm thời lắng xuống.

Phong trào của đồng bào miền núi nổ ra kịp thời, phát triển mạnh mẽ đã góp phần làm chậm quá trình xâm lược và bình định của thực dân Pháp.

Phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi và các dân tộc thiểu số cuối thế kỉ XIX diễn ra như thế nào ?

(1) Đèo Văn Trì là Thổ ti vùng Lai Châu, sau ra hàng Pháp.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nguyên nhân bùng nổ và diễn biến của phong trào Cần vương chống Pháp.

2. Những nguyên nhân nào khiến cho các cuộc khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỉ XIX thất bại ?

3. Hệ thống kiến thức về phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp cuối thế kỉ XIX theo bảng sau đây :

Tên cuộc khởi nghĩa Thời gian tồn tại Người lãnh đạo chủ chốt Địa bàn hoạt động Những trận đánh tiêu biểu Nguyên nhân thất bại
           
           

PHẦN ĐỌC THÊM

Chiếu Cần vương của Hàm Nghi

Dụ :

... Nước ta gần đây ngẫu nhiên gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào không nghĩ đến tự cường tự trị. Kẻ phái của Tây ngang bức, hiện tình mỗi ngày một quá thêm. Hôm trước chúng tăng thêm binh thuyền đến, buộc theo những điều mình không thể nào làm được ; ta chiếu lệ khoản tiếp, chúng không chịu nhận một thứ gì. Người kinh đô nào sợ nguy ngay trong chốc lát. Kẻ đại thần mưu quốc, chỉ lo nghĩ đến kế yên xã tắc ; trong triều đình, đắn đo về hai điều : cúi đầu tuân mạng, ngồi để mất cơ hội, sao bằng nhìn thấy chỗ âm mưu biến động của địch mà đối phó trước ? Ví bằng việc xảy ra không thể tránh, thì cũng còn có cái việc ngày nay để mưu tốt cái lợi sau này, ấy là do thời thế xui nên vậy. Phàm những người đã cùng dự chia mối lo này, tưởng cũng đã dư biết. Biết thì phải tham gia công việc, nghiến răng dựng tóc, thề giết hết giặc, nào ai không có cái lòng như thế ? lẽ nào không có những người gối gươm, cướp giáo lăn chum ư ?(1). Vả lại nhân thần đứng ở Triều, chỉ có theo nghĩa mà thôi, nghĩa đã ở đâu là sống chết ở đó... Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này không thể hết sức giữ được, để đô thành bị hãm, xa giá phải dời xa, tội ở mình trẫm cả, thật là xấu hổ vô cùng. Nhưng chỉ có luân thường quan hệ với nhau, bách quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, tất không bỏ trẫm : kẻ trí hiến mưu, người dũng hiến sức, giàu có bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ gian hiểm, như thế là phải.

(1) Trong sử Trung Quốc có Lưu Côn (đời Tấn) gối đầu lên ngọn giáo đợi sáng để chém đầu giặc ; Tổ Địch (đời Tần) qua sông gõ vào mái chèo thể không đánh tan giặc thì không trở lại ; Uất Trì Kinh Đức (đời Đường) mỗi ngày lăn chum hai lần vào sáng và chiều tối để luyện chí khí đánh giặc.

Cứu nguy chống đổ, mở chỗ truân chiên, giúp nơi kiển bách, đều không tiếc gì tâm lực, ngõ hầu lòng người giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại bờ cõi. Ấy cái cơ hội này, phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghĩ với nhau, há chẳng tốt lắm ư ? Bằng cái tâm sợ chết lặng hơn lòng thương vua, nghĩ lo cho nhà hơn là lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ trốn lẩn, người dân không biết trọng nghĩa cứu cấp việc công, kẻ sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào nơi tối, ví không phải sống thừa ở trên đời, thì áo mũ mà làm ngựa trâu, ai nỡ làm thế ? Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng. Triều đình sẽ có điển hình hẳn hoi, chớ để sau này phải hối ! Phải nghiêm sợ mà tuân theo ! Khâm thử.

(Theo : Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng, Sđd, tr. 557 – 558)

Nhận xét của thực dân Pháp về khởi nghĩa Ba Đình :

“Trong chiến dịch thu – đông (1886 – 1887) thì cuộc công hãm Ba Đình là cuộc chiến đấu nghiêm trọng nhất. Cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân nhất và làm cho cấp lãnh đạo lo ngại nhất”.

(Theo : Trần Văn Giàu, Lịch sử Việt Nam từ 1858 – 1898,
NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 557 – 558)

Kẻ thù thừa nhận ý chí bất khuất của người Việt Nam

“Chúng ta không biết rằng Việt Nam là một dân tộc kiên cường, gắn bó với lịch sử riêng của mình, với những thể chế riêng của mình và thiết tha với nền độc lập của mình. Chúng ta không biết rằng, Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước kẻ xâm lược... Tình trạng của chúng ta là rất đỗi khủng khiếp vì chúng ta phải đương đầu với một dân tộc thống nhất mà ý thức dân tộc của họ không hề bị suy yếu.”

(Theo F. Bernard, L'Indochine - Erreurs et dangers
(Đông Dương – Những sai lầm và hiểm hoạ
), Pa-ri, 1901, tr. 11)

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

vo-bai-tap-dao-duc-1-741

VỞ BÀI TẬP Đạo đức 1

Môn học lớp 1 - NXB Cánh Diều

am-nhac-7-886

Âm Nhạc 7

Sách Lớp 7 Chân Trời Sáng Tạo

tieng-anh-3-tap-hai-1075

Tiếng Anh 3 - Tập Hai

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

bai-tap-ngu-van-6-tap-2-72

Bài Tập Ngữ Văn 6 - Tập 2

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

am-nhac-5-1631

Âm Nhạc 5

NXB Kết nối tri thức - Âm nhạc 5

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.