Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 11 (Nâng Cao) - Bài 20: Khu Vực Mĩ Latinh | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 20: Khu Vực Mĩ Latinh và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Khu vực Mĩ Latinh là một bộ phận lãnh thổ rộng lớn của châu Mĩ, gồm một phần Bắc Mĩ, toàn bộ Trung Mĩ, Nam Mĩ và các quần đảo ở vùng biển Ca-ri-bê. Đến đầu thế kỉ XIX, đa số các nước Mĩ Latinh đều là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chủ nghĩa thực dân đã thiết lập ở các thuộc địa Mĩ Latinh chế độ thống trị rất phản động, gây ra nhiều tội ác dã man. Vì vậy, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Mĩ Latinh diễn ra quyết liệt và nhiều nước đã giành được độc lập ngay từ đầu thế kỉ XIX.

1. Chế độ thực dân ở khu vực Mĩ Latinh

Trước khi Cri-xtốp Cô-lôm-bộ tìm đến châu Mĩ, mở đầu quá trình chinh phục của các nước thực dân châu  u vào khu vực Mĩ Latinh, ở đây đã có thổ dân da đỏ (người In-đi-an) sinh sống. Họ có truyền thống lịch sử lâu đời, đã từng xây dựng nên những quốc gia hùng mạnh với nền văn hoá phát triển rực rỡ. Các dân tộc May-a, In-ca, A-dơ-tếch... để lại nhiều công trình kiến trúc đồ sộ giống như Kim tự tháp ở Ai Cập, nhiều thành cổ, đền đài nguy nga và nhiều tác phẩm nghệ thuật trên vách đá với những nét khắc tinh xảo.

Từ cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI, người châu  u, chủ yếu là người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã xâm nhập và từng bước thôn tính vùng Trung – Nam Mĩ. Ngoài ra, Pháp và Anh chiếm một số đảo thuộc vùng biển Ca-ri-bê. Guy-a-na bị chia cắt thành thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan. Thực dân phương Tây tàn sát dân bản địa, dồn đuổi họ vào rừng sâu để chiếm đất, lập đồn điền trồng lúa mì, ngô, khoai tây, cà phê, thuốc lá và bông. Vì thiếu nhân công, bọn thực dân mua người da đen từ châu Phi sang để làm nô lệ trong các đồn điền. Do vậy, bên cạnh thổ dân da đỏ, ở châu lục này đã xuất hiện những cộng đồng người da trắng, da đen. Họ cùng chung sống trên một lãnh thổ và hình thành những dân tộc riêng biệt ở Trung, Nam Mĩ và một phần Bắc Mĩ (Mê-hi-cô), nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha thuộc ngữ hệ Latinh (phân biệt với cư dân vùng Bắc Mĩ nói tiếng Anh và Pháp).

Đầu thế kỉ XIX, dân số trong các thuộc địa của Tây Ban Nha tăng lên đáng kể, ý thức dân tộc dần được hình thành, nhu cầu phát triển kinh tế và văn hoá riêng biệt đã thúc đẩy cuộc đấu tranh chống thực dân để thiết lập các quốc gia độc lập.

– Trình bày những nét cơ bản về sự xâm lược của thực dân châu Âu vào khu vực Mĩ Latinh.

– Vì sao vùng Trung, Nam Mĩ và một phần Bắc Mĩ (Mê-hi-cô) được gọi là khu vực Mĩ Latinh ?

2. Phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc đầu thế kỉ XIX

Từ cuối thế kỉ XVIII, dưới ảnh hưởng to lớn của cuộc Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mĩ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789), nhân dân Mĩ Latinh đã nổi dậy đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa thực dân, thành lập các quốc gia độc lập.

Hình 58. Lược đồ khu vực Mĩ Latinh đầu thế kỉ XIX

Năm 1791, ở Ha-i-ti bùng nổ cuộc đấu tranh lớn của người da đen dưới sự lãnh đạo của Tút-xanh Lu-véc-tuy-a. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi, buộc quân Anh phải rút khỏi đảo. Năm 1804, Ha-i-ti thành lập nước cộng hoà da đen đầu tiên ở Mĩ Latinh, xoá bỏ chế độ nô lệ và ban hành quyền bình đẳng giữa người da đen với người da trắng. Tuy nhiên, nền độc lập của Ha-i-ti xác lập chưa được bao lâu thì quân Pháp trở lại đàn áp, bắt giữ Lu-véc-tuy-a, khôi phục nền thống trị thực dân. Mặc dù thất bại, cuộc khởi nghĩa ở Ha-i-ti đã gây tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh.

Cuộc đấu tranh giải phóng có quy mô lớn nhất ở Mê-hi-cô nổ ra vào tháng 9 – 1810, dưới sự lãnh đạo của Linh mục Mi-sen Hi-đan-gô, đã lôi cuốn được hàng vạn nghĩa quân, chủ yếu là nông dân, đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Năm 1821, Mê-hi-cô đã tuyên bố thành lập nền cộng hoà.

Ở Ác-hen-ti-na, năm 1810 bùng nổ cuộc khởi nghĩa vũ trang, đến năm 1816 thì hoàn thành thắng lợi. Nước Cộng hoà Ác-hen-ti-na được thành lập.

Dưới sự lãnh đạo của Si-môn Bô-li-va, nghĩa quân đã lần lượt giải phóng và thành lập nước Cộng hoà ở Cô-lôm-bi-a (1819), Thượng Pê-ru (1825) sau đổi tên thành Bô-li-vi-a.

Năm 1822, khi cách mạng bùng nổ ở khắp các thuộc địa Mĩ Latinh thì Bra-xin cũng thoát khỏi ách thống trị của Bồ Đào Nha. Song quốc gia độc lập này không trở thành nước cộng hoà mà vẫn giữ thể chế một nước quân chủ. Chế độ nô lệ ở đây không bị thủ tiêu. Do vậy cuộc đấu tranh cho nền cộng hoà, vì tự do dân chủ, chống lại nền quân chủ và chế độ nô lệ vẫn tiếp diễn ở Bra-xin.

Như vậy, qua 2 thập niên đầu thế kỉ XIX đấu tranh quyết liệt, các quốc gia độc lập ở Mĩ Latinh lần lượt hình thành. Đây là một thắng lợi to lớn của nhân dân Mĩ Latinh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân châu Âu. Chỉ còn một vài vùng đất nhỏ như Guy-a-na, đảo Cu-ba, đảo Pu-éc-tô Ri-cô, quần đảo Ăng-ti... vẫn ở trong tình trạng thuộc địa.

Nêu ý nghĩa cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, Pháp của nhân dân Ha-i-ti.

3. Các nước Mĩ Latinh sau khi giành độc lập và chính sách bành trướng của Mĩ

Sau khi giành được độc lập, nhiều nước Mĩ Latinh đã có những bước tiến bộ về kinh tế, xã hội.

Bra-xin trồng nhiều bông, cao su và cung cấp một nửa số cà phê trên thị trường thế giới. Ác-hen-ti-na sản xuất len, da cừu và thịt bò xuất khẩu sang Anh. Các nước Trung Mĩ và Ca-ri-bê xuất khẩu cà phê, chuối, mía. Bô-li-vi-a khai thác mỏ bạc và nhiều kim loại khác...

Các đồn điền trồng lúa mì và cây công nghiệp cùng ngành chăn nuôi lấy sữa, thịt và lông phát triển rất mạnh, trở thành nguồn hàng xuất khẩu có giá trị của nhiều nước Mĩ Latinh.

Dân số ở các nước Mĩ Latinh thời kì này càng tăng nhanh do việc di dân của người da trắng, việc nhập cư của người da đen sang làm nô lệ và sự gia tăng dân số tự nhiên.

Ở Bra-xin, năm 1830 có 5,7 triệu dân, năm 1872 có 10 triệu dân ; Ác-hen-ti-na, năm 1860 có 1,2 triệu dân, năm 1914 có 7 triệu dân.

Tuy nhiên, nước Mĩ muốn độc chiếm vùng lãnh thổ giàu có này. Năm 1823, Mĩ đưa ra học thuyết Mơnrô – “Châu Mĩ của người châu Mĩ”. Đến năm 1889, tổ chức “Liên minh dân tộc các nước cộng hoà châu Mĩ” được thành lập, gọi tắt là “Liên Mĩ”, dưới sự chỉ huy của chính quyền Oa-sinh-tơn. Năm 1898, Mĩ gây chiến với Tây Ban Nha, chiếm Phi-líp-pin, Cu-ba, Pu-éc-tô Ri-cô... Từ đầu thế kỉ XX, Mĩ áp dụng chính sách “Cái gậy lớn” và “Ngoại giao đồng đôla” để chiếm Pa-na-ma (1903), Đô-mi-ni-ca-na, Ni-ca-ra-goa, kiểm soát Hon-đu-rát (1911), chiếm Ha-i-ti (1914 – 1915) và hai lần đem quân đánh Mê-hi-cô (1914 và 1916). Dưới chiêu bài đoàn kết với các nước châu Mĩ, chính quyền Oa-sinh-tơn đã khống chế khu vực Mĩ Latinh, biến nơi đây thành “sân sau” của nước Mĩ.

Dựa theo lược đồ, trình bày những nét lớn về diễn biến và kết quả của cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước ở khu vực Mĩ Latinh đầu thế kỉ XIX.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vẽ lược đồ các quốc gia độc lập ở khu vực Mĩ Latinh đầu thế kỉ XIX.

2. Lập niên biểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mĩ Latinh đầu thế kỉ XIX theo thứ tự : tên nước, năm giành độc lập.

3. Trình bày chính sách bành trướng của Mĩ đối với khu vực Mĩ Latinh.

PHẦN ĐỌC THÊM

Nội dung học thuyết Mơnrô được thể hiện trên ba phương diện sau :

1. Mĩ phải quan tâm đến các cuộc tranh chấp ở khu vực Mĩ Latinh.

2. Vì lí do an ninh của nước Mĩ, Mĩ sẽ có hành động can thiệp vào các cuộc xung đột hoặc chiến tranh giữa các nước với nhau cũng như chiến tranh giữa họ với các nước bên ngoài. Mĩ cũng sẽ tham gia vào các cuộc tranh chấp kinh tế, chính trị ở châu Mĩ.

3. Mĩ tự cho rằng phải có “trách nhiệm bảo vệ” an ninh của cả châu lục và sự nhòm ngó từ bên ngoài.

(Theo : Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Lịch sử quan hệ quốc tế,
Tập 1, NXB Giáo dục, H., 2005, tr. 90)

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

atlat-1364

Atlat

Atlat hay atlas là một tập hợp các bản đồ, thường là của Trái Đất hoặc một khu vực trên Trái Đất. Ngoài ra còn có atlas của các hành tinh trong hệ Mặt Trời.

lich-su-9-485

Lịch Sử 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

bai-tap-khoa-hoc-tu-nhien-6-97

Bài Tập Khoa Học Tự Nhiên 6

Sách Chân Trời Sáng Tạo Lớp 6

ngu-van-8-tap-1-933

Ngữ Văn 8 - Tập 1

Sách Lớp 8 Kết Nối Tri Thức

vat-li-9-835

Vật Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.