Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 11 (Nâng Cao) - Bài 13: Phong Trào Công Nhân Quốc Tế (Cuối Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 13: Phong Trào Công Nhân Quốc Tế (Cuối Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Sau khi Công xã Pa-ri thất bại (1871) và Quốc tế thứ nhất giải tán (1876), phong trào công nhân ở các nước tư bản bị khủng bố nặng nề, nhưng vẫn từng bước được phục hồi và phát triển. Trên cơ sở ấy, Quốc tế thứ hai được thành lập.

1. Phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX

Từ thập niên 70 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và Bắc Mĩ. Đội ngũ giai cấp công nhân các nước tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Sự bóc lột nặng nề của giai cấp tư sản và chính sách chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh để phân chia lại thế giới của chính phủ các nước làm cho đời sống nhân dân lao động ở các nước tư bản càng thêm khó khăn.

Công nhân ở nhiều nước đã đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện đời sống, ngày làm 8 giờ...

Ở Pháp, do hậu quả của khủng hoảng kinh tế (1882 – 1888), nhiều cuộc bãi công, biểu tình của công nhân liên tiếp diễn ra. Riêng năm 1886, tại các trung tâm công nghiệp, đặc biệt là vùng mỏ, công nhân đấu tranh đòi tăng lương và quyền dân chủ.

Ở Anh, những cuộc bãi công của công nhân đòi tăng lương, thực hiện ngày làm 8 giờ và cải thiện đời sống liên tục diễn ra, điển hình là cuộc bãi công của hàng vạn công nhân khuân vác ở bến tàu Luân Đôn vào cuối thập niên 80.

Ở Đức, phong trào đấu tranh đòi cải thiện đời sống cho người lao động phát triển mạnh mẽ, buộc giai cấp tư sản phải bãi bỏ “Đạo luật đặc biệt”(1) vào năm 1890. Công nhân đòi quyền tuyển cử, đòi cải thiện đời sống, ngày làm 8 giờ, đòi quyền bãi công v.v...

Nổi bật nhất là phong trào công nhân Mĩ vào cuối thế kỉ XIX, gắn liền với những cuộc đình công và bãi công sôi nổi khắp cả nước. Đỉnh cao của phong trào là cuộc Tổng bãi công của công nhân Si-ca-gô ngày 1 – 5 – 1886 đòi ngày làm 8 giờ đã buộc giới chủ phải nhượng bộ. Ngày này sau đó trở thành ngày Quốc tế lao động và chế độ làm việc 8 giờ mỗi ngày dần được thực hiện ở nhiều nước.

(1) Đạo luật này được ban hành vào tháng 10 – 1878. Theo đó, các tổ chức công nhân bị giải tán, các toà báo công nhân bị đóng cửa, hàng loạt đảng viên Đảng Công nhân xã hội dân chủ Đức bị bắt bớ và tra tấn.

Hình 41. Cuộc Tổng bãi công của công nhân Si-ca-gô ngày 1 _ 5 _ 1886

Nhìn chung, phong trào công nhân quốc tế vào cuối thế kỉ XIX phát triển mạnh mẽ nhưng chưa có sự thống nhất trong lãnh đạo và phối hợp đấu tranh. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá học thuyết Mác ở nhiều nước tư bản tiên tiến. Nhờ đó, các đảng công nhân, các đảng xã hội hay các nhóm có khuynh hướng cách mạng của giai cấp công nhân được thành lập : Đảng Công nhân xã hội dân chủ Đức (1875), Đảng Công nhân xã hội Mĩ (1876), Đảng Công nhân Pháp (1879), nhóm Giải phóng lao động Nga (1883), Liên minh xã hội dân chủ ở Anh (1884)...

Sự ra đời của các đảng và các tổ chức công nhân đánh dấu bước trưởng thành của phong trào, đòi hỏi phải thành lập một tổ chức quốc tế mới của giai cấp vô sản thế giới. Sau khi Mác qua đời (1883), Ăng-ghen đảm nhiệm vai trò lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế.

Phong trào công nhân quốc tế vào cuối thế kỉ XIX có những nét nổi bật nào ?

2. Quốc tế thứ hai

Ngày 14 – 7 – 1889, Đại hội thành lập Quốc tế thứ hai được tổ chức ở Pa-ri.

Đại hội khai mạc đúng vào ngày kỉ niệm 100 năm cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789. Tham dự đại hội có hơn 300 đại biểu nổi tiếng của phong trào công nhân quốc tế. Chỉ đạo đại hội có Ăng-ghen và các nhà hoạt động ở Pháp, Đức, Anh, Nga... Mọi người đều nhất trí phải thành lập một tổ chức quốc tế mới, bởi vì nó sẽ là “một đảm bảo cho hoà bình” và hướng dẫn “cuộc đấu tranh không khoan nhượng của những người lao động”.

Đại hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng : sự cần thiết phải thành lập chính đảng của giai cấp công nhân ở mỗi nước, đề cao vai trò đấu tranh chính trị, xem đấu tranh hợp pháp là điều kiện để thực hiện mục đích đấu tranh giai cấp, tăng cường phong trào quần chúng, đấu tranh giành chính quyền, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ và hằng năm lấy ngày 1 – 5 làm ngày Quốc tế lao động để đoàn kết và biểu dương lực lượng của giai cấp vô sản thế giới.

Cũng như Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai tồn tại và hoạt động chủ yếu dưới hình thức đại hội. Nhờ hoạt động tích cực của Ăng-ghen, Quốc tế thứ hai đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển phong trào công nhân thế giới cuối thế kỉ XIX : tiếp tục truyền bá học thuyết Mác, đoàn kết phong trào công nhân các nước, thúc đẩy việc thành lập các chính đảng vô sản ở nhiều nước...

Năm 1895, Ph. Ăng-ghen qua đời. Đây là một tổn thất lớn đối với phong trào công nhân. Lúc này xuất hiện một số người có xu hướng phủ nhận học thuyết cách mạng của Mác và Ăng-ghen, đó là trào lưu cơ hội chủ nghĩa.

Người đại diện cho trào lưu cơ hội chủ nghĩa cuối thế kỉ XIX là E. Béc-xtai-nơ (1850 – 1932) ở Đức. Dưới danh nghĩa “xét lại” học thuyết Mác, Béc-xtai-nơ muốn gạt bỏ những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp. Những người theo chủ nghĩa xét lại chủ trương thoả hiệp với giai cấp tư sản, đề cao đấu tranh nghị trường, xem đó là hình thức chủ yếu để giành chính quyền về tay giai cấp công nhân.

Tiếp tục sự nghiệp của Ăng-ghen, một số lãnh tụ phái tả trong các đảng công nhân như Plê-kha-nốp (Nga), La-phác-giơ (Pháp), Bê-ben, Rô-da Lúc-xăm-bua (Đức)... đã lên tiếng phê phán chủ nghĩa xét lại Béc-xtai-nơ, song cuộc đấu tranh này không được tiến hành triệt để nên kết quả rất hạn chế.

Trong những năm đầu thế kỉ XX, cuộc đấu tranh tư tưởng qua các đại hội tiếp theo của Quốc tế thứ hai diễn ra gay gắt và phức tạp giữa khuynh hướng cách mạng và khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa về những vấn đề cơ bản. Đó là : vấn đề giành chính quyền của giai cấp vô sản, thái độ đối với vấn đề thuộc địa và chiến tranh đế quốc... Khuynh hướng cách mạng, đại diện là V. I. Lê-nin, kiên quyết lên án cách thống trị của đế quốc đối với thuộc địa và tích cực đấu tranh cho quyền tự quyết của dân tộc.

Quốc tế thứ hai đi dần đến chỗ phân hoá và tan rã khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Đa số thủ lĩnh các đảng cơ hội trong Quốc tế thứ hai ủng hộ chính phủ tư sản nước mình, từ bỏ quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đẩy quần chúng nhân dân và vô sản các nước vào cuộc chiến tranh vì lợi ích của chủ nghĩa đế quốc. Đến đây, Quốc tế thứ hai tan rã, nhưng phong trào cách mạng thế giới vẫn tiếp tục phát triển, chuyển sang một thời kì mới.

– Nêu những hoạt động và đóng góp quan trọng của Quốc tế thứ hai đối với sự phát triển của phong trào công nhân (đến năm 1895).

– Vì sao chủ nghĩa cơ hội dần dần chiếm ưu thế trong Quốc tế thứ hai ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Sưu tầm tài liệu để viết bài tường thuật về cuộc tổng bãi công của công nhân Si-ca-gô ngày 1 – 5 – 1886.

2. Chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế thứ hai vào đầu thế kỉ XX thể hiện như thế nào trong tư tưởng và hành động ?

3. Hãy giải thích câu nói của Lê-nin : “Quốc tế thứ hai đã chết vì bị chủ nghĩa cơ hội đánh bại".

PHẦN ĐỌC THÊM

Cuộc đấu tranh của công nhân Si-ca-gô ngày 1 – 5 – 1886

Ngày 1 – 5 – 1886, gần 40 vạn công nhân cả nước Mĩ đình công, xuống đường biểu tình đòi ngày làm 8 giờ. Cuộc đình công lan ra trên 11 000 nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ. Tiêu biểu là cuộc đình công, biểu tình của 8 vạn công nhân Si-ca-gô do Liên đoàn lao động lãnh đạo. Cảnh sát nổ súng vào công nhân trên quảng trường, những người cầm đầu bị bắt và bị xử tử. Mặc dù vậy, Chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ, nhưng mới chỉ áp dụng cho khoảng 1 − 2 vạn người. Cuộc chiến đấu anh dũng và thắng lợi bước đầu của công nhân Mĩ được giai cấp công nhân quốc tế chào mừng. Từ năm 1889, ngày 1 – 5 được ghi vào lịch sử loài người – ngày Quốc tế lao động.

(Theo : Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng,
Lịch sử thế giới cận đại, Sđd)

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

vo-bai-tap-toan-1-tap-hai-738

VỞ BÀI TẬP Toán 1 - Tập Hai

Môn học lớp 1 - NXB Cánh Diều

tin-hoc-8-quyen-3-830

Tin Học 8 (Quyển 3)

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

tieng-anh-9-global-success-984

Tiếng Anh 9 (Global Success)

Tiếng Anh 9 (Global Success)

tap-viet-2-tap-mot-1008

Tập Viết 2 - Tập Một

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

tap-viet-1-tap-hai-36

TẬP VIẾT 1 - Tập Hai

Sách Lớp 1 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.