Châu Phi là lục địa lớn, giàu có về tài nguyên thiên nhiên, có nền văn hoá lâu đời. Từ giữa thế kỉ XIX, các nước tư bản châu Âu đẩy mạnh việc xâm lược châu Phi. Nếu vào giữa thập niên 70 của thế kỉ XIX mới chỉ có 10,8% đất đai châu Phi bị chiếm, thì đến đầu thế kỉ XX có tới 90,4% diện tích lục địa này trở thành thuộc địa của Anh, Pháp, Đức, Bỉ, I-ta-li-a, Bồ Đào Nha... Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc nổ ra mạnh mẽ, tiêu biểu là phong trào ở các nước An-giê-ri, Ai Cập, Xu-đăng, Ê-ti-ô-pi-a..
1. Vài nét về châu Phi trước khi bị xâm lược
Châu Phi là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, song ở thời kì cổ đại, người ta chỉ biết có Bắc Phi. Qua việc phát kiến địa lí, đi sâu dần vào lục địa, người ta mới tìm thấy các miền khác của châu Phi. Sang đầu thời cận đại, châu Phi được chia làm hai miền chính : Bắc Phi và Nam Phi. Hai miền đó có sự khác nhau rất lớn trong sự phát triển xã hội, kinh tế, cũng như chế độ chính trị.
Bắc Phi là vùng đất từ Bắc Xa-ha-ra đến Địa Trung Hải. Nhân dân ở đây theo đạo Hồi. Bắc Phi bao gồm nhiều chế độ xã hội khác nhau. Trong khi một số thành phố đã bắt đầu xuất hiện những mầm mống của chủ nghĩa tư bản thì có nơi vẫn còn giữ chế độ bộ lạc, nhưng bao trùm tất cả là quan hệ phong kiến.
Nam Phi là vùng đất từ Nam Xa-ha-ra đến mũi Hảo Vọng. Cơ cấu kinh tế, xã hội và tổ chức chính trị cũng có nhiều khác biệt. Nhiều miền thuộc Tây Xu-đăng và Ma-đa-ga-xca, quan hệ phong kiến là quan hệ xã hội chủ yếu. Nhiều nơi còn giữ tàn tích của chế độ bộ lạc và nô lệ.
Ở đây biên giới chưa được xác định rõ ràng nên thường xảy ra xung đột giữa các quốc gia, các bộ lạc với nhau.
Trước khi người châu u xâm chiếm và phân chia châu Phi, phần lớn nhân dân ở đây đã biết dùng đồ sắt, nghề dệt và nghề gốm phát triển, ngành chăn nuôi và trồng trọt phổ biến. Từ nửa sau thế kỉ XIX, cuộc sống yên ổn, tài nguyên phong phú và nền văn hoá lâu đời của họ đã bị thực dân châu u xâm phạm, cướp bóc và tàn phá.
2. Các nước đế quốc xâm lược và phân chia châu Phi
Vào những năm 70 – 80 của thế kỉ XIX, sau khi hoàn thành kênh đào Xuy-ê, các nước tư bản phương Tây đua nhau xâu xé châu Phi.
Hình 57. Lược đồ thuộc địa của các nước đế quốc ở châu Phi đầu thế kỉ XX
Năm 1882, Anh độc chiếm Ai Cập, kiểm soát kênh đào Xuy-ê sau cuộc cạnh tranh quyết liệt với Pháp. Tiếp đó, Anh chiếm Nam Phi, Tây Ni-giê-ri-a, Bờ Biển Vàng, Gam-bi-a, Kê-ni-a, U-gan-đa, Xô-ma-li, Đông Xu-đăng và một phần Đông Phi...
Pháp đứng hàng thứ hai trong việc xâm chiếm thuộc địa ở châu Phi (sau Anh), bao gồm một phần Tây Phi, miền Xích đạo châu Phi, Ma-đa-ga-xca, một phần Xô-ma-li, An-giê-ri, Tuy-ni-di, Xa-ha-ra.
Đức chiếm Ca-mơ-run, Tô-gô, Tây Nam Phi, Tan-da-ni-a.
Bỉ làm chủ phần lớn Công-gô.
Bồ Đào Nha giành được Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la và một phần Ghi-nê.
Đến đầu thế kỉ XX, việc phân chia thuộc địa giữa các nước đế quốc ở châu Phi căn bản đã hoàn thành.
Sử dụng lược đồ châu Phi đầu thế kỉ XX để xác định các vùng thuộc địa của các nước đế quốc.
3. Phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi
Chế độ cai trị hà khắc và sự bóc lột vô cùng dã man của chủ nghĩa thực dân làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh giành độc lập của nhân dân châu Phi.
Ở An-giê-ri, cuộc khởi nghĩa của Áp-đen Ca-đe kéo dài từ năm 1830 đến năm 1847, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Sau khi Áp-đen Ca-đe bị bắt, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân còn tiếp tục trong nhiều năm, đặc biệt ở vùng sa mạc. Thực dân Pháp phải mất nhiều thập niên mới chinh phục được nước này.
Ở Ai Cập, năm 1879 một số trí thức và sĩ quan yêu nước đã thành lập tổ chức chính trị bí mật “Ai Cập trẻ”, đề ra những cải cách mang tính chất tư sản, do Đại tá Át-mét A-ra-bi lãnh đạo. Các nước đế quốc phải can thiệp mạnh để ngăn chặn cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ai Cập. Ngày 13 – 9 – 1882, nhiều người yêu nước Ai Cập bị bắt, A-ra-bi bị đi đày. Phong trào thất bại.
Ở Xu-đăng, ngay từ năm 1882, thực dân Anh đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của nhà truyền giáo trẻ Mu-ha-mét Át-mét. Mục tiêu của phong trào là giải phóng Xu-đăng thoát khỏi ách thống trị của nước ngoài, làm trong sạch đạo Hồi, xoá bỏ mọi thứ thuế, thiết lập sự bình đẳng cho mọi người. Đầu năm 1885, nghĩa quân đã làm chủ hầu khắp đất nước, chiếm được Khác-tum – Thủ đô Đông Xu-đăng, giết chết viên tướng Anh chỉ huy ở đây. Năm 1898, thực dân Anh được các nước đế quốc giúp đỡ, bao vây Xu-đăng, chiếm được Khác-tum. Phong trào bị đàn áp đẫm máu và thất bại.
Nổi bật trong cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi chống thực dân phương Tây là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Ê-ti-ô-pi-a. Ê-ti-ô-pi-a là mục tiêu quan trọng của các nước phương Tây trong việc xâm lược châu Phi. Năm 1885, I-ta-li-a đem quân đánh chiếm, song bị nhân dân địa phương đánh bại. Năm 1889, quân I-ta-li-a lại tiến sâu vào nội địa, đánh chiếm một số vùng ở Ê-ti-ô-pi-a. Bọn thực dân đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân. Ngày 1 – 3 – 1896, quân I-ta-li-a thất bại nặng nề ở A-dua, 3 000 quân tử trận, hơn 3 000 lính bị bắt làm tù binh, nhiều vũ khí đạn dược bị mất. Quân đội Ê-ti-ô-pi-a cũng bị tổn thất nặng, song họ đã giành chiến thắng, bảo vệ được nền độc lập của Tổ quốc. Cùng với Ê-ti-ô-pi-a, Li-bê-ri-a cũng là nước giữ được độc lập ở châu lục này trước sự xâm chiếm của các nước thực dân phương Tây hồi cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.
Nhìn chung, phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi tuy sôi nổi, biểu hiện tinh thần yêu nước cao nhưng do trình độ tổ chức thấp, sự chênh lệch về lực lượng khá rõ ràng nên bị các nước phương Tây đàn áp. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn tiếp tục và phát triển trong thế kỉ XX.
Hãy trình bày những cuộc đấu tranh tiêu biểu chống thực dân của nhân dân châu Phi.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Nhận xét về phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi trong thế kỉ XIX.
2. Sưu tầm tài liệu, tranh ảnh về các lãnh tụ tiêu biểu trong phong trào đấu tranh của nhân dân châu Phi thời kì này.
PHẦN ĐỌC THÊM
So với châu Á, quá trình xâm lược của thực dân châu u ở châu Phi dễ dàng hơn, gặp phải sự kháng cự ít hơn và không quyết liệt như châu Á, bởi vì, nhìn chung châu Phi còn trong tình trạng lạc hậu hơn châu Á... Cũng có nét giống châu Á, hoạt động của các nhà truyền giáo đóng vai trò không nhỏ trong quá trình chiếm đoạt châu Phi. Những vùng đất đai có bóng đoàn người nước ngoài đến thám hiểm đều có mặt giáo sĩ ngay từ đầu. Người châu Phi nêu lên một hình ảnh sinh động và chua chát rằng : “Khi trước chúng tôi có đất trồng, người châu u có Kinh Thánh, ít lâu sau, người ta đổi cho chúng tôi lấy Kinh Thánh còn họ thì lấy ruộng đất”.
(Theo : Đỗ Thanh Bình, Lịch sử phong trào giải phóng dân tộc thế kỉ XX,
NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, H., 2006, tr. 89 – 90)