Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 11 (Nâng Cao) - Bài 35: Trào Lưu Cải Cách, Duy Tân Ở Việt Nam Trong Những Năm Cuối Thế Kỉ XIX | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 35: Trào Lưu Cải Cách, Duy Tân Ở Việt Nam Trong Những Năm Cuối Thế Kỉ XIX và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Từ những năm 60 của thế kỉ XIX, nhiều quan lại sĩ phu tiến bộ thức thời đã đưa ra các đề nghị duy tân về nội trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá – xã hội, mong cho nước nhà cường thịnh, có thể đương đầu với sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây. Nhưng vì nhiều lí do, các đề nghị cải cách đó đã không được thực hiện.

1. Tình hình Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX và sự xuất hiện trào lưu duy tân

Trong nửa sau thế kỉ XIX, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Nông nghiệp sa sút, thủ công nghiệp và thương nghiệp bế tắc, tài chính cạn kiệt. Năm 1860, khi chiến sự mới nổ ra ít lâu ở Đà Nẵng và Gia Định, quan đình thần Nguyễn Tri Phương đã tâu : “Quân và dân của đã hết, sức đã yếu”.

Để đối phó với tình hình đó, triều đình nhà Nguyễn tăng cường bóc lột nhân dân, thậm chí áp dụng cả những biện pháp tiêu cực như : cho nộp tiền chuộc tội, cho buôn bán thuốc phiện, cho mua quan, bán tước để thu tiền... Bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương trở nên sâu mọt ; địa chủ, cường hào tha hồ đục khoét, nhũng nhiễu dân lành.

Nhiều cuộc khởi nghĩa và bạo loạn chống triều đình vì thế đã nổ ra.

Tháng 4 – 1862, Nguyễn Thịnh (Cai tổng Vàng) khởi nghĩa ở Bắc Ninh. Tháng 9 – 1862, Nông Hùng Thạc khởi nghĩa ở Tuyên Quang. Năm 1866, tại Kinh thành Huế nổ ra cuộc khởi nghĩa của binh lính và thợ thuyền trên công trường xây dựng Khiêm lăng của Tự Đức, do Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực, Đoàn Hữu Ái chỉ huy. Từ năm 1861 đến năm 1865, một cuộc bạo loạn nổ ra ở vùng duyên hải Bắc Kì, do Tạ Văn Phụng cầm đầu....

Mặc dù cuối cùng các cuộc khởi nghĩa và bạo loạn đều bị dập tắt nhưng đã làm cho tài lực, binh lực của triều Nguyễn thêm suy sụp ; mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với giai cấp phong kiến thống trị ngày càng trở nên sâu sắc. Trong khi đó, thực dân Pháp đang ráo riết chuẩn bị mở rộng xâm lược nước ta.

Vận nước nguy nan đã tác động tới các quan lại, sĩ phu yêu nước tiến bộ. Nhiều đề nghị cải cách duy tân được đưa ra.

Các sĩ phu yêu nước tiến bộ đưa ra các đề nghị cải cách duy tân trong bối cảnh lịch sử nước ta như thế nào ?

2. Một số đề nghị cải cách, duy tân tiêu biểu

Trong những năm trước khi Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất, ở nước ta đã rộ lên một phong trào đề nghị cải cách. Đi đầu trong phong trào đó là một số quan chức, sĩ phu có học vấn cao, đặc biệt là một số sĩ phu Công giáo có dịp ra nước ngoài, tầm mắt được rộng mở, như : Nguyễn Hiệp, Lê Đính, Phạm Phú Thứ, Đặng Đức Tuấn, Đặng Huy Trứ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Văn Điền, Nguyễn Trường Tộ. Nhìn thấy rõ sự trì trệ của đất nước, sự bảo thủ của giới hủ nho và tác hại của chính sách “đóng cửa khoá nước”, quay lưng với những tiến bộ kĩ thuật phương Tây, phần lớn các sĩ phu có tư tưởng cải cách tuy vẫn chấp nhận chế độ phong kiến nhưng đều muốn nước ta đi theo con đường Duy tân của Nhật Bản.

Khi đi sứ sang Pháp, Phan Thanh Giản tận mắt chứng kiến sức mạnh và tầm quan trọng của kĩ thuật, của công thương. Về nước, ông đã đôi lần bày tỏ ý muốn duy tân.

Năm 1868, Đinh Văn Điền, một người theo Công giáo quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, đã mật trình đề nghị mở mang việc khai mỏ, đóng tàu, biệt đãi người phương Tây, khai thông việc buôn bán, học tập binh thư, binh pháp, huấn luyện quân đội theo lối mới...

Cũng trong năm 1868, các ông Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế đi công cán ở Hương Cảng về xin mở cửa biển Trà Lí (Nam Định) để thông thương với bên ngoài, xây dựng một “Hương Cảng của Việt Nam”.

Năm 1872, Viện Thương bạc (cơ quan đối ngoại của triều đình Huế) đề nghị mở ba cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Đồ Sơn.

Một số quan lại khác như : Nguyễn Hiệp (đi Xiêm), Lê Đính (đi Hương Cảng), thấy nhiều điều hay của thiên hạ, đề nghị triều đình nên học tập...

Từ năm 1863 đến năm 1871, Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871), đã kiên trì gửi đến triều đình gần 60 bản điều trần(1), đề nghị chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương, tài chính, chấn chỉnh võ bị, ngoại giao, cải tổ giáo dục... Những đề nghị của ông đã gây được tiếng vang lớn trong xã hội nước ta lúc đó.

Vào các năm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch (1852 – 1895), quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, đã dâng triều đình các bản Thời vụ sách (1 và 2) đề xuất ý kiến nhằm giải quyết các yêu cầu bức thiết của thời cuộc.

Nêu những nội dung cơ bản của các đề nghị cải cách cuối thế kỉ XIX.

(1) Điều trần : bản trình bày ý kiến.

3. Kết cục của những đề nghị cải cách duy tân cuối thế kỉ XIX

Xuất phát từ lòng yêu nước, lại có tư tưởng tiến bộ, muốn duy tân, phát triển đất nước để đối phó với âm mưu xâm lược từ bên ngoài, một số quan lại, sĩ phu đương thời đã vượt qua những định kiến, ghen ghét, đố kị và cả sự nguy hiểm để gửi lên triều đình những bản điều trần, mong muốn làm cho dân giàu nước mạnh.

Tuy vậy, hầu hết các đề nghị cải cách đã không được thực hiện. Triều đình nhà Nguyễn thì bảo thủ, cố chấp, không chịu thay đổi.

Có bản điều trần khi đưa ra bàn luận đã bị các quan lại trong triều phê là “chưa hợp thời thể”. Có bản được vua khen là hay nhưng rồi bỏ rơi, không nghiên cứu thực hiện. Trong số đó có những bản điều trần sâu sắc, có tình có lí (như điều trần của Nguyễn Trường Tộ).

Rốt cuộc, cơ hội duy tân đã bị bỏ qua.

Cho dù không được thực hiện, nhưng trào lưu đòi cải cách cuối thế kỉ XIX đã có tác dụng tấn công vào những tư tưởng bảo thủ và chuẩn bị cho sự ra đời của phong trào Duy tân sôi nổi, rộng khắp ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Những đề nghị cải cách cuối thế kỉ XIX có những ưu, nhược điểm gì ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Các sĩ phu đề nghị cải cách duy tân đất nước xuất phát từ động cơ nào ?

2. Tại sao hầu hết những đề nghị cải cách này lại không được thực hiện ?

PHẦN ĐỌC THÊM

Về việc cần thiết phải duy tân

Lê Đính đi Hương Cảng về, vua sai người đến hỏi có nghe thấy gì và người ngoài có nói gì đến việc nước ta. Đính tâu :

“Mọi nước Thái Tây được phú cường không ngoài việc buôn bán và việc binh mà thôi. Lấy binh bảo vệ việc buôn, dùng buồn nuôi binh, cho nên chỉnh đốn việc thông thương càng khẩn cấp. Gần đây, Nhật Bản bước kịp Thái Tây, bốn mặt đều thông thương. Nước Thanh cũng bắt đầu làm, đã dần dần cường thịnh. Có người khen nước ta có sản vật phong phú và các loại mỏ than, mỏ kim loại, có nhiều người khéo léo, ví biết phân phát tự gắng sức làm thì cái nghiệp phú cường cũng không khó lắm, chỉ phải văn thư quá phiền, nhiều việc câu chấp quá thôi”.

Lời tâu của Lê Đính, bản thân nó đã là một sự phê bình chính sách triều đình, một sự thúc giục nên duy tân theo đường mà Nhật đã đi.

Nhà vua nghe rồi để đấy.

(Theo : Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng,
NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 273)

Nguyễn Trường Tộ nói về việc học thực dụng

“Gọi rằng học, tức là học những điều chưa biết để cầu cho biết mà làm việc. Làm việc gì và làm ở đâu, đều là việc thực trước con mắt và để cho hữu dụng về sau. Xét ra cái học đời nay, thầy dạy gì, trò học gì, toàn là việc quá khứ, dầu trong sách đôi khi có chép một vài việc thiết thực, song cũng không thể truyền lại được...

Nay người nước mình, lúc nhỏ học văn từ thi phú mà trái lại lớn lên ra đời phải biết hình luật, lịch số, binh pháp ; lúc nhỏ học tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây là những chỗ mắt không hề thấy, mà trái lại lớn lên ra đời cần phải đi Nam Kì, Bắc Kì ; lúc nhỏ học thiên văn, địa lí, chính sự, phong tục nước Tàu, mà trái lại lớn lên ra đời cần phải biết thiên văn, địa lí, chính sự, phong tục bất đồng của nước Nam ; lúc nhỏ học lễ nhạc, chiến phạt và cách ẩm thực cũ rích của người Tàu, mà trái lại, lớn lên ra đời cần phải biết lễ nhạc, chiến phạt và cách ẩm thực cư xử của nước Nam.

Những điều như thế có hàng ngàn, hàng muôn, kể đến bút cùn mực cạn cũng không xiết”.

(Theo : Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng, Sđd, tr. 280 – 281)

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

tin-hoc-822

Tin Học

Sách Tin Học

ngu-van-nang-cao-tap-1-806

Ngữ Văn Nâng Cao Tập 1

Sách Ngữ Văn Nâng Cao Tập 1. Tổng 18 tuần

mi-thuat-6-125

Mĩ Thuật 6

Sách Cánh Diều Lớp 6

tieng-anh-3-explore-our-world-1043

Tiếng Anh 3 (Explore Our World)

Sách Lớp 3 Cánh Diều

giao-duc-kinh-te-va-phap-luat-11-1190

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11

Mỗi hoạt động trong sách đều được chỉ dẫn bằng số hiệu

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.