Trang 106
Học xong bài học này, em có thể:
Phân biệt được các nhóm thực vật: Thực vật không có mạch dẫn (Rêu); Thực vật có mạch dẫn, không có hạt (Dương xỉ); Thực vật có mạch dẫn, có hạt, không có hoa (Hạt trần); Thực vật có mạch dẫn, có hạt, có hoa (Hạt kín).
Trò chơi: Kể tên thực vật và chia chúng thành các nhóm có đặc điểm giống nhau (ví dụ: cùng ở nước hoặc trên cạn, cùng là cây lấy hoa hoặc cây lấy gỗ,...).
I. CÁC NHÓM THỰC VẬT
Thực vật được phân chia thành nhiều nhóm dựa trên các đặc điểm: có mạch dẫn hoặc không có mạch dẫn, có hạt hoặc không có hạt, có hoa hoặc không có hoa.
? Quan sát hình 19.1, nêu tên các nhóm thực vật và đặc điểm phân chia. |
RÊU; DƯƠNG XỈ; HẠT TRẦN; HẠT KÍN
Không có hoa; Có hoa
Không có hạt; Có hạt
Không có mạch dẫn; Có mạch dẫn
THỰC VẬT
Hình 19.1. Các nhóm thực vật
Trang 107
II. THỰC VẬT KHÔNG CÓ MẠCH DẪN (RÊU)
? Quan sát hình 19.2 và cho biết những đặc điểm giúp em nhận biết được cây rêu. |
Rêu là những thực vật nhỏ bé, thường mọc thành từng đám (hình 19.2). Khác với tất cả các nhóm thực vật khác, rêu không có mạch dẫn.
Túi bào tử (Cơ quan sinh sản)
Lá
Rễ giả
Cây rêu
Hình 19.2. Rêu mọc trên đá dưới tán rừng
Rêu là thực vật sống ở những nơi ẩm ướt, thường ở dưới tán rừng, bám trên thân các cây gỗ, trên đá,...
Rêu rất đa dạng, với nhiều loại khác nhau. Trong đó, cây rêu tường là đại diện thường gặp.
Em có biết Mạch dẫn được cấu tạo từ các tế bào mô dẫn, là hệ thống ống dẫn truyền nước và các chất đến tất cả các bộ phận của cây. |
III. THỰC VẬT CÓ MẠCH DẪN, KHÔNG CÓ HẠT (DƯƠNG XỈ)
Khác với rêu, cấu tạo cơ thể dương xỉ có mạch dẫn, có rễ.
Ô túi bào tử ở mặt dưới của lá
Lá già, Lá non, Thân, Nốt Rê
Hình 19.3. Cây dương xỉ
? Quan sát hình 19.3 và nêu đặc điểm của cây dương xỉ. |
Trang 108
Dương xỉ thường phân bố ở nơi đất ẩm, dưới tán rừng hoặc ven đường đi, bờ ruộng,... Đa số dương xỉ sống trên cạn nhưng cũng có dương xỉ sống dưới nước như cây rau bợ (hình 19.4a), cây bèo vảy ốc (hình 19.4b),... Môi trường sống chủ yếu của dương xỉ là nơi có khí hậu nóng, ẩm.
Dương xỉ rất đa dạng, có nhiều loại khác nhau.
a) Cây rau bợ
b) Cây bèo vảy ốc
Hình 19.4. Một số loài dương xỉ ở nước
Nêu đặc điểm giúp em phân biệt cây rêu và cây dương xỉ. |
Em có biết Dương xỉ cổ đại và sự hình thành than đá Những loài dương xỉ cổ đại có thân gỗ cao lớn, sống cách đây khoảng gần 300 triệu năm, làm thành những khu rừng rộng lớn trên Trái Đất. Khi các cây trong rừng dương xỉ cổ đại chết đi sẽ tích tụ một lượng lớn chất carbon trong đất. Qua quá trình lịch sử lâu dài của Trái Đất, carbon tích tụ trong đất sẽ biến đổi thành than đá mà ngày nay chúng ta vẫn dùng. Cây dương xỉ thân gỗ Than đá |
IV. THỰC VẬT CÓ MẠCH DẪN, CÓ HẠT, KHÔNG CÓ HOA (HẠT TRẦN)
Hạt trần là nhóm thực vật có mạch dẫn, có hạt không được bao kín trong quả (nên gọi là hạt trần) và không có hoa. Các hạt nằm trên những lá noãn xếp liền nhau thành nón. Có hai loại nón, nón đực có kích thước nhỏ và nón cái lớn hơn (hình 19.5).
Cơ quan sinh dưỡng có cả rễ, thân và lá phát triển. Phần lớn các cây hạt trần có lá hình kim.
Các nón đực
Hạt
Lá noãn
Các nón cái
Hình 19.5. Cây thông mang nón đực và nón cái
? Nêu những đặc điểm giúp em nhận biết được cây thông. |
Thông là cây hạt trần. Ở nước ta, thông phân bố nhiều ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, vùng núi phía Bắc. Ngoài cây thông, nước ta còn có nhiều cây hạt trần cho gỗ quý như pơmu, hoàng đàn, kim giao,... và nhiều cây làm cảnh như bách tán, trắc bách diệp,...
Trang 109
Em có biết Cây hạt trần nào to nhất trên Trái Đất? Se-coi-a (sequoia) là cây hạt trần được cho là cây có thân cao và to nhất trên Trái Đất. Chiều cao cây có thể đạt tới 115 m và đường kính thân đạt tới gần 9 m. Do vậy, người ta có thể đục xuyên qua thân cây để cho một chiếc xe ô tô đi xuyên qua. Se-coi-a cũng là một trong những sinh vật sống lâu nhất trên Trái Đất. Ở châu Mĩ, trung bình se-coi-a sống tới 800 – 1500 năm, có khi tới 2000 năm. Cây se-coi-a ở Ca-li-phoóc-ni-a (California). Mĩ |
V. THỰC VẬT CÓ MẠCH DẪN, CÓ HẠT VÀ CÓ HOA (HẠT KÍN)
Hạt kín là nhóm thực vật có mạch dẫn (hình 19.6), có hạt nằm trong quả (nên gọi là hạt kín) và có hoa. Cơ quan sinh dưỡng có đủ cả rễ, thân và lá phát triển với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau.
Hình 19.6. Hệ thống mạch dẫn ở lá cây
Hình 19.7. Cây bưởi và quả bưởi với hạt năm trong quả
? Nêu những đặc điểm giúp em nhận biết được cây hạt kín và cho biết môi trường sống của chúng. |
Thực vật hạt kín rất đa dạng về: số lượng loài và số cá thể của loài; kích thước cây; môi trường sống. Nhiều cây hạt kín có kích thước rất lớn như cây bao báp ở châu Phi (hình 19.8) hoặc có kích thước rất nhỏ như cây bèo tấm, nổi trên mặt nước ao, hồ (hình 19.9). Thực vật hạt kín mọc ở khắp nơi, cả ở trên cạn và dưới nước, ở vùng núi cao hoặc nơi có tuyết bao phủ.
Hình 19.8. Cây bao báp ở châu Phi
Hình 19.9. Bèo tấm
Kể tên thực vật có ở môi trường xung quanh em và cho biết chúng thuộc nhóm nào trong số những nhóm thực vật đã học. |
Nêu sự giống và khác nhau giữa thực vật hạt trần với thực vật hạt kín, theo gợi ý trong bảng 19.1.
Bảng 19.1
Đặc điểm | Thực vật hạt trần | Thực vật hạt kín | |
Cơ quan sinh dưỡng | Rễ | ? | ? |
Thân | ? | ? | |
Lá | ? | ? | |
Cơ quan sinh sản | Nón | ? | ? |
Hoa | ? | ? | |
Quả | ? | ? | |
Hạt | ? | ? |
• Thực vật rất đa dạng, được chia thành bốn nhóm lớn: Thực vật không có mạch dẫn (Rêu); Thực vật có mạch dẫn, không có hạt (Dương xỉ); Thực vật có mạch dẫn, có hạt, không có hoa (Hạt trần); Thực vật có mạch dẫn, có hạt, có hoa (Hạt kín). • Cây rêu không có mạch dẫn, có thân và lá, có rễ giả, không có hạt, không có hoa. Rêu sinh sản bằng bào tử nằm trong túi bào tử. • Dương xỉ có mạch dẫn, có thân, lá và rễ thật, không có hạt, không có hoa. Cơ quan sinh sản của dương xỉ là những ổ túi bào tử nằm ở mặt dưới của lá. • Hạt trần có mạch dẫn, có thân, lá và rễ thật, có hạt nhưng không có hoa. Cơ quan sinh sản gồm có nón đực và nón cái. Hạt không được bao kín trong quả. • Hạt kín là những thực vật đã có mạch dẫn, có hạt và có hoa. Hạt được bao kín trong quả. |