Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 12 (Nâng Cao) - Bài 28: Khôi Phục Và Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Ở Miền Bắc, Giải Phóng Hoàn Toàn Miền Nam (1973 - 1975) | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 28: Khôi Phục Và Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Ở Miền Bắc, Giải Phóng Hoàn Toàn Miền Nam (1973 - 1975) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Sau Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, Mĩ rút hết quân về nước. Miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, ra sức chi viện cho miền Nam ; miền Nam đấu tranh chống địch "bình định – lấn chiếm", tạo thế và lực tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

I – MIỀN BẮC KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI, RA SỨC CHI VIỆN CHO MIỀN NAM

Hiệp định Pari năm 1973 về Việt Nam được kí kết, quân Mĩ buộc phải rút khỏi nước ta, làm thay đổi so sánh lực lượng ở miền Nam có lợi cho cách mạng. Miền Bắc trở lại hoà bình, tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, ra sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Đến cuối tháng 6 – 1973, miền Bắc căn bản hoàn thành việc tháo gỡ thuỷ lôi, bom mìn do Mĩ thả trên biển, trên sông, bảo đảm đi lại bình thường.

Sau hai năm (1973 – 1974), về cơ bản miền Bắc khôi phục xong các cơ sở kinh tế, các hệ thống thuỷ nông, mạng lưới giao thông, các công trình văn hoá, giáo dục, y tế. Kinh tế có bước phát triển.

Đến cuối năm 1974, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên một số mặt quan trọng đã đạt và vượt mức năm 1964 và năm 1971 – hai năm đạt mức cao nhất trong 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Tổng sản phẩm xã hội năm 1973 cao hơn năm 1965, năm 1974 cao hơn năm 1973 là 12,4 %. Sản lượng lúa năm 1973 là 5 triệu tấn ; đến năm 1974, mặc dù có những khó khăn do thiên tai, miền Bắc cũng đạt được 4,8 triệu tấn. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1974 tăng 15 % so với năm 1973.

Thực hiện nghĩa vụ hậu phương, trong hai năm 1973 – 1974, miền Bắc đưa vào các chiến trường miền Nam, Campuchia, Lào gần 20 vạn bộ đội, hàng vạn thanh niên xung phong, cán bộ chuyên môn, nhân viên kĩ thuật. Đột xuất trong 2 tháng đầu năm 1975, miền Bắc gấp rút đưa vào miền Nam 57 000 bộ đội (trong tổng số 108 000 bộ đội của kế hoạch động viên năm 1975).

Về vật chất – kĩ thuật, miền Bắc đã có những nỗ lực phi thường, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu to lớn và cấp bách của cuộc tổng tiến công chiến lược ở miền Nam.

Từ đầu mùa khô 1973 – 1974 đến đầu mùa khô 1974 – 1975, miền Bắc đưa vào chiến trường hơn 26 vạn tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm (trong đó có 4,6 vạn tấn vũ khí đạn dược, 12,4 vạn tấn gạo, 3,2 vạn tấn xăng dầu).

Chi viện cho miền Nam trong thời kì này, ngoài yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chiến đấu tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, còn phải phục vụ nhiệm vụ xây dựng vùng giải phóng (trên các mặt quốc phòng, kinh tế, giao thông vận tải, văn hoá, giáo dục, y tế) và chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng sau khi chiến tranh kết thúc.

Miền Bắc đã thực hiện những nhiệm vụ gì sau Hiệp định Pari năm 1973 về Việt Nam ? Kết quả và ý nghĩa.

II – MIỀN NAM ĐẤU TRANH CHỐNG ĐỊCH "BÌNH ĐỊNH – LẤN CHIẾM", TẠO THẾ VÀ LỰC, TIẾN TỚI GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN

Với Hiệp định Pari năm 1973, ta đã "đánh cho Mĩ cút". Ngày 29 – 3 – 1973, toán lính Mĩ cuối cùng đã rút khỏi nước ta, song Mĩ vẫn giữ lại hơn 2 vạn cố vấn quân sự, lập ra Bộ chỉ huy quân sự, tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho chính quyền Sài Gòn.

Được cố vấn Mĩ chỉ huy và nhận viện trợ của Mĩ, chính quyền Sài Gòn ngang nhiên phá hoại Hiệp định Pari. Chúng huy động gần như toàn bộ lực lượng tiến hành chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ", liên tiếp mở những cuộc hành quân "bình định – lấn chiếm" vùng giải phóng. Đây thực chất là hành động tiếp tục chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Níchxơn.

Về phía ta, việc kí Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam năm 1973 và việc quân đội xâm lược Mĩ rút khỏi nước ta, đã tạo nên sự thay đổi căn bản trong so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng, có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam chống âm mưu và hành động mới của Mĩ và chính quyền Sài Gòn.

Trong cuộc đấu tranh chống địch "bình định – lấn chiếm", chống âm mưu "tràn ngập lãnh thổ" của chúng, những tháng đầu sau khi kí Hiệp định, quân dân ta đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhưng do không đánh giá hết âm mưu phá hoại Hiệp định của địch, do quá nhấn mạnh đến hoà bình, hoà hợp dân tộc... nên trên một số địa bàn quan trọng, ta bị mất đất, mất dân.

Hình 87. Quân đội Mĩ rút khỏi miền Nam Việt Nam

Nắm bắt tình hình trên, tháng 7 – 1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21. Trên cơ sở nhận định kẻ thù vẫn là đế quốc Mĩ và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu – kẻ đang phá hoại hoà bình, hoà hợp dân tộc, ngăn cản nhân dân ta đi tới độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc – Hội nghị nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn hiện tại là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hội nghị nhấn mạnh trong bất cứ tình hình nào cũng phải tiếp tục con đường cách mạng bạo lực, phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên cả ba mặt trận : quân sự, chính trị, ngoại giao.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 của Đảng, từ cuối năm 1973, quân dân ta ở miền Nam vừa kiên quyết đánh trả địch, bảo vệ vùng giải phóng, vừa chủ động mở những cuộc tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, ta mở đợt hoạt động quân sự ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Quân ta đã giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch Đường 14 – Phước Long (từ ngày 12 – 12 – 1974 đến ngày 6 – 1 – 1975), loại khỏi vòng chiến đấu 3 000 địch, giải phóng Đường 14, thị xã và toàn tỉnh Phước Long với 5 vạn dân.

Sau chiến thắng này của ta, chính quyền Sài Gòn phản ứng mạnh và đưa quân chiếm lại, nhưng đã thất bại. Còn Mĩ chỉ phản ứng yếu ớt, chủ yếu dùng áp lực đe doạ từ xa.

Thực tế thắng lợi của ta ở Phước Long, phản ứng của Mĩ và chính quyền Sài Gòn sau đó cho thấy rõ về sự lớn mạnh và khả năng thắng lớn của quân ta, sự suy yếu và bất lục của quân đội Sài Gòn ; về khả năng can thiệp trở lại bằng quân sự rất hạn chế của Mĩ.

Phối hợp với đấu tranh quân sự, nhân dân ta ở miền Nam đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ngoại giao nhằm tố cáo hành động của Mĩ và chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định, phá hoại hoà bình, hoà hợp dân tộc ; nêu cao tính chất chính nghĩa cuộc chiến đấu của nhân dân ta ; đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thực hiện các quyền tự do, dân chủ..

Tại các vùng giải phóng, đồng thời với cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, nhân dân ta ra sức khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn dự trữ chiến lược cho cuộc chiến đấu hoàn thành giải phóng miền Nam.

Năm 1973, diện tích gieo trồng ở các vùng giải phóng thuộc đồng bằng sông Cửu Long tăng 20% so với năm 1972. Nhờ sản xuất phát triển, đóng góp của nhân dân cho cách mạng ngày càng tăng. Năm 1973, nhân dân Khu 9 (miền Tây Nam Bộ) đã đóng góp 1,7 triệu gia lúa (bằng 34 000 tấn) và 6 tháng đầu năm 1974 đã đóng góp được 2,4 triệu gia (bằng 48 000 tấn).

Các ngành sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, các mặt hoạt động văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế cũng được đẩy mạnh.

– Trong những năm đầu sau Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973, cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam chống âm mưu, hành động mới của Mĩ và chính quyền Sài Gòn đã diễn ra như thế nào ?

– Nêu ý nghĩa của chiến thắng Phước Long (6 – 1 – 1975).

III – GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, GIÀNH TOÀN VẸN LÃNH THỔ TỔ QUỐC

1. Chủ trương, kế hoạch giải phóng miền Nam

Cuối năm 1974 – đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá... giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Hình 88. Bộ Chính trị họp Hội nghị mở rộng, quyết định kế hoạch giải phóng miền Nam

2. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã diễn ra trong gần 2 tháng (từ ngày 4 – 3 đến ngày 2 – 5) qua 3 chiến dịch lớn : Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh.

a) Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 – 3 đến ngày 24 – 3)

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, cả ta và địch đều cố nắm giữ. Nhưng do nhận định sai hướng tiến công của quân ta, địch chốt giữ ở đây một lực lượng mỏng, bố phòng có nhiều sơ hở. Căn cứ vào đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975.

Thực hiện kế hoạch, ta tập trung chủ lực mạnh với vũ khí kĩ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên. Trận then chốt mở màn ở Buôn Ma Thuột ngày 10 – 3 – 1975 đã giành thắng lợi (trước đó, ngày 4 – 3, quân ta đánh nghi binh ở Playku và Kon Tum nhằm thu hút quân địch vào hướng đó). Ngày 12 – 3 – 1975, địch phản công chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng không thành.

Sau hai đòn đau ở Buôn Ma Thuột (vào các ngày 10 và 12 – 3), hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển, quân địch mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn.

Ngày 14 – 3 – 1975, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung. Trên đường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt. Đến ngày 24 – 3 – 1975, Tây Nguyên rộng lớn với 60 vạn dân hoàn toàn được giải phóng.

Hình 89. Lược đồ diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sang giai đoạn cuối : Từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành Tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

b) Chiến dịch Huế – Đà Nẵng (từ ngày 21 – 3 đến ngày 29 – 3)

Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh và hết sức thuận lợi, ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, trước tiên là tiến hành chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng.

Phát hiện địch co cụm ở Huế, ngày 21 − 3, quân ta đánh thẳng vào căn cứ địch, chặn các đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây trong thành phố. Đúng 10 giờ 30 ngày 25 – 3, quân ta tiến vào cố đô Huế, đến hôm sau (26 – 3) thì giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên.

Hình 90. Quân ta tiến vào cố đô Huế

Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mĩ và quân đội Sài Gòn, rơi vào thế cô lập. Hơn 10 vạn địch bị dồn ứ về đây trở nên hỗn loạn, mất hết khả năng chiến đấu. Sáng ngày 29 – 3, quân ta từ ba phía bắc, tây, nam tiến thẳng vào thành phố, đến 3 giờ chiều thì giải phóng toàn bộ Đà Nẵng.

Cùng thời gian giải phóng Huế, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai... tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam.

Từ cuối tháng 3 đến tháng 4, nhân dân các tỉnh còn lại ở ven biển miền Trung, Nam Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương và quân chủ lực, đã nổi dậy đánh địch giành quyền làm chủ. Các đảo biển miền Trung cũng lần lượt được giải phóng.

c) Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 – 4 đến ngày 30 – 4)

Sau thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế – Đà Nẵng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định "Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam" ; từ đó đi đến quyết định "Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5 1975)". Ngày 14 – 4 – 1975, Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trước khi bắt đầu chiến dịch giải phóng Sài Gòn, quân ta tiến công Xuân Lộc và Phan Rang – những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

Trước việc tuyến phòng thủ bị chọc thủng (Phan Rang ngày 16 – 4, Xuân Lộc ngày 21 – 4) và Phnôm Pênh (thủ đô Campuchia) giải phóng (17 – 4), nội bộ Mĩ và chính quyền Sài Gòn càng thêm hoảng loạn. Ngày 18 – 4, Tổng thống Mĩ ra lệnh di tản hết người Mĩ khỏi Sài Gòn. Ngày 21 – 4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống.

17 giờ ngày 26 – 4, quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch, 5 cánh quân vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng.

10 giờ 45 phút ngày 30 – 4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các Sài Gòn, Dương Văn Minh (vừa lên giữ chức Tổng thống Chính phủ Sài Gòn ngày 28 – 4) đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau giải phóng Sài Gòn, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại thừa thắng nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy, theo phương thức xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh". Đến ngày 2 – 5, Châu Đốc, tỉnh cuối cùng ở miền Nam, được giải phóng.

Hình 91. Xe tăng quân ta tiến vào Dinh Độc Lập (30 – 4 – 1975)

– Đảng ta đã căn cứ vào điều kiện thời cơ như thế nào để đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam ? Nội dung kế hoạch đó là gì ?

–  Trình bày tóm tắt diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

IV – NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI, Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ, CỨU NƯỚC (1954 – 1975)

1. Nguyên nhân thắng lợi

Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, đường lối tiến hành đồng thời cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, phương pháp đấu tranh linh hoạt, kết hợp đấu tranh quân sự – chính trị – ngoại giao.

Nhân dân ta ở hai miền giàu lòng yêu nước, đoàn kết nhất trí, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Hậu phương miền Bắc không ngừng lớn mạnh, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền.

Cuộc kháng chiến thắng lợi còn nhờ sự phối hợp chiến đấu, đoàn kết giúp đỡ nhau trong quá trình đấu tranh chống kẻ thù chung của ba dân tộc ở Đông Dương ; sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ to lớn của các lực lượng cách mạng, hoà bình, dân chủ trên thế giới, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác ; phong trào nhân dân Mĩ và nhân dân thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ.

2. Ý nghĩa lịch sử

Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi đã kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mĩ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 ; chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Trên cơ sở đó, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước mở ra kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc – kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của nhân dân ta, thất bại của đế quốc Mĩ đã tác động mạnh đến tình hình nước Mĩ và thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhất là đối với phong trào giải phóng dân tộc.

Hình 92. Dinh Độc Lập trong ngày Sài Gòn giải phóng

Thắng lợi đó "Mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"(1).

Trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975).

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Lập bảng hệ thống những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân dân ta ở hai miền Nam – Bắc trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975).

2. Những thành tựu chủ yếu của miền Bắc trong sản xuất, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mĩ và trong việc thực hiện nghĩa vụ hậu phương kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975) được thể hiện như thế nào ?

PHẦN ĐỌC THÊM

1. CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA MĨ Ở VIỆT NAM (1954 – 1975)

Trải qua hai mươi mốt năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Với cuồng vọng nghiền nát lực lượng cách mạng ở miền Nam và "đẩy lùi miền Bắc trở lại thời kì đồ đá", đế quốc Mĩ đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn tên gồm quân Mĩ và quân của năm nước chư hầu của Mĩ làm nòng cốt cho hơn một triệu quân nguỵ ; riêng về quân đội Mĩ, chúng đã huy động lúc cao nhất tới 68% bộ binh, 60% lính thuỷ đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược. Nếu tính cả số quân đóng ở nước ngoài tham chiến ở Việt Nam thì chúng đã sử dụng hơn 80 vạn quân Mĩ, và trong cả cuộc chiến tranh, chúng đã động viên tới 6 triệu lượt binh sĩ Mĩ, ném xuống đất nước ta 7 triệu 850 nghìn tấn bom và tiêu tốn 352 tỉ đôla. Ngoài ra, chúng còn dùng những phát minh khoa học, kĩ thuật mới nhất để gây vô vàn tội ác huỷ diệt đối với nhân dân ta. Ngày nay, nhìn lại tính chất và quy mô của cuộc chiến tranh, thấy hết những lực lượng mà kẻ địch đã tung ra, những ý đồ mà chúng đã thú nhận, nhớ lại những tình huống cực kì phức tạp và éo le mà con thuyền cách mạng đã vượt qua, chúng ta càng thấy vĩ đại biết bao tầm vóc và ý nghĩa của cuộc chiến đấu chống Mĩ, cứu nước của dân tộc ta !

(Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo Chính trị
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV,
NXB Sự thật, H., 1977. tr 20 – 21).

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, NXB Sự thật, H., 1977, tr. 5 – 6.

2. THẮNG LỢI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ, CỨU NƯỚC (1954 1975)

Cuộc kháng chiến chống Mĩ là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài. Đi đôi với việc tổ chức lực lượng chiến đấu trong cả nước, Đảng hết sức coi trọng việc xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở miền Nam. Đó là các đảng bộ miền Nam được củng cố, tôi luyện thành những bộ tham mưu dày dạn trên tiền tuyến lớn ; là khối liên minh công nông mà Đảng ta đã dày công xây đắp trong cách mạng dân tộc dân chủ ; là đội quân chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, hai lực lượng chiến đấu cơ bản trong chiến tranh cách mạng ; là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo, mặt trận yêu nước bao gồm các đoàn thể của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, các tổ chức tôn giáo và đại biểu các dân tộc ; là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đã cùng với Mặt trận dân tộc giải phóng động viên và tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân miền Nam kháng chiến cứu nước và tranh thủ ngày càng rộng rãi sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân và chính phủ nhiều nước trên thế giới.

Thắng lợi của kháng chiến chống Mĩ, cứu nước là thắng lợi của cả hai chiến lược cách mạng được tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ với nhau : cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, trong đó, như Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng đã chỉ rõ và ngày nay được toàn bộ thực tiễn chứng minh, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mĩ và tay sai, còn cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc có nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Thật vậy, không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa, suốt mười sáu năm qua, luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt từ năm 1965, khi Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định chống Mĩ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thì miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội.

(Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo Chính trị
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV
, Sđd, tr. 24 – 25 và tr. 28 – 29).

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

dia-ly-12-615

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

cong-nghe-5-1632

Công Nghệ 5

NXB Kết nối tri thức - Công nghệ 5

mi-thuat-5-3023

Mĩ Thuật 5

Sách Lớp 5 Cánh Diều

am-nhac-va-mi-thuat-9-843

Âm nhạc và Mĩ thuật 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.