Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 12 (Nâng Cao) - Bài 9: Nhật Bản | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 9: Nhật Bản và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Là nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng từ sau năm 1945, Nhật Bản đã bước vào một thời kì phát triển mới với những đổi thay căn bản về chính trị – xã hội cùng những thành tựu như một sự thần kì về kinh tế – khoa học công nghệ. Nhật Bản đã vươn lên, trở thành một siêu cường kinh tế, một trung tâm kinh tế – tài chính của thế giới.

I – NHẬT BẢN TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1952

Sự thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho Nhật Bản những hậu quả hết sức nặng nề.

Khoảng 3 triệu người chết và mất tích ; 40% đô thị, 80% tàu bè, 34% máy móc công nghiệp bị phá huỷ ; 13 triệu người thất nghiệp. Thảm hoạ đói rét đe doạ toàn nước Nhật Bản.

Theo quy định của Hội nghị Pốtxđam, Nhật Bản sau chiến tranh tuy bị lực lượng Đồng minh, thực tế là Mĩ chiếm đóng từ năm 1945 đến năm 1952, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn được phép tồn tại và hoạt động.

Về chính trị, Bộ Chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh (SCAP) đã thi hành một số biện pháp để loại bỏ chủ nghĩa quân phiệt và bộ máy chiến tranh của Nhật Bản.

Quân đội và toàn bộ ngành công nghiệp quân sự Nhật Bản bị giải thể. Toà án quân sự Viễn Đông được lập ra để xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản (kết án 7 fên tử hình, 16 tên tù chung thân). Các đảng phái quân phiệt bị giải fán, khoảng 290 000 người liên quan đến chế độ quân phiệt trước đây bị loại khỏi bộ máy nhà nước.

Hiến pháp cũ (1889) của Nhật Bản bị bãi bỏ, thay vào đó là Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 3 – 5 – 1947. Về thể chế, Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến, nhưng thực tế là theo chế độ dân chủ đại nghị tư sản dựa trên ba nguyên tắc cơ bản là : chủ quyền của toàn dân, vai trò tượng trưng của Thiên hoàng và hoà bình, tôn trọng những quyền cơ bản của con người.

Ngôi vị Thiên hoàng vẫn được duy trì nhưng không còn quyền lực đối với nhà nước. Nghị viện gồm hai viện (Thượng viện và Hạ viện) do nhân dân bầu ra là cơ quan quyền lực tối cao giữ quyền lập pháp ; chính phủ do Thủ tướng đứng đầu giữ quyền hành pháp. Hiến pháp xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân.

Nhật Bản cam kết từ bỏ việc tiến hành chiến tranh, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không duy trì quân đội thường trực và không đưa các lực lượng vũ trang ra nước ngoài, chỉ có lực lượng phòng vệ dân sự để bảo đảm an ninh trật tự trong nước.

Về kinh tế, trong thời kì bị chiếm đóng (1945 – 1952), SCAP đã thực hiện ba cuộc cải cách lớn : một là, thủ tiêu chế độ kinh tế tập trung, trước hết là giải tán các "Daibátxư" (các tập đoàn, công ti độc quyền còn mang nhiều tính chất dòng tộc) ; hai là, cải cách ruộng đất (quy định địa chủ chỉ được có không quá 3 hécta ruộng, số còn lại Chính phủ đem bán cho nông dân) ; ba là, dân chủ hoá lao động (thông qua và thực hiện các đạo luật về lao động). Dựa vào nỗ lực của bản thân và viện trợ của Mĩ, đến khoảng những năm 1950 – 1951, Nhật Bản đã khôi phục được nền kinh tế, đạt mức trước chiến tranh.

Trong chính sách đối ngoại, Nhật Bản chủ trương liên minh chặt chẽ với Mĩ. Nhật Bản kí kết Hiệp ước hoà bình Xan Phranxixcô (8 – 9 – 1951) và kết thúc chế độ chiếm đóng của Đồng minh (năm 1952). Cùng ngày, Hiệp ước An ninh Mĩ – Nhật được kí kết, đặt nền tảng cho quan hệ giữa hai nước. Theo đó, Nhật Bản chấp nhận đứng dưới "chiếc ô" bảo hộ hạt nhân của Mĩ, để cho Mĩ đóng quân và xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.

Theo Hiến pháp mới, Nhật Bản tiến hành cải cách giáo dục trên nhiều mặt, năm 1947 ban hành Luật Giáo dục. Nội dung giáo dục thay đổi căn bản : phủ nhận vai trò thiêng liêng của Thiên hoàng, khuyến khích phát triển văn hoá và truyền bá tư tưởng hoà bình, quy định hệ thống giáo dục 6 – 3 – 3 – 4 (6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông, 4 năm đại học). Chế độ giáo dục bắt buộc là 9 năm.

– Nêu nội dung cơ bản của những cải cách dân chủ ở Nhật Bản trong giai đoạn bị chiếm đóng và ý nghĩa của chúng.

– Liên minh Nhật – Mĩ được biểu hiện như thế nào ?

II – NHẬT BẢN TỪ NĂM 1952 ĐẾN NĂM 1973

Sau khi nền kinh tế phục hồi và đạt mức trước chiến tranh, từ năm 1952 đến năm 1960, Nhật Bản có bước phát triển nhanh. Từ năm 1960 đến năm 1973, kinh tế Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển "thần kì".

Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của Nhật Bản từ năm 1960 đến năm 1969 là 10,8%, từ năm 1970 đến năm 1973 tuy có giảm đi nhưng vẫn đạt bình quân 7,8%, cao hơn các nước phát triển khác. Năm 1968, kinh tế Nhật Bản đã vượt Anh, Pháp, CHLB Đức, vươn lên đứng thứ hai trong thế giới tư bản (sau Mỹ).

Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính của thế giới (cùng với Mĩ và Tây Âu).

Từ đầu những năm 70 trở đi, Nhật Bản rất coi trọng phát triển giáo dục và khoa học – kĩ thuật. Đặc biệt, Nhật Bản đã tìm cách rút ngắn khoảng cách về sự phát triển khoa học kĩ thuật bằng cách mua bằng phát minh sáng chế và chuyển giao công nghệ. Tính đến năm 1968, Nhật Bản đã mua bằng phát minh của nước ngoài trị giá 6 tỉ USD.

Hình 29. Cầu Sêtô Ôhasi, nối hai đảo Hônsu và Sicô cư

Đến giữa thập kỉ 70, chi phí nghiên cứu phát triển của Nhật Bản trong tỉ lệ GDP đứng thứ hai trên thế giới (sau Mĩ). Khoa học – kĩ thuật và công nghệ Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất phục vụ nhu cầu dân dụng, đạt được nhiều thành tựu lớn.

Ngoài các sản phẩm dân dụng nổi tiếng thế giới (như tivi, tủ lạnh, ô tô v.v...), Nhật Bản có thể đóng được tàu chở dầu có trọng tải 1 triệu tấn ; xây dựng các công trình to lớn như đường ngầm dưới biển dài 53,8 km nối 2 đảo Hồnsu và Hốccaiđô, cầu đường bộ dài 9,4 km nối hai đảo Hônsu và Sicô cư V.V...

Từ một nước bại trận, chịu hậu quả chiến tranh rất nặng nề, chỉ sau một thời gian ngắn, Nhật Bản đã vươn lên thành một siêu cường kinh tế (sau Mỹ) là do một số yếu tố sau : 1 – Người dân Nhật Bản với truyền thống văn hoá, giáo dục, đạo đức lao động tốt, tiết kiệm, tay nghề cao và có nhiều khả năng sáng tạo là nhân tố hàng đầu của sự phát triển kinh tế. Con người được coi là vốn quý nhất, đồng thời là "công nghệ cao nhất". 2 – Nhà nước quản lí kinh tế một cách hiệu quả, có vai trò rất lớn trong việc phát triển nền kinh tế ở tầm vĩ mô. 3 – Các công ti Nhật Bản năng động, có tầm nhìn xa, quản lí tốt nên có tiềm lực và sức cạnh tranh cao. 4 – Nhật Bản luôn áp dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật hiện đại, không ngừng nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. 5 – Chi phí cho quốc phòng của Nhật Bản ít (Hiến pháp quy định không vượt quá 1% GDP), nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho kinh tế. 6 – Nhật Bản biết tận dụng các yếu tố bên ngoài như tranh thủ các nguồn viện trợ của Mĩ sau chiến tranh, dựa vào Mĩ về mặt quân sự để giảm chi phí quốc phòng, lợi dụng các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950 – 1953) và Việt Nam (1954 – 1975) để làm giàu.

Hình 30. Tàu cao tốc tại Nhật Bản

Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản vẫn phải đối mặt với những thách thức 1 – Lãnh thổ Nhật Bản không lớn, dân số đông, tài nguyên khoáng sản rất nghèo nàn, thường xảy ra thiên tai (động đất, núi lửa...), nền công nghiệp hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn nguyên liệu và nhiên liệu nhập khẩu. Mặc dù nông nghiệp có trình độ phát triển cao, nhưng Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm. 2 − Cơ cấu vùng kinh tế của Nhật Bản thiếu cân đối, tập trung chủ yếu vào ba trung tâm là Tôkiô, Ôxaca và Nagôia, trong khi các vùng khác được đầu tư phát triển rất ít, giữa công nghiệp và nông nghiệp cũng có sự mất cân đối. 3 – Là một trong những trung tâm kinh tế – tài chính thế giới, Nhật Bản luôn gặp sự cạnh tranh quyết liệt của Mĩ, Tây  u, các nước công nghiệp mới (NICs), Trung Quốc... và tâm lí e ngại ở nước ngoài về một "đế quốc kinh tế" Nhật Bản. 4 – Cũng như kinh tế Mĩ, Nhật Bản không thể giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản nằm ngay trong bản thân nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Về chính trị, từ năm 1955 trở đi, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) liên tục cầm quyền ở Nhật Bản (cho đến năm 1993). Đáng chú ý là dưới thời Thủ tướng Ikêđa Hayatô (1960 – 1964), Nhật Bản chủ trương xây dựng một "Nhà nước phúc lợi chung" và đưa ra kế hoạch tăng thu nhập quốc dân lên gấp đôi trong vòng 10 năm (1960 – 1970). Chính trong thời gian này, kinh tế Nhật Bản đã có sự phát triển "thần kì".

Nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản là liên minh chặt chẽ với Mĩ. Hiệp ước An ninh Mĩ – Nhật kí năm 1951 có giá trị trong 10 năm, sau đó được kéo dài vĩnh viễn. Năm 1956, Nhật Bản đã bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Liên Xô và cũng trong năm này trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Phong trào đấu tranh của nhân dân Nhật Bản vì hoà bình, dân chủ và dân sinh, chống chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam, cũng như các cuộc đấu tranh theo mùa (mùa xuân và mùa thu) kể từ năm 1954 trở đi đòi tăng lương, cải thiện đời sống luôn diễn ra mạnh mẽ.

– Nêu những nhân tố thúc đẩy sự phát triển "thần kì" của nền kinh tế Nhật Bản.

– Những thách thức đối với nền kinh tế Nhật Bản là gì ?

III – NHẬT BẢN TỪ NĂM 1973 ĐẾN NĂM 1991

Sau giai đoạn phát triển "thần kì", do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, từ năm 1973 trở đi, sự phát triển kinh tế của Nhật Bản thường xen kẽ với những giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đứng thứ hai trong thế giới tư bản (sau Mĩ). Từ nửa sau những năm 80, Nhật Bản đã vươn lên thành siêu cường tài chính số một thế giới với dự trữ vàng và ngoại tệ gấp 3 lần Mĩ, 1,5 lần CHLB Đức. Nhật Bản cũng là chủ nợ lớn nhất thế giới.

Về chính trị, từ năm 1973 đến năm 1993, Đảng Dân chủ Tự do tiếp tục cầm quyền (từ Thủ tướng Tanaca đến Thủ tướng Miyadaoa), đưa Nhật Bản vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển.

Trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh căng thẳng trong những năm 70 – đầu những năm 80, lực lượng phòng vệ của Nhật Bản được tăng cường.

Lực lượng phòng vệ dân sự không ngừng tăng lên, được trang bị hiện đại. Nếu năm 1952, Nhật Bản mới có 75 000 quân thì đến những năm 70 là 269 000 quân. Chi phí quốc phòng tuy không vượt quá 1% GDP, nhưng vì khối lượng GDP của Nhật Bản rất lớn, nên trên thực tế, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cũng rất lớn. Theo Hiệp ước An ninh Nhật – Mĩ, số quân Mĩ đóng ở Nhật Bản là 46 000 người. Những căn cứ quan trọng nhất của Mĩ được đặt trên đảo Ôkingoa

Với sức mạnh kinh tế – tài chính ngày càng lớn, từ nửa sau những năm 70, Nhật Bản cố gắng đưa ra chính sách đối ngoại riêng của mình. Năm 1973, Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 21 – 9), bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Năm 1978, Hiệp ước Hoà bình và Hữu nghị Nhật – Trung đã được kí kết.

Sự ra đời của "học thuyết Phucưđa" tháng 8 – 1977 được coi như là mốc đánh dấu sự "trở về" châu Á của Nhật Bản, trong khi vẫn coi trọng quan hệ Nhật – Mĩ, Nhật – Tây Âu. "Học thuyết Kaiphu" do Thủ tướng Kaiphu đưa ra năm 1991 là sự phát triển tiếp tục học thuyết Phucưđa trong điều kiện lịch sử mới.

Nội dung chính của học thuyết Phucuđa là củng cố mối quan hệ với các nước Đông Nam Á trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và là bạn hàng bình đẳng của các nước ASEAN.

Nêu những điểm chính trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản giai đoạn 1973 – 1991.

IV – NHẬT BẢN TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2000

Trong thập niên 90, mặc dù nền kinh tế suy thoái nhưng Nhật Bản vẫn là một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn của thế giới.

Tỉ trọng của Nhật Bản trong nền sản xuất của thế giới là 1/10. GDP của Nhật Bản năm 2000 là 4 746 tỉ USD, thu nhập bình quân trên đầu người là 37 408 USD.

Khoa học – kĩ thuật của Nhật Bản tiếp tục phát triển ở trình độ cao, tập trung vào lĩnh vực sản xuất phục vụ nhu cầu dân dụng. Trong công cuộc chinh phục vũ trụ, tính đến năm 1992, Nhật Bản đã phóng 49 vệ tinh và hợp tác có hiệu quả với Mĩ, Nga trong các chương trình vũ trụ quốc tế.

Về chính trị, sau 38 năm Đảng Dân chủ Tự do (LDP) liên tục cầm quyền (1955 – 1993), từ năm 1993 đến năm 2000, các đảng đối lập hoặc liên minh các đảng phái khác nhau đã tham gia nắm quyền lãnh đạo, tình hình xã hội Nhật Bản có phần không ổn định.

Chỉ trong 3 năm, từ năm 1993 đến năm 1996, Nhật Bản đã có tới 5 lần thay đổi nội các (từ Thủ tướng Hôsôkaoa đến Thủ tướng Hasimôtô). Trận động đất ở Côbê (1 – 1995) gây thiệt hại lớn về người và của, vụ khủng bố bằng hơi độc trong đường tàu điện ngầm của giáo phải Aum (3 - 1995), nạn thất nghiệp tăng cao... đã làm cho nhiều người Nhật Bản hết sức lo lắng.

Về đối ngoại, Nhật Bản tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mĩ. Tháng 4 – 1996, trong chuyến thăm của Tổng thống Mĩ B. Clinton đến Nhật Bản, hai bên đã ra tuyên bố tái khẳng định việc kéo dài vĩnh viễn Hiệp ước An ninh Mĩ – Nhật. Mặt khác, với các học thuyết Miyadaoa (1 – 1993) và học thuyết Hasimôtô (1 – 1997), Nhật Bản vẫn coi trọng quan hệ với Tây Âu và mở rộng hoạt động đối ngoại với các đối tác khác trên phạm vi toàn cầu.

Với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kể từ đầu thập niên 90 đến nay, các quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản với các nước NICs và ASEAN tiếp tục gia tăng với tốc độ ngày càng mạnh mẽ.

Tính đến năm 1995, xuất nhập khẩu của Nhật Bản vào khu vực này tăng liên tục trong 13 năm liền. Với các nước ASEAN, đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản tăng rất nhanh, năm 1990 tăng 7,8 lần so với năm 1989, và đến năm 1995 tăng 11,2%. Viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho châu Á năm 1998 là 5,28 tỉ USD (chiếm 50% tổng viện trợ ODA trên toàn thế giới), trong đó, tổng số vốn ODA dành cho Việt Nam là 103,2 tỉ yên (tương đương 733,26 triệu USD).

Như vậy, vai trò, vị trí và ảnh hưởng của Nhật Bản ngày càng lớn trên trường quốc tế cả về kinh tế và chính trị.

Về văn hoá, là một nước tư bản phát triển, nhưng Nhật Bản vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống và bản sắc văn hoá của mình. Sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại là nét đáng chú ý trong đời sống văn hoá Nhật Bản. Không chỉ văn, thơ, nhạc, hoạ, kiến trúc hiện đại Nhật Bản đã có được chỗ đứng trên thế giới, mà ngay các giá trị văn hoá truyền thống như Hoa đạo, Trà đạo v.v... cũng rất được quan tâm ở nước ngoài.

Nêu những nét cơ bản về tình hình kinh tế và chính trị của Nhật Bản trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Những yếu tố nào khiến cho Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính của thế giới trong nửa sau thế kỉ XX?

2. Trình bày những nét chính về chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kì Chiến tranh lạnh.

PHẦN ĐỌC THÊM

1. MĨ PHÓNG CON TÀU APÔLÔ LÊN MẶT TRĂNG

Ngày 17 – 4 – 1970

Con tàu Apôlô 13 hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương sau một hành trình không thành công tới Mặt Trăng. Nhiệm vụ được dự định là thực hiện cuộc đổ bộ xuống Mặt Trăng lần thứ ba nhưng đã đột nhiên bị gián đoạn vào ngày 13 – 4 sau 2 ngày rưỡi cất cánh do nổ môđun vận hành gây mất điện ở khoang điều khiển của phi thuyền. Các nhà du hành vũ trụ phải sử dụng động cơ của tàu đổ bộ lên Mặt Trăng để điều khiển con tàu bay trở về Trái Đất.

Ngày 9 – 2 – 1971

Apôlô 14 rơi xuống biển Thái Bình Dương sau 9 ngày bay trong vũ trụ, bao gồm 33 tiếng đồng hồ bay trên quỹ đạo của Mặt Trăng.

Ngày 16 – 4 – 1972

Mĩ phóng con tàu Apôlô 16. Nhiệm vụ của tàu lên Mặt Trăng. Đây là chuyến thám hiểm có người lái lần thứ 5 nhằm thu thập các mẫu đá từ vùng núi Decartes. Sau 11 ngày bay trong không gian gồm ba ngày trên Mặt Trăng, các nhà du hành vũ trụ Mĩ đã quay trở lại Trái Đất.

(Niên giám lịch sử Hoa Kì,
NXB Khoa học Xã hội, H., 2004, tr.1135, 1138, 1143)

2. SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)

Hiện nay EU là một trung tâm kinh tế hùng mạnh trên thế giới, có tốc độ tăng trưởng khá ổn định : tốc độ tăng GDP năm 1996 là 1,6%, năm 1997 là 2,5%, năm 1999 là 2,0%. Năm 1998 trong cơn bão tài chính – tiền tệ làm nghiêng ngả nền kinh tế thế giới thì Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục quá trình phát triển tuy có bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này. Sự bừng sáng của kinh tế EU được xem là một trong những nhân tố giúp cho nền kinh tế thế giới tránh được nguy cơ suy thoái toàn cầu.

(Bùi Huy Khoát (Chủ biên), Thúc đẩy quan hệ thương mại –
đầu tư giữa EU và Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XXI,
NXB Khoa học Xã hội, H., 2001, tr. 27 – 28)

3. VỊ TRÍ CỦA NHẬT BẢN TRONG NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI

Đứng trên phương diện kinh tế thì sự phát triển "thần kì" của Nhật Bản là một hiện tượng nổi bật, và hầu như người ta đều thống nhất thời gian diễn ra sự thần kì đó là từ thập niên 60 đến đầu những năm 70. Trong thời kì "tăng trưởng giảm tốc" từ đầu thập niên 70 trở lại đây, tuy nền kinh tế Nhật đã mất đi sự "thần kì" của nó, nhưng tốc độ phát triển vẫn lớn và vẫn cao hơn mức tiêu chuẩn quốc tế (mặc dù có xen lẫn những thời kì khủng hoảng và suy thoái ngắn). Chứng minh rõ rệt nhất cho điều đó là kể từ đầu thập niên 70 cho đến nay, Nhật luôn giữ vững vai trò là một trong ba trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất của thế giới tư bản (Mĩ – Tây Âu – Nhật Bản) và là siêu cường kinh tế thứ hai của thế giới (sau Mĩ).

(Lê Văn Quang, Lịch sử Nhật Bản,
Tủ sách Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh – 1996, tr. 248 – 249)

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

toan-9-tap-2-834

Toán 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

giao-duc-the-chat-3-1048

Giáo Dục Thể Chất 3

Sách Lớp 3 Cánh Diều

am-nhac-2-263

Âm Nhạc 2

Sách Lớp 2 Cánh Diều

toan-3-1060

Toán 3

Sách Lớp 3 NXB Giáo Dục Việt Nam

toan-1-268

TOÁN 1

Sách Lớp 1 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.