Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 12 (Nâng Cao) - Bài 25: Xây Dựng CNXH Ở Miền Bắc, Chiến Đấu Chống Chiến Lược "Chiến Tranh Đặc Biệt" Của Đế Quốc Mĩ Ở Miền Nam (1961 - 1965) | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 25: Xây Dựng CNXH Ở Miền Bắc, Chiến Đấu Chống Chiến Lược "Chiến Tranh Đặc Biệt" Của Đế Quốc Mĩ Ở Miền Nam (1961 - 1965) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, nhân dân ta phát triển cuộc khởi nghĩa quần chúng lên chiến tranh cách mạng, chống chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mĩ.

I – MIỀN BẮC XÂY DỰNG BƯỚC ĐẦU CƠ SỞ VẬT CHẤT – KĨ THUẬT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (1961 – 1965)

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9 – 1960)

Giữa lúc cách mạng ở hai miền Nam – Bắc có những bước tiến quan trọng, Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III.

Hình 73. Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9 – 1960)

Đại hội họp từ ngày 5 đến 10 – 9 – 1960 ở Hà Nội. Tham dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước. Đại hội đề ra nhiệm vụ của cách mạng cả nước và cách mạng từng miền ; chỉ rõ vị trí, vai trò của cách mạng từng miền, mối quan hệ giữa cách mạng hai miền.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của cách mạng cả nước. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Cách mạng hai miền có quan hệ mật thiết, gắn bó và tác động lẫn nhau nhằm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện hoà bình thống nhất đất nước.

Đối với miền Bắc, Đại hội khẳng định đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Để thực hiện mục tiêu trên, phải tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lí, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.

Đại hội thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng và kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965) nhằm xây dựng bước đầu cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng, bầu Bộ Chính trị. Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng, Lê Duẩn được bầu giữ chức Bí thư thứ nhất của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng là "nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà"(1).

2. Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961 – 1965)

Bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, miền Bắc chuyển sang lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm. Nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm là ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, tiếp tục công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và tăng cường thành phần kinh tế quốc doanh, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động, củng cố quốc phòng, tăng cường trật tự và an ninh xã hội.

(1) Văn kiện Đại hội III – Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Xuất bản tháng 9 1960, tr. 210.

Trong tất cả các ngành, các giới đều dấy lên phong trào thi đua yêu nước sôi nổi : nông nghiệp có "Đại Phong", công nghiệp có "Duyên Hải", thủ công nghiệp có "Thành Công", quân đội có "Ba nhất", giáo dục có "Hai tốt"...

Ngành công nghiệp được ưu tiên đầu tư xây dựng. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN, từ năm 1961 đến năm 1964, vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho công nghiệp là 48%, trong đó công nghiệp nặng chiếm gần 80%. Giá trị sản lượng ngành công nghiệp nặng năm 1965 tăng 3 lần so với năm 1960.

Hình 74. Máy cày thay thế sức trâu

Trong những năm 1961 – 1965, 100 cơ sở sản xuất mới được xây dựng. Một số nhà máy cơ khí, điện năng được xây dựng hoặc mở rộng như Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy xe đạp Thống Nhất, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Nhà máy điện Uông Bí, Khu Gang thép Thái Nguyên... các khu công nghiệp Việt Trì, Thượng Đình (Hà Nội), các nhà máy đường Vạn Điểm, Sông Lam, sứ Hải Dương, pin Văn Điển, dệt 8 – 3, dệt kim Đông Xuân, đã sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ dân sinh và quốc phòng. Công nghiệp quốc doanh chiếm tỉ trọng 93% trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp toàn miền Bắc, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp nhẹ cùng với tiểu thủ công nghiệp đã giải quyết được 80% hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân.

Trong nông nghiệp, sau khi đưa đại bộ phận nông dân vào các hợp tác xã, từ năm 1961, các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao. Nông dân bước đầu áp dụng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hệ thống thuỷ nông phát triển, trong đó có công trình Bắc – Hưng – Hải. Nhiều hợp tác xã đạt và vượt năng suất 5 tấn thóc trên 1 hécta gieo trồng.

Thương nghiệp quốc doanh được Nhà nước ưu tiên phát triển nên đã chiếm lĩnh thị trường, góp phần phát triển kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất mới, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân.

Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường liên tỉnh, liên huyện, đường sông, đường hàng không được củng cố. Việc đi lại trong nước và giao thông quốc tế thuận lợi hơn trước.

Hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học phát triển nhanh.

Năm học 1964 – 1965, miền Bắc có hơn 9.000 trường phổ thông cấp I, cấp II và cấp III với tổng số trên 2,6 triệu học sinh. Hệ đại học và trung học chuyên nghiệp có 18 trường, tăng gấp 2 lần so với năm học 1960 – 1961.

Hệ thống y tế, chăm lo sức khoẻ được đầu tư phát triển, xây dựng khoảng 6 000 cơ sở.

Miền Bắc còn làm nghĩa vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong 5 năm, một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, thuốc men... được chuyển vào chiến trường. Ngày càng có nhiều đơn vị vũ trang, cán bộ quân sự và cán bộ các ngành được đưa vào miền Nam tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng.

Những thành tựu đạt được trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (1961 – 1965) và nói chung trong 10 năm (1954 – 1964) đã làm thay đổi bộ mặt xã hội miền Bắc. Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, tháng 3 – 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói : "Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới."(1)

Tuy nhiên, khi đề ra kế hoạch 5 năm (1961 – 1965), chúng ta đã phạm một số sai lầm, khuyết điểm do tư tưởng chủ quan, nóng vội, giáo điều, thể hiện trong việc đề ra phương châm tiến lên chủ nghĩa xã hội nhanh, mạnh, vững chắc, trong việc đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu quá cao, không tính đến khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia, H., 1996, tr. 224.

Kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961 – 1965) đang thực hiện có kết quả, thì ngày 7 – 2 – 1965, đế quốc Mĩ chính thức mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Miền Bắc phải chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế cho phù hợp với điều kiện chiến tranh.

– Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp trong bối cảnh lịch sử như thế nào ? Nêu nội dung và ý nghĩa của Đại hội.

– Miền Bắc đã đạt được những thành tựu và có những hạn chế gì trong thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm (1961 – 1965)?

II – MIỀN NAM CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN LƯỢC "CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT" CỦA ĐẾ QUỐC MĨ (1961 – 1965)

1. Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mĩ ở miền Nam

Sau phong trào "Đồng khởi" (1959 – 1960), nhân dân ta ở miền Nam tiếp tục nổi dậy, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn.

Trong khi đó, trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc dâng lên mạnh mẽ, trực tiếp đe doạ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Để đối phó lại, G. Kennơđi, vừa lên làm Tổng thống nước Mĩ (đầu năm 1961), đã đề ra chiến lược toàn cầu "Phản ứng linh hoạt" và tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam với chiến lược "Chiến tranh đặc biệt".

"Chiến tranh đặc biệt" là một hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới, được tiến hành bằng quân đội tay sai, dưới sự chỉ huy của hệ thống "cố vấn" Mĩ, dựa vào vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương tiện chiến tranh của Mĩ, nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta.  m mưu cơ bản của Mĩ trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" là "dùng người Việt đánh người Việt".

Mĩ đề ra "Kế hoạch Xtalây – Taylo" với nội dung chủ yếu là bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Thực hiện kế hoạch, Mĩ tăng cường viện trợ quân sự cho chính quyền Ngô Đình Diệm, tăng nhanh lực lượng quân đội Sài Gòn, tiến hành dồn dân lập "ấp chiến lược", sử dụng phổ biến các chiến thuật mới "trực thăng vận", "thiết xa vận". Viện trợ quân sự của Mĩ tăng gấp đôi. Bộ Chỉ huy quân sự Mĩ (MACV) được thành lập tại Sài Gòn ngày 8 – 2 – 1962 thay cho Đoàn cố vấn viện trợ quân sự Mĩ (MAAG) thành lập năm 1950 để trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

"Ấp chiến lược" (sau đó gọi là "ấp tân sinh") được Mĩ và chính quyền Sài Gòn coi như "xương sống" của "Chiến tranh đặc biệt" và nâng lên thành "quốc sách". Chúng coi việc lập ấp chiến lược" như một cuộc chiến tranh tổng lục nhằm đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi các xã ấp, tách dân khỏi cách mạng, tiến tới nắm dân, thực hiện chương trình "bình định" miền Nam. Chúng dự định dồn 10 triệu nông dân vào 16 000 ấp trong tổng số 17 000 ấp toàn miền Nam.

Được Mĩ hỗ trợ chiến đấu và chỉ huy bằng hệ thống cố vấn, quân đội Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, tiến hành những hoạt động phá hoại miền Bắc, phong toả biên giới, vùng biển nhằm ngăn chặn chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

2. Miền Nam chiến đấu chống chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mĩ

Đáp ứng yêu cầu của cách mạng từ khởi nghĩa từng phần phát triển lên chiến tranh cách mạng, chống "Chiến tranh đặc biệt" của Mĩ và chính quyền Sài Gòn, Trung ương Cục miền Nam được thành lập (1 – 1961) thay cho Xứ uỷ Nam Bộ cũ và các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Quân giải phóng miền Nam (15-2-1961).

Hình 75. Đoàn Chủ tịch UBTƯMTDTGP miền Nam Việt Nam ra mắt tại Đại hội lần thứ nhất (2 – 1962)

Dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Mặt trận Dân tộc giải phóng do Đảng lãnh đạo, Quân giải phóng miền Nam cùng với nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy với tiến công trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị), tiến công địch bằng cả ba mũi chính trị, quân sự, binh vận.

Trong những năm 1961 – 1962, Quân giải phóng đã đẩy lùi nhiều cuộc càn quét, đồng thời với tiến công tiêu diệt nhiều đồn bốt lẻ của địch. Năm 1962, quân dân ta đã đánh nhiều cuộc càn quét lớn của địch vào chiến khu D, căn cứ U Minh, Tây Ninh, phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn.

Cuộc đấu tranh chống và phá "ấp chiến lược" diễn ra gay go, quyết liệt giữa ta và địch, có hàng chục triệu lượt người tham gia phá "ấp chiến lược" đi đôi với xây dựng làng chiến đấu. Với quyết tâm "một tấc không đi, một li không rời", nhân dân miền Nam kiên quyết bám đất, giữ làng, phá thế kìm kẹp của địch.

Mĩ và chính quyền Sài Gòn dù tập trung sức vào dồn dân lập "ấp chiến lược" nhưng cũng chỉ thực hiện được một phần kế hoạch (gần một nửa trong tổng số 16 000 ấp). Đến cuối năm 1962, cách mạng kiểm soát trên một nửa tổng số ấp, với gần 70% nông dân.

Ngày 2 – 1 – 1963, hơn 2000 quân Sài Gòn (được cố vấn Mĩ chỉ huy, có cả lính dù cùng với xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, máy bay lên thẳng) tiến công vào Ấp Bắc (xã Tân Phú – Cai Lậy – Mĩ Tho). Bám sát trận địa, chờ khi địch tiến sát, Quân giải phóng mới nổ súng. Suốt một ngày chiến đấu, tuy lực lượng của Quân giải phóng bằng 1/10 lực lượng của địch, nhưng các mũi tiến công của địch tù nhiều hướng vào Ấp Bắc đều bị bẻ gãy. Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 450 địch (có 19 cố vấn Mỹ), bắn rơi 8 máy bay, bắn cháy 13 xe bọc thép M.113.

Hình 76. Địch tháo chạy trong trận Ấp Bắc (2 – 1 – 1963)

Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, đã bước đầu đánh bại các chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của địch, đánh sụp lòng tin của quân đội Sài Gòn vào trang bị vũ khí hiện đại của Mĩ. Chiến thắng này cũng chứng minh quân dân miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại "Chiến tranh đặc biệt" của Mĩ và chính quyền Sài Gòn. Sau trận Ấp Bắc, phong trào "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công" dấy lên khắp miền Nam.

Phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân trong các đô thị, cả ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là đấu tranh của các tín đồ Phật giáo, của "đội quân tóc dài" chống lại sự đàn áp của chính quyền Diệm.

Hình 77. "Đội quân tóc dài" đấu tranh đòi đế quốc Mĩ rút khỏi miền Nam Việt Nam

Ngày 8 – 5 – 1963, hai vạn tăng ni, Phật tử ở Huế biểu tình phản đối chính quyền Sài Gòn cấm treo cờ Phật. Một làn sóng ủng hộ phong trào Phật tử ở Huế lan rộng trong cả nước, nhất là ở Sài Gòn, Đà Nẵng. Sự kiện Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây xúc động mạnh trong nhân dân. Ngày 16 – 6 – 1963, 70 vạn quần chúng Sài Gòn xuống đường biểu tình chống Mĩ – Diệm, làm rung chuyển cả thành phố.

Phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị cùng với phong trào phá "ấp chiến lược" ở nông thôn và những đòn tiến công liên tiếp của các lực lượng vũ trang cách mạng đã đẩy nhanh quá trình suy sụp của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngày 1 – 11 – 1963, Mĩ giật dây các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn, do Dương Văn Minh cầm đầu, làm cuộc đảo chính giết anh em Diệm – Nhu, với hi vọng ổn định tình hình để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Nhưng cuộc đảo chính đã làm cho chính quyền Sài Gòn lâm vào khủng hoảng triền miên. Chỉ trong vòng 18 tháng sau đó, liên tục diễn ra trên 10 cuộc đảo chính.

Sau khi lên làm Tổng thống (thay G. Kennơđi bị ám sát ngày 22 – 11 – 1963), L. Giônxơn quyết định đẩy mạnh hơn nữa "Chiến tranh đặc biệt". Kế hoạch Giônxơn – Mác Namara thay thế kế hoạch Xtalây – Taylo được vạch ra nhằm tăng cường viện trợ quân sự, ổn định chính quyền Sài Gòn, bình định miền Nam có trọng điểm trong 2 năm (1964 – 1965).

Mặc dù vậy, từng mảng lớn "ấp chiến lược" của địch đã bị phá vỡ. Cuối năm 1964, địch chỉ còn kiểm soát được 3 300 ấp (khoảng 1/5 số ấp dự kiến), tới tháng 6 - 1965, giảm xuống mức thấp nhất, chỉ còn kiểm soát 2 200 ấp. "Ấp chiến lược" – xương sống của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" - đã bị phá sản về cơ bản. Vùng giải phóng ngày càng mở rộng, trở thành hậu phương trực tiếp của cách mạng. Tại vùng giải phóng, chính quyền cách mạng các cấp được thành lập, ruộng đất của Việt gian bị tịch thu được chia cho dân cày nghèo.

Hình 78. Phá "ấp chiến lược", khiêng nhà về nơi ở cũ

Sau chiến thắng Ấp Bắc, Quân giải phóng nhanh chóng trưởng thành và tiến lên đánh những trận có quy mô lớn. Cuối năm 1964, quân và dân Đông Nam Bộ mở chiến dịch tiến công đông – xuân 1964 – 1965 với trận mở màn đánh vào ấp Bình Giã.

Ngày 2 – 12 – 1964, Quân giải phóng mở trận tiến công vào ấp Bình Giã (Bà Rịa). Trong hơn 1 tháng, Quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1 700 địch (trong đó có 60 cố vấn Mỹ, tịch thu và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.

Thừa thắng sau chiến thắng Bình Giã, Quân giải phóng và nhân dân miền Nam đẩy mạnh tiến công xuân – hè 1965 và giành nhiều thắng lợi trong các chiến dịch An Lão (Bình Định), Ba Gia (Quảng Ngãi), Đồng Xoài (Bình Phước). Từng đơn vị lớn của địch bị tiêu diệt gọn hoặc thiệt hại nặng. Quân đội Sài Gòn, lực lượng nòng cốt của "Chiến tranh đặc biệt", không còn đủ sức đương đầu với các cuộc tiến công lớn của Quân giải phóng và đứng trước nguy cơ tan rã. Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" thất bại hoàn toàn.

– Trình bày âm mưu và thủ đoạn của Mĩ khi tiến hành "Chiến tranh đặc biệt" (1961 – 1965) ở miền Nam.

 Quân dân miền Nam đã chiến đấu chống "Chiến tranh đặc biệt" (1961 – 1965) và giành thắng lợi như thế nào ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Bằng những sự kiện lịch sử, hãy chứng minh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3 – 1964) : "Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới".

2. Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ ở miền Nam có gì khác nhau giữa hai giai đoạn 1954 – 1960 và 1961 – 1965 ?

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

vo-bai-tap-tu-nhien-va-xa-hoi-2-1036

Vở bài tập TỰ NHIÊN và XÃ HỘI 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

giao-duc-the-chat-6-108

Giáo Dục Thể Chất 6

Sách Chân Trời Sáng Tạo Lớp 6

vat-li-12-nang-cao-753

Vật Lí 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam, gồm 10 chương

toan-2-tap-hai-372

Toán 2 - Tập Hai

Sách Lớp 2 Cánh Diều

vo-bai-tap-dao-duc-1-42

Vở bài tập ĐẠO ĐỨC 1

Sách Lớp 1 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.