Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 12 (Nâng Cao) - Bài 4: Các Nước Đông Nam Á | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 4: Các Nước Đông Nam Á và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, từ cao trào giải phóng dân tộc, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á đã giành được độc lập và bước vào thời kì xây dựng đất nước. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong khu vực bắt đầu có sự thay đổi sâu sắc.

I – SỰ THÀNH LẬP CÁC QUỐC GIA ĐỘC LẬP SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

1. Khái quát về quá trình giành độc lập

Đông Nam Á là khu vực rộng 4,5 triệu km2, dân số 528 triệu người (năm 2000), hiện nay gồm 11 nước(1).

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước trong khu vực (trừ Thái Lan) đều là thuộc địa của các đế quốc Âu – Mĩ. Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Nhật Bản xâm chiếm cả vùng Đông Nam Á và thiết lập trật tự phát xít. Từ cuộc đấu tranh chống thực dân Âu – Mĩ, nhân dân Đông Nam Á chuyển sang đấu tranh chống quân phiệt Nhật Bản, giải phóng đất nước. Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng lực lượng Đồng minh, một số quốc gia tuyên bố độc lập.

Ngày 17 – 8 – 1945, Inđônêxia tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hoà Inđônêxia. Cuộc Cách mạng tháng Tám của nhân dân Việt Nam thành công, dẫn tới sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2 – 9 – 1945). Tháng 8 – 1945, nhân dân các bộ tộc Lào nổi dậy và ngày 12 – 10 năm đó, nước Lào tuyên bố độc lập.

Nhân dân các nước Miến Điện (nay là Mianma), Mã Lai (nay là Malaixia) và Philíppin đều nổi dậy đấu tranh chống quân phiệt Nhật Bản, giải phóng nhiều vùng rộng lớn của đất nước.

(1) Brunây, Campuchia, Đông Timo, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Mianma, Philíppin, Thái Lan, Việt Nam và Xingapo.

Nhưng ngay sau đó, các nước thực dân Âu – Mĩ quay trở lại xâm lược Đông Nam Á. Nhân dân Đông Nam Á lại phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống xâm lược. Trải qua cuộc kháng chiến kiên cường và gian khổ, vào giữa những năm 50, nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đã lần lượt đánh đuổi bọn thực dân ra khỏi đất nước. Vào cuối những năm 40 và những năm 50 của thế kỉ XX, các nước đế quốc Âu – Mĩ đã phải công nhận độc lập của Philippin, Miến Điện, Mã Lai, Xingapo và Inđônêxia.

Tháng 10 – 1944, Mĩ trở lại Philippin, rồi tuyên bố trao trả độc lập cho nước này (4 – 7 – 1946), nhưng vẫn xây dựng ở đây nhiều căn cứ quân sự. Đến năm 1992, Mĩ mới rút khỏi 2 căn cứ quân sự cuối cùng ở Philippin là Clác và Subic.

Phong trào chống thực dân Anh diễn ra mạnh mẽ ở Miến Điện. Tháng 10 – 1947, Anh kí "Hiệp ước Anh – Miến" công nhận Miến Điện là nước độc lập và tự chủ. Ngày 4 – 1 – 1948, Liên bang Miến Điện(1) tuyên bố độc lập.

Tháng 9 – 1945, thực dân Anh tái chiếm Mã Lai. Trước sức ép phong trào đấu tranh của quần chúng, chính phủ Anh phải đồng ý để cho Mã Lai độc lập. Ngày 31 – 8 – 1957, Mã Lai fuyên bố độc lập. Ngày 16 – 9 – 1963, Liên bang Malaixia ra đời, gồm miền Đông (Xaba, Xaraoắc) và miền Tây (Mã Lai, Xingapo).

Xingapo được Anh trao trả quyền tự trị ngày 3 – 6 – 1959, sau đó tham gia Liên bang Malaixia, nhưng đến ngày 9 – 8 – 1965 lại tách ra thành nước cộng hoà độc lập.

Hình 14. Lược đồ khu vực Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai

(1) Từ tháng 6 – 1989 đổi thành Liên bang Mianma.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1954), nhân dân Việt Nam, Lào và tiếp đó là Campuchia phải trải qua một cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ, đến năm 1975 mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Còn Brunây, tới ngày 1 – 1 – 1984 tuyên bố là quốc gia độc lập nằm trong khối Liên hiệp Anh. Đông Timo sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 8 – 1999 đã tách khỏi Inđônêxia, ngày 20 – 5 – 2002 trở thành một quốc gia độc lập.

Trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh lạnh, để ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội và hạn chế thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc, tháng 9 – 1954, Mĩ cùng Anh, Pháp và một số nước đã thành lập khối quân sự mang tên Tổ chức hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á (viết tắt theo tiếng Anh là SEATO). Nhưng sau thắng lợi của cách mạng ba nước Đông Dương vào giữa năm 1975, khối SEATO giải thể (30 – 6 – 1977).

2. Indônêxia

Ngày 17 – 8 – 1945, sau khi quân phiệt Nhật Bản đầu hàng, Xucácnô đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Inđônêxia.

Hưởng ứng Tuyên ngôn Độc lập, nhân dân cả nước, trước hết là ở các thành phố như Giacácta, Xurabaya..., đã nổi dậy chiếm các công sở, đài phát thanh và giành chính quyền từ tay Nhật Bản. Ngày 18 – 8 – 1945, lãnh tụ các chính đảng và các đoàn thể mở hội nghị của Uỷ ban trù bị độc lập Inđônêxia, thông qua bản Hiến pháp, bầu Xucácnô làm Tổng thống nước Cộng hoà Inđônêxia.

Tháng 11 – 1945, với sự giúp đỡ của quân Anh, Hà Lan quay trở lại xâm lược Inđônêxia. Cuộc kháng chiến chống thực dân Hà Lan, bảo vệ độc lập của nhân dân Inđônêxia bùng nổ. Tháng 5 – 1949, Hà Lan và Inđônêxia kí Hiệp định đình chiến tại Giacácta. Tháng 11 năm đó, hai bên kí Hiệp ước La Hay, theo đó nước Cộng hoà Liên bang Inđônêxia nằm trong khối "Liên hiệp Hà Lan – Inđônêxia", bị phụ thuộc nhiều mặt vào Hà Lan. Do cuộc đấu tranh của nhân dân đòi độc lập thật sự và thống nhất, ngày 15 – 8 – 1950, nước Cộng hoà Inđônêxia thống nhất được thành lập. Cuộc kháng chiến của nhân dân Inđônêxia giành được thắng lợi.

Từ năm 1953, chính phủ của Đảng Quốc dân do Xucácnô đứng đầu đã thực hiện nhiều biện pháp củng cố nền độc lập của đất nước.

Đó là : phế bỏ phái đoàn cố vấn quân sự của Hà Lan ở Inđônêxia (1953), huỷ bỏ Hiệp ước La Hay, thu hồi miền Tây Irian (1963), thực hiện rộng rãi các quyền tự do, dân chủ...

Ngày 30 – 9 – 1965, đơn vị quân đội bảo vệ Phủ Tổng thống tiến hành cuộc đảo chính quân sự. Cuộc đảo chính thất bại. Chính phủ mới được thành lập, đến năm 1967, tướng Xuháctô lên làm Tổng thống. Tình hình chính trị dần dần ổn định, Inđônêxia bước vào giai đoạn phát triển kinh tế, văn hoá và giáo dục.

Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ năm 1997 ở Đông Nam Á làm cho Inđônêxia rơi vào tình trạng rối loạn : Xuháctô rời khỏi chức vụ Tổng thống, mâu thuẫn sắc tộc gay gắt, kinh tế suy sụp. Phải đến năm 2001 – 2002, đất nước Inđônêxia mới dần dần được phục hồi nhưng những vụ khủng bố ở Bali, Giacácta..., cùng những thiên tai như nạn động đất, sóng thần khiến cho Inđônêxia vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

3. Lào

Giữa tháng 8 – 1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Nắm thời cơ thuận lợi, ngày 23 – 8 – 1945, nhân dân Lào nổi dậy giành chính quyền. Ngày 12 – 10, Chính phủ Lào ra mắt quốc dân và tuyên bố độc lập.

Tháng 3 – 1946, thực dân Pháp trở lại tái chiếm Lào. Nhân dân Lào một lần nữa phải cầm súng kháng chiến, bảo vệ nền độc lập của mình.

Từ năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào ngày càng phát triển, lực lượng cách mạng ngày càng trưởng thành.

Các chiến khu lần lượt được thành lập ở Tây Lào, Thượng Lào và Đông Bắc Lào. Ngày 20 – 1 – 1949, quân giải phóng nhân dân Lào Látxavông được thành lập do Cayxỏn Phômvihẳn chỉ huy. Ngày 13 – 8 – 1950, Mặt trận Lào tự doChính phủ kháng chiến Lào được thành lập, do Hoàng thân Xuphanuvông đứng đầu.

Trong những năm 1953 – 1954, quân dân Lào đã phối hợp cùng với quân tình nguyện Việt Nam mở các chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào, Thượng Lào..., giành thắng lợi to lớn. Những cuộc tấn công này đã phối hợp chặt chẽ với chiến trường Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần vào chiến thắng chung của nhân dân ba nước Đông Dương. Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương (7 – 1954) đã thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, công nhận địa vị hợp pháp của các lực lượng kháng chiến Lào với một vùng giải phóng ở Sầm Nưa và Phongxali.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương vừa được kí kết, Mĩ đã lập tức hất cẳng Pháp, âm mưu biến Lào thành thuộc địa kiểu mới. Từ đây, nhân dân Lào lại phải cầm súng chống kẻ thù mới là đế quốc Mĩ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào(1) (thành lập ngày 22 – 3 – 1955), cuộc đấu tranh của nhân dân Lào diễn ra trên cả ba mặt trận : quân sự – chính ngoại giao, đã đánh bại các cuộc tấn công quân sự của Mĩ và tay sai. Đến đầu những năm 60, quân dân Lào đã giải phóng 2/3 lãnh thổ với hơn 1/3 dân số cả nước.

(1) Năm 1972 đổi thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Từ giữa năm 1964, cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Lào chính thức chuyển sang hình thái "Chiến tranh đặc biệt" và từ năm 1969 được nâng lên thành “Chiến tranh đặc biệt tăng cường". Tuy nhiên, nhân dân Lào đã từng bước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của Mĩ và lực lượng phái hữu.

Tháng 2 – 1973, Hiệp định Viêng Chăn về lập lại hoà bình và thực hiện hoà hợp dân tộc ở Lào được kí kết giữa Mặt trận Lào yêu nước và phái hữu Viêng Chăn. Chính phủ Liên hiệp dân tộc lâm thời và Hội đồng Quốc gia chính trị liên hiệp được thành lập.

Mùa xuân năm 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân Việt Nam thắng lợi đã cổ vũ và tạo điều kiện cho cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Từ tháng 5 đến tháng 12 – 1975, quân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng đã nổi dậy giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 2 – 12 – 1975, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào chính thức thành lập. Từ đó, nước Lào bước sang thời kì mới – xây dựng đất nước và phát triển kinh tế – xã hội.

4. Campuchia

Đầu tháng 10 – 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược và thống trị Campuchia. Đảng Cộng sản Đông Dương, từ năm 1951 tách ra thành Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, đã lãnh đạo nhân dân Campuchia tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lực lượng kháng chiến ngày càng trưởng thành.

Tháng 4 – 1950, Uỷ ban Mặt trận dân tộc thống nhất (Mặt trận Khơme) và Chính phủ kháng chiến, do Sơn Ngọc Minh đứng đầu, được thành lập. Tháng 6 – 1951, quân đội cách mạng Ixarắc ra đời.

Ngày 9 – 11 – 1953, do cuộc vận động ngoại giao của Quốc vương N. Xihanúc, Chính phủ Pháp đã kí hiệp ước "trao trả độc lập cho Campuchia". Tuy vậy, quân đội Pháp vẫn chiếm đóng Campuchia.

Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Lào và Việt Nam.

Từ năm 1954 đến đầu năm 1970, Chính phủ Xihanúc thực hiện đường lối hoà bình, trung lập, không tham gia bất cứ khối liên minh quân sự hoặc chính trị nào, tiếp nhận viện trợ từ mọi phía, không có điều kiện ràng buộc.

Sau cuộc đảo chính lật đổ Xihanúc ngày 18 – 3 – 1970 của thế lực tay sai Mĩ, Campuchia bị kéo vào quỹ đạo của cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mĩ trên bán đảo Đông Dương.

Cuộc kháng chiến chống Mĩ và tay sai của nhân dân Campuchia, với sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, phát triển nhanh chóng.

Từ tháng 9 – 1973, lực lượng vũ trang Campuchia đã chuyển sang tấn công, bao vây thủ đô Phnôm Pênh và các thành phố khác. Mùa xuân năm 1975, quân dân Campuchia mở cuộc tấn công vào sào huyệt cuối cùng của địch. Ngày 17 – 4 – 1975, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Campuchia kết thúc thắng lợi.

Ngay sau đó, nhân dân Campuchia lại phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tập đoàn Khơme đỏ do Pôn Pốt cầm đầu phản bội cách mạng, thi hành chính sách diệt chủng, tàn sát hàng triệu người dân vô tội. Ngày 3 – 12 – 1978, Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận, được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Campuchia nổi dậy ở nhiều nơi. Ngày 7 – 1 – 1979, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng khỏi chế độ Khơme đỏ diệt chủng, Campuchia bước vào thời kì hồi sinh, xây dựng lại đất nước.

Tuy nhiên, từ năm 1979, ở Campuchia đã diễn ra cuộc nội chiến giữa lực lượng của Đảng Nhân dân Cách mạng với các phe phái đối lập, chủ yếu là lực lượng Khơme đỏ. Cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập kỉ, gây nhiều tổn thất cho đất nước.

Với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các bên Campuchia đã đi đến thoả thuận hoà giải và hoà hợp dân tộc. Ngày 23 – 10 – 1991, Hiệp định hoà bình về Campuchia được kí kết tại Pari. Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 9 – 1993, Quốc hội mới đã thông qua Hiến pháp, tuyên bố thành lập Vương quốc Campuchia do N. Xihanúc làm Quốc vương. Từ đó, Campuchia bước sang một thời kì mới.

Tháng 10 – 2004, Quốc vương Xihanúc tuyên bố thoái vị. Hoàng tử Xihamôni lên kế ngôi, trở thành Quốc vương của Campuchia.

– Trình bày khái quát cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

– Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của nhân dân Inđônêxia diễn ra như thế nào ?

– Hãy phân chia các giai đoạn phát triển của cách mạng giải phóng dân tộc ở Lào từ năm 1945 đến năm 1975 và nêu nội dung chính của từng giai đoạn.

– Hãy chọn các sự kiện chính trong lịch sử Campuchia từ năm 1945 đến năm 1993 và nêu nội dung của sự kiện đó.

II – QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Các nước Đông Nam Á sau khi giành độc lập đã bước vào con đường phát triển kinh tế dân tộc. Trong quá trình xây dựng đất nước, các quốc gia trong khu vực đã thực hiện những chiến lược phát triển kinh tế khác nhau.

1. Nhóm 5 nước sáng lập ASEAN

Sau khi giành được độc lập, các nước Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Philíppin, Thái Lan và Brunây đều tiến hành công nghiệp hoá theo mô hình của các nước tư bản chủ nghĩa.

Ngoài Brunây, 5 nước còn lại (gọi là nhóm nước sáng lập ASEAN) đều tiến hành công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu (chiến lược kinh tế hướng nội) với mục tiêu nhanh chóng xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Chiến lược hướng nội nhìn chung được thực hiện trong khoảng những năm 50 – 60 ; tuy nhiên, thời điểm bắt đầu và kết thúc quá trình này ở các nước không giống nhau.

Philíppin thực hiện công nghiệp hoa thay thế nhập khẩu sớm nhất và dài nhất (1946 – 1970), còn Xingapo thực hiện chiến lược này trong thời gian ngắn nhất (1961 – 1964), Malaixia (1957 – 1970), Thái Lan (1961 – 1972), Inđônêxia (1950 – 1965).

Nội dung chủ yếu của chiến lược kinh tế hướng nội là đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thay thế hàng nhập khẩu, lấy thị trường trong nước làm chỗ dựa để phát triển sản xuất.

Thực hiện chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu, các nước đã đạt được một số thành tựu đáng kể, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, phát triển một số ngành chế biến, chế tạo, giải quyết nạn thất nghiệp,...

Xingapo xây dựng được cơ sở hạ tầng (đường sá, bến cảng,...) tốt nhất khu vực. Sau 11 năm phát triển, kinh tế Thái Lan có bước tiến dài. Kế hoạch phát triển kinh tế 6 năm (1961 – 1966) đã tăng thu nhập quốc dân lên 7,6%, dự trữ ngoại tệ và vàng tăng 15%. Sau kế hoạch 5 năm (1966 - 1970), miền Tây Malaixia đã chấm dứt nhập khẩu gạo, miền Đông giảm nhập khẩu gạo... Inđônêxia xây dựng các khu công nghiệp có quy mô lớn, sản xuất thay thế được một phần các mặt hàng công nghiệp nhập khẩu.

Tuy nhiên, chiến lược kinh tế hướng nội cũng bộc lộ một số hạn chế : thiếu nguồn vốn, nguyên liệu và công nghệ ; chi phí cao dẫn tới làm ăn thua lỗ, tệ tham nhũng, quan liêu phát triển ; đời sống người lao động còn khó khăn, chưa giải quyết được quan hệ giữa tăng trưởng với công bằng xã hội.

Sự hạn chế của chiến lược này đã buộc chính phủ 5 nước nói trên, từ thập kỉ 60 – 70 trở đi, chuyển sang chiến lược công nghiệp hoá lấy xuất khẩu làm chủ đạo (chiến lược kinh tế hướng ngoại), "mở cửa" nền kinh tế, thu hút vốn và kĩ thuật của nước ngoài, tập trung sản xuất hàng hoá để xuất khẩu, phát triển ngoại thương.

Sau khi thực hiện chiến lược kinh tế hướng ngoại, các nước trên đã thu được nhiều thành tựu. Tỉ trọng công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã lớn hơn nông nghiệp, mậu dịch đối ngoại tăng trưởng nhanh.

Năm 1980, tổng kim ngạch xuất khẩu của 5 quốc gia sáng lập ASEAN đạt tới 130 tỉ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch ngoại thương của các quốc gia và khu vực đang phát triển. Vấn đề công bằng xã hội và tăng trưởng được cải thiện. Thập kỉ 70 đã chứng kiến tốc độ phát triển cao của nền kinh tế Inđônêxia : từ 2,5% (những năm 60) lên 7% – 7,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan (1985 – 1995) là 9% ; của Malaixia đạt từ 6,3% đến 8,5% (1960 – 1990). Xingapo là nước chuyển biến mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng 12% (166 – 1973) và trở thành "con rồng" nổi trội nhất trong 4 "con rồng kinh tế" của châu Á.

Mặc dù đạt được thành tựu to lớn, nhưng chiến lược này cũng có những hạn chế như phụ thuộc vào vốn và thị trường bên ngoài quá lớn, đầu tư bất hợp lí...

Biểu hiện điển hình của sự hạn chế này là cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ năm 1997 tác động lớn vào nền kinh tế của các nước Thái Lan, Inđônêxia, Philippin, Malaixia và Xingapo. Cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình trạng chính trị không ổn định ở một số nước. Đến những năm 1999 – 2000, kinh tế của các nước này mới được khôi phục, tốc độ tăng trưởng của cả khu vực là 4% – 5%.

2. Nhóm các nước Đông Dương

Sau khi giành được độc lập, các nước Đông Dương(1) về cơ bản đã phát triển nền kinh tế tập trung và đã đạt được một số thành tựu, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Vào những năm 80 – 90 của thế kỉ XX, các nước này từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Trong thời kì xây dựng đất nước, mặc dù đã đạt được một số thành tựu bước đầu, nhưng Lào vẫn là nước nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển. Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, Lào thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế có những bước phát triển khá nhanh, đời sống các dân tộc được cải thiện.

Năm 2000, GDP tăng 5,7%, sản xuất nông nghiệp tăng 4,5%, công nghiệp tăng 9,2%. Tuy nhiên, bình quân thu nhập theo đầu người còn thấp (281 USD năm 1999 và 324 USD năm 2000).

Sau khi thành lập Vương quốc (1993), tình hình chính trị dần dần ổn định, Campuchia bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế và xã hội, đạt được một số thành tựu đáng kể.

(1) Nội dung lịch sử Việt Nam giai đoạn này được đề cập trong các bài về lịch sử Việt Nam ở phần sau.

Tỉ lệ tăng trưởng GDP năm 1999 là 6,9%, năm 2000 là 5,4%. Mặc dù tỉ lệ sản xuất công nghiệp tăng 7% (1995), nhưng Campuchia vẫn là nước nông nghiệp, thu nhập quốc dân bình quân theo đầu người còn thấp (265 USD năm 2000).

3. Các nước khác ở Đông Nam Á

Nền kinh tế Brunây có nét khác với 5 nước sáng lập ASEAN. Hầu như toàn bộ nền kinh tế Brunây đều dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí tự nhiên (chiếm tới 75% thu nhập trong nước). Lương thực, thực phẩm phải nhập tới 80%. Do có nhiều dầu lửa và khí đốt, dân số lại ít (336 000 người – năm 2000), nên tổng thu nhập bình quân theo đầu người của nước này lên tới 18 000 USD (2000). Từ giữa những năm 80 của thế kỉ XX, Chính phủ tiến hành điều chỉnh các chính sách cơ bản nhằm đa dạng hoá nền kinh tế, tiết kiệm năng lượng, gia tăng các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Sau gần 30 năm thi hành chính sách tự lực hướng nội của chính quyền quân sự, Mianma có cơ sở hạ tầng rất lạc hậu, xuất khẩu gạo – thế mạnh của Mianma – giảm dần, tốc độ tăng trưởng kinh tế rất thấp... Từ cuối năm 1998, Chính phủ tiến hành cải cách kinh tế với ba chính sách lớn : kêu gọi đầu tư và "mở cửa", giải phóng khu vực kinh tế tư nhân, xử lí có hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước. Cuộc cải cách bước đầu mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 1995 là 7% ; năm 1998 : 5,8% ; năm 1999 : 11%, năm 2000: 6,2%.

– Nêu những nét chính trong công cuộc xây dựng đất nước ở Lào và Campuchia.

– So sánh các chiến lược kinh tế hướng nội và hướng ngoại của nhóm nước sáng lập ASEAN. Nội dung, thành tựu và hạn chế của từng chiến lược.

III – SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TỔ CHỨC ASEAN

Bước vào nửa sau những năm 60 của thế kỉ XX, tình hình Đông Nam Á và thế giới có nhiều biến chuyển tác động tới các nước trong khu vực. Sau hơn 20 năm đấu tranh giành và bảo vệ độc lập cũng như xây dựng kinh tế, nhiều nước trong khu vực bước vào thời kì ổn định, dốc sức phát triển kinh tế. Các nước đều có nhu cầu hợp tác với nhau để cùng phát triển. Trong bối cảnh Mĩ ngày càng sa lầy trên chiến trường Đông Dương, họ muốn liên kết lại để một mặt giảm bớt sức ép của các nước lớn, mặt khác hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đang thắng lợi ở Trung Quốc và Việt Nam. Hơn nữa, những tổ chức hợp tác mang tính khu vực trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là sự thành công của Khối thị trường chung châu  u (EEC) đã cổ vũ rất lớn đối với các nước Đông Nam Á.

Ngày 8 – 8 – 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước : Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xingapo và Thái Lan.

Mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hoá thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hoà bình và ổn định khu vực.

Trong giai đoạn đầu (1967 – 1975), ASEAN là một tổ chức non trẻ, sự hợp tác trong khu vực còn lỏng lẻo, chưa có vị thế trên trường quốc tế. Từ giữa những năm 70, ASEAN có những bước tiến mới. Sự phát triển này được đánh dấu bằng Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Bali (Inđônêxia) tháng 2 – 1976 với việc kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (gọi tắt là Hiệp ước Bali).

Hiệp ước Bali xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước : tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau ; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực đối với nhau ; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình ; hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá và xã hội.

Vào thời điểm này, quan hệ giữa các nước Đông Dương và ASEAN bước đầu được cải thiện. Hai nhóm nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao và bắt đầu có các chuyến đi thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao.

Tuy nhiên, tù cuối thập kỉ 70 đến giữa thập kỉ 80 của thế kỉ XX, tình hình giữa hai nhóm nước căng thẳng do sự kích động, can thiệp của các nước lớn khi Việt Nam đưa quân vào giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Khơme đỏ. Đến giữa những năm 80, khi tình hình Campuchia dần dần hoà dịu, ASEAN bắt đầu quá trình đối thoại với Việt Nam. Đây cũng là thời kì kinh tế các nước ASEAN bắt đầu tăng trưởng.

Năm 1984, sau khi giành được độc lập, Brunây gia nhập và trở thành thành viên thứ 6 của ASEAN.

Từ đầu những năm 90, Chiến tranh lạnh chấm dứt và "vấn đề Campuchia" được giải quyết, tình hình chính trị khu vực được cải thiện căn bản, ASEAN có điều kiện mở rộng tổ chức, kết nạp thành viên mới.

Năm 1992, Việt Nam và Lào tham gia Hiệp ước Bali. Tiếp đó, ngày 28 – 7 – 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Năm 1997, Lào và Mianma gia nhập ASEAN. Năm 1999, Campuchia được kết nạp vào tổ chức này.

Như vậy, từ 5 nước sáng lập ban đầu, ASEAN đã phát triển thành 10 nước thành viên. Từ đây, ASEAN đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, ổn định để cùng phát triển.

Năm 1992, ASEAN quyết định sẽ tổ chức Đông Nam Á thành một khu vực mậu dịch tự do (viết tắt tiếng Anh là AFTA) trong vòng 10 – 15 năm. Năm 1993, theo sáng kiến của ASEAN, Diễn đàn khu vực (viết tắt tiếng Anh là ARF) được thành lập với sự tham gia của 18 nước trong và ngoài khu vực(1), nhằm tạo nên môi trường hoà bình và ổn định cho sự phát triển của Đông Nam Á. Năm 1996, Hội nghị lần thứ nhất của tổ chức Diễn đàn hợp tác Á – Âu (viết tắt là ASEM) họp ở Băng Cốc có các vị nguyên thủ của 15 nước châu Âu, 10 nước châu Á và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu tham gia nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các nước thuộc hai châu lục(2).

Hình 15. Các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao (không chính thức) lần thứ ba (Philíppin, 11 – 1999)

Tháng 11 – 2007, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 đã kí kết bản Hiến chương ASEAN nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN có vị thế cao hơn và hiệu quả hơn.

(1) Đến năm 2005, ARF bao gồm 23 thành viên.

(2) Hội nghị ASEM 5 (2004) tại Hà Nội đã kết nạp thêm 10 nước châu  u và 3 nước châu Á.

– Nguyên nhân ra đời của tổ chức ASEAN là gì ?

– Hãy cho biết nội dung chính của Hiệp ước Bali năm 1976.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Lập niên biểu về các sự kiện chính trong quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước của nhân dân Đông Nam Á (1945 – 2000).

2. Tại sao nói từ đầu những năm 90, một thời kì mới đã mở ra cho các nước Đông Nam Á ?

3. Sưu tầm những tài liệu lịch sử (ảnh, văn kiện, các bản Tuyên bố, số liệu...) về tổ chức ASEAN và quan hệ Việt Nam – ASEAN.

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

toan-8-tap-1-917

Toán 8 - Tập 1

Sách Lớp 8 Chân Trời Sáng Tạo

toan-8-tap-1-516

Toán 8 - Tập 1

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

tieng-anh-4-our-explore-world-2559

Tiếng Anh 4 - Our Explore World

Tiếng Anh 4 - Our Explore World

toan-2-tap-mot-403

Toán 2 - Tập Một

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

cong-nghe-9-dinh-huong-nghe-nghiep-987

Công Nghệ 9 (Định hướng nghề nghiệp)

Sách Lớp 9 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.