Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 12 (Nâng Cao) - Bài 27: Chiến Đấu Chống Chiến Lược "Việt Nam Hóa Chiến Tranh" Ở Miền Nam Và Chiến Tranh Phá Hoại Miền Bắc Lần 2 Của Đế Quốc Mĩ | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 27: Chiến Đấu Chống Chiến Lược "Việt Nam Hóa Chiến Tranh" Ở Miền Nam Và Chiến Tranh Phá Hoại Miền Bắc Lần 2 Của Đế Quốc Mĩ và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh cục bộ", Mĩ tiến hành chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" ở miền Nam và mở rộng chiến tranh không quân, hải quân phá hoại miền Bắc (lần thứ hai) ; miền Nam chiến đấu chống chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mĩ. Thời gian giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại, miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – văn hoá, làm nghĩa vụ hậu phương.

I – CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN LƯỢC "VIỆT NAM HOÁ CHIẾN TRANH" VÀ "ĐÔNG DƯƠNG HOÁ CHIẾN TRANH" CỦA ĐẾ QUỐC MĨ (1969 – 1973)

1. Chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và "Đông Dương hoá chiến tranh" của đế quốc Mĩ

Đầu năm 1969, Níchxơn vừa lên nắm chính quyền đã đề ra chiến lược toàn cầu "Ngăn đe thực tế" (thay cho chiến lược "Phản ứng linh hoạt" của Kennơđi) và tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới, thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" ở miền Nam và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương với chiến lược "Đông Dương hoá chiến tranh".

Chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" được tiến hành bằng lực lượng quân đội Sài Gòn là chủ yếu, có sự phối hợp về hoả lực, không quân, hậu cần của Mĩ và vẫn do Mĩ chỉ huy bằng hệ thống cố vấn.

Với chiến lược "Việt Nam hoa chiến tranh", quân Mĩ và quân đồng minh rút dần khỏi chiến tranh để giảm xương máu người Mĩ trên chiến trường, đồng thời là quá trình tăng cường lực lượng của quân đội Sài Gòn nhằm tận dụng xương máu người Việt Nam. Thực chất đó là sự tiếp tục thực hiện âm mưu "Dùng người Việt đánh người Việt" của Mĩ.

Quân đội Sài Gòn còn được Mĩ sử dụng như lực lượng xung kích ở Đông Dương trong các cuộc hành quân mở rộng xâm lược Campuchia (1970), tăng cường chiến tranh ở Lào (1971), thực hiện âm mưu "Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương".

Mĩ còn dùng thủ đoạn ngoại giao, như lợi dụng mâu thuẫn Trung – Xô, thoả hiệp với Trung Quốc, hoà hoãn với Liên Xô nhằm hạn chế sự giúp đỡ của các nước đó đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

2. Chiến đấu chống chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và "Đông Dương hoá chiến tranh" của Mĩ

Nhân dân ta chiến đấu chống chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" là chống lại cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện được tăng cường và mở rộng ra toàn Đông Dương ; vừa chiến đấu chống địch trên chiến trường, vừa đấu tranh với địch trên bàn đàm phán.

Thắng lợi chính trị mở đầu giai đoạn chống "Việt Nam hoá chiến tranh" là sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ngày 6 – 6 – 1969. Đó là chính phủ hợp pháp của nhân dân miền Nam. Vừa ra đời, Chính phủ cách mạng lâm thời đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của nhân dân ta ở cả hai miền và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đang trên đà thắng lợi thì Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2 – 9 – 1969. Đó là một tổn thất lớn, không gì có thể bù đắp đối với dân tộc ta, đối với cách mạng nước ta.

Hình 83. Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh (9 – 9 – 1969)

Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử. Trong Di chúc, Người nêu rõ : "Cuộc kháng chiến chống Mĩ có thể kéo dài... Đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mĩ đến thắng lợi hoàn toàn... Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mĩ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". Người cũng nhắc nhở "Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta ở hai miền đẩy mạnh kháng chiến chống Mĩ, cứu nước.

Trong hai năm 1970 – 1971, nhân dân ta cùng với nhân dân hai nước Campuchia và Lào đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trên mặt trận quân sự và chính trị.

Trong hai ngày 24 và 25 – 4 – 1970, Hội nghị cấp cao ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia họp nhằm đối phó lại việc Mĩ chỉ đạo bọn tay sai làm đảo chính lật đổ Chính phủ trung lập Xihanúc của Campuchia (18 – 3 – 1970) để chuẩn bị cho bước phiêu lưu quân sự mới ; biểu thị quyết tâm của nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết chiến đấu chống Mĩ.

Hình 84. Xihanúc, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, Xuphanuvông (từ trái sang phải) tại Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương

Từ ngày 30 – 4 đến ngày 30 – 6 – 1970, quân đội Việt Nam có sự phối hợp của quân dân Campuchia đã đập tan cuộc hành quân xâm lược Campuchia của 10 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu 17 000 địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với 4,5 triệu dân.

Từ ngày 12 – 2 đến ngày 23 – 3 – 1971, quân đội Việt Nam có sự phối hợp của quân dân Lào đã đập tan cuộc hành quân mang tên "Lam Sơn – 719" chiếm giữ Đường 9 – Nam Lào của 4,5 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu 22 000 địch, buộc quân Mĩ và quân đội Sài Gòn phải rút khỏi Đường 9 – Nam Lào, giữ vững hành lang chiến lược của cách mạng Đông Dương.

Thắng lợi trên mặt trận quân sự đã hỗ trợ và thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị, chống "bình định".

Ở khắp các thành thị, phong trào của các tầng lớp nhân dân nổ ra liên tục. Đặc biệt ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, phong trào học sinh, sinh viên nổ ra rầm rộ đã thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Phong trào học sinh, sinh viên có vai trò quan trọng, thường "châm ngòi nổ" cho phong trào chung của các tầng lớp nhân dân thành thị.

Tại các vùng nông thôn, đồng bằng, rừng núi, ven thị, khắp nơi có phong trào của quần chúng nổi dậy chống "bình định", phá "ấp chiến lược" của địch. Đến đầu năm 1971, cách mạng giành quyền làm chủ thêm 3600 ấp với 3 triệu dân. Chính quyền cách mạng cũng đã cấp cho nông dân trên 1,6 triệu hécta ruộng đất. Trong vùng giải phóng, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp được đẩy mạnh.

3. Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972

Bước vào năm 1972, quân ta mở cuộc Tiến công chiến lược từ ngày 30 – 3, lấy Quảng Trị làm hướng tiến công chủ yếu bên cạnh các hướng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, rồi phát triển rộng ra khắp chiến trường miền Nam.

Quân ta tiến công địch với cường độ mạnh, quy mô lớn, trên hầu khắp các địa bàn chiến lược quan trọng. Chỉ trong thời gian ngắn (đến cuối tháng 6 – 1972), quân ta chọc thủng ba phòng tuyến mạnh nhất của địch là Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20 vạn tên địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và đông dân.

Sau đòn mở đầu bất ngờ của quân ta, quân đội Sài Gòn có sự yểm trợ của Mĩ đã phản công lại, gây cho ta nhiều tổn thất ; Mĩ gây trở lại chiến tranh phá hoại miền Bắc từ ngày 6 – 4 – 1972.

Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", buộc Mĩ phải tuyên bố "Mĩ hoá" trở lại chiến tranh xâm lược (tức thừa nhận thất bại của "Việt Nam hoá chiến tranh").

– Nêu âm mưu và thủ đoạn của Mĩ trong chiến lược "Việt Nam hoa chiến tranh" và "Đông Dương hoá chiến tranh" (1969 – 1973).

– Nêu những thắng lợi chung của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao trong chiến đấu chống chiến lược 'Việt Nam hoá chiến tranh" và "Đông Dương hoá chiến tranh" của Mĩ (1969 – 1973).

– Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam đã diễn ra như thế nào ? Nêu kết quả và ý nghĩa.

II – MIỀN BẮC KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI, CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ HAI CỦA MĨ VÀ LÀM NGHĨA VỤ HẬU PHƯƠNG (1969 – 1973)

1. Miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội

Miền Bắc vừa trải qua cuộc chiến tranh phá hoại, vì vậy, yêu cầu cấp bách trước mắt là khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội. Một yêu cầu cấp bách khác đặt ra đối với miền Bắc giai đoạn này là khắc phục những yếu kém trong nền kinh tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ba cuộc vận động chính trị lớn được phát động : đẩy mạnh lao động sản xuất phát huy dân chủ và tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần chúng xã viên ở nông thôn ; nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh.

Trên khắp miền Bắc dấy lên phong trào thi đua học tập, công tác, lao động sản xuất, nhằm khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.

Trong nông nghiệp, Nhà nước đề ra một số chủ trương khuyến khích sản xuất. Chăn nuôi được đưa lên thành ngành chính. Các hợp tác xã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật và nhiều biện pháp thâm canh tăng vụ. Nhờ đó, nhiều hợp tác xã đạt được mục tiêu 5 tấn thóc trên một hecta gieo trồng, một số hợp tác xã đạt từ 6 đến 7 tấn. Sản lượng lương thực năm 1970 tăng hơn 60 vạn tấn so với năm 1968. Việc cải tiến quản lí hợp tác xã có bước tiến đáng kể.

Trong công nghiệp, nhiều cơ sở công nghiệp trung ương và địa phương bị tàn phá được khôi phục nhanh chóng. Nhiều công trình đang làm dở được ưu tiên đầu tư xây dựng tiếp, đưa vào hoạt động. Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà (Yên Bái) là nhà máy thuỷ điện đầu tiên của ta được gấp rút hoàn thành và bắt đầu phát điện từ tháng 10 – 1971. Một số ngành công nghiệp quan trọng, như điện, than, cơ khí, vật liệu xây dựng... đều có bước phát triển. Giá trị sản lượng công nghiệp năm 1971 tăng 142% so với năm 1968.

Hệ thống giao thông vận tải, nhất là các tuyến giao thông chiến lược bị phá hoại nặng nề, được khẩn trương khôi phục.

Văn hoá, giáo dục, y tế cũng nhanh chóng được khôi phục và phát triển. Đời sống nhân dân ổn định. Một số khó khăn do sai lầm, khuyết điểm của ta trong chỉ đạo, quản lí kinh tế – xã hội bước đầu được khắc phục.

2. Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa sản xuất

Ngày 6 – 4 – 1972, Mĩ cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi thuộc khu IV cũ. Ngày 16 – 4 – 1972, Níchxơn chính thức tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc (lần thứ hai) ; đến ngày 9 – 5 – 1972, tuyên bố phong toả cảng Hải Phòng cùng các cửa sông, luồng lạch, vùng biển miền Bắc.

Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Níchxơn vượt xa cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Giônxơn cả về quy mô, tốc độ, cường độ đánh phá, sử dụng các loại máy bay hiện đại nhất như B52, F111. Ý đồ của Níchxơn là cứu nguy cho chiến lược "Việt Nam hoa chiến tranh", tạo thế mạnh trên bàn đàm phán ở Pari.

Nhờ được chuẩn bị trước và với tư thế luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, miền Bắc đã chủ động, kịp thời chống trả địch ngay từ trận đầu.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các hoạt động sản xuất xây dựng ở miền Bắc vẫn không bị ngừng trệ, giao thông vận tải bảo đảm thông suốt, các mặt hoạt động khác như văn hoá, giáo dục, y tế được duy trì và phát triển.

Ngày 14 – 12 – 1972, gần 2 tháng sau khi tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, để hỗ trợ cho mưu đồ chính trị – ngoại giao mới, Níchxơn phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, bắt đầu từ tối ngày 18 đến hết ngày 29 – 12 – 1972, nhằm giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải kí một hiệp định có lợi cho Mĩ.

Quân dân ta ở miền Bắc đã đánh trả không quân Mĩ những đòn đích đáng, bắn rơi 81 máy bay (trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111), bắt sống 43 phi công Mĩ, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của chúng. Thắng lợi này được coi như trận "Điện Biên Phủ trên không".

Tính chung, trong cả cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai (từ 6 – 4 – 1972 đến ngày 15 – 1 – 1973), miền Bắc bắn rơi 735 máy bay Mĩ (trong đó có 61 máy bay B52, 10 máy bay F111), bắn chìm 125 tàu chiến, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm phi công Mĩ.

Hình 85. Máy bay Mĩ bị bắn rơi trên đường phố Hà Nội

"Điện Biên Phủ trên không" là trận thắng quyết định của ta, đã buộc Mĩ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc (15 – 1 – 1973) và kí Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (27 – 1 – 1973).

3. Miền Bắc thực hiện nghĩa vụ hậu phương lớn

Trong thời gian Mĩ ngừng ném bom sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và cả trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai, miền Bắc đã tập trung lớn khả năng về lực lượng và phương tiện để khắc phục kịp thời hậu quả của những trận đánh phá khốc liệt, vượt qua những cuộc bao vây phong toả gắt gao của địch, bảo đảm tiếp nhận tốt hàng viện trợ từ bên ngoài và chi viện theo yêu cầu của tiền tuyến miền Nam, cả chiến trường Lào và Campuchia.

Trong 3 năm (1969 – 1971), hàng chục vạn thanh niên miền Bắc được gọi nhập ngũ, có 60% trong số đó lên đường bổ sung cho các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Khối lượng vật chất đưa vào các chiến trường tăng gấp 1,6 lần so với 3 năm trước đó. Năm 1972, miền Bắc đã động viên hơn 22 vạn thanh niên bổ sung cho lực lượng vũ trang; đưa vào chiến trường 3 nước Đông Dương nhiều đơn vị bộ đội được huấn luyện, trang bị đầy đủ. Khối lượng vật chất đưa vào chiến trường năm 1972 tăng gấp 1,7 lần so với năm 1971.

– Miền Bắc đã đạt được những thành tựu gì trong việc thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội từ năm 1969 đến năm 1973 ?

– Quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của Mĩ cuối năm 1972 như thế nào ? Nêu kết quả và ý nghĩa.

– Miền Bắc đã thực hiện nghĩa vụ của hậu phương như thế nào đối với tiền tuyến miền Nam từ năm 1969 đến năm 1973 ?

III – ĐẤU TRANH TRÊN MẶT TRẬN NGOẠI GIAO, HIỆP ĐỊNH PARI NĂM 1973 VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, LẬP LẠI HOÀ BÌNH Ở VIỆT NAM

1. Đấu tranh đòi Mĩ xuống thang chiến tranh và thương lượng ở Hội nghị Pari

Đầu năm 1967, sau thắng lợi trong hai mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967, ta chủ trương mở thêm mặt trận tiến công ngoại giao, nhằm tố cáo tội ác của đế quốc Mĩ, vạch trần luận điệu hoà bình bịp bợm của chúng, nêu cao tính chất chính nghĩa, lập trường đúng đắn của ta, tranh thủ rộng rãi sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế.

Mục tiêu đấu tranh ngoại giao trước mắt của ta là đòi Mĩ chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, coi đó là điều kiện tiên quyết để đi đến thương lượng ở bàn hội nghị.

Ngày 31 – 3 – 1968, sau đòn tiến công bất ngờ của quân dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Giônxơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và bắt đầu nói đến đàm phán với Việt Nam.

Ngày 13 – 5 – 1968, cuộc đàm phán chính thức Hai bên, giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ Hoa Kì họp phiên đầu tiên ở Pari.

Ngày 1 – 11 – 1968, Tổng thống Mĩ Giônxơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. Từ đây, đấu tranh giữa ta và Mĩ chủ yếu xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất về hình thức Hội nghị Bốn bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Hoa Kì và Việt Nam Cộng hoà (chính quyền Sài Gòn).

Hội nghị Bốn bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu tiên ngày 25 – 1 – 1969 tai Pari.

Từ phiên họp đầu tiên đến khi đạt được giải pháp hiệp định, Hội nghị Bốn bên ở Pari trải qua nhiều phiên họp chung công khai và nhiều cuộc tiếp xúc riêng. Lập trường Bốn bên, mà thực chất là Hai bên Việt Nam và Hoa Kì, rất khác nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn thương lượng.

2. Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam

Trong các phiên họp chung công khai cũng như trong các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất : đòi quân Mĩ và quân đồng minh rút hết khỏi miền Nam và đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Phía Mĩ có quan điểm ngược lại, nhất là vấn đề rút quân, đòi quân đội miền Bắc cũng phải rút khỏi miền Nam, và từ chối kí dự thảo Hiệp định do phía Việt Nam đưa ra (10 – 1972) để rồi mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 với ý đồ buộc phía Việt Nam kí dự thảo Hiệp định do Mĩ đưa ra.

Nhưng Mĩ đã thất bại. Quân dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của Mĩ, làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không", sau đó buộc Mĩ phải kí dự thảo Hiệp định Pari do Việt Nam đưa ra trước đó.

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được kí tắt ngày 23 – 1 – 1973 giữa đại diện hai chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kì, và kí chính thức ngày 27 – 1 – 1973 giữa bốn Ngoại trưởng, đại diện cho các chính phủ tham dự Hội nghị tại Pari. Hiệp định Pari bắt đầu có hiệu lực từ ngày kí chính thức.

Nội dung Hiệp định gồm những điều khoản cơ bản sau :

– Hoa Kì và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

– Cuộc ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam được thực hiện vào 24 giờ ngày 27 – 1 – 1973. Hoa Kì cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống miền Bắc Việt Nam.

– Hoa Kì rút hết quân đội của mình và quân đồng minh trong thời hạn 60 ngày kể từ khi kí hiệp định, huỷ bỏ các căn cứ quân sự Mĩ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

– Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài.

– Hai miền Nam – Bắc Việt Nam sẽ thương lượng về việc thống nhất đất nước không có sự can thiệp của nước ngoài.

– Hai bên tiến hành trao trả tù binh và dân thường bị bắt.

– Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị (lực lượng cách mạng, lực lượng hoà bình trung lập và lực lượng chính quyền Sài Gòn).

– Hoa Kì cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, tiến tới thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước.

Hình 86. Lễ kí chính thức Hiệp định Pari (27 – 1 – 1973)

Ngày 2 – 3 – 1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập tại Pari, gồm đại biểu các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, bốn bên tham gia kí Hiệp định và bốn nước trong Uỷ ban giám sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canada, Hunggari, Inđônêxia), với sự có mặt của Tổng thư kí Liên hợp quốc. Tất cả các nước tham dự Hội nghị đã kí vào bản Định ước công nhận về mặt pháp lí quốc tế Hiệp định Pari về Việt Nam và bảo đảm cho Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh.

Hiệp định Pari về Việt Nam là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân ta ở hai miền đất nước, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc.

Với Hiệp định Pari, Mĩ phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta và rút hết quân về nước. Đó là thắng lợi lịch sử quan trọng, tạo ra thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.?

– Mĩ đã xuống thang chiến tranh để đến bàn đàm phán ở Pari như thế nào ?

– Nêu hoàn cảnh, nội dung, ý nghĩa của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Đế quốc Mĩ đã dùng những thủ đoạn gì nhằm phá vỡ liên minh đoàn kết chiến đấu ba dân tộc Việt Nam – Lào – Campuchia ? Kết quả ra sao ?

2. Lập bảng so sánh những điểm giống và khác nhau giữa Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 và Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973 : hoàn cảnh kí kết, nội dung cơ bản và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định.

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

giao-duc-the-chat-3-1048

Giáo Dục Thể Chất 3

Sách Lớp 3 Cánh Diều

vo-bai-tap-mi-thuat-2-1038

Vở bài tập MĨ THUẬT 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

vo-bai-tap-toan-4-tap-mot-1090

Vở bài tập Toán 4 - Tập Một

Sách Lớp 4 NXB Giáo Dục Việt Nam

ngu-van-tap-2-1150

Ngữ Văn tập 2

Ngữ Văn tập 2

tin-hoc-1367

Tin học

SGK Tin học 11 dành cho học sinh Lớp 11 của NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2019.

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.