Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 12 (Nâng Cao) - Bài 15: Phong Trào Dân Tộc Dân Chủ Ở Việt Nam Từ Năm 1925 Đến Năm 1930 | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 15: Phong Trào Dân Tộc Dân Chủ Ở Việt Nam Từ Năm 1925 Đến Năm 1930 và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Từ năm 1925 đến đầu năm 1930, phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh, các tổ chức cách mạng đã lần lượt ra đời.

I – SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BA TỔ CHỨC CÁCH MẠNG

1. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Sau khi đến Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ. Đa số học viên là thanh niên, học sinh, trí thức Việt Nam yêu nước. Họ "học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật". Phần lớn số học viên đó sau khi học xong "bí mật về nước truyền bá lí luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân"(1). Một số người được gửi sang học tại Trường Đại học Phương Đông Mátxcơva (Liên Xô) hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, H., 1995, tr. 28.

Hình 36. Bìa cuốn sách Đường Kách mệnh

Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã để tổ chức thành nhóm Cộng sản đoàn (2 – 1925).

Tháng 6 – 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết lại, kịch liệt tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và tay sai để tự cứu lấy mình.(2)

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Tổng bộ, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Trụ sở của Tổng bộ đặt tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận của Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Số báo đầu tiên ra ngày 21 – 6 – 1925.

Đầu năm 1927, tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản.

Báo Thanh niên và sách Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận giải phóng dân tộc cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tuyên truyền cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Năm 1928, Hội có gần 300 hội viên, đến năm 1929 có khoảng 1 700 hội viên. Hội đã xây dựng tổ chức cơ sở của mình hầu khắp cả nước. Các kì bộ Trung Kì, Bắc Kì, Nam Kì của Hội lần lượt ra đời.

(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 71.

(2) Xem : Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Văn kiện Đảng – Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, H., 1998, tr. 98.

Hội còn xây dựng cơ sở trong Việt kiều ở Xiêm (Thái Lan). Năm 1926, cơ sở đầu fiên của Hội được xây dựng ở tỉnh Phi Chịt, sau đó phát triển đến các tỉnh U Don, Na Khon v.v...

Từ cuối năm 1928, sau khi có chủ trương “vô sản hoá", nhiều cán bộ của Hội đã đi sâu vào các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cùng lao động và sống với công nhân để tuyên truyền và vận động cách mạng. Phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ.

Trong thời gian hoạt động ở Quảng Châu, ngày 9 – 7 – 1925, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số nhà yêu nước Triều Tiên, Inđônêxia... lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Tôn chỉ của Hội là liên lạc với các dân tộc bị áp bức để cùng làm cách mạng đánh đổ đế quốc.

2. Tân Việt Cách mạng đảng

Ngày 14 – 7 – 1925, một số tù chính trị cũ ở Trung Kì như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên... cùng một nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai... lập ra Hội Phục Việt (1925), sau đó đổi thành Hội Hưng Nam. Tháng 7 – 1926, Hội đổi tên là Việt Nam Cách mạng đảng và đến tháng 7 – 1927 lại đổi tên là Việt Nam Cách mạng đồng chí hội. Hội đã nhiều lần bàn để hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên song không thành. Đến ngày 14 – 7 – 1928, Hội họp Đại hội tại Huế, quyết định đổi tên thành Tân Việt Cách mạng đảng (Đảng Tân Việt).

Đảng Tân Việt chủ trương lãnh đạo quần chúng ở trong nước và liên lạc với các dân tộc bị áp bức trên thế giới để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc nhằm thiết lập một xã hội bình đẳng và bác ái. Đảng tập hợp những trí thức và thanh niên tiểu tư sản yêu nước. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở Trung Kì.

Đảng Tân Việt ra đời và hoạt động trong điều kiện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh nên tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và đường lối của Hội đã lôi cuốn nhiều đảng viên trẻ, tiên tiến của Đảng Tân Việt. Tác phẩm Đường Kách mệnh được coi như sách chỉ dẫn đối với các hội viên Tân Việt.

Một số đảng viên tiên tiến đã chuyển sang Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Số đảng viên tiên tiến còn lại thì tích cực chuẩn bị để tiến tới thành lập một chính đảng theo tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, của học thuyết Mác – Lênin.

3. Việt Nam Quốc dân đảng và khởi nghĩa Yên Bái

Việt Nam Quốc dân đảng được thành lập ngày 25 – 12 – 1927. Hạt nhân đầu tiên của Đảng là Nam đồng thư xã, một nhà xuất bản tiến bộ do Phạm Tuấn Tài lập ra đầu năm 1927. Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính... sáng lập là một chính đảng cách mạng, đề ra mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khi mới thành lập, Đảng chưa có chính cương rõ ràng mà chỉ nêu chung chung là : "Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng". Bản điều lệ của Đảng năm 1928 lại nêu lên chủ nghĩa của Đảng là "chủ nghĩa xã hội dân chủ". Mục đích của Đảng là đoàn kết lực lượng để :

– Đẩy mạnh cách mạng dân tộc ;

– Xây dựng nền dân chủ trực tiếp ; 

– Giúp đỡ các dân tộc bị áp bức.

Hình 37. Nguyễn Thái Học (1904-1930)

Bản Chương trình hành động của Đảng công bố năm 1929 đã nêu nguyên tắc tư tưởng là : "Tự do – Bình đẳng – Bác ái". Chương trình của Đảng chia thành 4 thời kì. Thời kì cuối cùng là bất hợp tác với Chính phủ Pháp và triều đình nhà Nguyễn, cổ động bãi công, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền.

Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương tiến hành "cách mạng bằng sắt và máu", chú trọng lấy binh lính người Việt trong quân đội Pháp làm lực lượng chủ lực. Tổ chức cơ sở của Đảng trong quần chúng rất ít. Địa bàn hoạt động của Đảng chỉ bó hẹp trong một số địa phương ở Bắc Kì, còn ở Trung Kì và Nam Kì không đáng kể.

Đảng thành lập chưa được bao lâu, hệ thống tổ chức mới xây dựng ở một số địa phương, thì đã bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội, Đảng lâm vào tình thế bị động đối phó, nguy cơ tan rã đang đến gần.

Tháng 2 – 1929, Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức vụ ám sát tên trùm mộ phu Badanh ở Hà Nội. Sau đó, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khủng bố dã man. Hàng loạt đảng viên và quần chúng cảm tình với Đảng bị bắt.

Tháng 7 – 1929, Toàn quyền Đông Dương Pátxkiê quyết định lập Toà án đại hình xử những người cách mạng. Ngày 10 – 10 – 1929, phiên toà đặc biệt của chính quyền tay sai ở thành phố Vinh (Nghệ An) xử án 45 chiến sĩ cách mạng, trong đó kết án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú. Việt Nam Quốc dân đảng bị khủng bố nặng nề. Các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu... bị địch truy lùng ráo riết. Nội bộ lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng bị chia rẽ.

Bị động trước tình thế đó, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt còn lại của Đảng đã quyết định dốc hết lực lượng để thực hiện cuộc bạo động cuối cùng với ý tưởng : "Không thành công cũng thành nhân !".

Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng nổ ra đêm 9 – 2 – 1930 ở Yên Bái. Cùng đêm, khởi nghĩa nổ ra ở Phú Thọ, Sơn Tây, sau đó là Hải Dương, Thái Bình... Ở Hà Nội có cuộc đánh bom của quân khởi nghĩa để phối hợp.

Tại Yên Bái, quân khởi nghĩa đã chiếm được trại lính, giết và làm bị thương một số sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp, song không làm chủ được tỉnh lị nên hôm sau bị quân Pháp phản công và dập tắt. Còn các nơi khác, nghĩa quân chỉ tạm thời làm chủ vài huyện lị nhỏ nhưng bị địch nhanh chóng chiếm lại.

Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng bị thất bại nhanh chóng, song đã cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Hành động yêu nước, tấm gương hi sinh của các chiến sĩ cách mạng ở Yên Bái là sự nối tiếp truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Vai trò lịch sử của Việt Nam Quốc dân đảng với tư cách là một chính đảng cách mạng trong phong trào dân tộc vừa mới xuất hiện đã chấm dứt cùng với sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái.

– Trình bày sự ra đời và hoạt động của các tổ chức : Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng đảng và Việt Nam Quốc dân đảng.

– Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã diễn ra như thế nào ? Ý nghĩa lịch sử.

II – PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VÀ CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN VIỆT NAM

Trong hai năm 1926 – 1927 đã nổ ra 27 cuộc đấu tranh của công nhân.

Cuối năm 1928, sau khi có chủ trương "vô sản hoá", nhiều cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, cùng sinh hoạt và lao động với công nhân để tuyên truyền vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân. Phong trào công nhân phát triển mạnh, trở thành nòng cốt của phong trào dân tộc trong cả nước. Trong hai năm 1928 – 1929 đã có tới 40 cuộc đấu tranh của công nhân. Đấu tranh của công nhân đã nổ ra tại các trung tâm kinh tế, chính trị.

Đó là bãi công của công nhân mỏ than Mạo Khê, đồn điền Lộc Ninh, nhà máy cưa Bến Thuỷ, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy in Poócfay (Sài Gòn), hãng dầu Nhà Bè, nhà máy tơ Nam Định, nhà máy chai Hải Phòng, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (Vinh), nhà máy AVIA (Hà Nội), hãng buôn Sácne Sài Gòn, sở ươm cây Hà Nội, nhà máy điện Nam Định, hãng xe hơi Đà Nẵng, nhà máy dệt Nam Định, đồn điền cao su Phú Riềng, hãng dầu Hải Phòng, nhà in Chợ Lớn v.v...

Các cuộc bãi công đó không chỉ giới hạn trong phạm vi một nhà máy, một địa phương, một ngành mà đã bắt đầu có sự liên kết thành phong trào chung.

Cùng với các cuộc bãi công của công nhân, các cuộc đấu tranh của nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh cũng đã diễn ra ở một số nơi, trong đó đáng chú ý là các cuộc đấu tranh của nông dân chống sưu cao, thuế nặng, chống các thủ đoạn chiếm đoạt ruộng đất của cường hào ác bá.

Nêu những nét chính về phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong những năm 1925 – 1929.

III – ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI

1. Sự xuất hiện các tổ chức cộng sản năm 1929

Năm 1929, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân yêu nước khác phát triển, kết thành một làn sóng dân tộc dân chủ ngày càng lan rộng.

Cuối tháng 3 – 1929, với sự nhạy cảm về chính trị, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kì họp tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam gồm có 7 đảng viên(1). Chi bộ mở rộng cuộc vận động để thành lập một đảng cộng sản nhằm thay thế cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

(1) Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Dương Hạc Đính, Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân).

Từ ngày 1 đến ngày 9 – 5 – 1929, Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tại Đại hội, đoàn đại biểu Bắc Kì đặt vấn đề thành lập ngay đảng cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, song không được chấp nhận nên đã bỏ Đại hội về nước.

Đại hội vẫn tiếp tục họp và thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Hội v.v...

Chính cương của Hội xác định cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và chế độ phong kiến Việt Nam, phát triển theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Phải đấu tranh để giành lấy chính quyền, thành lập nền chuyên chính công nông theo hình thức Xô viết ; giai cấp vô sản là giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Đại hội khẳng định việc lập một đảng cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam là một nhu cầu cần thiết, song vì trình độ giác ngộ chính trị và đấu tranh của quần chúng còn non yếu, trình độ lí luận về chủ nghĩa cộng sản và kinh nghiệm đấu tranh của những người cách mạng còn thấp nên chưa thể thành lập ngay đảng cộng sản được. Vì vậy, trước mắt phải chỉnh đốn Hội, tạo điều kiện tổ chức vững rồi sẽ tổ chức đảng cộng sản sau...

Ngày 17 – 6 – 1929, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở Bắc Kì họp Đại hội tại nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng, ra báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận và cử ra Ban Chấp hành Trung ương của Đảng. Đông Dương Cộng sản đảng đã tiếp tục mở rộng tổ chức cơ sở Đảng trong nhiều địa phương ở Bắc, Trung và cả ở Nam Kì.

Khoảng tháng 8 – 1929, các cán bộ lãnh đạo tiên tiến trong Tổng bộ và Kì bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kì cũng đã quyết định lập An Nam Cộng sản đảng. Đảng có một chi bộ hoạt động ở Trung Quốc và một số chi bộ hoạt động ở Nam Kì. Tờ báo Đỏ là cơ quan ngôn luận của Đảng. Vào khoảng tháng 11 – 1929, An Nam Cộng sản đảng họp Đại hội để thông qua đường lối chính trị và bầu Ban Chấp hành Trung ương của Đảng.

An Nam Cộng sản đảng đã tích cực vận động để hợp nhất với Đông Dương Cộng sản đảng, liên lạc với Quốc tế Cộng sản và một số đảng cộng sản trên thế giới. Đảng đã đẩy mạnh cuộc vận động phát triển tổ chức Đảng, Công hội, Nông hội, Đoàn Thanh niên.

Một số đảng viên tiên tiến của Đảng Tân Việt cũng tích cực vận động lập các chi bộ cộng sản và xúc tiến việc chuẩn bị lập đảng cộng sản. Tháng 9 – 1929, những đảng viên tiên tiến trong Đảng Tân Việt tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Nhiều đảng viên Đảng Tân Việt lần lượt gia nhập Đông Dương Cộng sản liên đoàn, hình thành nhiều chi bộ Đảng ở Trung Kì, Nam Kì và cả ở Bắc Kì. Theo kế hoạch, Đông Dương Cộng sản liên đoàn chính thức họp đại hội vào ngày 1 – 1 – 1930, song do nhiều đại biểu trên đường đi dự đại hội bị địch bắt, nên không tiến hành được. Tuy vậy, với Tuyên đạt tháng 9 – 1929, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã chính thức ra đời, hoạt động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản lúc bấy giờ là một xu thế khách quan của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Các tổ chức cộng sản trên đã nhanh chóng phát triển cơ sở trong nhiều địa phương và trực tiếp lãnh đạo các cuộc đấu tranh của quần chúng.

Nhưng các tổ chức đó đều hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng của nhau, thậm chí công kích lẫn nhau làm cho phong trào cách mạng trong cả nước có nguy cơ bị chia rẽ lớn.

Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc được tin Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phân biệt thành hai nhóm, mỗi nhóm tổ chức thành một đảng cộng sản. Người liền rời khỏi Xiêm sang Trung Quốc để thống nhất các tổ chức cộng sản.

2. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Với chức trách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để bàn việc thống nhất đảng.

Hội nghị hợp nhất Đảng bắt đầu họp ngày 6 – 1 – 1930 tại Cửu Long do Nguyễn Ái Quốc chủ trì(1). Dự Hội nghị có Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh là đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu là đại biểu của An Nam Cộng sản đảng.

Hình 38. Nguyễn Ái Quốc đầu những năm 30

(1) Xem : Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, H., 1995, tr. 12.

Nguyễn Ái Quốc phê phán những quan điểm sai lầm của mỗi tổ chức cộng sản riêng rẽ và nêu chương trình hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận và nhất trí với ý kiến của Nguyễn Ái Quốc là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng... do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, có giá trị lí luận và thực tiễn lâu dài đối với cách mạng Việt Nam.

Cương lĩnh xác định đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành cuộc "tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng, làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do ; lập chính phủ công nông binh ; tổ chức quân đội công nông, tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc ; tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cách mạng ruộng đất v.v... Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức. Đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản thì lợi dụng hoặc trung lập, đồng thời phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp vô sản, sẽ giữ vai trò lãnh đạo cách mạng...

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, là một cương lĩnh giải phóng dân tộc sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Độc lập và tự do là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh này.

Nhân dịp Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức bóc lột.

Lời kêu gọi có đoạn :

"Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột của chúng ta".(1)

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử của một Đại hội thành lập Đảng.

Ngày 8 – 2 – 1930, các đại biểu dự Hội nghị về nước.

Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng được thành lập, gồm : Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan, Nguyễn Văn Hới, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hữu Lầu, Lưu Lập Đạo, do Trịnh Đình Cửu đứng đầu. Tiếp đến, các xứ uỷ Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì cũng được thành lập.

Ngày 24 – 2 – 1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản liên đoàn, tổ chức này được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 10.

Sau này, Đại hội Đảng lần thứ III (9 – 1960) quyết định lấy ngày 3 – 2 hằng năm là ngày kỉ niệm thành lập Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp của nhân dân Việt Nam. Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong thời đại mới.

Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng có đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ đảng viên kiên trung nguyện suốt đời hi sinh cho lí tưởng của Đảng, cho độc lập của dân tộc, cho tự do của nhân dân(1).

Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt tiếp theo trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

– Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với quá trình vận động chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Trình bày ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày nội dung Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Tại sao nói Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm lịch sử của cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam trong ba thập kỉ đầu thế kỉ XX ?

PHẦN ĐỌC THÊM

ĐÔNG DƯƠNG

"Tuy rằng Quốc tế Cộng sản đã làm cho vấn đề thuộc địa có được tầm quan trọng xứng đáng với nó bằng cách coi nó là thuộc về những vấn đề thời sự khẩn trương nhất, nhưng trong thực tiễn, các ban thuộc địa ở các cường quốc thực dân, cho đến nay, vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, thậm chí các ban này cũng chưa xem xét vấn đề một cách nghiêm túc !

(1) Theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18 – 2 – 1930, trong toàn Đảng lúc này có 310 đảng viên, còn các tổ chức quần chúng có 3 584 hội viên. Xem : Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 14.

Sự không hoạt động này thật đáng ngạc nhiên, nhất là khi không còn sự tranh cãi nội bộ trong đảng đã được thanh trừ, và đáng ngạc nhiên khi vấn đề tuyển mộ người thuộc địa lại được chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc của chính quốc nghiên cứu ráo riết. Sự không hoạt động này có lẽ do các đồng chí chúng ta không hiểu biết tình hình chính xác của những xứ bị áp bức. Do vậy, tôi thấy có ích, nếu phác hoạ ngắn gọn ở đây tình hình của một trong những thuộc địa lớn nhất của nước Pháp, là Đông Dương.

Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta vẫn thường nghĩ thế, thì lại càng sai hơn nữa. Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm... Việc có những tờ báo và tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng. Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại.

Bị đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm, người ta có thể tưởng rằng cái bầy người ấy cứ mãi mãi bị dùng làm đồ để tế cái ông thần tư bản, rằng bầy người đó không sống nữa, không suy nghĩ nữa và là vô dụng trong việc cải tạo xã hội. Không : người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương. Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ. Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân bản xứ – bọn quan lại – cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng. Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm và khi thời cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ. Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.

Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi : Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi".

NGUYỄN ÁI QUỐC          

(Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1,
NXB Chính trị quốc gia, H., 1995, tr. 27 – 28)

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

bai-tap-giao-duc-cong-dan-6-65

Bài Tập Giáo Dục Công Dân 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

khoa-hoc-tu-nhien-7-883

Khoa Học Tự nhiên 7

Sách Lớp 7 Chân Trời Sáng Tạo

tieng-anh-11-1189

Tiếng Anh 11

Ngôn ngữ thông dụng thứ hai trên thế giới cần thiết như thế nào?

tieng-anh-9-friend-plus-968

Tiếng Anh 9 (Friend Plus)

Sách Lớp 9 Chân Trời Sáng Tạo

hoat-dong-trai-nghiem-4-1957

Hoạt Động Trải Nghiệm 4

NXB Kết nối tri thức - Hoạt động trải nghiệm 4

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.