Sách Giáo Khoa 247

Lịch Sử 12 (Nâng Cao) - Bài 32: Tổng Kết Lịch Sử Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 2000 | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 32: Tổng Kết Lịch Sử Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 2000 và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000 đã diễn ra theo một quá trình liên tục những sự kiện lớn : Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 ; Cách mạng tháng Tám với sự thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1945, kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 "chấn động địa cầu", kháng chiến chống Mĩ với Đại thắng mùa Xuân 1975 và nay là công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986. Mỗi sự kiện là mốc đánh dấu một thời kì phát triển của lịch sử dân tộc.

I – CÁC THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA LỊCH SỬ DÂN TỘC

1. Thời kì 1919 – 1930

(Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1919 đến khi Đảng ra đời năm 1930)

– Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 – 1929) của Pháp đã làm chuyển biến tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam, tạo cơ sở xã hội (giai cấp), điều kiện chính trị (phong trào yêu nước) để tiếp thu luồng tư tưởng cách mạng vô sản.

– Nguyễn Ái Quốc và một số nhà yêu nước khác đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và bài học của Cách mạng tháng Mười về nước đã làm chuyển biến phong trào yêu nước chống Pháp từ lập trường tư sản sang lập trường vô sản.

– Phong trào yêu nước chống Pháp của bộ phận tiểu tư sản chuyển sang lập trường vô sản, cùng với phong trào công nhân chuyển sang tự giác, đòi hỏi phải có Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ba tổ chức cộng sản ra đời vào nửa sau năm 1929 từ hai tổ chức yêu nước – cách mạng (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng đảng) rồi thống nhất thành một Đảng duy nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 đã đáp ứng yêu cầu đó.

2. Thời kì 1930 – 1945

(Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 đến ngày 2 – 9 – 1945)

– Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 cùng với cuộc "khủng bố trắng" của Pháp sau khởi nghĩa Yên Bái (9 – 2 – 1930), đã làm bùng nổ phong trào cách mạng của quần chúng cả nước trong những năm 1930 – 1931. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa phong trào lên tới đỉnh cao với sự thành lập các xô viết ở Nghệ – Tĩnh. Phong trào từ cuối năm 1931 đi vào thoái trào, cách mạng Việt Nam chuyển sang đấu tranh nhằm phục hồi phong trào (1932 – 1935).

– Trong bối cảnh lịch sử những năm 1936 – 1939, khi chủ nghĩa phát xít xuất hiện, đe doạ hoà bình thế giới và phong trào chống phát xít ở Pháp giành thắng lợi bước đầu, ở nước ta dấy lên phong trào đấu tranh công khai rộng lớn. Phong trào đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hoà bình. Đây là phong trào quần chúng có mục tiêu, hình thức đấu tranh mới mẻ ở nước ta và rất hiếm có ở một nước thuộc địa.

– Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) đã tác động đến toàn thế giới. Cuộc chiến đấu của nhân dân Liên Xô và các lực lượng dân chủ thế giới chống phát xít thắng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng nước ta và nhiều nước tiến lên giải phóng dân tộc.

– Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5 – 1941), hoàn chỉnh chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu được đề ra tại Hội nghị Trung ương tháng 11 – 1939 : Giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc trong phạm vi từng nước ở Đông Dương. Từ đây, cách mạng nước ta đẩy mạnh chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

– Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là kết quả của quá trình chuẩn bị và tập dượt trong 15 năm từ khi Đảng ra đời. Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh qua nhiều giai đoạn, toàn diện và trực tiếp nhất là giai đoạn chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa 1939 – 1945. Tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền đã về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập.

3. Thời kì 1945 – 1954

(Sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến ngày 21 – 7 – 1954)

– Trong hơn năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, đất nước gặp muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế hết sức hiểm nghèo, khác nào "Ngàn cân treo sợi tóc". Nhân dân ta vừa xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giải quyết nạn đói, nạn dốt và khó khăn về tài chính, vừa đấu tranh chống ngoại xâm, nội phản, bảo vệ nền độc lập. Từ cuối năm 1946, toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.

– Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) tiến hành trong điều kiện nước ta đã giành được độc lập và chính quyền. Vì vậy, vừa kháng chiến vừa kiến quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong thời kì này :

+ Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ năm 1950 chống cả sự can thiệp của đế quốc Mĩ, trải qua nhiều giai đoạn với các mốc chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947, chiến thắng Biên giới thu – đông năm 1950, chiến thắng Đông – Xuân 1953 – 1954. Điện Biên Phủ là trận thắng quyết định dẫn tới việc kí kết Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, kết thúc chiến tranh.

+ Công cuộc kiến quốc nhằm xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, tạo tiền đề tiến lên chủ nghĩa xã hội sau khi chiến tranh kết thúc.

4. Thời kì 1954 – 1975

(Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954 đến ngày 30 – 4 – 1975)

– Xuất phát từ tình hình đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Đảng đề ra nhiệm vụ cho cách mạng từng miền với hai chiến lược cách mạng và nhiệm vụ chung cho cách mạng hai miền, mối quan hệ giữa cách mạng hai miền, xác định vị trí, vai trò của cách mạng từng miền. Nhiệm vụ chung là "Kháng chiến chống Mĩ, cứu nước".

Ở miền Nam, tiến hành cuộc đấu tranh chính trị phát triển lên khởi nghĩa (từ năm 1959 – 1960) rồi chiến tranh giải phóng (từ giữa năm 1961), kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh trải qua 5 giai đoạn, lần lượt đánh bại 4 chiến lược thống trị và xâm lược thực dân mới của Mĩ : 1954 – 1960, đánh bại chiến lược "Chiến tranh đơn phương" của Aixenhao ; 1961 – 1965, đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Kennơđi và Giônxơn ; 1965 – 1968, đánh bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Giônxơn ; 1969 – 1973, đánh bại về cơ bản chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Níchxơn, đã "đánh cho Mĩ cút" ; 1973 – 1975, đánh bại hoàn toàn chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Níchxơn và Pho, đã "đánh cho nguỵ nhào".

Ở miền Bắc, thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội là sản xuất, lao động xây dựng, và khi Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân thì miền Bắc kết hợp chiến đấu với sản xuất. Miền Bắc còn làm nhiệm vụ của hậu phương chi viện cho tiền tuyến miền Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Campuchia. Miền Bắc đã giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ : lần thứ nhất bắt đầu ngày 5 – 8 – 1964, chính thức từ ngày 7 – 2 – 1965 đến ngày 1 – 11 – 1968 ; lần thứ hai bắt đầu ngày 6 – 4 – 1972, chính thức từ ngày 16 – 4 – 1972 đến ngày 15 – 1 – 1973.

5. Thời kì 1975 – 2000

(Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước năm 1975 đến năm 2000)

– Cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kì cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước từ sau khi đất nước độc lập và thống nhất.

– Trong 10 năm đầu (1976 – 1986), nhân dân ta đã thực hiện hai kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 – 1980 và 1981 – 1985) do Đại hội IV (12 – 1976) và Đại hội V (3 – 1982) của Đảng đề ra. Bên cạnh nhiều thành tựu và ưu điểm, ta gặp không ít khó khăn, yếu kém, cả sai lầm, khuyết điểm. Khó khăn của ta ngày càng lớn, sai lầm chậm được sửa chữa, đưa đến khủng hoảng về kinh tế – xã hội, đòi hỏi phải đổi mới.

– Đường lối đổi mới được đề ra từ Đại hội VI (1986) nhằm khắc phục khó khăn, sửa chữa sai lầm, vượt qua khủng hoảng, đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên. Đến năm 2000, năm cuối của thế kỉ XX, nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi ba kế hoạch Nhà nước 5 năm do Đại hội VI (12 – 1986), Đại hội VII (6 – 1991) và Đại hội VIII (6 – 1996) của Đảng đề ra. Từ năm 2001, nhân dân ta thực hiện tiếp các kế hoạch 5 năm.

– Công cuộc đổi mới đã và đang giành được thắng lợi. Thắng lợi đó đã từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng, bước đi của công cuộc đổi mới là phù hợp.

II – NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI, BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước của nhân dân ta từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến nay trải qua nhiều thời kì, nhiều bước thăng trầm. Từ khi Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin năm 1920 và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy phải chịu nhiều hi sinh gian khổ, nhưng cuối cùng đã giành được thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, mở đầu là thắng lợi Cách mạng tháng Tám, tiếp đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ, và nay là thắng lợi của công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân, cơ bản nhất là :

– Nhân dân ta đoàn kết một lòng, giàu lòng yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu kiên cường, dũng cảm vì độc lập tự do. Truyền thống đó của dân tộc được phát huy cao độ trong thời kì cách mạng do Đảng lãnh đạo.

– Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, là đội tiên phong và là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ là nhân tố thắng lợi hàng đầu, chi phối các nhân tố khác của cách mạng Việt Nam.

Thực tế cách mạng nước ta từ năm 1930 đã để lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu (1):

Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, một bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta.

Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử.

Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết : đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

– Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế.

– Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, NXB Sự thật, H., 1991, tr. 4 – 6.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu những thắng lợi lịch sử tiêu biểu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến năm 2000. Nguyên nhân thắng lợi cơ bản của cách mạng là gì ?

2. Thực tế cách mạng nước ta từ năm 1930 đến năm 2000 đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học kinh nghiệm gì ?

3. Lập bảng về những sự kiện tiêu biểu gắn với từng thời kì trong tiến trình lịch sử Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (năm 1919) đến năm 2000.

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

giao-duc-the-chat-2-1030

Giáo Dục Thể Chất 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

tieng-viet-3-tap-hai-1062

Tiếng Việt 3 - Tập Hai

Sách Lớp 3 NXB Giáo Dục Việt Nam

tu-nhien-va-xa-hoi-1-17

TỰ NHIÊN và XÃ HỘI 1

Sách Lớp 1 Chân Trời Sáng Tạo

cong-nghe-9-trong-cay-an-qua-989

Công Nghệ 9 (Trồng cây ăn quả)

Sách Lớp 9 Kết Nối Tri Thức

sinh-hoc-12-678

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.