Học xong bài học này, em sẽ:
- Mô tả được sự thành lập, quá trình phát triển và suy vong của Phù Nam.
- Trình bày được những nét chính về tổ chức xã hội, kinh tế của Phù Nam.
- Nhận biết được một số thành tựu văn hóa của Phù Nam.
Mở đầu
Khoảng đầu thế kỉ XX, trong khi làm ruộng, nông dân ở vùng Óc Eo (thị trấn Óc Eo,Thoại Sơn, An Giang) đã nhặt được nhiều đồ trang sức quý. Đến năm 1944, Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp đã tổ chức đợt khai quật khảo cổ và phát hiện dấu tích về một vương quốc cổ có phạm vi chủ yếu ở Nam Bộ (Việt Nam) - Vương quốc Phù Nam.
Sự thành lập, phát triển và suy vong của Vương quốc Phù Nam diễn ra như thế nào?
Kiến thức mới
1. Sự ra đời, phát triển và suy vong
Trên cơ sở Văn hoá Óc Eo và sự ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, khoảng thế kỉ I, Vương quốc cổ Phù Nam được thành lập, có phạm vi lãnh thổ chủ yếu thuộc Nam Bộ (Việt Nam ngày nay).
Từ thế kỉ III đến thế kỉ V, Phù Nam trở thành một trong những đế chế mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bước vào thế kỉ VI, Phù Nam dần suy yếu. Đến khoảng đầu thế kỉ VII, Phù Nam bị Chân Lạp - một vương quốc của người Khơ-me thôn tính.
Câu hỏi
Đọc thông tin tư liệu kết hợp quan sát lược đồ hình 10.2 (trang 50), hãy xác định phạm vi lãnh thổ của Vương quốc Phù Nam từ thế kỉ III đến thế kỉ V.
2. Hoạt động kinh tế và tổ chức xã hội
Dựa vào điều kiện tự nhiên thuận lợi, cư dân Phù Nam lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, kết hợp với đánh bắt thuỷ - hải sản, chế tác kim hoàn, sản xuất thủ công và trao đổi, buôn bán. Đặc biệt, ngoại thương đường biển của Phù Nam rất phát triển.
Hình 19.1. Bình gốm Phù Nam
Hình 19.2. Tiền vàng La Mã tìm thấy trong di chỉ Óc Eo (Gò Tháp, Đồng Tháp)
Phù Nam gồm nhiều tiểu quốc nên tổ chức nhà nước còn tương đối lỏng lẻo. Đứng đầu nhà nước là vua, nắm mọi quyền hành, giúp việc là các tăng lữ, quý tộc. Dưới vua là các thủ lĩnh quân sự hay thủ lĩnh địa phương chịu sự chi phối quyền lực của Phù Nam.
Xã hội Phù Nam gồm các lực lượng chính như tăng lữ, quý tộc, nông dân, thương nhân, thợ thủ công.
Câu hỏi
- Đọc thông tin và kết hợp quan sát các hình 19.2, 19,3, hãy nêu các hoạt động kinh tế và vẽ sơ đồ tổ chức xã hội của Phù Nam.
- Hình 19.2 gợi cho em suy nghĩ gì về sự phát triển kinh tế Phù Nam?
3. Một số thành tựu văn hóa
Cư dân Phù Nam đã sáng tạo nhiều thành tựu văn hóa đặc sắc.
Cư dân Phù Nam có tín ngưỡng đa thần và sớm tiếp nhận các tôn giáo từ bên ngoài như Hin-đu giáo, Phật giáo. Đặc biệt, với cảng biển và giao thông đường thủy phát triển, Phù Nam được coi là “trạm trung chuyển” để các tôn giáo này tiếp tục truyền bá sâu rộng hơn vào nhiều vùng đất ở Đông Nam Á.
Nghệ thuật điêu khắc tượng, thần từ đá, gỗ của Phù Nam rất phát triển với những nét sáng tạo mang phong cách riêng - phong cách Phù Nam.
Cư dân Phù Nam ưa sử dụng đồ trang sức làm từ nhiều vật liệu khác nhau như vàng, đá quý,...
Hình 19.3. Tượng Phật Lợi Mỹ (tượng gỗ, Đồng Tháp, thế kỉ VI)
Hình 19.4. Tượng Vít-nu Tân Hội (tượng đồng, An Giang, thế kỉ III - IV)
Hình 19.5. Chữ Phạn khắc trên nhẫn vàng (Óc Eo, thế kỉ V - VI)
Hình 19.6. Bộ sưu tập trang sức Phù Nam
Hình 19.7. Hoa văn tren ván đóng thuyền Phù Nam
(điêu khắc gỗ, Đồng Tháp, thế kỉ VI - VII)
Câu hỏi
Quan sát các hình từ 19.3 đến 19.7 và đọc thông tin, hãy kể tên một số thành tựu văn hóa của cư dân Phù Nam.
Góc mở rộng
Cách ngày nay khoảng 2 000 năm, cư dân Phù Nam đã sáng tạo một loại bếp làm từ đất nung, gọi là cà ràng. Bếp có thành che gió, có đáy giữ tro, lại gọn nhẹ nên rất tiện khi dùng trên thuyền hoặc trên sàn gỗ trong đời sống của cư dân vùng sông nước.
Hình 19.8. Mô hình cà ràng Phù Nam (bên trái)
và ảnh chụp cà ràng ngày nay (bên phải)Các em có thể khám phá thêm về cà ràng qua đường link:
http://www.youtube.com/watch?v=kVRiXVntX5k
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập 1. Lập bảng tóm tắt những nét chính về sự ra đời, phát triển, suy vong; phạm vi lãnh thổ; sinh hoạt kinh tế và tổ chức xã hội của Vương quốc Phù Nam. 2. Vẽ sơ đồ tư duy về những thành tưu văn hóa tiêu biểu của vương quốc Phù Nam Vận dụng 3. Sự ra đời và phát triển của các quốc gia cổ trên lãnh thổ Việt Nam (Nhà nước Văn Lang, nhà nước Âu Lạc, Vương quốc Chăm-pa và Vương quốc Phù Nam) có vị trí, ý nghĩa lịch sử như thế nào? |