Học xong bài học này, em sẽ:
- Mô tả được sự thành lập, quá trình phát triển của Chăm-pa.
- Trình bày được những nét chính về tổ chức xã hội, kinh tế của Chăm-pa.
- Nhận biết được một số thành tựu văn hóa của Chăm-pa.
Mở đầu
Năm 1885, một toán lính Pháp đã tình cờ phát hiện khu đền tháp cổ trong một thung lũng có đường kính khoảng 2 km ở Mỹ Sơn (nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Phát hiện này đã mở đầu cho việc khám phá, tìm hiểu một cách khoa học về một vương quốc cổ – Vương quốc Chăm-pa.
Lịch sử hình thành và phát triển của vương quốc cổ Chăm-pa diễn ra như thế nào?
Kiến thức mới
1. Sự ra đời và quá trình phát triển
Ngay từ buổi đầu cai trị của nhà Hán, nhân dân huyện Tượng Lâm đã “cậy nơi hiểm trở” liên tục nổi dậy.
Em có biết?
Tượng Lâm là huyện xa nhất của quận Nhật Nam (nay thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) vốn là địa bàn sinh sống của người Chăm cổ với nền Văn hóa Sa Huỳnh đã khá phát triển trong nhiều thế kỉ trước Công Nguyên.
Hình 18.1. Lược đồ Vương quốc Chăm-pa (thế kỉ II - X)
Cuối thế kỉ II, Khu Liên đã lãnh đạo nhân dân Tượng Lâm nổi dậy giành quyền tự chủ, đặt tên nước là Lâm Ấp.
Về sau, các vua Lâm Ấp tiếp tục mở rộng lãnh thổ về phía nam, kéo dài đến Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Trong quá trình đó, khoảng thế kỉ VII, tên gọi Lâm Ấp đổi thành Chăm-pa.
Từ sau thế kỉ X, Chăm-pa tiếp tục phát triển và từng bước được sáp nhập, trở thành một bộ phận của đất nước Việt Nam.
Câu hỏi
- Dựa vào lược đồ hình 18.1, hãy xác định phạm vi chủ yếu của Vương quốc Chăm-pa.
- Tóm tắt quá trình ra đời, phát triển của Vương quốc Chăm-pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X.
2. Hoạt động kinh tế và tổ chức xã hội
Hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Chăm-pa là sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, một năm hai vụ. Bên cạnh đó, nghề làm gốm, xây dựng, khai thác lâm sản, đóng thuyền, đánh bắt cá,... cũng rất phát triển. Đặc biệt, với vị trí thuận lợi, trong nhiều thế kỉ, Vương quốc Chăm-pa trở thành cầu nối trao đổi, buôn bán thường xuyên với thương nhân các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập.
Hình 18.2. Đầu ngói lợp có trang trí mặt sư tử (Bình Định, thế kỉ IV - VI)
Trong xã hội Chăm-pa, vua là “đấng tối cao”, đứng đầu vương quốc.
Bộ máy nhà nước được tổ chức từ trung ương đến địa phương (gồm các châu, huyện, làng).
Xã hội Chăm-pa có sự phân chia giàu, nghèo với các tầng lớp chính: tăng lữ, quý tộc, nông dân, dân tự do, nô lệ.
Em có biết?
Hình 18.3. Bia Võ Cạnh (thế kỉ III - IV)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
- Chữ viết: chữ Phạn.
- Nội dung gắn với đời vua Sri Ma-ra.
(Sri trong tiếng Phạn nghĩa là "đấng tối cao". Trong danh xưng của mình, các vua Chăm Pa luôn kèm theo chữ Sri).
Câu hỏi
Hãy trình bày những nét chính về kinh tế và vẽ sơ đồ tổ chức bộ máy nhà nước Chăm-pa.
3. Một số thành tựu văn hóa
Cư dân Chăm-pa đã sáng tạo một nền văn hóa rực rỡ, đặc sắc.
Dựa trên chữ cổ của người Ấn Độ, từ thế kỉ IV, cư dân Chăm-pa đã sáng tạo ra chữ viết riêng, gọi là chữ Chăm cổ.
Về tín ngưỡng, tôn giáo, cư dân Chăm-pa thờ tín ngường đa thần (thần Núi, thần Nước, thần Lúa, thần Biển,...) và du nhập các tôn giáo từ bên ngoài (Phật giáo, Hin-đu giáo....). Các thành tựu văn hoá khác của Chăm-pa đều mang đậm dấu ấn của hệ tín ngưỡng, tôn giáo này.
Về kiến trúc, điêu khắc, cư dân Chăm-pa xây dựng nhiều đền, tháp thờ thần, Phật như: Thánh địa Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam),...
Về lễ hội, cư dân Chăm-pa thường gắn với đời sống hiện thực và các sinh hoạt tín ngưởng, tôn giáo. Trong lễ hội, cúng tế và âm nhạc truyên thống là phần không thể thiếu.
Hình 18.4. Bản dập chữ Chăm cổ (bia Đông Yên Châu, Trà Kiệu, Quảng Nam, thế kỉ IV)
Hình 18.5. Tượng phật Đồng Dương (tượng đồng, Quảng Nam thế kỉ VIII - IX)
Hình 18.6. Hình trang trí trên Đài thờ Trà Kiệu (điêu khắc đá, Quảng Nam, thế kỉ IX - X)
Câu hỏi
Quan sát các hình từ 18.4 đến 18.6 và đọc thông tin, em hãy kể tên một số thành tựu văn hóa tiêu biểu của cư dân Chăm-pa.
Góc mở rộng
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (số 2, đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là một trong những địa điểm tham quan hấp dẫn, trưng bài nghệ thuật điêu khắc của cư dân Chăm-pa cổ. Các em có thể tham quan bảo tàng qua website: chammuseum.vn
Hình 18.7. Đài thờ Trà Kiệu (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng)
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập 1. Lập bảng tóm tắt những nét chính về sự ra đời, phát triển, phạm vi lãnh thổ, sinh hoạt kinh tế và tổ chức xã hội của vương quốc Chăm-pa. 2. Vẽ sơ đồ tư duy về những thành tựu văn hóa tiêu biểu của Vương quốc Chăm-pa. Vận dụng 3. Trong vai hướng dẫn viên du lịch, em hãy giới thiệu về một trong những thành tựu văn hóa của Chăm-pa (như đền, tháp, phù điêu, vũ điệu...). |