Học xong bài này, em sẽ:
- Nhận biết được một số lưới vĩ tuyến của bản đồ thế giới.
- Biết đọc các kí hiệu bản đồ và chú giải bản đồ hành chính, bản đồ địa hình.
- Biết xác định phương hướng trên bản đồ và tính khoảng cách thực tế giữa hai địa điểm trên bản đồ theo tỉ lệ bản đồ.
Mở đầu
Bản đồ là hình vẽ thu nhỏ tương đối chính xác của một khu vực hoặc toàn bộ bề mặt Trái đất. Hiện nay, bản đồ đang trở thành phương tiện được sử dụng phổ biến trong cuộc sống thường ngày, trong điều hành công việc của các công ty, trong quản lí xã hội của các quốc gia,... Bản đồ không giống bức tranh vẽ, cũng không phải là một ảnh chụp. Vậy bản đồ có các yếu tố cơ bản nào?
Kiến thức mới
Một số lưới kinh vĩ tuyến của bản đồ thế giới
Khi vẽ bản đồ, người ta phải chuyển bề mặt cong của Trái Đất sang mặt phẳng. Các chuyên gia bản đồ phải thu nhỏ bề mặt Trái Đất với địa hình phức tạp lên bề mặt quả Địa Cầu, rồi từ đó chuyển lên mặt phẳng thông qua các phép chiếu bản đồ.
Hình 2.1. Chuyển từ mặt cong của Trái Đất sang mặt phẳng
Khi chuyển bề mặt cong của Trái Đắt lên mặt phẳng, các lãnh thổ được thể hiện trên bản đồ đều bị biến dạng nhất định so với hình dạng thực trên bề mặt Trái Đất. Vì vậy, tùy theo mục đích, yêu cầu của việc xây dựng bản đồ, vị trí, quy mô và hình dạng lãnh thổ mà các chuyên gia chọn phép chiếu bản đồ phù hợp.
Với mỗi phép chiếu bản đồ, lưới kinh vĩ tuyến có đặc điểm khác nhau.
Hình 2.2. Một dạng phép chiếu bản đồ có các đường kinh tuyến và vĩ tuyến
đều là các đường thẳng
Hình 2.3. Một dạng phép chiếu bản đồ có các đường kinh tuyến chụm lại ở hai cực,
các đường vĩ tuyến là những đường thẳng
Em có biết?
- Các vùng đất được biểu hiện trên bản đồ có thể đúng diện tích nhưng sai hình dạng hoặc đúng hình dạng nhưng sai diện tích. Khu vực càng xa trung tâm hình chiếu thì sự biến dạng càng rõ rệt.
- Trên thực tế, diện tích đảo Grin-len là khoảng 20 triệu km², diện tích lục địa Nam Mỹ là khoảng 18 triệu km².
Câu hỏi
Quan sát hình 2.2 và hình 2.3, hãy nhận xét về diện tích đảo Grin-len so với lục địa Nam Mỹ.
Kí hiệu bản đồ và chú giải bản đồ
Em có biết?
- Đối với bản đồ đen trắng thì thay cho màu sắc, người ta dùng độ đậm nhạt, các nét kẻ hoặc các cách thể hiện khác để thay thế.
- Những kí hiệu ngành công nghiệp được đặt trong các hình tròn, thể hiện các trung tâm công nghiệp có nhiều ngành công nghiệp.
Hệ thống các kí hiệu trên bản đồ được coi là ngôn ngữ đặc biệt của bản đồ. Người ta dùng các kí hiệu để thể hiện các đối tượng địa lí. Kí hiệu bản đồ chứa đựng các nội dung cần phản ánh về mặt vị trí, phân bố, số lượng, sự phát triển,... trong không gian.
Kí hiệu bản đồ được chia thành các loại: kí hiệu điểm, kí hiệu đường, kí hiệu diện tích (hình 2.4) và chia thành các dạng: kí hiệu hình học, kí hiệu chữ, kí hiệu tượng hình (hình 2.5).
Hình 2 4. Các loại kí hiệu bản đồ
Hình 2.5. Các dạng kí hiệu bản đồ
Hình 2.6. Bảng chú giải bản đồ
Chú giải bản đồ gồm hệ thống kí hiệu và giải thích ý nghĩa của các kí hiệu đó để người sử dụng đọc được nội dung bản đồ.
Đối với bản đồ địa hình, người ta sử dụng các đường đồng mức hoặc thang màu để thể hiện địa hình trên bề mặt Trái Đất.
Ta cần đọc bản chú giải và hiểu được ý nghĩa của các kí hiệu trước khi đọc nội dung bản đồ.
Hình 2.7. Một số phường của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam
Câu hỏi
- Quan sát hình 2.6A và hình 2.6B, hãy cho biết yếu tố địa hình được thể hiện trên bảng chú giải nào.
- Quan sát hình 2.7, hãy cho biết trên hình đã sử dụng các loại kí hiệu nào và các dạng kí hiệu nào. Lấy ví dụ cụ thể.
Tỉ lệ bản đồ
Tỉ lệ bản đồ là gì?
Tỉ lệ bản đồ là yếu tố xác định mức độ thu nhỏ khoảng cách khi chuyển từ thực tế sang thể hiện trên mặt phẳng bản đồ.
Hình 2.8. Ba cách thể hiện tỉ lệ bản đồ
Em có biết?
Căn cứ vào tỉ lệ bản đồ, người ta chia ra:
- Bản đồ tỉ lệ nhỏ: nhỏ hơn 1 : 1 000 000. Tỉ lệ nhỏ được dùng để xây dựng bản đồ quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu.
- Bản đồ tỉ lệ trung bình: từ 1 : 200 000 đến 1 : 1 000000. Tỉ lệ trung bình để xây dựng bản đồ địa phương như cấp tỉnh Việt Nam.
- Bản đồ tỉ lệ lớn: lớn hơn 1 : 200 000. Ví dụ: bản đồ tỉ lệ 1 chia 100 000, 1 : 50 000, 1 : 10 000 để thể hiện chi tiết một khu vực như huyện, xã,...
Câu hỏi
Quan sát hình 2.8 hãy cho biết có bao nhiêu cách để thể hiện tỉ lệ bản đồ. Đó là những cách nào?
Tính khoảng cách trên bản đồ dựa vào tỉ lệ bản đồ
Để tính khoảng cách thực tế giữa hai địa điểm trên bản đồ, ta phải căn cứ vào tỉ lệ bản đồ. Sử dụng tỉ lệ thước là cách đơn giản nhất để tính được khoảng cách.
Để tính khoảng cách theo đường thẳng (đường chim bay) giữa hai địa điểm, ta có thể dùng com-pa (hình 2.9A và 2.9B) hoặc dùng mảnh giấy có cạnh thẳng (hình 2.9C và 2.9D), cũng có thể dùng thước kẻ.
Hình 2.9. Đo khoảng cách bằng com-pa hoặc mảnh giấy
Để đo khoảng cách giữa hai điểm (ví dụ giữa Rạch Gía và Cần Thơ trên hình 2.9), ta thực hiện theo các bước sau:
- Xác định vị trí hai địa điểm cần đo.
- Đặt hai đầu của com-pa vào hai điểm cần đo như hình 2.9A (đối với mảnh giấy, đặt mép thẳng của mảnh giấy sát hai điểm cần đo như hình 2.9C, dùng bút đánh dấu hai điểm đó lên giấy).
- Giữ nguyên độ rộng của com-pa (hoặc mảnh giấy) và đặt lên thước tỉ lệ (hình 2.9B và hình 2.9D) để tìm ra khoảng cách giữa bai điểm trên thực tế.
Trên bản đồ từ Rạch Giá đến Cần Thơ đo được là khoảng 3,3 cm. Căn cứ vào tỉ lệ thước, 1 cm trên bản đồ tương ứng với 20 km trên thực địa, vậy khoảng cách thực tế từ Rạch Giá đến Cần Thơ theo đường thẳng 66 km.
Câu hỏi
Dựa vào hình 2.9, hãy tính khoảng cách từ Bạc Liêu đến Sóc Trăng.
Góc khám phá
Để tính khoảng cách theo đường gấp khúc trên bản đồ, ta có thể thực hiện theo các bước sau:
1. Đặt cạnh giấy thẳng theo đoạn A - B.
2. Đánh dấu tại A và B.
3. Xoay mép giấy tại B nằm thẳng cho đoạn tiếp theo, từ B đến C. Đánh dấu tại C.
4. Xoay mép giấy tại C nằm thẳng cho đoạn tiếp theo, từ C đến D. Đánh dấu tại D.
5. Thực hiện bằng cách này cho những đoạn tiếp theo.
6. Đặt giấy dọc theo thước tỉ lệ để tìm khoảng cách AF.
Hình 2.10. Đo khoảng cách giữa hai điểm hai điểm
theo đường gấp khúc
Phương hướng trên bản đồ
Các hướng chính trên bản đồ được quy định như sau (hình 2.11).
Hình 2.11. Các hướng chính
Hình 2.12. Xác định phương hướng và dựa vào lưới kinh vĩ tuyến
Hình 2.13. Xác định phương hướng dựa vào mũi tên chỉ hướng bắc
Có hai cách xác định phương hướng trên bản đồ là dựa vào các đường kinh tuyến, vĩ tuyến và dựa vào mũi tên chỉ hướng bắc trong bản đồ. Riêng bản đồ khu vực Bắc Cực, các kinh tuyến đều chỉ hướng nam; còn các khu vực Nam Cực, các đường kinh tuyến đều chỉ hướng bắc.
Câu hỏi
Quan sát hình 2.12 và hình 2.13, hãy cho biết các hướng của OA, OB, OC và OD có trong mỗi hình.
Một số bản đồ thông dụng
Người ta chia bản đồ ra làm hai nhóm là nhóm bản đồ địa lí chung và nhóm bản đồ địa lí chuyên đề.
Nhóm bản đồ địa lí chung thể hiện các đối tượng địa lí cụ thể trên bề mặt đất (tự nhiên, kinh tế, xã hội,...) như địa hình, đất, sinh vật, các đặc điểm dân cư, đường giao thông, các vùng sản xuất, ranh giới hành chính,... Nhóm bản đồ này không tập trung làm nổi bật vào yếu tố nào.
Ví dụ: Bản đồ địa lí hành chính Hà Nội, Bản đồ địa lí tỉnh Nghệ An,...
Nhóm bản đồ địa lí chuyên đề có nội dung thể hiện tập trung một hoặc hai đối tượng địa lí, các đối tượng chính được ưu tiên thể hiện.
Ví dụ: Bản đồ phân bố cư dân Việt Nam, Bản đồ phân bố các nhà máy thủy điện ở Việt Nam,...
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập 1. Để thể hiện toàn bộ Trái Đất thì giữa quả địa cầu và bản đồ, phương tiện nào thể hiện đúng hơn? 2. Dựa vào các tỉ lệ sau: 1 : 100 000 và 1 : 9 000 000, hãy cho biết 1cm trên bản đồ ứng với bao nhiêu km trên thực địa ở mỗi tỉ lệ. Vận dụng Chọn một trong hai nhiệm vụ sau: 3. Quan sát hình 2.2 và hình 2.3, hãy cho biết hình nào có độ chính xác hơn khi thể hiện toàn bộ bề mặt Trái Đất lên bản đồ. 4. Khoảng cách thực tế từ Hà Nội đến Hải Phòng là khoảng 120km. Trên một bản đồ hành chính Việt Nam, khoảng cách giữa hai thành phố đo được 10 cm. Vậy bản đồ có tỉ lên bao nhiêu? |