Học xong bài học này, em sẽ:
- Nêu được khoảng thời gian thành lập và xác định được phạm vi lãnh thổ của nước Văn Lang.
- Trình bày được tổ chức nhà nước Văn Lang.
- Mô tả được đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang.
Mở đầu
Khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
"Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Các Vua Hùng đã dựng nước như thế nào?
Hình 12.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện
với các cán bộ chiến sĩ tại đền Hùng (19-9-1954)
Kiến thức mới
1. Sự ra đời nhà nước Văn Lang
Vào khoảng thế kỉ VII TCN, cư dân Lạc Việt đã sống quây quần ở lưu vực các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Cả,... đời sống sản xuất có nhiều chuyển biến, xã hội có sự phân hoá giàu nghèo. Nhu cầu làm thuỷ lợi và chống ngoại xâm đà thúc đẩy sự ra đời của nước Văn Lang, địa bàn chủ yếu ở lưu vực các con sông thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay. Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương (Vua Hùng), đóng đô ở Phong Châu (thuộc Phú Thọ ngày nay).
Câu hỏi
- Nhà nước Văn Lang ra đời vào khoảng thời gian nào?
- Hãy xác định phạm vi lãnh thổ chủ yếu của nước Văn Lang trên lược đồ hình 12.2
2. Tổ chức nhà nước Văn Lang
Sau khi lên ngôi, Hùng Vương chia cả nước làm 15 bộ, dưới bộ là các chiềng, chạ.
HÙNG VƯƠNG
(Nắm mọi quyền hành, giúp việc có các Lạc Hầu)
↓
15 BỘ
(Đứng đầu mỗi bộ là Lạc tướng)
↓
CHIỀNG, CHẠ
(Đứng đầu là Bồ Chính)
Hình 12.2. Sơ đồ tổ chức Nhà nước Văn Lang
Em có biết?
Quan hệ giữa các vua Hùng và lạc dân rất gần gũi, "cùng cày ruộng, cùng tắm sông, cùng săn bắn, cùng xem hội", sử cũ gọi là "đời hồn nhiên".
(Lĩnh Nam chích quái)
Nhà nước Văn Lang chưa có luật pháp và quân đội. Khi có chiến tranh, Vua Hùng cùng các Lạc tướng tập hợp trai tráng ở khắp các chiềng, chạ để cùng chiến đấu.
Câu hỏi
Dựa vào sơ đồ hình 12.2, hãy trình bày và nhận xét về tổ chức Nhà nước Văn Lang.
3. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang
Nghề chính của cư dân Văn Lang là trồng lúa nước. Ngoài ra, họ còn biết chăn nuôi, đánh bắt cá và làm các nghề thủ công, trong đó nghề luyện kim và kĩ thuật đúc đồng đạt đến đỉnh cao. Đồ ăn chính hằng ngày là cơm nếp, cơm tẻ, rau, cà, thịt, cá, ốc,...
Hình 12.3. Hình đôi nam nữ giã gạo (hoa văn trên trống đồng)
Cư dân Văn Lang sống trong các chiềng, chạ ở ven đồi hoặc ở vùng đất cao ven sông, ven biển. Nhà ở phổ biến là nhà sàn làm bằng gỗ, tre, nứa, lá, có cầu thang lên xuống để tránh thú dữ,...
Hình 12.4. Hình nhà sàn (hoa văn trên trống đồng)
Về trang phục, ngày thường nam đóng khố, mình trần, đi chân đất; nữ mặc váy, áo xẻ giữa, có yếm che ngực. Ngày lễ, nữ mặc váy xòe kết bằng lông chim, đội mũ cắm lông chim hoặc bông lau. Mái tóc cắt ngắn hoặc búi tó. Họ thích đeo các đồ trang sức như vòng tay, khuyên tai bằng đá, đồng. Phương tiện đi lại chủ yếu của cư dân Văn Lang trên sông là thuyền.
Hình 12.5. Hình thuyền (hoa văn trên trống đồng)
Nhiều lễ hội được tổ chức trong năm. Trong những ngày lễ hội, mọi người thích hóa trang, vui chơi, nhảy múa, ca hát trong tiếng khèn, tiếng trống đồng náo nức. Các chàng trai đấu vật hoặc đua thuyền trên sông.
Hình 12.6. Hình người hóa trang nhảy múa (hoa văn trên trống đồng)
Cư dân Văn Lang có tục gói bánh chưng, làm bánh giày, ăn trầu, nhuộm răng đen, xăm mình,...
Em có biết?
Tương truyền, thuở xa xưa con người lặn lội vùng sông nước kiếm ăn nên xăm hình lên người để không bị thủy quái làm hại và hòa nhập với động vật ở dưới nước, từ đó mới săn bắt được chúng.
(Từ điển Lễ tục Việt Nam, Bùi Thiết)
Hình 12.7. Bánh chưng, bánh giày (tranh vẽ)
Ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, cư dân Văn Lang còn thờ các lực lượng tự nhiên, như núi, sông, Mặt Trời, Mặt Trăng, đất, nước,...
Người chết được chôn cất trong thạp bình, mộ thuyền, mộ cây kèm theo những công cụ, đồ dùng hằng ngày hoặc đồ trang sức quý giá.
Câu hỏi
- Những hoa văn trên trống đồng trong các hình 12.3 đến 12.5 cho em biết gì về đời sống vật chất của cư dân Văn Lang?
- Dựa vào các hình 12.7 và 12.8 đọc thông tin, em hãy mô tả đời sống tinh thần của cư dân Văn Lang.
Góc mở rộng
Giỗ tổ Hùng Vương (hay Lễ hội Đền Hùng, Quốc giỗ) là một ngày lễ truyền thống của người Việt Nam nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng, được tổ chức vào ngày 10 tháng Ba (âm lịch) hằng năm tại Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6-12-2012.
Hình 12.8. Lễ hội Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ)
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập1. Vẽ sơ đồ tổ chức Nhà nước Văn Lang và nêu nhận xét 2. Trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang, em ấn tượng nội dung nào nhất. Trình bày hiểu biết của em về nội dung đó. Vận dụng3. Ngày nay, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng nào từ thời Văn Lang còn được người Việt lưu giữ? |