Học xong bài này, em sẽ:
Vẽ được lược đồ trí nhớ thể hiện các đối tượng địa lí thân quen đối với cá nhân em.
Mở đầu
Ngay từ ngày còn bé, được bố mẹ đưa đi học, em nhớ rõ con đường từ nhà đến trường. Rồi bố mẹ đưa đến các nơi em thích: cửa hàng kem, hiệu sách thiếu nhi, đến nhà các bạn cùng lớp... Nếu có đi một mình, em cũng không bị lạc. Tại sao em lại không bị lạc? Vì trong đầu, trong trí nhớ của em đã hình thành một hình ảnh về không gian đó, được gọi là lược đồ trí nhớ.
Kiến thức mới
Tại sao gọi là lược đồ trí nhớ?
Chúng ta có thể diễn tả cảm nhận của mình về địa phương, về cộng đồng xung quanh bằng cách miêu tả bằng lời, vẽ một bức tranh phác họa khung cảnh, vẽ một sơ đồ về các địa điểm mình yêu thích, về các nơi ở của họ hàng, bạn bè tại địa phương,... Một phương tiện đặc biệt để mô tả hiểu biết của cá nhân về một địa phương là lược đồ trí nhớ.
Hình 3.1. Quang cảnh núi Đôi ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Việt Nam.
Hình 3.2. Phát họa quang cảnh núi Đôi (từ hình 3.1)
Lược đồ trí nhớ về không gian xung quanh ta
Lược đồ trí nhớ trước hết là cảm nhận của cá nhân về không gian xung quanh - một nơi nào đấy mà người đó đã trải nghiệm. Lược đồ trí nhớ tồn tại trong trí não con người, nhờ thế mà người ta có thể định hướng trong không gian, tìm đường, đi đến nơi mình muốn đến và trở lại nơi mình muốn trở về mà không cần có bản đồ trong tay hay bất cứ công cụ hỗ trợ nào.
Khi vẽ lược đồ trí nhớ ra giấy, điều quan trọng là chỉ vẽ ra những đối tượng địa lí nào mà người đó nhớ và cho là chính xác. Nếu em và bạn cùng vẽ về một không gian nào đó, chẳng hạn ngôi trường đang học, đừng cố gắng phải vẽ giống bạn, hãy vẽ những gì trong trí nhớ của em.
Lược đồ trí nhớ về không gian rộng lớn hơn hoặc về nơi ta chưa đến
Hình 3.3. Minh họa một lược đồ trí nhớ liên quan
đến Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh
Khi học về địa lí thế giới hay địa lí Việt Nam, những tri thức về không gian và sự phân bố của các đối tượng địa lí, một số thuộc tính của chúng, được lưu giữ trong trí nhớ của cá nhân dưới dạng lược đồ trí nhớ. Trong những tình huống nào đó, người này sẽ nhớ lại các thông tin và vẽ chúng trên giấy.
Ví dụ tình huống sau đây:
Câu hỏi
Hãy điền lên lược đồ trống Việt Nam tên các quốc gia và biển tiếp giáp nước ta, ba thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Ở mỗi thành phố, hãy liệt kê ba địa danh nổi tiếng mà em biết thông qua xem ở tivi hay nghe đài, đọc sách, báo...
Cách xây dựng lược đồ trí nhớ
Một người cũng có thể xây dựng được đồ trí nhớ cho những nơi họ chưa từng đến, ví dụ như một du khách có thể đánh dấu trên lược đồ các địa điểm họ muốn đến thăm thông qua tìm hiểu thông tin từ các nguồn khác nhau.
Hình 3.4 minh họa một lược đồ trí nhớ của một người sử dụng xe buýt để đi đến một địa điểm. Lược đồ này hình thành sau khi người vẽ lược đồ nghiên cứu bản đồ các tuyến xe buýt được dán ở bánh xe buýt và xác định đường đi đến địa điểm cần đến. Đọc lược đồ này có thể thấy một số điểm cần lưu ý:
- Lược đồ được bắt đầu từ vị trí điểm đứng của người vẽ lược đồ (ở đây là bến xuất phát).
- Lược đồ rất đơn giản, gồm có kí hiệu đường, kí hiệu điểm và những thông tin người dùng cho là hữu ích, dễ nhớ.
- Lược đồ có một số địa hình địa vật được dùng làm các mốc để xác định phương hướng, đường đi, địa điểm.
Hình 3.4. Minh họa một lược đồ trí nhớ về tìm đường xe buýt
Câu hỏi
Hãy vẽ một lược đồ trí nhớ theo không gian từ nhà đến trường. Gợi ý các đối tượng cần vẽ:
- Đường làng hoặc đường ô tô.
- Sông, suối, hồ, cây, cửa hàng, chợ, nhà cao tầng...
Sử dụng lược đồ trí nhớ trong cuộc sống và học tập
Một người có những lược đồ trí nhớ phong phú về các vùng đất đang sống sẽ sử dụng không gian sống hiệu quả hơn. Người đó sẽ có nhiều lựa chọn trong việc di chuyển (ví dụ: Đi tuyến đường nào gần nhất? Đi tuyến đường nào thì tránh được tắc đường vào giờ cao điểm?...), lựa chọn và đi đến các địa điểm mua sắm, vui chơi giải trí, học tập,...
Khi có lược đồ trí nhớ về một không gian sống phong phú hơn, em sẽ thấy không gian đó có ý nghĩa hơn, sẽ gắn bó hơn với vùng đất ấy, nhất là sau này khi đi xa.
Khi sống ở một địa phương, hãy tranh thủ thời gian cùng cha mẹ, người thân, bạn bè khám phá những di tích lịch sử, các danh thắng, các làng nghề, các công trình kiến trúc tiêu biểu,... Em sẽ càng yêu hơn quê hương đất nước mình.
Trong học tập, lược đồ trí nhớ giúp ta học Địa lí thú vị hơn nhiều, kiến thức địa lí vững chắc hơn và khả năng vận dụng vào cuộc sống cũng đa dạng hơn.
Hình 3.5. Sơ đồ du lịch Vườn Quốc, Gia Ba Vì (Hà Nội, Việt Nam)
Câu hỏi
Quan sát hình 3.5 hãy lựa chọn các địa điểm danh thắng mà em muốn đến và tạo ra một lược đồ trí nhớ để đi từ trụ sở vườn quốc gia Ba Vì đến những địa điểm danh thắng đã chọn.
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập 1. Hãy kể tên một số đối tượng địa lí mà em thường xuyên nhìn thấy trên đường đi học (hoặc đi dã ngoại,...). Vận dụng 2. Sử dụng lược đồ trí nhớ, hãy vẽ không gian của địa bàn (làng, xã, khu phố, thôn, xóm,...) nơi em đang ở: - Bắt đầu từ “Nhà em”. - Các đối tượng tự nhiên, địa hình địa vật em nhớ rõ (sông, suối, cây ven đường...). - Các đối tượng kinh tế, văn hóa – xã hội mà em thấy thân quen (đường giao thông, cửa hàng, thư viện, rạp chiếu phim, chợ, sân đá bóng, công viên, nhà cao tầng,...). - Ghi chú những địa điểm, con đường em cho là cần nhớ. Em có thể dùng các kí hiệu tượng hình để lược đồ trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. |