Học xong bài này, em sẽ:
- Nêu được tác động của điều kiện tự nhiên (sông ngòi, đất đai) đối với sự hình thành nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà.
- Trình bày được quá trình thành lập nhà nước của người Ai Cập và người Lưỡng Hà.
- Kể tên và nêu được những thành tựu chủ yếu của nền văn hóa ở Ai Cập, Lưỡng Hà.
Mở đầu
Vườn treo Ba-bi-lon (Lưỡng Hà) và quần thể kim tự tháp Gi-za (Ai Cập) là hai trong bảy kì quan thế giới cổ đại. Trong đó, quần thể kim tự tháp Gi-za vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Vậy cư dân Lưỡng Hà và cư dân Ai Cập đã xây dựng những công trình này như thế nào? Những thành tựu văn hóa chủ yếu của họ là gì?
Kiến thức mới
1. Điều kiện tự nhiên của Ai Cập và Lưỡng Hà
Ai Cập là một thung lũng hẹp và dài năm dọc theo lưu vực sông Nin, giáp Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Lưỡng Hà là tên gọi vùng đất giữa sông Ti-grơ và sông Ơ-phrát, giáp vịnh Ba Tư (còn gọt là vịnh Péc-xích).
Sông Nin ở Ai Cập, sông Ti-grơ, sông Ơ-phrát ở Lưỡng Hà cung cấp nguồn nước dồi dào cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cư dân nơi đây.
Hình 6.1. Lược đồ Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại
Hằng năm, sau mỗi mùa nước lũ, các dòng sông bồi đắp phù sa tạo nên những cánh đồng màu mỡ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
Các dòng sông còn trở thành con đường giao thông chính, kết nối các vùng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế hàng Hải ở Ai Cập và Lưỡng Hà.
Hê-rô-đốt - nhà sử học Hy Lạp cổ đại từng viết: "Ai Cập là tặng phẩm của sông Nin".
Hình 6.2. Một người Ai Cập đang săn bắt chim ở khu vực đồng bằng sông Nin (tranh trên tường trong lăng mộ của Nê-ba-mun)
Bức tranh thể hiện một người đàn ông đang ném một cây gậy vào những con chim đang bay lên từ các bụi cây Pa-pi-rút.
Câu hỏi
- Quan sát lược đồ hình 6.1 và đọc thông tin, hãy cho biết điều kiện tự nhiên đã tác động như thế nào đến sự hình thành các nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà.
- Quan sát hình 6.2 và đọc thông tin, hãy cho biết những "tặng phẩm" mà sông Nin đem đến cho Ai Cập là gì?
2. Quá trình thành lập nhà nước của người Ai Cập và người Lưỡng Hà
Từ khoảng thiên niên kỉ IV TCN, cư dân Ai Cập đã sống trong các công xã. Vào khoảng năm 3200 TCN, Mê-nét đã thống nhất các công xã thành nhà nước Ai Cập. Đứng đầu nhà nước là Pha-ra-ông, có quyền lực tối cao và được người dân tôn kính như một vị thần.
Hình 6.3. Mặt nạ bằng vàng của Pha-ra-ông Tu-tan-kha-môn
(trị vì Ai Cập vào khoảng cuối thiên niên kỷ II TCN)
Vào khoảng cuối thiên niên kỉ IV TCN, ở Lưỡng Hà, nhiều nhà nước thành bang của người Xu-me đã ra đời tại hạ lưu sông Ti-grơ và sông Ơ-phrát. Sau đó, người Ác-cát, Ba-bi-lon,... cũng lần lượt xây dựng những nhà nước của mình. Đứng đầu nhà nước là một En-xi, có quyền lực tối cao, là người ban hành luật pháp, chỉ huy quân đội.
Câu hỏi
Nêu quá trình thành lập nhà nước của người Ai Cập và người Lưỡng Hà.
3. Những thành tựu văn hóa chủ yếu của Ai Cập và Lưỡng Hà
Từ rất sớm, cư dân Ai Cập đã biết làm ra lịch: một năm có 360 ngày, chia làm 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. Họ còn biết làm đồng hồ bằng cách đo ánh sáng mặt trời, chia một ngày làm 24 giờ.
Dựa trên quan sát sự chuyển động của Mặt Trăng quay quanh Trái Đất, cư dân Lưỡng Hà đã chia một năm làm 12 tháng, môi tháng có 29 hoặc 30 ngày.
Cư dân Ai Cập tin rằng, sau khi chết linh hồn có thể trở lại thể xác để hồi sinh. Vì vậy, họ có tục ướp xác.
Với kĩ thuật ướp xác thuần thục, ngay từ thời cổ đại, cư dân Ai Cập đã có nhiều hiểu biết về những bộ phận bên trong cơ thể người. Y học giải phẫu có điều kiện phát triển.
Hình 6.4. Xác ướp Ai Cập cổ đại
Cư dân Ai Cập và Lưỡng Hà đều tôn thờ rất nhiều vị thần tự nhiên như thần Mặt Trời, Thần sông Nin,...
Hình 6.5. Bảng đá khắc hình thần Sa-mát (thần Mặt Trời) ở Lưỡng Hà
Cư dân Ai Cập viết chữ trên giấy được làm từ thân cây Pa-pi-rút. Cư dân Lưỡng Hà viết chữ trên đất sét (còn gọi là chữ hình nêm).
Hình 6.6. Chữ viết trên giấy Pa-pi-rút của cư dân Ai Cập
Hình 6.7. Chữ hình nêm viết trên đất sét của cư dân Lưỡng Hà
Cư dân Ai Cập giỏi về hình học, họ đã biết tính diện tích các hình tam giác, hình tròn. Cư dân Lưỡng Hà giỏi về số học, sử dụng hệ thống đếm lấy số 60 làm cơ sở. Những hiểu biết này là nền tảng quan trọng để cư dân Ai Cập và Lưỡng Hà xây dựng nên những công trình kiến trúc đồ sộ, như kim tự tháp và tượng Nhân sư ở Ai Cập; thành Ba-bi-lon và vườn treo Ba-bi-lon ở Lưỡng Hà.
Hình 6.8. Quần thể kim tự tháp Gi-za (Ai Cập)
Hình 6.9. Cổng I-sơ-ta - cửa ngõ dẫn đến trung tâm thành phố Ba-bi-lon (bản phục dựng)
Câu hỏi
Quan sát các hình từ 6.4 đến 6.9 và đọc thông tin, hãy nêu những thành tựu văn hóa chủ yếu của cư dân Ai Cập và cư dân Lưỡng Hà?
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập1. Theo em, điều kiện tự nhiên nào quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành các nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà? Vận dụng2. Hãy giới thiệu về một thành tựu văn hóa của cư dân Ai Cập hoặc cư dân Lưỡng Hà mà em ấn tượng nhất. |