1. Nền nông nghiệp nhiệt đới
a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cho phép nước ta phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới
Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có sự phân hoá rất rõ rệt theo chiều Bắc – Nam và theo chiều cao của địa hình, nên có ảnh hưởng rất căn bản đến cơ cấu mùa vụ và cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.
Hãy lấy các ví dụ để chứng minh sự phân hoá mùa vụ là do sự phân hoá khí hậu của nước ta.
Sự phân hoá của các điều kiện địa hình, đất trồng cho phép và đồng thời đòi hỏi phải áp dụng các hệ thống canh tác khác nhau giữa các vùng. Ở trung du và miền núi, thế mạnh là các cây lâu năm và chăn nuôi gia súc lớn. Ở đồng bằng, thế mạnh là các cây trồng ngắn ngày, thâm canh, tăng vụ và nuôi trồng thuỷ sản.
Việc sử dụng đất trong điều kiện nông nghiệp nhiệt đới cần chú ý những điều gì ?
Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của thiên nhiên nước ta làm tăng thêm tính bấp bênh vốn có của nông nghiệp. Việc phòng chống thiên tai, sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh đối với vật nuôi luôn là nhiệm vụ quan trọng.
b) Nước ta đang khai thác ngày càng có hiệu quả nền nông nghiệp nhiệt đới
– Các tập đoàn cây, con được phân bố phù hợp hơn với các vùng sinh thái nông nghiệp.
– Cơ cấu mùa vụ có những thay đổi quan trọng, với các giống cây ngắn ngày, chịu được sâu bệnh và có thể thu hoạch trước mùa bão, lụt hay hạn hán.
– Tính mùa vụ được khai thác tốt hơn nhờ đẩy mạnh hoạt động vận tải, áp dụng rộng rãi công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản. Việc trao đổi nông sản giữa các vùng, nhất là giữa các tỉnh phía bắc và các tỉnh phía nam nhờ thế mà ngày càng mở rộng và có hiệu quả.
– Đẩy mạnh sản xuất nông sản xuất khẩu (gạo, cà phê, cao su, hoa quả...) là phương hướng quan trọng để phát huy thế mạnh của nông nghiệp nhiệt đới.
2. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại sản xuất hàng hoá góp phần nâng cao hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới
Một đặc điểm khá rõ của nền nông nghiệp nước ta hiện nay là sự tồn tại song song nền nông nghiệp tự cấp tự túc, sản xuất theo lối cổ truyền và nền nông nghiệp hàng hoá, áp dụng tiến bộ kĩ thuật hiện đại, đồng thời là chuyển nền nông nghiệp tự cấp tự túc sang nền nông nghiệp hàng hoá.
a) Nền nông nghiệp cổ truyền
Nền nông nghiệp cổ truyền được đặc trưng bởi sản xuất nhỏ, công cụ thủ công, sử dụng nhiều sức người, năng suất lao động thấp. Trong nền nông nghiệp cổ truyền, mỗi cơ sở sản xuất, mỗi địa phương đều sản xuất nhiều loại sản phẩm, và phần lớn sản phẩm là để tiêu dùng tại chỗ. Đó là nền nông nghiệp tiểu nông mang tính tự cấp, tự túc.
Nền nông nghiệp cổ truyền còn rất phổ biến trên nhiều vùng lãnh thổ ở nước ta.
b) Nền nông nghiệp hàng hoá
Nền nông nghiệp hàng hoá đặc trưng ở chỗ người nông dân quan tâm nhiều hơn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm do họ sản xuất ra. Mục đích sản xuất không chỉ là tạo ra nhiều nông sản, mà quan trọng hơn là tạo ra nhiều lợi nhuận. Sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hoá là đẩy mạnh thâm canh, chuyên môn hoá, sử dụng ngày càng nhiều máy móc, vật tư nông nghiệp, công nghệ mới (trước thu hoạch và sau thu hoạch), nông nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp.
Nông nghiệp hàng hoá đang ngày càng phát triển, cả trong sản xuất lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nông nghiệp hàng hoá có điều kiện thuận lợi để phát triển ở những vùng có truyền thống sản xuất hàng hoá, các vùng gần các trục giao thông và các thành phố lớn.
3. Kinh tế nông thôn nước ta đang chuyển dịch rõ nét
a) Hoạt động nông nghiệp là bộ phận chủ yếu của kinh tế nông thôn
Khu vực kinh tế nông nghiệp theo nghĩa rộng bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Kinh tế nông thôn dựa chủ yếu vào nông – lâm – ngư nghiệp, nhưng xu hướng chung là các hoạt động phi nông nghiệp (công nghiệp – xây dựng, dịch vụ) ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn.
Hình 21. Tỉ lệ hộ nông thôn có thu nhập chủ yếu từ nông, lâm, thủy sản năm 2006
Bảng 21. Cơ cấu hộ nông thôn theo ngành sản xuất chính
(Đơn vị : %)
Năm | Nông - lâm - thủy sản | Công nghiệp - xây dựng | Dịch vụ | Hộ khác |
2001 | 80,9 | 5,8 | 10,6 | 2,7 |
2006 | 71,0 | 10,0 | 14,8 | 4,2 |
Quan sát bảng 21, nêu nhận xét về cơ cấu hoạt động kinh tế nông thôn ở nước ta.
b) Kinh tế nông thôn bao gồm nhiều thành phần kinh tế
Cơ cấu kinh tế nông thôn ở nước ta hiện nay gồm :
– Các doanh nghiệp nông – lâm nghiệp và thuỷ sản.
– Các hợp tác xã nông – lâm nghiệp và thuỷ sản.
– Kinh tế hộ gia đình.
– Kinh tế trang trại.
c) Cơ cấu kinh tế nông thôn đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá và đa dạng hoá
Sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp thể hiện rõ nét ở sự đẩy mạnh chuyên môn hoá nông nghiệp, hình thành các vùng nông nghiệp chuyên môn hoá, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, hướng mạnh ra xuất khẩu.
Đọc hình 21, nhận xét về sự phân hoá không gian của cơ cấu kinh tế nông thôn.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn không chỉ thể hiện ở sự thay đổi tỉ trọng của các thành phần tạo nên cơ cấu, mà còn thể hiện rõ rệt ở các sản phẩm chính trong nông – lâm – thuỷ sản và các sản phẩm phi nông nghiệp khác.
Câu hỏi và bài tập
1. Nền nông nghiệp nhiệt đới có những thuận lợi và khó khăn gì ? Hãy cho ví dụ chứng minh rằng nước ta đang phát triển ngày càng có hiệu quả nền nông nghiệp nhiệt đới.
2. Hãy phân biệt một số nét khác nhau cơ bản giữa nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hàng hoá.
3. Cho bảng số liệu sau :
Số lượng các loại trang trại của cả nước, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2006
Các loại trang trại | Cả nước | Đông Nam Bộ | Đồng bằng sông Cửu Long | |
Tổng số | 113730 | 14054 | 54425 | |
Trang trại trồng cây hàng năm | 32611 | 1509 | 24425 | |
Trang trại trồng cây công nghiệp lâu năm | 18206 | 8188 | 175 | |
Trang trại chăn nuôi | 16708 | 3003 | 1937 | |
Trang trại nuôi trồng thủy sản | 34202 | 747 | 25147 | |
Trang trại thuộc các loại khác | 12003 | 607 | 2741 |
Ghi chú : Trang trại thuộc các loại khác bao gồm trang trại trồng cây ăn quả, trang trại lâm nghiệp và trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp.
Hãy phân tích bảng số liệu để thấy rõ đặc điểm cơ cấu trang trại của cả nước và hai vùng kể trên. Nhận xét và giải thích về sự phát triển của một số loại trang trại tiêu biểu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2006.