1. Các thế mạnh chủ yếu của vùng
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 10 tỉnh, thành phố với diện tích gần 15 nghìn km2 (chiếm 4,5% diện tích tự nhiên toàn quốc) và số dân 18,2 triệu người (chiếm 21,6% số dân cả nước) năm 2006(1).
Hãy kể tên các tỉnh, thành phố (tương đương cấp tỉnh) thuộc Đồng bằng sông Hồng.
Hình 33.1. Sơ đồ các thế mạnh chủ yếu của Đồng bằng sông Hồng
Dựa vào sơ đồ trên, hãy trình bày các thế mạnh của Đồng bằng sông Hồng.
(1) Từ 1-8-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã : Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) đã sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
2. Các hạn chế chủ yếu của vùng
– Đồng bằng sông Hồng là vùng có số dân đông nhất, mật độ dân số của vùng lên đến 1 225 người/km2, gấp khoảng 4,8 lần mật độ trung bình của cả nước (năm 2006).
Hãy phân tích sức ép về dân số đối với việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng.
Số dân đông, kết cấu dân số trẻ tất yếu dẫn đến nguồn lao động dồi dào. Trong điều kiện nền kinh tế còn chậm phát triển, việc làm, nhất là ở khu vực thành thị đã trở thành một trong những vấn đề nan giải ở Đồng bằng sông Hồng.
– Nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, Đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán... Tài nguyên thiên nhiên ở Đồng bằng sông Hồng không thật phong phú, nhưng việc sử dụng lại chưa hợp lí. Do việc khai thác quá mức dẫn đến một số loại tài nguyên (như đất, nước trên mặt...) bị xuống cấp. Đây là vùng thiếu nguyên liệu cho việc phát triển công nghiệp. Phần lớn nguyên liệu phải đưa từ vùng khác đến.
– Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy hết thế mạnh của vùng.
Các hạn chế về tự nhiên đã ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng ?
3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và các định hướng chính
a) Thực trạng
Hình 33.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng
Dựa vào biểu đồ trên, hãy nhận xét về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng.
Cùng với công cuộc Đổi mới diễn ra trên phạm vi cả nước, cơ cấu kinh tế theo ngành của Đồng bằng sông Hồng đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này còn chậm.
Hình 33.3. Kinh tế Đồng bằng sông Hồng
b) Các định hướng chính
– Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế có vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Hồng. Xu hướng chung là tiếp tục giảm tỉ trọng của khu vực I (nông – lâm – ngư nghiệp), tăng nhanh tỉ trọng của khu vực II (công nghiệp – xây dựng) và khu vực III (dịch vụ) trên cơ sở đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả cao gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Cho đến năm 2010, tỉ trọng của các khu vực tương ứng sẽ là 10%, 42% và 48%.
– Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ từng ngành có sự khác nhau, nhưng trọng tâm là phát triển và hiện đại hoá công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp khác và dịch vụ gắn với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hoá.
+ Đối với khu vực I, giảm tỉ trọng của ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng của ngành chăn nuôi và thuỷ sản. Riêng trong ngành trồng trọt lại giảm tỉ trọng của cây lương thực và tăng dần tỉ trọng của cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả.
+ Đối với khu vực II, quá trình chuyển dịch gắn với việc hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm để sử dụng có hiệu quả các thế mạnh về tự nhiên và con người của vùng. Đó là các ngành chế biến lương thực – thực phẩm, ngành dệt may và da giày, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành cơ khí – kĩ thuật điện – điện tử.
+ Đối với khu vực III, du lịch là một ngành tiềm năng. Đồng bằng sông Hồng có nhiều thế mạnh về du lịch, đặc biệt ở Hà Nội và vùng phụ cận cũng như ở Hải Phòng. Trong tương lai, du lịch sẽ có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế của vùng. Các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, giáo dục – đào tạo... cũng phát triển mạnh nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch kinh tế.
Câu hỏi và bài tập
1. Tại sao phải có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng ?
2. Phân tích những nguồn lực ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đồng bằng sông Hồng.
3. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng diễn ra như thế nào ? Nêu những định hướng chính trong tương lai.