1. Vị trí địa lí
Nước Việt Nam nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, gần trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Dựa vào bản đồ Các nước Đông Nam Á và bản đồ Địa lí tự nhiên Việt Nam, hãy cho biết nước ta tiếp giáp với các nước nào trên đất liền và trên biển.
Phần trên đất liền nằm trong khung của hệ toạ độ địa lí sau : điểm cực Bắc ở vĩ độ 23°23'B tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang ; điểm cực Nam ở vĩ độ 8°34'B tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau ; điểm cực Tây ở kinh độ 102°09'Đ tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và điểm cực Đông nằm ở kinh độ 109°24'Đ tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.
Trên vùng biển, hệ toạ độ địa lí của nước ta còn kéo dài tới khoảng vĩ độ 6°50'B và từ khoảng kinh độ 101°Đ đến trên 117°20'Đ tại Biển Đông.
Như vậy, Việt Nam vừa gắn liền với lục địa Á – Âu, vừa tiếp giáp với Biển Đông và thông ra Thái Bình Dương rộng lớn. Kinh tuyến 105°Đ chạy qua nước ta nên đại bộ phận lãnh thổ nằm trong khu vực múi giờ thứ 7.
2. Phạm vi lãnh thổ
Dựa vào kiến thức đã học, hãy cho biết phạm vi lãnh thổ của mỗi nước thường bao gồm những bộ phận nào.
Lãnh thổ Việt Nam là một khối thống nhất và toàn vẹn, bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời.
a) Vùng đất
Vùng đất Việt Nam gồm toàn bộ phần đất liền và các hải đảo, có tổng diện tích là 331 212 km? (Niên giám thống kê 2006).
Nước ta có hơn 4600 km đường biên giới trên đất liền, trong đó đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc dài hơn 1400 km, đường biên giới Việt Nam – Lào dài gần 2100 km và đường biên giới Việt Nam – Campuchia dài hơn 1100 km.
Hình 2. Các nước Đông Nam Á
Phần lớn biên giới trên đất liền nước ta nằm ở khu vực miền núi. Đường biên giới thường được xác định theo các địa hình đặc trưng: các đỉnh núi, đường sống núi, các đường chia nước, khe, sông suối. Việc thông thương qua lại giữa nước ta với các nước láng giềng được tiến hành qua các cửa khẩu.
Hãy kể tên một số cửa khẩu quốc tế quan trọng trên đường biên giới của nước ta với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đường bờ biển nước ta cong như hình chữ S, dài 3260 km, chạy từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Đường bờ biển chạy dài theo đất nước đã tạo điều kiện cho 28 trong 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện trực tiếp khai thác những tiềm năng to lớn của Biển Đông.
Nước ta có hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là các đảo ven bờ và có hai quần đảo ở ngoài khơi xa trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hoà).
b) Vùng biển
Biển Đông có các quốc gia ven biển là : Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Malaixia, Brunây, Inđônêxia, Xingapo, Thái Lan và Campuchia.
Vùng biển của nước ta bao gồm : nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.
– Nội thuỷ là vùng nước tiếp giáp với đất liền, ở phía trong đường cơ sở. Ngày 12 – 11 – 1982, Chính phủ nước ta đã ra tuyên bő quy định đường cơ sở ven bờ biển để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Vùng nội thuỷ cũng được xem như bộ phận lãnh thổ trên đất liền.
– Lãnh hải là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia trên biển. Lãnh hải Việt Nam có chiều rộng 12 hải lí (1 hải lí = 1852m). Ranh giới của lãnh hải (được xác định bởi các đường song song cách đều đường cơ sở về phía biển và đường phân định trên các vịnh với các nước hữu quan) chính là đường biên giới quốc gia trên biển.
– Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển được quy định nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chủ quyền của nước ven biển. Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước ta rộng 12 hải lí. Trong vùng này, Nhà nước ta có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ an ninh quốc phòng, kiểm soát thuế quan, các quy định về y tế, môi trường, nhập cư...
– Vùng đặc quyền về kinh tế là vùng tiếp liền với lãnh hải và hợp với lãnh hải thành một vùng biển rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở. Ở vùng này, Nhà nước ta có chủ quyền hoàn toàn về kinh tế nhưng các nước khác được đặt ống dẫn dầu, dây cáp ngầm và tàu thuyền, máy bay nước ngoài được tự do về hoạt động hàng hải và hàng không theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
– Thềm lục địa là phần ngầm dưới biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần lục địa kéo dài, mở rộng ra ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, có độ sâu khoảng 200m hoặc hơn nữa. Nhà nước ta có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lí các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam.
Như vậy, theo quan niệm mới về chủ quyền quốc gia thì vùng biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km ở Biển Đông.
c) Vùng trời
Vùng trời Việt Nam là khoảng không gian bao trùm lên trên lãnh thổ nước ta ; trên đất liền được xác định bằng các đường biên giới, trên biển là ranh giới bên ngoài của lãnh hải và không gian của các đảo.
3. Ý nghĩa của vị trí địa lí Việt Nam
a) Ý nghĩa tự nhiên
– Vị trí địa lí đã quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta là mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
Nước ta nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới ở bán cầu Bắc nên có nền nhiệt độ cao, chan hoà ánh nắng, lại nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Mậu dịch (Tín phong) và gió mùa châu Á, khu vực gió mùa điển hình nhất trên thế giới, nên khí hậu có hai mùa rõ rệt.
Tác động của các khối khí di chuyển qua biển kết hợp với vai trò của Biển Đông – nguồn dự trữ dồi dào về nhiệt và ẩm, đã làm cho thiên nhiên nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển. Vì thế, thảm thực vật ở nước ta bốn mùa xanh tốt, rất giàu sức sống, khác hẳn với thiên nhiên một số nước có cùng vĩ độ ở Tây Nam Á và Bắc Phi.
Vì sao nước ta không có khí hậu nhiệt đới khô hạn như một số nước có cùng vĩ độ ?
– Nước ta nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và đại dương, liền kề với vành đai sinh khoảng Thái Bình Dương và vành đai sinh khoảng Địa Trung Hải, trên đường di lưu và di cư của nhiều loài động, thực vật nên có tài nguyên khoáng sản và tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú.
– Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hoá đa dạng của tự nhiên giữa miền Bắc với miền Nam, giữa miền núi với đồng bằng, ven biển, hải đảo, hình thành các vùng tự nhiên khác nhau.
– Nước ta nằm trong vùng có nhiều thiên tai : bão, lũ lụt, hạn hán thường xảy ra hằng năm nên cần có các biện pháp phòng chống tích cực và chủ động.
b) Ý nghĩa kinh tế, văn hoá – xã hội và quốc phòng
Việt Nam có mối quan hệ qua lại thuận lợi với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và với các nước khác trên thế giới nhờ có vị trí địa lí khá đặc biệt.
– Về kinh tế, Việt Nam nằm trên ngã tư đường hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng với nhiều cảng biển như : Cái Lân, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn... và các sân bay quốc tế : Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất... cùng với các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Á, đường biển, đường hàng không nối liền nước ta với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, tạo điều kiện cho nước ta giao lưu thuận lợi với các nước. Hơn thế nữa, nước ta còn là cửa ngõ mở lối ra biển thuận tiện cho nước Lào, các khu vực Đông Bắc Thái Lan và Campuchia, Tây Nam Trung Quốc.
Vị trí địa lí thuận lợi của nước ta có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển các ngành kinh tế, các vùng lãnh thổ, tạo điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với các nước trên thế giới, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.
− Về văn hoá – xã hội, vị trí liền kề cùng với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hoá – xã hội và mối giao lưu lâu đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta chung sống hoà bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển với các nước láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
– Theo quan điểm địa lí chính trị và địa lí quân sự, nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng ở vùng Đông Nam Á, một khu vực kinh tế rất năng động và nhạy cảm với những biến động chính trị trên thế giới. Đặc biệt, Biển Đông đối với nước ta là một hướng chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.
Câu hỏi và bài tập
1. Hãy xác định vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ nước ta trên bản đồ Các nước Đông Nam Á.
2. Nêu ý nghĩa của vị trí địa lí Việt Nam.