1. Đông dân, có nhiều thành phần dân tộc
Theo số liệu thống kê, số dân nước ta là 84 156 nghìn người (năm 2006). Về số dân, nước ta đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á (sau Inđônêxia và Philippin) và đứng thứ 13 trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Dân số là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Với số dân đông, nước ta có nguồn lao động dồi dào, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ rộng lớn. Song trong điều kiện của nước ta hiện nay, số dân đông lại là một trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Nước ta có 54 dân tộc sống ở khắp các vùng lãnh thổ của đất nước, nhiều nhất là dân tộc Việt (Kinh), chiếm 86,2% dân số, các dân tộc khác chỉ chiếm 13,8% dân số cả nước.
Trong lịch sử, các dân tộc luôn đoàn kết bên nhau, phát huy truyền thống sản xuất, văn hoá, phong tục tập quán, tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng còn có sự chênh lệch đáng kể, mức sống của một bộ phận dân tộc ít người còn thấp. Vì vậy, phải chú trọng đầu tư hơn nữa đối với việc phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng này.
Ngoài ra, còn có khoảng 3,2 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, tập trung nhiều nhất ở Hoa Kì, Ôxtrâylia, một số nước châu u... Tuyệt đại bộ phận người Việt ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc và đang đóng góp công sức cho xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội ở quê hương.
2. Dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ
Dân số nước ta tăng nhanh, đặc biệt là vào nửa cuối thế kỉ XX, đã dẫn đến hiện tượng bùng nổ dân số. Tuy nhiên, sự bùng nổ dân số diễn ra giữa các giai đoạn, các vùng lãnh thổ, các thành phần dân tộc với tốc độ và quy mô khác nhau.
Hình 16.1. Tỉ lệ gia tăng dân số trung bình năm qua các giai đoạn
Từ hình 16.1. hãy nhận xét tỉ lệ gia tăng dân số qua các giai đoạn.
Do kết quả của việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình nên thời gian qua mức gia tăng dân số có giảm nhưng còn chậm, mỗi năm dân số nước ta vẫn tăng thêm trung bình khoảng 1 triệu người.
Gia tăng dân số nhanh đã tạo nên sức ép rất lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và việc nâng cao chất lượng cuộc sống của từng thành viên trong xã hội.
Dân số nước ta thuộc loại trẻ, đang có sự biến đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số theo nhóm tuổi.
Bảng 16.1. Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi ở nước ta năm 1999 và năm 2005
Độ tuổi | Năm | 1999 | 2005 |
Từ 0 đến 14 tuổi Từ 15 đến 59 tuổi Từ 60 tuổi trở lên | 33,5 | 27,0 | |
58,4 | 64,9 | ||
8,1 | 9,0 |
3. Phân bố dân cư chưa hợp lí
Mật độ dân số trung bình ở nước ta là 254 người/km2 (năm 2006), nhưng phân bố chưa hợp lí giữa các vùng.
a) Giữa đồng bằng với trung du, miền núi
Ở đồng bằng tập trung khoảng 75% dân số, mật độ dân số cao. trung du, miền núi mật độ dân số thấp hơn nhiều so với đồng bằng, trong khi vùng này tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng của đất nước.
Bảng 16.2. Mật độ dân số một số vùng nước ta, năm 2006
(Đơn vị: người/km2)
Vùng | Mật độ dân số | |
Đồng bằng sông Hồng | 1225 | |
Trung du và miền núi Bắc Bộ | Đông Bắc | 148 |
Tây Bắc | 69 | |
Bắc Trung Bộ | 207 | |
Duyên hải Nam Trung Bộ | 200 | |
Tây Nguyên | 89 | |
Đông Nam Bộ | 511 | |
Đồng bằng sông Cửu long | 429 |
Từ bảng 16.2, hãy so sánh và nhận xét về mật độ dân số giữa các vùng.
Hình 16.2. Phân bố dân cư
b) Giữa thành thị với nông thôn
Bảng 16.3. Cơ cấu dân số phân theo thành thị và nông thôn
Năm | Thành thị | Nông thông |
1990 | 19,5 | 80,5 |
1995 | 20,8 | 79,2 |
2000 | 24,2 | 75,8 |
2003 | 25,8 | 74,2 |
2005 | 26,9 | 73,1 |
Từ bảng 16.3, hãy so sánh và cho nhận xét về sự thay đổi tỉ trọng dân số thành thị, nông thôn.
Sự phân bố dân cư chưa hợp lí làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động, khai thác tài nguyên. Vì vậy, việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước là rất cần thiết.
Hãy nêu hậu quả của phân bố dân cư chưa hợp lí.
4. Chiến lược phát triển dân số hợp lí và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động của nước ta
– Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng dân số, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách, pháp luật về dân số và kế hoạch hoá gia đình.
– Xây dựng chính sách chuyển cư phù hợp để thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng.
– Xây dựng quy hoạch và chính sách thích hợp nhằm đáp ứng xu thế chuyển dịch cơ cấu dân số nông thôn và thành thị.
– Đưa xuất khẩu lao động thành một chương trình lớn, có giải pháp mạnh và chính sách cụ thể để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo người lao động xuất khẩu có tay nghề cao, có tác phong công nghiệp.
– Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp ở trung du, miền núi. Phát triển công nghiệp ở nông thôn để khai thác tài nguyên và sử dụng tối đa nguồn lao động của đất nước.
Câu hỏi và bài tập
1. Phân tích tác động của đặc điểm dân số nước ta đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và môi trường.
2. Tại sao ở nước ta hiện nay, tỉ lệ gia tăng dân số có xu hướng giảm, nhưng quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng ? Nêu ví dụ minh hoạ.
3. Vì sao nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư cho hợp lí ? Nêu một số phương hướng và biện pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua.