Sách Giáo Khoa 247

Địa Lý 12 - Bài 26: Cơ Cấu Ngành Công Nghiệp | Giáo Dục Việt Nam

Xem chi tiết nội dung bài Bài 26: Cơ Cấu Ngành Công Nghiệp và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Địa Lý 12 | Giáo Dục Việt Nam

1. Cơ cấu công nghiệp theo ngành

– Cơ cấu công nghiệp theo ngành được thể hiện ở tỉ trọng giá trị sản xuất của từng ngành (nhóm ngành) trong toàn bộ hệ thống các ngành công nghiệp. Nó được hình thành phù hợp với các điều kiện cụ thể ở trong và ngoài nước trong mỗi giai đoạn nhất định.

Cơ cấu ngành của công nghiệp nước ta tương đối đa dạng :

Theo cách phân loại hiện hành, nước ta có 3 nhóm với 29 ngành công nghiệp. Đó là nhóm công nghiệp khai thác (4 ngành), nhóm công nghiệp chế biến (23 ngành) và nhóm sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước (2 ngành).

Trong cơ cấu ngành công nghiệp hiện nay đang nổi lên một số ngành trọng điểm, đó là các ngành có thể mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả cao về kinh tế – xã hội và có tác động mạnh mẽ đến việc phát triển các ngành kinh tế khác, như : công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm, công nghiệp dệt – may, công nghiệp hoá chất – phân bón – cao su, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí – điện tử...

Cơ cấu ngành của công nghiệp nước ta đang có sự chuyển dịch rõ rệt nhằm thích nghi với tình hình mới để có thể hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới.

Hình 26.1. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế phân theo 3 nhóm ngành (%)

Quan sát biểu đồ, hãy nhận xét về sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo ngành của nước ta.

– Để ngành công nghiệp nước ta đáp ứng được những nhu cầu mới của đất nước, vấn đề đặt ra là tiếp tục hoàn thiện cơ cấu ngành theo các hướng chủ yếu sau đây :

+ Xây dựng một cơ cấu ngành công nghiệp tương đối linh hoạt, thích nghi với cơ chế thị trường, phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước cũng như xu thế chung của khu vực và thế giới.

+ Đẩy mạnh các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thuỷ sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ; tập trung phát triển công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí ; đưa công nghiệp điện lực đi trước một bước. Các ngành khác có thể điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

+ Đầu tư theo chiều sâu, đổi mới trang thiết bị và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

2. Cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ

– Hoạt động công nghiệp tập trung chủ yếu ở một số khu vực.

Ở Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận là khu vực có mức độ tập trung công nghiệp vào loại cao nhất trong cả nước. Từ Hà Nội, hoạt động công nghiệp với chuyên môn hoá khác nhau lan toả theo nhiều hướng dọc các tuyến giao thông huyết mạch. Đó là hướng Hải Phòng – Hạ Long – Cẩm Phả (cơ khí, khai thác than, vật liệu xây dựng), Đáp Cầu – Bắc Giang (vật liệu xây dựng, phân hoá học), Đông Anh – Thái Nguyên (cơ khí, luyện kim), Việt Trì – Lâm Thao (hoá chất, giấy), Hoà Bình – Sơn La (thuỷ điện), Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hoá (dệt – may, điện, vật liệu xây dựng).

Ở Nam Bộ hình thành một dải công nghiệp, trong đó nổi lên các trung tâm công nghiệp hàng đầu của nước ta như Thành phố Hồ Chí Minh (lớn nhất cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp), Biên Hoà, Vũng Tàu và Thủ Dầu Một. Hướng chuyên môn hoá ở đây rất đa dạng, trong đó có một vài ngành công nghiệp tương đối non trẻ, nhưng lại phát triển mạnh như khai thác dầu khí, sản xuất điện, phân đạm từ khí.

Hình 26.2. Công nghiệp chung

Dọc theo Duyên hải miền Trung, ngoài Đà Nẵng là trung tâm công nghiệp quan trọng nhất còn có một số trung tâm khác (Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang...).

Ở những khu vực còn lại, nhất là vùng núi, công nghiệp phát triển chậm, phân bố phân tán, rời rạc.

Dựa vào hình 26.2 hoặc Atlat Địa lí Việt Nam, hãy trình bày sự phân hoá lãnh thổ công nghiệp của nước ta.

Sự phân hoá lãnh thổ công nghiệp ở nước ta là kết quả tác động của hàng loạt nhân tố. Những khu vực tập trung công nghiệp thường gắn liền với sự có mặt của tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động có tay nghề, thị trường, kết cấu hạ tầng và vị trí địa lí thuận lợi. Ngược lại, ở trung du và miền núi còn gặp nhiều hạn chế trong phát triển công nghiệp là do sự thiếu đồng bộ của các nhân tố trên, đặc biệt là giao thông vận tải.

Hiện nay, do việc khai thác hiệu quả các thế mạnh vốn có, Đông Nam Bộ đã trở thành vùng dẫn đầu với tỉ trọng chiếm hơn 1/2 tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước ; tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tỉ trọng thấp hơn nhiều. Chỉ riêng 3 vùng này đã chiếm khoảng 80% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Các vùng còn lại có tỉ trọng hầu như không đáng kể.

3. Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế

Nhờ kết quả của công cuộc Đổi mới, cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế đã có những thay đổi sâu sắc.

Hình 26.3. Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế

Trong những năm gần đây, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động công nghiệp đã được mở rộng nhằm phát huy mọi tiềm năng cho việc phát triển sản xuất. Xu hướng chung là giảm mạnh tỉ trọng của khu vực Nhà nước, tăng tỉ trọng của khu vực ngoài Nhà nước, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2005, tỉ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp ở nước ta của các khu vực tương ứng là 25,1%, 31,2% và 43,7%.

Câu hỏi và bài tập

1. Chứng minh rằng cơ cấu ngành của công nghiệp nước ta tương đối đa dạng.

2. Tại sao nước ta có sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo ngành ?

3. Chứng minh rằng cơ cấu công nghiệp của nước ta có sự phân hoá về mặt lãnh thổ. Tại sao lại có sự phân hoá đó ?

4. Hãy nêu nhận xét về cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế của nước ta.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Địa Lý 12

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

bai-tap-giao-duc-cong-dan-6-95

Bài Tập Giáo Dục Công Dân 6

Sách Chân Trời Sáng Tạo Lớp 6

tap-viet-3-tap-mot-1065

Tập Viết 3 - Tập Một

Sách Lớp 3 NXB Giáo Dục Việt Nam

am-nhac-1-21

ÂM NHẠC 1

Sách Lớp 1 Chân Trời Sáng Tạo

ngu-van-9-tap-1-435

Ngữ Văn 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.