1. ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ
Bảng 15.1. Dân số Đông Nam Á, châu Á và thế giới năm 2002
Lãnh thổ | Số dân (triệu người) | Mật độ dân số trung bình (người/km2) | Tỉ lệ tăng tự nhiên (%) |
Đông Nam Á Châu Á Thế giới | 536 3766* 6215 | 119 85 46 | 1,5 1,3 1,3 |
*Chưa tính số dân của LB Nga thuộc châu Á.
Nguồn: Niên giám thống kê năm 2002 - NXB Thống kê. Hà Nội, 2003.
- Qua số liệu bảng 15.1, so sánh số dân, mật độ dân số trung bình, tỉ lệ tăng dân số hằng năm của khu vực Đông Nam Á so với châu Á và thế giới.
- Dựa vào hình 15.1 và bảng 15.2, hãy cho biết:
+ Đông Nam Á có bao nhiêu nước? Kể tên các nước và thủ đô từng nước.
+ So sánh diện tích, dân số của nước ta với các nước trong khu vực.
+ Có những ngôn ngữ nào được dùng phổ biến trong các quốc gia Đông Nam Á. Điều này có ảnh hưởng gì tới việc giao lưu giữa các nước trong khu vực?
- Quan sát hình 6.1, nhận xét sự phân bố dân cư các nước Đông Nam Á.
Đông Nam Á có nhiều dân tộc thuộc chủng tộc Môn-gô-lô-it và Ô-xtra-lô-it cùng chung sống. Dân cư đông đúc, dân số trẻ chiếm số đông nên Đông Nam Á vừa là nơi có nguồn lao động dồi dào vừa là một thị trường tiêu thụ lớn. Đó là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Bảng 15.2. Một số số liệu của các nước Đông Nam Á năm 2002
Liên bang MI-AN-MA | Vương quốc CAM-PU-CHIA | Cộng hoà DCND LÀO | CHXHCN VIỆT NAM | Cộng hoà PHI-LIP-PIN |
DT: 677,0 nghìn km2 DS: 49 triệu người Gia tăng DS: 1,3% Ngôn ngữ phổ biến: Miến Thủ đô: Y-an-gun
| DT: 181 nghìn km2 DS: 12,3 triệu người Gia tăng DS: 1,7% Ngôn ngữ phổ biến: Khơ me Thủ đô: Phnôm Pênh | DT: 236,8 nghìn km2 DS: 5,5 triệu người Gia tăng DS: 2,3% Ngôn ngữ phổ biến: Lào, Thái, Mông Thủ đô: Viêng Chăn | DT: 331,212 nghìn km2 DS: 78,7 triệu người Gia tăng DS: 1,3% Ngôn ngữ phổ biến: Việt Thủ đô: Hà Nội | DT: 300 nghìn km2 DS: 80 triệu người Gia tăng DS: 2,3% Ngôn ngữ phổ biến: Phi-lip-pin, Anh Thủ đô:Ma-ni-la |
Vương quốc BRU-NAY | Cộng hoà IN-ĐO-NÊ-XI-A | Cộng hoà XIN-GA-PO | Liên bang MA-LAI-XI-A | Vương quốc THÁI LAN | ĐÔNG TI-MO |
DT: 5,8 nghìn km2 DS: 0,4 triệu người Gia tăng DS: 2,0% Ngôn ngữ phổ biến: Mã lai, Anh, Hoa Thủ đô: Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan | DT: 1919 nghìn km2 DS: 217 triệu người Gia tăng DS: 1,6% Ngôn ngữ phổ biến: Mã lai, Anh Thủ đô: Gia-cac-ta | DT: 0,7 nghìn km2 DS: 4,2 triệu người Gia tăng DS: 0,8% Ngôn ngữ phổ biến: Mã lai, Anh, Hoa Thủ đô: Xin-ga-po | DT: 330 nghìn km2 DS: 24,4 triệu người Gia tăng DS: 1,9% Ngôn ngữ phổ biến: Mã lai, Hoa Thủ đô: Cua-la Lăm-pơ | DT: 513,0 nghìn km2 DS: 62,6 triệu người Gia tăng DS: 0,8% Ngôn ngữ phổ biến: Thái, Hoa Thủ đô: Băng Cốc | DT: 14,6 nghìn km2 DS: 0,8 triệu người Gia tăng DS: 1,5% Thủ đô: Đi-li |
2. ĐẶC ĐIỂM XÃ HỘI
Đông Nam Á có các biển, vịnh biển ăn sâu vào đất liền, tạo điều kiện cho các luồng di dân giữa đất liền và các đảo, cho sự giao lưu văn hoá giữa các quốc gia, các dân tộc. Người dân Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng trong sinh hoạt, sản xuất như cùng trồng lúa nước, dùng trâu bò làm sức kéo, dùng gạo làm nguồn lương thực chính... Tuy vậy mỗi nước vẫn có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng riêng tạo nên sự đa dạng trong văn hoá của cả khu vực. Ví dụ sự đa dạng về tín ngưỡng: đa số người Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a theo đạo Hồi; người Mi-an-ma, Thái Lan, Cam-pu-chia và Lào theo đạo Phật; ở Phi-líp-pin, đạo Ki-tô và đạo Hồi có số người theo đông nhất, ở Việt Nam cùng với đạo Phật, đạo Ki-tô, người dân còn có các tín ngưỡng địa phương.
Vì sao lại có những nét tương đồng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân các nước Đông Nam Á?
Vị trí cầu nối và nguồn tài nguyên giàu có của Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý của các nước đế quốc. Cho tới trước Chiến tranh thế giới thứ hai, ba nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam bị đế quốc Pháp xâm chiếm; Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a trở thành thuộc địa của Anh; In-đô-nê-xi-a là thuộc địa của Hà Lan; Phi-líp-pin bị Tây Ban Nha và sau đó là Hoa Kì chiếm đóng.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Nam Á bị phát xít Nhật xâm chiếm. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước đã lần lượt giành được độc lập. Hiện nay đa số các quốc gia trong khu vực theo chế độ cộng hoà, bên cạnh đó là một số quốc gia theo chính thể quân chủ lập hiến. Các nước trong khu vực đều mong muốn hợp tác phát triển.
Các nước Đông Nam Á có những nét tương đồng trong nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và đang cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện, cùng nhau phát triển đất nước và khu vực.
Đông Nam Á là khu vực đông dân, dân số tăng khá nhanh. Dân cư tập trung đông đúc tại các đồng bằng và vùng ven biển.
Các nước trong khu vực vừa có những nét tương đồng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong phong tục tập quán, sản xuất và sinh hoạt vừa có sự đa dạng trong văn hoá từng dân tộc. Đó là những điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác toàn diện giữa các nước.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Dựa vào lược đồ hình 6.1 và kiến thức đã học, nhận xét và giải thích sự phân bố dân cư của khu vực Đông Nam Á.
2. Đọc các thông tin trong bảng 15.2, hãy thống kê các nước Đông Nam Á theo diện tích từ nhỏ đến lớn, theo dân số từ ít đến nhiều. Việt Nam đứng ở vị trí nào?
3. Đặc điểm dân số, phân bố dân cư, sự tương đồng và đa dạng trong xã hội của các nước Đông Nam Á tạo thuận lợi và khó khăn gì cho sự hợp tác giữa các nước?