Theo chế độ gió mùa, Việt Nam có hai mùa khí hậu, mùa gió đông bắc và mùa gió tây nam.
1. MÙA GIÓ ĐÔNG BẮC TỪ THÁNG 11 ĐẾN THÁNG 4 (MÙA ĐÔNG)
Đặc trưng chủ yếu của mùa này là sự hoạt động mạnh mẽ của gió đông bắc và xen kẽ là những đợt gió đông nam. Trong mùa này thời tiết - khí hậu trên các miền của nước ta khác nhau rất rõ rệt.
Miền Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa đông bắc từ vùng áp cao ở lục địa phương Bắc tràn xuống thành từng đợt, mang lại một mùa đông không thuần nhất. Đầu mùa đông là tiết thu se lạnh, khô hanh. Còn cuối đông là tiết xuân với mưa phùn ẩm ướt. Nhiệt độ trung bình tháng, nhiều nơi xuống dưới 15°C. Miền núi cao có thể xuất hiện sương muối, sương giá, mưa tuyết gây trở ngại lớn cho sinh vật nhiệt đới. Còn ở Tây Nguyên và Nam Bộ thời tiết nóng khô, ổn định suốt mùa. Riêng ở duyên hải Trung Bộ có mưa rất lớn vào các tháng cuối năm.
So sánh số liệu khí hậu ba trạm Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh (bảng 31.1) đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, em hãy cho biết:
- Nhiệt độ tháng thấp nhất của ba trạm.
- Lượng mưa trung bình tháng ít nhất của ba trạm.
- Nêu nhận xét chung về khí hậu nước ta trong mùa đông.
2. MÙA GIÓ TÂY NAM TỪ THÁNG 5 ĐẾN THÁNG 10 (MÙA HẠ)
Đây là mùa thịnh hành của hướng gió tây nam. Ngoài ra, Tín phong nửa cầu Bắc vẫn hoạt động xen kẽ và thổi theo hướng đông nam.
Trong mùa này, nhiệt độ cao đều trên toàn quốc và đạt trên 25°C ở các vùng thấp. Lượng mưa trong mùa cũng rất lớn, chiếm trên 80% lượng mưa cả năm, riêng vùng duyên hải Trung Bộ mùa này ít mưa.
Em hãy nêu nhiệt độ tháng cao nhất, của ba trạm khí tượng Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh (bảng 31.1 tr.110) và nguyên nhân của những khác biệt đó.
Thời tiết phổ biến trong mùa này là trời nhiều mây, có mưa rào và mưa dông. Những dạng thời tiết đặc biệt là gió tây, mưa ngâu và bão. Gió tây khô nóng gây hạn hán cho miền Trung và Tây Bắc. Mưa ngâu kéo dài từng đợt vài ngày vào giữa tháng 8 có thể gây úng ngập cho đồng bằng Bắc Bộ. Bão gây mưa to, gió lớn và gió giật rất mạnh trực tiếp phá hoại khu vực đồng bằng và các tỉnh duyên hải nước ta. Trung bình mỗi năm nước ta chịu ảnh hưởng của bốn đến năm cơn bão phát sinh từ Biển Đông và Thái Bình Dương đổ bộ vào, mang lại một lượng mưa đáng kể.
Dựa vào bảng 32.1, em hãy cho biết mùa bão nước ta diễn biến như thế nào?
Bảng 32.1. Diễn biến của mùa bão dọc bờ biển Việt Nam
Mùa bão (tháng) | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |
Trên toàn quốc | X | X | X | X | X | X |
Quảng Ninh đến Nghệ An | X | X | X | X | ||
Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi | X | X | X | X | ||
Bình Định đến Bình Thuận | X | X | X | |||
Vũng Tàu đến Cà Mau | X | X |
3. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN DO KHÍ HẬU MANG LẠI
Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm là môi trường sống thuận lợi cho sinh vật phát triển, cây cối quanh năm ra hoa kết quả. Đó là cơ sở tự nhiên giúp cho nền nông nghiệp nhiệt đới nước ta vươn lên mạnh mẽ theo hướng sản xuất lớn, chuyên canh và đa canh.
Những nông sản nhiệt đới nào của nước ta có giá trị xuất khẩu với số lượng ngày càng lớn trên thị trường?
Bên cạnh những mặt thuận lợi, khí hậu nước ta cũng lắm thiên tai, bất trắc, thời tiết diễn biến phức tạp. Vì vậy, chúng ta phải luôn sẵn sàng, tích cực và chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ đời sống và sản xuất.
Thiên nhiên nhiệt đới gió mùa cũng in đậm nét trong đời sống văn hoá - xã hội của người dân Việt Nam.
Em hãy nêu một số câu ca dao, tục ngữ phản ánh khí hậu - thời tiết nước ta.
Khí hậu nước ta có hai mùa rõ rệt.
Mùa gió đông bắc từ tháng 11 đến tháng 4 tạo nên mùa đông lạnh, mưa phùn ở miền Bắc và mùa khô nóng kéo dài ở miền Nam.
Mùa gió tây nam từ tháng 5 đến tháng 10 tạo nên mùa hạ nóng ẩm có mưa to, gió lớn và dông bão, diễn ra phổ biến trên cả nước.
Giữa hai mùa chính nêu trên là những thời kì chuyển tiếp, ngắn và không rõ rệt (xuân, thu).
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Nước ta có mấy mùa khí hậu? Nêu đặc trưng khí hậu từng mùa ở nước ta.
2. Trong mùa gió đông bắc, thời tiết và khí hậu Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ có giống nhau không? Vì sao?
3. Vẽ biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa ở Hà Nội, Huế và Tp. Hồ Chí Minh (theo số liệu bảng 31.1). Nhận xét về sự khác nhau của các trạm khí tượng đó.