1. DÂN CƯ
- Quan sát hình 11.1, em có nhận xét gì về sự phân bố dân cư của Nam Á?
Bảng 11.1. Diện tích và dân số một số khu vực của châu Á
Khu vực | Diện tích (nghìn km2) | Dân số năm 2001 (triệu người) |
- Đông Á - Nam Á - Đông Nam Á - Trung Á - Tây Nam Á | 11762 4489 4495 4002 7016 | 1503 1356 519 56 286 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2001 - NXB Thống kê, Hà Nội, 2002.
Dựa vào bảng 11.1, em hãy kể tên hai khu vực đông dân nhất châu Á.
Trong hai khu vực đó, khu vực nào có mật độ dân số cao hơn?
Dân cư Nam Á chủ yếu theo Ấn Độ giáo, Hồi giáo, ngoài ra còn theo Thiên Chúa giáo, Phật giáo... Tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội ở Nam Á.
2. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ-XÃ HỘI
Trước đây, toàn bộ khu vực Nam Á bị đế quốc Anh xâm chiếm làm thuộc địa. Nam Á trở thành nơi cung cấp nguyên liệu, nông sản nhiệt đới và tiêu thụ hàng công nghiệp của các công ti tư bản Anh. Năm 1947, các nước Nam Á đã giành được độc lập và tiến hành xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Tuy nhiên, do bị đế quốc Anh đô hộ kéo dài gần 200 năm (1763 - 1947), lại luôn xảy ra mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc và các tôn giáo, nên tình hình chính trị - xã hội trong khu vục thiếu ổn định. Đó là những trở ngại lớn ảnh hưởng tới sự phát triến kinh tế của các nước Nam Á. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nam Á năm 2000 là 620,3 tỉ USD.
Bảng 11.2. Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ
Các ngành kinh tế | Tỉ trọng trong cơ cấu GDP (%) | ||
1995 | 1999 | 2001 | |
- Nông - Lâm- Thuỷ sản - Công nghiệp-Xây dựng - Dịch vụ | 28,4 27,1 44,5 | 27,7 26,3 46,0 | 25,0 27,0 48,0 |
Nguồn: Số liệu kinh tế - xã hội các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. NXB Thống kê, Hà Nội, 2002.
Qua bảng 11.2, em hãy nhận xét về sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Ấn Độ. Sự chuyển dịch đó phản ánh xu hướng phát triển kinh tế như thế nào?
Ấn Độ là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất khu vực Nam Á.
Từ sau ngày giành được độc lập, Ấn Độ đã xây dựng được một nền công nghiệp hiện đại, bao gồm các ngành công nghiệp năng lượng, luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất, vật liệu xây dựng... và các ngành công nghiệp nhẹ, đặc biệt là công nghiệp dệt vốn đã nổi tiếng lâu đời với hai trung tâm chính là Côn-ca-ta và Mum-bai.
Ấn Độ cũng phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao, tinh vi, chính xác như điện tử, máy tính v.v...
Ngày nay, về giá trị sản lượng công nghiệp, Ấn Độ đã đứng hàng thứ 10 trên thế giới. Sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng phát triển, với cuộc "cách mạng xanh" và "cách mạng trắng", Ấn Độ đã giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Các ngành dịch vụ cũng đang phát triển, chiếm tới 48% GDP. Năm 2001, GDP đạt 477 tỉ USD, có tỉ lệ gia tăng 5,88% và GDP bình quân đầu người là 460 USD.
Nam Á là một trong những khu vực có dân cư tập trung đông nhất châu Á, một trong những cái nôi của nền văn minh cổ đại và tôn giáo lớn trên thế giới. Các nước trong khu vực có nền kinh tế đang phát triển, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, trong đó Ấn Độ là nước có nền kinh tế phát triển nhất.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Em hãy ghi vào vở tên các nước trong khu vực Nam Á lần lượt theo số kí hiệu trên hình 11.5.
2. Căn cứ vào hình 11.1 em có nhận xét gì về đặc điểm phân bố dân cư của Nam Á.
3. Hãy giải thích tại sao khu vực Nam Á lại có sự phân bố dân cư không đều?
4. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của Ấn Độ phát triển như thế nào?