1. TÍNH CHẤT NHIỆT ĐỚI GIÓ MÙA ẨM
Bầu trời nhiệt đới quanh năm chan hoà ánh nắng đã cung cấp cho nước ta một nguồn nhiệt năng to lớn. Bình quân 1m2 lãnh thổ nhận được trên một triệu kilô calo, số giờ nắng đạt từ 1400 - 3000 giờ trong một năm.
Nhiệt độ trung bình năm của không khí đều vượt 21 °C trên cả nước và tăng dần từ bắc vào nam.
Bảng 31.1. Nhiệt độ và lượng mưa các trạm khí tượng Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh
Trạm | Tháng | ||||||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | ||
Hà Nội Độ cao: 5m Vĩ độ: 21°01’B | Nhiệt độ (°C) | 16,4 | 17,0 | 20,2 | 23,7 | 27,3 | 28,8 | 28,9 | 28,2 | 27,2 | 24,6 | 21,4 | 18,2 |
Lượng mưa (mm) | 18,6 | 26,2 | 43,8 | 90,1 | 188.5 | 239,9 | 288,2 | 318,0 | 265,4 | 130,7 | 43,4 | 23,4 | |
Huế Độ cao: 17m Vĩ độ: 16°24'B | Nhiệt độ (°C) | 19,7 | 20,9 | 23,2 | 26,0 | 28,0 | 29,2 | 29,4 | 28,8 | 27,0 | 25,1 | 23,2 | 20,8 |
Lượng mưa (mm) | 161,3 | 62,6 | 47,1 | 51,6 | 82,1 | 1 16,7 | 95,3 | 104,0 | 473,4 | 795,6 | 580,6 | 297,4 | |
Tp Hồ Chí Minh Độ cao: 9m Vĩ độ: 10°47'B | Nhiệt độ (°C) | 25,8 | 26,7 | 27,9 | 28,9 | 28,3 | 27,5 | 27,1 | 27,1 | 26,8 | 26,7 | 26,4 | 25,7 |
Lượng mưa (mm) | 13,8 | 4,1 | 10,5 | 50,4 | 218,4 | 311,7 | 293,7 | 269,8 | 327,0 | 266,7 | 116,5 | 48,3 |
Dựa vào bảng 37.7, cho biết những tháng nào có nhiệt độ không khí giảm dần từ nam ra bắc và giải thích vì sao?
Khí hậu nước ta chia thành hai mùa rõ rệt, phù hợp với hai mùa gió.
Vì sao hai loại gió mùa trên lại có đặc tính trái ngược nhau như vậy?
Gió mùa đã mang đến cho nước ta một lượng mưa lớn (1500 - 2000mm/năm) và độ ẩm không khí rất cao (trên 80%).
Một số nơi do điều kiện địa hình, lượng mưa hàng năm tăng lên rất cao như Bắc Quang (Hà Giang) 4802 mm, Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) 3552 mm, Huế 2867 mm và Hòn Ba (Quảng Nam) 3752 mm.
Vì sao các địa điểm trên lại thường có mưa lớn?
2. TÍNH CHẤT ĐA DẠNG VÀ THẤT THƯỜNG
Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm của nước ta không thuần nhất trên toàn quốc, phân hoá mạnh mẽ theo không gian và thời gian, hình thành nên các miền và khu vực khí hậu khác nhau rõ rệt sau đây:
Miền khí hậu phía Bắc, từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16°B) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa và nửa cuối mùa đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và nhiều mưa.
Miền khí hậu phía Nam, từ dãy Bạch Mã trở vào có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắc.
Khu vực Đông Trường Sơn bao gồm phần lãnh thổ Trung Bộ. Phía đông dãy Trường Sơn, từ Hoành Sơn (vĩ tuyến 18°B) tới Mũi Dinh (vĩ tuyến 11°B) có mùa mưa lệch hẳn về thu đông.
Khí hậu Biển Đông Việt Nam mang tính chất gió mùa nhiệt đới hải dương.
Những nhân tố chủ yếu nào đã làm cho thời tiết, khí hậu nước ta đa dạng và thất thường?
Sự đa dạng của địa hình nước ta, nhất là độ cao và hướng của các dãy núi lớn đã góp phần quan trọng hình thành nhiều vùng khí hậu, nhiều kiểu khí hậu khác nhau. Thị trấn Sa Pa ở độ cao trên 1500 m quanh năm mát lạnh, có nhiều sương mù và có lúc chìm trong mưa tuyết (hình 31.1). Thời tiết miền núi cao thường khắc nghiệt và biến đổi nhanh chóng. Ta như thấy có cả bốn mùa trong một ngày.
Ngoài tính đa dạng, khí hậu Việt Nam còn rất thất thường, biến động mạnh, có năm rét sớm, năm rét muộn, năm mưa lớn, năm khô hạn, năm ít bão, năm nhiều bão... Công tác dự báo thời tiết và xác định thời vụ vì thế gặp nhiều khó khăn.
Sự thất thường trong chế độ nhiệt chủ yếu diễn ra ở miền nào? Vì sao?
Mưa lớn thường do bão và áp thấp nhiệt đới gây nên, tập trung ở các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Trung Bộ. Khi đổ bộ vào ven biển nước ta, bão thường gây ra mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Lượng mưa một ngày đêm ở vùng có bão đạt khoảng 150 - 300 mm, thậm chí trên 400 mm, gây úng ngập rất sâu.
Những năm gần đây các nhiễu loạn khí tượng toàn cầu như En Ninô và La Nina đã tác động mạnh đến khí hậu nước ta làm tăng cường tính đa dạng và thất thường của thời tiết, khí hậu Việt Nam.
Khí hậu nước ta là khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, diễn biến phức tạp.
Hằng năm lãnh thổ Việt Nam, cả trên đất liền và trên biển, nhận được một lượng bức xạ mặt trời rất lớn, số giờ nắng nhiều, nhiệt độ cao, lượng mưa và độ ẩm tương đối của không khí lớn.
Khí hậu nước ta thay đổi theo mùa và theo vùng (từ thấp lên cao, từ bắc vào nam và từ đông sang tây) rất rõ rệt.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Đặc điểm chung của khí hậu nước ta là gì? Nét độc đáo của khí hậu nước ta thể hiện ở những mặt nào?
2. Nước ta có mấy miền khí hậu? Nêu đặc điểm khí hậu từng miền.
3. Em hãy sưu tầm năm câu ca dao, tục ngữ nói về khí hậu - thời tiết ở nước ta hoặc ở địa phương em.
BÀI ĐỌC THÊM
GIÓ TÂY KHÔ NÓNG Ở NƯỚC TA
Thời tiết gió tây khô nóng diễn ra khá phổ biến ở vùng Tây Bắc và vùng Duyên hải miền Trung nước ta vào các tháng 6, 7, 8. Thời tiết lúc này rất khó chịu. Bầu trời hầu như không gợn một chút mây, gió nóng thổi đều đều làm khô kiệt mọi nguồn nước trên mặt, không khí ngột ngạt như trong một lò nung. Ánh nắng chói loá, làm cỏ cây úa vàng xơ xác.
Thời tiết khô nóng do gió tây thường kéo dài từng đợt vài ba ngày, đôi khi tới 5 - 7 ngày. Nhiệt độ cao nhất tới 41 - 43°C, nhiều khi ngay ban đêm cũng xấp xỉ 30°C. Độ ẩm thấp nhất tới dưới 30 - 40%. Đất kiệt nước, nứt nẻ…