Sau bài học này em sẽ:
• Nêu được vai trò của nhà ở.
• Nêu đặc điểm chung của nhà ở; nhận biết được một số kiến trúc nhà ở Việt Nam.
Câu hỏi Cuộc sống của con người sẽ khó khăn như thế nào nếu không có nhà ở? Tại Việt Nam, nhà ở có đặc điểm gì chung và có những kiến trúc đặc trưng nào? |
I. Vai trò của nhà ở
Khám phá
Quan sát Hình 1.1 và cho biết vì sao con người cần nhà ở?
Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở, giúp bảo vệ con người trước tác động xấu của thiên nhiên, xã hội và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của cá nhân hoặc hộ gia đình.
Nhà ở đem đến cho mọi người cảm giác thân thuộc, ở đó mọi người có thể cùng nhau tạo niềm vui, cảm xúc tích cực. Nhà ở cũng là nơi đem đến cho mọi người cảm giác riêng tư.
Thông tin bổ ích
Khoảng tám nghìn năm trước, con người đã bắt đầu biết làm nông nghiệp. Sự ra đời của nông nghiệp dẫn đến việc con người ít dịch chuyển hơn, khi đó các khu dân cư được hình thành, nhà ở bắt đầu được chú ý hơn và mang tính nhân tạo nhiều hơn.
II. Đặc điểm chung của nhà ở
1. Cấu tạo
Nhà ở thường bao gồm các phần chính là móng nhà, sàn nhà, khung nhà, tường nhà, mái nhà, cửa ra vào, cửa sổ (Hình 1.2)
2. Cách bố trí không gian bên trong
Nhà ở thường được phân chia thành các khu vực chức năng như khu vực sinh hoạt chung, khu vực nghỉ ngơi, khu vực thờ cúng, khu vực nấu ăn, khu vực vệ sinh,...
Ngoài hai đặc điểm trên nhà ở mang tính vùng miền, phụ thuộc vào các yếu tố vị trí địa lí, khí hậu, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Khám phá
Quan sát Hình 1.4, em có thể nhận biết được những khu vực chức năng nào trong ngôi nhà?
III. Kiến trúc nhà ở đặc trưng của Việt Nam
1. Nhà ở nông thôn
Ở vùng nông thôn, một số khu vực chức năng trong nhà ở truyền thống được xây dựng tách biệt. Ví dụ như khu vực nhà bếp, nhà kho sẽ được xây dựng tách biệt với khu nhà chính. Tuỳ điều kiện của từng gia đình mà khu nhà chính có thể được xây dựng ba gian hay năm gian. Các gian nhà thường được phân chia bằng hệ thống tường hoặc cột nhà (Hình 1.5).
2. Nhà ở thành thị
a) Nhà ở mặt phố
Ở đô thị, với đặc điểm mật độ dân cư cao, giải pháp trong kiến trúc nhà mặt phố chú trọng đến việc tiết kiệm đất, tận dụng không gian theo chiều cao nên thường được thiết kế nhiều tầng. Bên cạnh đó, tận dụng ưu thế mặt tiền nên nhà mặt phố được thiết kế để có thể vừa ở vừa kinh doanh (Hình 1.6).
Giải nghĩa thuật ngữ
Gian nhà: Phần không gian trong ngôi nhà được giới hạn bằng các hàng cột hay bức tường.
b) Nhà ở chung cư
Nhà chung cư được xây dựng để phục vụ nhiều gia đình, do đó nhà được tổ chức thành không gian riêng dành cho từng gia đình được gọi là các căn hộ và không gian chung như khu để xe, khu mua bán, khu sinh hoạt cộng đồng,... (Hình 1.7).
3. Nhà ở các khu đặc thù
a) Nhà sàn
Nhà sàn là kiểu nhà được dựng trên các cột phía trên mặt đất, phù hợp với các đặc điểm về địa hình, tập quán sinh hoạt của người dân. Với kiểu xây dựng này nhà sàn được chia thành hai vùng không gian sử dụng: phần sàn là khu vực sinh hoạt chung, để ở và nấu ăn; nhà sàn ở vùng cao phần dưới sàn thường là nơi cất giữ công cụ lao động (Hình 1.8).
b) Nhà nổi
Nhà nổi là kiểu nhà được thiết kế có hệ thống phao dưới sàn giúp nhà có thể nổi trên mặt nước. Nhà có thể di động hoặc cố định (Hình 1.9).
Kết nối năng lực
Sử dụng internet hoặc qua sách, báo, … để tìm hiểu thêm về đặc điểm kiến trúc nhà ở các vùng miền khác nhau của nước ta.
Luyện tập
Ở nơi em sống, có những kiểu kiến trúc nhà ở nào. Nhà sàn và nhà nổi phù hợp với những vùng nào ở nước ta.
Vận dụng
1. Nhà em thuộc kiểu kiến trúc nhà ở nào? Mô tả các khu vực chức năng trong ngôi nhà của gia đình em.
2. Nêu ý tưởng thiết kế ngôi nhà có các phòng chức năng phù hợp với các thành viên trong gia đình em.