Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 6 - Tập 2 - Đọc | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Đọc và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 6 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Trang 53

TRI THỨC NGỮ VĂN

Văn bản nghị luận

Văn bản nghị luận là loại văn bản chủ yếu dùng để thuyết phục người đọc (người nghe) về một vấn đề.

Các yếu tố cơ bản trong văn bản nghị luận

Để văn bản thực sự có sức thuyết phục, người viết (người nói) cần sử dụng lí lẽ và bằng chứng. Lí lẽ là những lời diễn giải có lí mà người viết (người nói) đưa ra đề khẳng định ý kiến của mình. Bằng chứng là những vi dụ được lấy từ thực tế đời sống hoặc từ các nguồn khác để chứng minh cho lí lẽ.

Trạng ngữ

Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, có thể được đặt ở đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu, nhưng phổ biến là ở đầu câu. Trạng ngữ được dùng để nêu thông tin về thời gian, địa điểm, mục đích, cách thức,... của sự việc được nói đến trong câu. Ngoài ra, trạng ngữ còn có chức năng liên kết câu trong đoạn.

Tác dụng của lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu đối với việc thể hiện nghĩa của văn bản

Để thể hiện một ý, có thể dùng những từ ngữ khác nhau, những kiểu cấu trúc câu khác nhau. Khi tạo lập văn bản, người viết thường xuyên phải lựa chọn từ ngữ hoặc cấu trúc câu phù hợp để biểu đạt chính xác, hiệu quả nhất điều muốn nói.

KẾT VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Xem người ta kia!, Lạc Thanh

VĂN BẢN 2. Hai loại khác biệt, Giong-mi Mun (Youngme Moon)

VĂN BẢN 3. Bài tập làm văn (trích Nhóc Ni-cô-la (Nicolas): những chuyện chưa kể), Rơ-nê Gô-xi-nhi (René Goscinny) và Giăng-giắc Xăng-pê (Jean-Jacques Sempé)

VĂN BẢN 1

Trước khi đọc

1. Trước một người bạn xuất sắc về nhiều mặt, em có suy nghĩ gì?

2. Trong cuộc sống, mỗi người có quyền thể hiện cái riêng của mình hay không? Vi sao?

Trang 54

Đọc văn bản

Xem người ta kìa!

LẠC THANH

"Xem người ta kìa!” – đó là câu mẹ tôi thường thốt lên mỗi khi không hài lòng với tôi về một điều gì đó. Cùng với câu này, mẹ còn nói: “Người ta cười chết!”, “Có ai như thế không?”, “Có ai làm vậy không?", "Ai đời lại thế?",... Tôi là đứa trẻ được dạy nhiều về hiếu thuận), tôi đã cố sức vâng lời để mẹ vui lòng. Nhưng mỗi lần như vậy, thú thật, tôi không thấy thoải mái chút nào.

THEO DÕI Chú ý cách vào bài bằng lời kể. Phải chăng, kể chuyện cũng là một cách để nêu vấn đề cần bàn luận?

Giờ đây, mẹ tôi đã khuất (2) và tôi cũng đã lớn. Tôi luôn nhớ về mẹ với niềm xúc động khôn nguôi(3), Tôi đã hiểu ra, mỗi lần bảo tôi: “Xem người ta kìa!" là một lần mẹ mong tôi làm sao để bằng người, không thua em kém chị, không làm xấu mặt gia đình, dòng tộc, không để ai phải phàn nàn, kêu ca điều gì. Mà có lẽ không riêng gì mẹ tôi. Có người mẹ nào trên đời không ước mong điều đó?

Mẹ tôi không phải không có lí khi đòi hỏi tôi phải lấy người khác làm chuẩn mực (4) để noi theo. Trên đời, mọi người giống nhau nhiều điều lắm. Ai chẳng muốn thông minh, giỏi giang? Ai chẳng muốn được tin yêu, tôn trọng? Ai chẳng muốn thành đạt? Thành công của

THEO DÕI Lí do nào khiến mẹ muốn con giống người khác?

người này có thể là niềm ao ước của người kia. Vì lẽ đó, xưa nay, không ít người tự vượt lên chính mình nhờ noi gương những cá nhân xuất chúng(5). Mẹ muốn tôi giống người khác, thì "người khác” đó trong hình dung của mẹ nhất định phải là người hoàn hảo (6), mười phân vẹn mười.

Tuy vậy, trong thâm tâm(7), tôi không hề cảm thấy dễ chịu mỗi lần nghe mẹ trách cứ.

(1) Hiếu thuận: có lòng kính yêu và biết nghe lời cha mẹ.

(2) Khuất, chết.

(3) Khôn nguôi, không thể quên.

(4) Chuẩn mực: cái được chọn làm căn cứ đề theo đó mà làm cho đúng.

(5) Xuất chúng, nổi bật, hơn hẳn mọi người về tài năng, trí tuệ.

(5) Hoàn hảo: tốt đẹp về mọi mặt.

(7) Thâm tâm: nơi sâu kín trong lòng.

Trang 55

THEO DÕI Những bằng chứng nào chứng tỏ thế giới này là muôn màu muôn vẻ?

Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận và hấp dẫn lạ lùng. Vạn vật trên rừng dưới biển đều thế và xã hội con người cũng thế. Nhớ các bạn trong lớp tôi ngày trước, mỗi người một vẻ, sinh động biết bao. Ngoại hình khác nhau, giọng nói khác nhau đã đành, mà thói quen, sở thích cũng có giống nhau đâu. Người thích vẽ vời, người ưa ca hát, nhảy múa, có bạn chỉ khi ra sân tập thể thao mới thực sự được là mình,... Về tính cách thì sôi nổi, nhí nhảnh hay kín đáo, trầm tư có đủ hết... Người ta thường nói học trò “nghịch như quỷ”, ai ngờ “quỷ” cũng là cả một thế giới, chẳng “quỷ” nào giống “quỷ” nào! Tôi đã đọc đâu đó một câu rất hay: “Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là... không ai giống ai cả”. Chính chỗ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người.

Tôi muốn trở lại với dòng hồi ức(1) được khai mở ở đầu bài. Dù có ý định tốt đẹp, những người thân yêu của ta đôi lúc cũng không hẳn đúng khi ngăn cản, không để ta được sống với con người thực của mình. Ai cũng cần hoà nhập, nhưng sự hoà nhập có nhiều lối chứ không phải một. Mỗi người phải được tôn trọng, với tất cả những cái khác biệt vốn có. Sự độc đáo của từng cá nhân làm cho tập thể trở nên phong phú. Nếu chỉ ao ước được giống người khác, thì làm sao ta có hi vọng đóng góp cho tập thể, cho cộng đồng một cái gì đó của chính mình? Đòi hỏi chung sức chung lòng không có nghĩa là gạt bỏ cái riêng của từng người.

Càng lớn, tôi càng hiểu nỗi lòng, mong ước của mẹ hơn. Tôi không còn cái cảm giác khó chịu nữa bởi đã nhận thức được rằng, những lời trách cứ (2) mẹ dành cho tôi cũng có thể là câu mà bao người mẹ trên đời đã nói với con. Tôi muốn đổi nội dung câu nói “Xem người ta kìa!" thành một lời khích lệ: Người ta đã khác, đã hay như thế, sao mình lại không khác, không hay, theo cách của mình? Biết hoà đồng, gần gũi mọi người, nhưng cũng phải biết giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt. Chẳng phải vậy sao?

SUY LUẬN Việc kết thúc văn bản bằng các câu hỏi có ý nghĩa gì?

(Theo Lạc Thanh, tạp chí Sông Lam, số 8/2020)

(1) Hồi ức: nhớ lại điều bản thân đã trải qua.

(2) Trách cứ nói ra điều thể hiện sự không bằng lòng.

Trang 56

Sau khi đọc

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Khi thốt lên "Xem người ta kia!", người mẹ muốn con làm gì?

2. Chì ra ở văn bản:

a. Đoạn văn dùng lời kể để giới thiệu vấn đề.

b. Đoạn văn là lời diễn giải có lí của người viết về vấn đề. c. Đoạn văn dùng bằng chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

3. Nội dung văn bản nhấn mạnh ý nghĩa của sự khác nhau hay giống nhau giữa mọi người?

4. Đọc lại đoạn văn có câu: Mẹ tôi không phải không có lí khi đòi hỏi tôi phải lấy người khác làm chuẩn mực để noi theo. Hãy cho biết người mẹ có lí ở chỗ nào.

5. Chính chỗ “không giống ai nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người. Tác giả đưa ra những ví dụ nào đề làm sáng tỏ ý ở câu trên? Qua tìm hiểu các ví dụ đó, em học được gì về cách sử dụng bằng chứng trong bài nghị luận?

6. Biết hoà đồng, gần gũi mọi người, nhưng cũng phải biết giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt – em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

7. Từ việc đọc hiểu văn bản Xem người ta kìa!, em hãy rút ra những yếu tố quan trọng của một bài nghị luận.

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: Ai cũng có cái riêng của mình.

Thực hành tiếng Việt 

TRẠNG NGỮ

1. Chỉ ra trạng ngữ trong các câu sau và cho biết chức năng của trạng ngữ ở từng câu:

a. Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận và hấp dẫn lạ lùng.

b. Giờ đây, mẹ tôi đã khuất và tôi cũng đã lớn.

c. Dù có ý định tốt đẹp, những người thân yêu của ta đôi lúc cũng không hần đúng khi ngăn cản, không để ta được sống với con người thực của mình.

Nhận biết trạng ngữ

• Đọc câu sau để biết vị trí của trạng ngữ: Hồi nhỏ, chúng tôi học cùng một lớp. Trong câu này, hồi nhỏ là trạng ngữ. Trạng ngữ đứng ở đầu câu như thể rất phổ biến trong tiếng Việt.

• Đọc các câu sau để hiểu chức năng của trạng ngữ:

(1) Đề giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ, em cần luyện tập thường xuyên. (Đề giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ là trạng ngữ chỉ mục đích.)

(2) Nhiều người thường cãi nhau chỉ vì những bất đồng nhỏ. (Chỉ vì những bất đồng nhỏ là trạng ngữ chỉ nguyên nhân.)

(3) Trong vườn trường, những khóm tường vi đã nở rộ. (Trong vườn trường là trạng ngữ chỉ địa điểm.)

(4) Vì lẽ đó, xưa nay, không ít người tự vượt lên chính mình nhờ noi gương những cá nhân xuất chúng. (Vì lẽ đó là trạng ngữ vừa chỉ nguyên nhân, vừa để liên kết với câu trước; xưa nay là trạng ngữ chỉ thời gian.)

Trang 57

2. Thử lược bỏ trạng ngữ trong các câu sau và chỉ ra sự khác nhau về nội dung giữa câu có trạng ngữ với câu không còn trạng ngữ:

a. Cùng với câu này, mẹ còn nói: “Người ta cười chết!".

b. Trên đời, mọi người giống nhau nhiều điều lắm.

c. Tuy vậy, trong thâm tâm, tôi không hề cảm thấy dễ chịu mỗi lần nghe mẹ trách cứ.

3. Thêm trạng ngữ cho các câu sau:

a. Hoa đã bắt đầu nó.

b. Bố sẽ đưa cả nhà đi công viên nước.

c. Mẹ rất lo lắng cho tôi.

NGHĨA CỦA TỪ NGỮ

4. Thành ngữ trong các câu sau có những cách giải thích khác nhau. Theo em, cách giải thích nào hợp lí?

a. Đòi hỏi chung sức chung lòng không có nghĩa là gạt bỏ cái riêng của từng người. Chung sức chung lòng có nghĩa là:

- Đoàn kết, nhất trí

- Giúp đỡ lẫn nhau

 - Quyết tâm cao độ. 

b. Mẹ muốn tôi giống người khác, thì “người khác" đó trong hình dung của mẹ nhất định phải là người hoàn hảo, mười phân vẹn mười.

Mười phân vẹn mười có nghĩa là:

- Tài giỏi

- Toàn vẹn, không có khiếm khuyết

- Đầy đủ, toàn diện.

5. Hãy xác định nghĩa của thành ngữ (in đậm) trong các câu sau:

a. Tôi đã hiểu ra, mỗi lần bảo tôi: "Xem người ta kìa!" là một lần mẹ mong tôi làm sao để

bằng người, không thua em kém chị.

b. Nhớ các bạn trong lớp tôi ngày trước, mỗi người một vẻ, sinh động biết bao.

c. Người ta thường nói học trò “nghịch như quỹ, ai ngờ quỹ cũng là cả một thế giới, chẳng "quỹ" nào giống "quỹ" nào!

Trang 58

VĂN BẢN 2

Trước khi đọc

1. Em có muốn thể hiện sự khác biệt so với các bạn trong lớp hay không? Vi sao?

2. Em suy nghĩ như thế nào về một bạn không hề cố tỏ ra khác biệt, nhưng vẫn có những ưu điểm vượt trội?

Đọc văn bản

Hai loại khác biệt

GIỚI-MI MUN(1)

Khi tôi còn học trung học, một trong những giáo viên của tôi đã giao cho cả lớp một bài tập mà chúng tôi buộc phải hoàn thành trong 24 tiếng đồng hồ. Bài tập là trong suốt 24 tiếng đồng hồ chúng tôi phải cố gắng trở nên khác biệt. Theo lời giáo viên, mục đích của bài tập là tạo cơ hội để chúng tôi bộc lộ một phiên bản (2) chân thật hơn về bản thân trước những người xung quanh. Quy định duy nhất là chúng tôi không được làm bất cứ điều gì gây hại, làm phiền người khác, hoặc vi phạm nội quy nhà trường.

THEO DÕI Bài tập mà giáo viên giao cho học sinh thực hiện nhằm mục đích gì?

Vào buổi sáng thực hiện bài tập, tôi quyết định tỏ ra khác biệt bằng cách mặc một bộ trang phục kì dị đến trường, với đồ pi-gia-ma(3) kết hợp với áo thun dài tay. Trông tôi như thể vừa lăn ra khỏi giường ngủ. Khi đến trường, tôi phát hiện ra rằng rất nhiều bạn cùng lớp cũng chọn cách tương tự - họ sử dụng quần áo để biểu lộ cá tính; hành lang trường đây những học sinh mặc quần áo quái lạ. Một số bạn để kiểu tóc kì quặc, trong khi một số khác lại làm trò quái đản (4) với trang sức hoặc phấn trang điểm. Một số lại quyết định tham gia vào những hoạt

THEO DÕI Bằng chứng thể hiện sự khác biệt của số đông học sinh trong lớp.

động ngu ngốc, gây chú ý. Tôi còn nhớ có một nhóm con gái nắm tay nhau,

(1) Giong-mi Mun sinh năm 1964, người Hàn Quốc, Tiến sĩ Trường Đại học Kinh doanh Ha-vót (Harvard).

(2) Phiên bản: bản sao lại từ một bản chính.

(3) Pi-gia-ma: bộ đồ mặc ở nhà.

(4) Quái đản: kì quái đến mức khó tin là có thật.

Trang 59

vừa đi dọc theo hành lang qua các lớp học, vừa cười, vừa hát như một nhóm trẻ mẫu giáo. Tôi còn nhớ có một bạn nữ, một vận động viên, đã nhào lộn trong phòng ăn trưa.

[...] Duy nhất, có một bạn – hãy tạm gọi bạn ấy là J - tạo ấn tượng trong tôi. Nhân tiện, bạn không thể hình dung một người như cậu ấy có thể làm được điều đó. J là người ít nói, không đặc biệt quái dị (1) cũng như không đặc biệt nổi tiếng. Chắc chắn cậu càng không phải là loại thích chơi trội. Thế rồi, sáng hôm đó, J đến trường, ăn mặc như bình thường và trông hệt như mọi ngày. Nhưng khi cậu giơ tay trong tiết đầu tiên tôi không còn nhớ tiết học về môn gì, có lẽ là Lịch sử hay Vật lí gì đó – cậu đã làm một điều bất ngờ khi giáo viên gọi cậu phát biểu: Cậu đã đứng lên trả lời câu hỏi.

THEO DÕI Bằng chứng cho thấy sự khác biệt của J?

Đúng vậy, cậu đã đứng lên. Để trả lời câu hỏi. Và khi phát biểu, cậu nói một cách thật từ tốn, dõng dạc và lễ độ. Như thể không có gì quan trọng hơn, không có gì ý nghĩa hơn tiết học này, câu trả lời này đây. Tôi còn nhớ khi đó tôi và những bạn khác trong lớp nhìn nhau như tự hỏi, Cậu ấy nghiêm túc thật đấy ư?

SUY LUẬN Vì sao các bạn học sinh trong lớp ngạc nhiên về J?

Rồi tiết học tiếp theo cũng như vậy. Bất cứ khi nào J được gọi, cậu đều đứng lên trả lời câu hỏi. Và mỗi lần phát biểu, cậu đều nói với giọng hoàn toàn chân thành. Như thể cậu rất quan tâm đến câu hỏi, như thể cậu thật sự muốn câu trả lời của mình có một giá trị nhất định. Không những thế – cậu còn nói với giáo viên là

(1) Quái dị rất khác với những gì thường thấy, gây cảm giác khó coi.

Trang 60

Thưa thầy cô. Cậu gọi tất cả chúng tôi bằng anh chị. Và đến cuối tiết học, cậu tiến lên phía trước và bắt tay thầy giáo như một lời cảm ơn thầm lặng.

Lần đầu tiên khi J làm như thế, cả bọn chúng tôi cứ cười khúc khích, và thành thật mà nói, ai cũng sẽ cười thôi. Hành động của cậu thật kì quặc và dường như tất cả chúng tôi đều trông đợi một trò đùa nào đó. Nhưng khi ngày dần trôi qua, tiếng cười khúc khích vơi đi, vì – tôi cũng chẳng biết nữa – chúng tôi bắt đầu nhận ra điều J đang làm mới tuyệt làm sao. Một điều gì đó trang trọng, một điều gì đó chững chạc, thậm chí có phần dũng cảm. Và cậu làm rất tốt – lại thêm một điểm nữa. Cậu hiểu rõ mình đang làm gì, cậu hành xử rất mực nghiêm trang. Tôi không thể đại diện cho cả lớp, nhưng đến cuối ngày, chúng tôi đều nhất trí rằng những điều J đã làm khá là mẫu mực.

Điều tôi học được từ bài tập này là: sự khác biệt chia làm hai loại. Một loại khác biệt vô nghĩa, và một loại khác biệt có ý nghĩa. Khi tôi quyết định mặc bộ đồ quái dị đến trường, tôi biết rằng mình không phải là người duy nhất, nhưng tôi đã chọn trò đơn giản nhất vì không quan tâm tìm kiếm một thứ ý nghĩa hơn. Và thành thật mà nói, tôi đoán rằng mình thật sự chẳng hề cố tỏ ra khác biệt, hoặc nếu có, tôi chỉ chọn loại khác biệt vô nghĩa. Về vấn đề này, tôi cũng chẳng đơn độc; đa số chúng tôi đều chọn loại vô nghĩa.

THEO DÕI Cách sử dụng lì lẽ để làm rõ vấn đề.

Chỉ có J là ngoại lệ. Trong 24 tiếng đồng hồ đó, cái nhìn của tôi về J đã hoàn toàn thay đổi; tất cả chúng tôi đều nhận thấy điều đó. Tôi không rõ tại sao cậu lại làm thế; có lẽ cậu thực sự có điều gì đó muốn nhắn nhủ với chúng tôi. Bất kể vì lí do gì, J là người duy nhất chọn loại khác biệt có ý nghĩa. Kết quả là vào cuối ngày hôm đó, tôi cảm giác rằng không một ai trong chúng tôi lại không nể phục cậu.

Khi nói đến việc thu hút sự chú ý, sẽ có những người chọn cách dễ dàng, không tốn chút tâm sức. Họ cố thu hút chúng ta bằng cách gây náo động hoặc tỏ ra ngu ngốc, hoặc bằng cách mặc đồ pi-gia-ma nhàu nhĩ đến trường. Nhưng khi điều này xảy ra, hoá ra nếu chúng ta có đủ thời gian để suy nghĩ, thì đây chính là điều chúng ta sẽ làm: Chúng ta chỉ đơn thuần tách những người vô nghĩa ra khỏi những người có ý nghĩa, và chúng ta bỏ qua nhóm đầu tiên vì họ chẳng có gì khác biệt. Với nhóm thứ hai, họ là những người khiến chúng ta đặc biệt chú ý, những người chúng ta cho là khác biệt thật sự.

THEO DÕI Kết luận nào được người viết rút ra sau khi trình bày li lẽ và bằng chứng?

(Giong-mi Mun, Khác biệt – thoát khỏi bầy đàn cạnh tranh, theo Dương Ngọc Lâm dịch, NXB Khoa học xã hội và An-pha-búc, Hà Nội, 2017, tr. 242 - 246)

Trang 61

Sau khi đọc

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Văn bản có kể một câu chuyện mà tác giả là người trong cuộc. Theo em, giữa việc kể lại câu chuyện và rút ra bài học từ câu chuyện, điều nào quan trọng hơn? Căn cứ vào đâu mà em xác định như vậy?

2. Việc thể hiện sự khác biệt của số đông các bạn trong lớp và của J hoàn toàn khác nhau. Sự khác nhau ấy biểu hiện cụ thể như thế nào?

3. Trong văn bản này, tác giả đi từ thực tế để rút ra điều cần bàn luận hay nêu điều cần bản trước, sau đó mới đưa ra bằng chứng từ thực tế để chứng minh? Hãy nhận xét về sự lựa chọn cách triển khai này.

4. Tác giả phân chia sự khác biệt thành hai loại: sự "khác biệt vô nghĩa" (qua cách thể hiện của số đông các bạn trong lớp) và sự "khác biệt có ý nghĩa" (qua cách thể hiện của J). Em có đồng tình với cách phân chia như thế không? Vì sao?

5. Do đầu số đông thường thể hiện sự khác biệt vô nghĩa? Muốn tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa, con người cần có những năng lực và phẩm chất gì? 6. Theo em, bài học về sự khác biệt được rút ra từ văn bản này có phải chỉ có giá trị đối với lứa tuổi học sinh hay không? Vì sao?

VIẾT KẾT NÓI VỚI ĐỌC

Với câu mở đầu: Tôi không muốn khác biệt vô nghĩa.... hãy viết tiếp 5 – 7 câu đề hoàn thành một đoạn văn.

Thực hành tiếng Việt 

LỰA CHỌN TỪ NGỮ

1. Trả lời các câu hỏi sau:

a. Với câu “Nhớ các bạn trong lớp tôi ngày trước, mỗi người một vẻ, sinh động biết bao." có thể dùng từ kiểu để thay cho từ vẻ được không? Vì sao?

b. Từ khuất được dùng trong câu "Giờ đây, mẹ tôi đã khuất và tôi cũng đã lớn." có phù hợp hơn so với một số từ khác cũng có nghĩa là chết như: mắt, từ trần, hi sinh?

c. Vì sao trong câu "Tôi luôn nhớ về mẹ với niềm xúc động khôn nguôi.", từ xúc động được chọn hợp lí hơn các từ khác như cảm động hay xúc cảm?

Nhận biết tác dụng của việc lựa chọn từ ngữ trong câu

Đọc câu sau để biết tác dụng của việc lựa chọn từ ngữ: Vì lẽ đó, xưa nay, đã có không ít người tự vượt lên chính mình nhờ noi gương những cá nhân xuất chúng.

Có một số từ gần nghĩa với noi gương như: học theo, làm theo, bắt chước.... nhưng noi gương là từ phù hợp nhất cho câu trên.

Trang 62

2. Chọn từ phù hợp nhất trong ngoặc đơn để đặt vào khoảng trống ở các câu sau và giải thich li do lựa chọn:

a. Bị cười, không phải mọi người đều ... giống nhau. (phản ứng, phản xạ, phản đối, phản bác)

b. Trên đời, không ai ... cả.

(hoàn tất, hoàn toàn, hoàn hảo, hoàn chỉnh)

c. Đi đường phải luôn luôn ... để tránh xảy ra tai nạn.

(nhìn ngó, dòm ngó, quan sát, ngó nghiêng)

d. Ngoài ... của bản thân, tôi còn được bạn bè, thầy cô thường xuyên động viên, khích lệ.

(sức lực, tiềm lực, nỗ lực)

LỰA CHỌN CẤU TRÚC CÂU

3. Thực hiện các yêu cầu sau:

a. Chỉ ra ý nghĩa của cụm từ in đậm trong câu sau và cho biết, nếu bỏ thành phần đó, câu thay đổi như thế nào về cấu trúc và ý nghĩa.

Giờ đây khi hồi tưởng lại, tôi đoán bạn có thể nói rằng bài tập là một kỉ niệm khó quên.

b. Văn bản Hai loại khác biệt có câu: "Cậu đã đứng lên trả lời câu hỏi.". Nếu câu này được viết lại thành "Cậu đã tră lời câu hỏi và đứng lên. thì có hợp không? ? Vì sao? 

c. Câu "Đến cuối tiết học, cậu tiến lên phía trước và bắt tay thầy giáo như một lời cảm ơn thầm lặng." có thể đồi cấu trúc: "Đến cuối tiết học, cậu bắt tay thầy giáo như một lời cảm ơn thầm lặng và tiến lên phía trước.". Vì sao không thể sử dụng câu biến đổi đề thay cho câu gốc trong văn bản?

Nhận biết tác dụng của việc lựa chọn cấu trúc câu

Đọc câu sau để biết tác dụng của việc lựa chọn cấu trúc câu phù hợp: Càng lón, tôi càng hiều nỗi lòng, mong ước của mẹ hơn.

Sử dụng cấu trúc câu có cặp quan hệ từ càng... càng, người viết đã thể hiện được ý: sự nhận thức của con về tình mẹ là một quá trình, nó sâu sắc và đầy đặn hơn theo thời gian và sự trưởng thành của con.

4. Sau đây là những câu thay đổi cấu trúc so với câu gốc trong các văn bản có trong bài học này. Nghĩa của câu thay đổi cấu trúc khác như thế nào so với câu gốc?

a. – Câu gốc: Tôi không rõ tại sao cậu lại làm thế, có lẽ cậu thực sự có điều gì đó muốn nhắn nhủ với chúng tôi.

- Câu thay đổi: Có lẽ cậu thực sự có điều gì đó muốn nhắn nhủ với chúng tôi, tôi không rõ tại sao cậu lại làm thế.

b. - Câu gốc: Tuy nhiên, đây không phải là điều quá nghiêm trọng, và càng không phải là “căn bệnh” hết cách chữa.

- Câu thay đổi: Tuy nhiên, đây không phải là "căn bệnh” hết cách chữa và càng không phải là điều quá nghiêm trọng.

Trang 63

VĂN BẢN 3

Đọc văn bản

Bài tập làm văn

Trích Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể,
RƠ-NÊ GÔ-XI-NHI và GIĂNG-GIẮC XĂNG-PÊ

Bố đi làm đã về đến nhà, bố ôm mẹ, ôm tôi và bố nói rằng: “Giời ạ, sao mà một ngày làm việc ở văn phòng nó lại mệt mỏi đến thế không biết", rồi bố xỏ giày păng-túp(1), bố vớ lấy báo, bố ngồi xuống ghế phô-tơi(2), còn tôi thì nói với bố rằng bố cần phải giúp tôi làm bài tập.

[...] Bố thật sự là rất khá. Bố bế tôi đặt tôi lên đầu gối, bố lau mặt cho tôi bằng cái khăn mùi soa(3) to của bố, bố nói với tôi rằng bố của bố thì chẳng bao giờ giúp bố làm bài tập cả, nhưng mà bố thì khác, bố sẽ giúp, nhưng mà là lần cuối cùng. Bố tôi í à, rất là tuyệt!

Chúng tôi chuyển sang cái bàn nhỏ trong phòng khách.

- Xem nào, bố hỏi tôi, xem cái bài tập lẫy lừng này nó ra làm sao nào?

Tôi trả lời bố rằng đó là một bài tập làm văn, đầu bài (4) là: “Tình bạn; hãy miêu tả người bạn thân nhất của em".

- Ő, đầu bài ra hay, rất hay đấy chứ, bố nói, mà bố lại còn rất giỏi về tập làm văn chứ lị, các thầy giáo bố còn nói là có cả một Ban-dắc (5) (Balzac) ở trong bố nữa kia.

Tôi không hiểu tại sao các thầy giáo bố lại nói thế với bố, nhưng đã nói thế thì chắc là phải oách lắm, cho nên bố mới có vẻ tự hào đến vậy.

Bố bảo tôi cầm lấy bút và bắt đầu viết.

- Phải bố cục(6) một tí, bố nói. Trước tiên, ai là bạn thân nhất của con?

- Con có hàng đống bạn thân, tôi trả lời bố. Còn những đứa khác thì chẳng bạn bè gì sất (7).

(1) Giày păng-túp: giày vài, để đi trong nhà.

(2) Ghế phô-tơi, ghế bành.

(3) Khăn mùi soa: khăn nhỏ và mỏng, thường bỏ túi để lấy lau mặt cho tiện.

(4) Đầu bài: hiện nay quen gọi là đề bài.

(5) Ban-dắc: Hô-nô-rê đơ Ban-dắc (Honoré de Balzac) (1799-1850), nhà văn Pháp.

(6) Bố cục: sắp xếp các ý, các phần trước sau cho hợp lí.

(7) Sất: nhấn mạnh sự phù định. Nói “chẳng bạn bè gì sất" cũng giống như nói “chẳng bạn bè gì hết".

Trang 64

Bố nhìn tôi như thể là bố hơi ngạc nhiên một tí, rồi bố nói: “Rồi, rồi” và bố yêu cầu tôi chọn một đứa bạn thân nhất trong cả đống và ghi ra những đức tính mà tôi thích ở thằng đó. Làm thế sẽ lập được dàn ý bài tập làm văn của chúng tôi, sau đó, viết sẽ rất dễ.

Thế là tôi bèn giới thiệu với bố thằng An-xe-xtơ (Alceste), cái thằng lúc nào cũng ăn luôn miệng và chẳng bao giờ bị ốm. Nó là thằng to béo nhất cả bọn, và nó rất là hay. Sau thằng An-xe-xtơ, tôi lại nói với bố thằng Giơ-phroa (Geoffroy), cái thằng có hàng đống đức tính hay: bố nó giàu ơi là giàu và toàn mua cho nó đồ chơi, và Giơ-phroa thỉnh thoảng lại mang cho bọn bạn mượn rồi làm vỡ mất. Rồi cả thằng Ơt-đơ (Eudes), cực khoẻ, và rất là thích đấm đá, nhưng mà chỉ đấm bạn bè thôi, bởi vì nó rất dát. Rồi còn cả thằng Ruy-phut (Rufus) nữa, như những đứa khác, cũng có rất nhiều đức tính: nó có một cái còi thổi nảy hột, và bố nó thì là cảnh sát. Rồi đến thằng Me-xăng (Maixent), chạy nhanh ơi là nhanh, và đầu gối thì vừa to vừa bẩn. Rồi đến thằng Gioa-chim (Joachim), không bao giờ muốn cho ai mượn gì, nhưng mà lúc nào thì cũng có hàng đống tiến trong túi để mua kẹo ca-ra-men(1) mà ngậm; còn chúng tôi thì chỉ được chẩu (2) mồm nó. Rồi tôi ngừng lại, bởi vì bố tôi cứ tròn mắt ra mà nhìn tôi.

- Thế thì sẽ khó hơn là bố tưởng rồi đây, bố nói.

Có ai đó nhấn chuông cửa ra vào và bố đi ra mở cửa. Bố quay vào cùng với ông Blê-đúc (Blédurt). Ông Blê-đúc là ông hàng xóm rất thích gây sự với bố.

- Tôi sang với anh, ta làm một ván cờ nhé, ông Blê-đúc nói.

- Không được rồi, bố trả lời, tôi phải làm bài tập cùng với thằng bé.

Bài tập của tôi lại có vẻ khiến ông Blê-đúc hết sức quan tâm, và khi ông biết chủ để bài tập làm văn của tôi, ông liền nói là để ông làm cho, và đảm bảo sẽ cực nhanh.

- Hãy gượm (3), bố nói, tôi sẽ làm bài tập cho con tôi.

- Đừng cãi nhau nữa, ông Blê-đúc nói; cả hai người mà cùng làm thì càng nhanh hơn, hay hơn chứ sao.

Thế rồi ông ấy ngồi xuống cái bàn nhỏ cùng với chúng tôi, ông gãi gãi cái đầu, ông nhìn ngơ ngẩn ra phía trước, và ông nói: “Xem nào, xem nào, xem nào”,

(2) Chẩu: hướng về, nhìn.

(1) Kẹo ca-ra-men: một loại kẹo có màu nâu nhạt, làm từ đường được nung nóng cho chảy ra.

(3) Gươm: chờ một lát.

Trang 65

rồi ông hỏi ai là bạn thân nhất của tôi. Tôi đang định trả lời thì bố đã ngắt lời không để tôi kịp nói. Bố nói với ông Blê-đúc rằng hãy để chúng tôi yên, rằng chúng tôi không cần gì ông cả.

Tốt thôi, ông Blê-đúc nói, tôi ấy à, tôi có bảo gì thì cũng chỉ là muốn cho con anh được điểm tốt hơn mà thôi, chả lẽ cứ lẹt đẹt (1) mãi.

Điều này lại khiến bố phật ý(2).

[...] Vì tôi thấy bố không bằng lòng nên tôi muốn bênh bố, tôi bèn nói với ông Blê-đúc rằng bố viết văn giỏi lắm và rằng các thầy giáo bố đã nói rằng có hàng đống Ban-dắc ở trong bố. Ông Blê-đúc bắt đầu cười rũ. Thế là bố đã vẩy mực vào ca-vát (3) của ông Blê-đúc.

Ông Blê-đúc rất tức giận.

[...] Tôi hiểu rằng bài tập làm văn của tôi thì tốt nhất là tôi tự làm một mình [...] và tôi đã làm được một bài tập làm văn ra trò, trong đó tôi bảo rằng thằng Ác-nhăng (Agnan) là người bạn thân nhất.

[...] Tôi được điểm rất cao với bài tập làm văn ở trường, và cô giáo còn viết vào vở của tôi: “Bài viết rất cá tính, đề tài độc đáo”.

Chỉ có một vấn để duy nhất là, từ cái bài tập làm văn về tình bạn, ông Blê-đúc và bố không nói chuyện với nhau nữa.

Minh hoạ của Giăng-giắc Xăng-pê

(Rơ-nê Gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê, Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể, tập 1, Trác Phong và Hương Lan dịch, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, Hà Nội, 2016, tr. 340-347)

(1) Lẹt đẹt: chậm chạp, kém cỏi, không theo kịp người khác.

(2) Phật ý: không vui, không được vừa ý.

(3) Ca-vát: một vật dụng thuộc trang phục, dùng để quảng quanh cổ áo sơ mi, thắt nút, buông xuống trước ngực, thường làm bằng vài hoặc lụa.

Trang 66

Sau khi đọc

• Rơ-nê Gô-xi-nhi (1926-1977) là nhà văn Pháp, chuyên sáng tác truyện tranh, viết kịch, làm phim.

• Giăng-giắc Xăng-pê (sinh năm 1932) là hoạ sĩ người Pháp, chuyên vẽ truyện tranh và tranh biếm hoạ.

Nhà văn RƠ-NÊ GÔ-XI-NHI

Hoạ sĩ GIĂNG-GIÁC XĂNG-PÊ

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Do đâu khi làm bài tập làm văn, Ni-cô-la phải nhờ đến bố?

2. Vì sao bố Ni-cô-la lại tỏ ra sốt sắng giúp cậu con trai làm bài văn?

3. Ai là người bạn thân nhất của cậu bé? – đó là điều cả bố Ni-cô-la và ông Blê-đúc cần phải biết khi muốn làm hộ bài tập làm văn. Vì sao vậy?

4. Vi sao sau khi Ni-cô-la đã kề ra nhiều người bạn của mình mà bố của cậu vẫn thấy khó viết?

5. Tôi hiểu rằng bài tập làm văn của tôi thì tốt nhất là tôi tự làm một mình – nhân vật trong câu chuyện rút ra một kinh nghiệm như thế qua những gì đã xảy ra khi nhờ bố làm bài. Em có đồng ý với điều đó không? Vi sao? 

6. Nếu gặp một đề văn như của Ni-cô-la, theo em, việc đầu tiên phải làm là gì? 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 6 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Âm Nhạc 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Bài Tập Âm Nhạc 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Bài Tập Công Nghệ 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Bài Tập Giáo Dục Công Dân 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Bài Tập Khoa Học Tự Nhiên 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Bài Tập Mĩ Thuật 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Bài Tập Ngữ Văn 6 - Tập 1

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Bài Tập Ngữ Văn 6 - Tập 2

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Bài Tập Tin Học 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

Gợi ý cho bạn

giai-tich-12-nang-cao-749

Giải Tích 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam, gồm 4 chương

giao-duc-the-chat-2-1006

Giáo Dục Thể Chất 2

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

tap-viet-2-tap-mot-1008

Tập Viết 2 - Tập Một

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

lich-su-12-nang-cao-660

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

vo-bai-tap-dao-duc-1-16

Vở bài tập ĐẠO ĐỨC 1

Sách Lớp 1 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.