Thời Trần, nghề chính của nhân dân ta vẫn là trồng lúa nước. Sông ngòi chằng chịt là nguồn cung cấp nước cho việc cấy, trồng, song lụt lội cũng thường xuyên xảy ra. Vì vậy, việc đắp đê phòng chống lũ lụt đã trở thành truyền thống của ông cha ta.
- Em có được chứng kiến hoặc biết câu chuyện nào về cảnh lụt lội không ? Hãy kể tóm tắt về cảnh lụt lội đó.
Nhà Trần rất quan tâm đến việc đắp đê phòng lụt, đã lập Hà đê sứ để trông coi việc đắp đê và bảo vệ đê. Năm 1248, nhân dân cả nước được lệnh mở rộng việc đắp đê suốt từ đầu nguồn các con sông lớn cho đến cửa biển. Hằng năm, khi có lũ lụt, tất cả mọi người không phân biệt trai gái, giàu nghèo đều phải tham gia bảo vệ đê. Các vua nhà Trần cũng có khi tự mình trông nom việc đắp đê. Do vậy, có cuốn sử đã ghi rằng, nhà Trần là "triều đại đắp đê".
Đến thời nhà Trần, hệ thống đê đã hình thành dọc theo sông Hồng và các con sông lớn khác ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hệ thống đê điều này đã góp phần giúp cho nông nghiệp phát triển.
Cảnh đắp đê dưới thời Trần (tranh vẽ)
Nhà Trần rất coi trọng việc đắp đê phòng lũ lụt. Nhờ vậy nền kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nhân dân ấm no.