Ở vùng núi phía bắc nước Văn Lang, bên cạnh người Lạc Việt, còn có người Âu Việt. Họ cũng biết chế tạo đồ đồng thau, trồng lúa, chăn nuôi, đánh cá và có những tục lệ giống người Lạc Việt. Dân Lạc Việt và Âu Việt sống hòa hợp với nhau.
Năm 218 TCN, quân Tần (ở Trung Quốc ngày nay) tràn xuống xâm lược các nước phương Nam. Thục Phán đã lãnh đạo người Âu Việt và người Lạc Việt đánh lui giặc ngoại xâm rồi sau đó dựng nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương. Kinh đô được dời xuống vùng Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay).
- Xác định vùng Cổ Loa trên lược đồ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (hình 1, bài 1).
Thời Âu Lạc, người ta đã sử dụng rộng rãi các lưỡi cày đồng, biết rèn sắt, chế tạo được loại nỏ bắn một lần được nhiều mũi tên. An Dương vương cho xây thành Cổ Loa (nay còn di tích ở huyện Đông Anh, Hà Nội).
Triệu Đà - vua của nước Nam Việt (miền Nam Trung Quốc ngày nay), nhiều lần kéo quân sang xâm lược nước Âu Lạc. Người Âu Lạc đoàn kết một lòng chống giặc, lại có tướng chỉ huy giỏi, vũ khí tốt, thành lũy kiên cố nên lần nào quân giặc cũng bị đánh bại.
Hình 1. Đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)
Hình 2. Lược đồ khu di tích Cổ Loa ngày nay
Tương truyền rằng, biết không thể thắng nổi người Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự. Triệu Đà đã hoãn binh, cho con là Trọng Thủy sang làm con rể An Dương Vương để điều tra cách bố trí lực lượng và chia rẽ nội bộ những người đứng đầu nhà nước Âu Lạc. Năm 179 TCN, Triệu Đà lại đem quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua trận, phải nhảy xuống biển tự vẫn. Từ đó, nước Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.
Hình 3. Mũi tên đồng
Cuối thế kỉ III TCN, nước Âu Lạc tiếp nối nước Văn Lang. Nông nghiệp tiếp tục được phát triển. Kĩ thuật chế tạo ra nỏ bắn được nhiều mũi tên và việc xây dựng thành Cổ Loa là những thành tựu đặc sắc về quốc phòng của người dân Âu Lạc.
Năm 179 TCN, quân Triệu Đà đã chiếm được Âu Lạc.
Câu Hỏi
1. Nước Âu Lạc ra đời trong hoàn cảnh nào ?
2. Thành tựu đặc sắc về quốc phòng của người dân Âu Lạc là gì ?